Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

Bài số 63 Một Cõi Thiền Nhàn





Chào quý bạn,

Đây là bài thứ sáu mươi ba của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Chúng ta đang bắt đầu một năm mới 2011.  Năm cũ 2010 đã trở thành quá khứ với những biến động chính trị, văn hóa, xã hội, thiên tai địa hoại đau thương, khủng khiếp. Chúng ta còn đang hiện diện an lành trên cõi trần trong giây phút hiện tại này quả là ân phúc của Trời Phật ban cho chúng ta.   Xin cảm tạ ơn trên đã ban phúc lành cho chúng ta.

 Trời Portland bây giờ  lạnh quá!  Quấn mình trong chiếc mền ấm, ngồi xem phim truyện truyền hình của đài SBTN trong ngôi nhà ấm cúng bên cạnh những người thân trong gia đình, bạn có thấy mình hạnh phúc lắm không? Hãy tưởng tượng cũng trong giờ phút này, có những kẻ vô gia cư đang nằm co ro nơi gầm cầu hay bên hè phố, họ có đáng thương, đáng tội nghiệp chăng?
Tại sao cũng cùng một kiếp người mà lại có người nghèo khổ, kẻ giàu sang, bạn nhỉ?

  Tôi cũng thường tự hỏi:

“Giòng định mệnh mỗi một người mỗi khác
Người sang giàu, kẻ nghèo khổ đau thương
Kẻ chăn êm, người vất vưởng ngoài đường
Ta tự hỏi:  Ấy phải chăng duyên nghiệp

Đây cõi tạm ta trải bao nhiêu kiếp
Trăm năm xưa ta ở tận nơi đâu
Nẽo nhân gian bao sương tuyết dãi dầu
Buông tay xuống ta về đâu chẳng biết?”

(Trích trong Giòng Sông Sinh Tử - Thơ Sương Lam)

Cuộc đời đầy những đau thương nên chúng ta vẫn thường chúc nhau và cầu nguyện đưọc sồng bình an trong đời sống.
Nhưng thế nào là bình an?
Có  người đã quan niệm như sau:

Bình an

Bình an không có nghĩa là được ở chỗ tĩnh lặng, không phiền toái, khỏi nhọc nhằn. Bình an là ở ngay trong chốn náo loạn, nhiễu phiền, đầy gánh nặng, mà cảm nhận được rằng lòng mình vẫn êm tịnh làm sao.
Vô Danh
 
Lại có một câu chuyện  kể như sau:

Bức tranh bình an

Trong triều của một vua nọ có hai họa sĩ rất tài ba nhưng luôn ganh ghét đố kỵ nhau.
Một hôm nhà vua phán: “Ta muốn phán quyết một lần dứt khoát ai trong hai ngươi là người giỏi nhất. Vậy hai ngươi hãy vẽ mỗi người một bức tranh theo cùng một đề tài, đó là bình an”.
Hai họa sĩ đồng ý. Một tuần sau họ trở lại, mỗi người mang theo bức vẽ của mình. Bức họa của người thứ nhất vẽ một khung cảnh thơ mộng: những ngọn đồi nhấp nhô bao quanh một cái hồ rộng với mặt nước phẳng lì không một gợn sóng. Toàn cảnh gợi lên một cảm giác thanh thản, thoải mái. Sau khi xem xong, nhà vua nói : “Bức họa này rất đẹp, nhưng trẫm chưa hài lòng”.
Bức họa của người thứ hai vẽ một thác nước. Hình ảnh rất sinh động đến nỗi nhìn nó người ta như nghe được tiếng nước đổ ầm ầm xuống vực thẳm. Nhà vua nói : “Đây đâu phải là một cảnh bình an”.
Họa sĩ thứ hai bình tĩnh đáp: “Xin bệ hạ nhìn kỹ hơn một chút nữa xem”.
Nhà vua nhìn kỹ và khám phá một chi tiết mà ông chưa chú ý: Trong một nhành cây nép mình sau dòng thác lũ, có một tổ chim. Trong tổ, chim mẹ đang ấp trứng, đôi mắt nửa nhắm nửa mở. Chim mẹ đang bình thản chờ các con mình nở ra.
 Nhà vua nói: “Ta rất thích bức tranh này. Nó đã chuyển tải được một ý tưởng độc đáo về bình an, đó là vẫn có thể sống bình an ngay giữa những xáo trộn của cuộc đời”. Và nhà vua đã trao giải nhất cho tác giả bức hoạ này.
(Nguồn: Sưu tầm trên internet)
Bạn có đồng ý với nhà vua và nhà hoạ sĩ thứ hai không?
Riêng nguời viết hoàn toàn đồng ý với người họa sĩ  này vì ông đã có cái tâm tĩnh lặng  và biết hưởngthụ  phút giây an bình trong hiện tại, mặc cho tình huống xáo động bên ngoài.

Xin mời quý bạn đọc thêm mẫu chuyện kế tiếp dưới đây

 Một ngụ ngôn

Phật kể một ngụ ngôn trong kinh:

Một người đàn ông băng qua một cánh đồng gặp một con cọp giữa đường. Anh ta chạy trốn, cọp đuổi theo. Đến một vực sâu, anh nắm được rễ nho và đu mình sang bên kia. Cọp ở trên dọa anh ta. Sợ hãi, người đàn ông nhìn xuống, dưới xa, một con cọp khác đang đợi anh ta. Giúp anh ta chỉ có dây nho.
Hai con chuột một trắng một đen, từ từ bắt đầu gặm mòn rễ nho. Người đàn ông thấy một trái dâu thơm ngon gần đó. Một tay nắm dây nho, một tay thò qua hái trái dâu. Ôi! Trái dâu mới ngon ngọt làm sao!

( Nguồn:Trích trong Góp Nhặt Cát Đá - Giai thoại Thiền của Thiền Sư MUJU. Người dịch : Đỗ Đình Đồng. Người hiệu đính và đề tựa: Xạ Thụy)

Các nhà hiền triết, thánh nhân đều khuyên ta hãy sống vui với giây phút hiện tại với những gì mình đang có trong tầm tay của mình với yêu thương và nhân ái.  Chỉ cần biết dùng một ít “chút xíu” nữa, bạn sẽ thấy mình đang sống hạnh phúc trong cõi đời này rồi. Bạn ạ!

1. Miệng ngọt ngào thêm một chút nữa.
2. Đầu óc hoạt động thêm một chút nữa.
3. Nóng giận ít thêm một chút nữa.
4. Độ lượng nhiều hơn một chút nữa.
5. Lòng rộng rãi thêm một chút nữa.
6. Làm việc thiện nhiều thêm một chút nữa.
7. Nói năng nhẹ nhàng thêm chút xíu nữa.
8. Mỉm cười thêm một chút xíu nữa.

Bạn thấy có đúng không?

Để kết luận cho bài viết đầu năm chủ đề Bình An, người viết xin phép mượn những vần thơ dưới đây thay cho lời Chúc Mừng Năm Mới 2011 của tôi gửi đến quý bạn nhé!

Trong Tinh Tấn ta quyết tâm tận diệt
Những ác nhân, nên làm chuyện thiện lành
Quay về ngay với bản thể tinh anh
Tánh bản thiện nhân chi sơ sẵn có

Tâm Tĩnh Lặng thì Niết Bàn là đó
Mỗi một người có Phật tánh trong ta
Nếu nhận ra dẫu trong cõi Ta Bà
Ta tìm thầy thiên đường nơi trần thế

 (Trích trong Giòng Sông Sinh Tử - Thơ Sương Lam)

Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi- ORTB 454-1-7-2011)



Bài số 62 Một Cõi Thiền Nhàn





Chào quý bạn,

Đây là bài thứ sáu mươi hai của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo

Rồi mùa Giáng Sinh cũng qua đi.  Những náo nức chờ đón nhận quà của ông già Noel  cũng trôi qua khi những đứa bé nhận được những món quà được mở ra trong ngày Giáng Sinh. Cô cháu nội Mya Ngọc Vy yêu quý 4 tuổi của tôi cứ chạy đến nhắc tôi mau khai mạc màn mở quà mãi, mặc dầu tôi còn đang thưởng thức ngon lành tô bún suông do cô em dâu tôi mang đến trong buổi tiệc xum họp gia đình đêm Giáng Sinh ở nhà tôi năm nay. Con nít nào mà không ham mở quà Giáng Sinh chứ lị!

Ngon tuyệt!  Bạn ạ! Ở Portland không có nhà hàng nào bán món bún suông nổi tiếng một thời ở nhà hàng Thanh Thế của một Sàigòn ngày cũ cả. Bởi thế, muốn ăn những “món ngon quê mẹ” này, bạn chỉ có thể nấu theo kiểu “homemade” ở nhà mà thôi vì thú thật, không phải nhà hàng nào cũng có đầy đủ thức ăn theo khẩu vị Việt Nam đúng theo ý của bạn đâu nhé!  Tôi bảo đảm chắc chắn với bạn rằng:  “Không ai nấu tô canh chua, kho cá kho tộ, kho mắm và rau ngon như Mẹ của chúng ta cả vì Mẹ là người hiểu ý ta ăn mặn ngọt như thế nào mà nêm nếm theo khẩu vị của ta và những món ăn ấy đã theo ta suốt cả đời từ lúc tấm bé cho đến lúc lớn khôn.”
Hơn thế nữa, Mẹ đã hết tâm tư, tình cảm thương yêu vào tô canh mẻ cá đó khi kho cá nấu canh cho chồng, cho con thì làm sao không ngon cho được! Có nhà hàng nào nêm nếm được những gia vị tình cảm yêu thương tha thiết đó cho ta, phải không bạn? Nhắc đến đây, tôi thấy một cái gì nghèn nghẹn nơi cổ họng và hình như tôi đã khóc!  Còn bạn thì sao?

Người ta thường bảo người già thường sống nhiều về kỷ niệm xa xưa, về tình cảm gia đình.
Đúng thế! Tôi đã thấy những cụ già giọng nói nghẹn ngào khi nhắc lại kỷ niệm về những người bạn đã nằm xuống của thuở “chinh chiến điêu linh” ngày cũ  hay kể lại những ngày sống khốn khổ ở trong các trại tỵ nạn sau cuộc “hành trình tìm tự do” của họ. Và năm tháng cứ dần dần trôi trôi mãi, bạn và tôi cũng đã bước vào cái “tuổi không còn trẻ nữa” rồi, bạn ạ!

Người trẻ bận lo bon chen trong cuộc sống hằng ngày nơi hảng xưởng, xí nghiệp; người già đang “giúp nhau tìm lại niềm vui” trong những buổi họp mặt của các tổ chức dành cho người cao niên hoặc sống âm thầm lặng lẻ nơi những viện dưỡng lão.
Những đứa trẻ lớn lên nơi xứ người nhớ gì về quê hương cũ và những người già nằm xuống bây giờ hồn phách ở nơi đâu?  Nếu Bạn cứ mãi lo buồn, nghỉ ngợi như thế mãi thì bạn lại càng “chóng già” hơn nữa, cho nên bạn hãy cố gắng sống thích ứng vào đời sống của  một  “Già Ta, Già Mỹ” nơi xứ người cho vui với đời một tí, bạn nhé!

Người trẻ người già, người nào cũng có những giây phút bận rộn trong cuộc sống.  Chính những giây phút bận rộn đó đôi khi lại có ích cho đời sống tinh thần và sức khỏe của bạn hơn  là “ăn không ngồi rồi” vì ngưòi xưa vẫn thường nói ”Nhàn cư vi bất thiện” dù rằng có người đã nói: “Bận rộn khiến cho ta không thấy được cái đẹp của người mà ta thương yêu”.

Chữ Nhàn ở trong câu “Nhàn cư vi bất thiện” chỉ sự làm biếng, không thích làm việc  gì cả, khác với thú hưởng nhàn tao nhã của các bậc văn nhân trí sĩ như Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Bỉnh Khiêm sau khi đã:

 “Trong lang miếu, ra tài lương đống
Ngoài biên thùy rạch mũi can tương
Làm sao cho bách thế lưu phương
Trước là sĩ, sau là khanh tướng »

Lúc đó, họ mới có thể hưởng nhàn với :

 « 
Năm ba chú tiểu đồng lếch thếch,
Tiêu dao nơi hàn cốc, thanh sơn,
Nào thơ, nào rượu, nào địch, nào đờn,
Đồ thích chí chất đầy trong một túi.
Mặc ai hỏi, mặc ai không hỏi tới,
Gẩm việc đời mà ngắm kẻ trọc thanh,
Này này sĩ mới hoàn danh. » 

 (Trích  bài Kẻ Sĩ của Nguyễn Công Trứ)

 Khi bận rộn với cuộc sống, người già hay người trẻ cũng cần biết sắp xếp thứ tự ưu tiên và giá trị của những sự việc phải làm, để giải quyết  công việc thế nào cho hợp lý và có lợi ích tối đa. Sau đó, cũng phải biết dành thời giờ để nghỉ ngơi, trò chuyện với bạn bè.

 Xin mời bạn đọc  mẫu chuyện dưới đây để  biết cách giải quyết những cái bận rộn của ta một cách hữu hiệu, bạn nhé:

Cái bình rỗng và hai tách cà phê

Giờ triết học, vị giáo sư già ngồi yên ở bàn với một số đồ lỉnh kỉnh trước mặt. Khi giờ học bắt đầu, giáo sư không nói lời nào mà đặt một cái bình lớn lên trên mặt bàn và đổ đầy vào đó những quả bóng bàn. Sau đó ông hỏi tất cả sinh viên trong lớp và mọi người đều đồng ý rằng cái bình đã đầy.
Tiếp đó, ông giáo sư lấy ra một hộp đầy sỏi nhỏ và đổ chúng vào bình. Ông lắc nhẹ cái bình, sỏi rơi đầy các kẽ hở giữa những quả bóng bàn. Một lần nữa ông hỏi các sinh viên của mình và tất cả đều đồng ý là cái bình đã đầy.
Tiếp tục công việc, vị giáo sư lấy tiếp một cái hộp đựng đầy cát và trút tất cả số cát vào bình. Tất nhiên là cát nhanh chóng lấp đầy những kẽ hở còn lại.
 Thêm một lần nữa giáo sư hỏi cả lớp chiếc bình đã đầy chưa. Lần này, rất quả quyết, đám sinh viên trong lớp khẳng định cái bình không thể chứa thêm một thứ gì nữa.
  Mỉm cười, vị giáo sư ra ngoài lấy hai tách cà phê rồi trút cả vào trong bình. Ðám cát có sẵn nhanh chóng hút hết, và cà phê đã lấp đầy khoảng trống dù rất bé nhỏ giữa những hạt cát.     
- “Nào các trò”, ông giáo sư ngồi xuống ghế và bắt đầu. “Tôi muốn các trò hãy coi cái bình này như cuộc sống của các trò. Những trái bóng bàn kia là những thứ quan trọng nhất trong cuộc sống của các trò: Gia đình, con cái, sức khoẻ, những người bạn và những niềm đam mê. Nếu những thứ đó còn, cuộc sống của các trò vẫn coi như hoàn hảo”.   
Những viên sỏi kia tượng trưng cho những thứ khác trong cuộc sống như công việc, nhà cửa hay xe hơi.    
Cát là đại diện cho những điều vặt vãnh khác. Nếu các trò bỏ cát vào bình đầu tiên, sẽ không còn chỗ trống cho sỏi hay bóng bàn. Cuộc sống cũng thế. Nếu bỏ quá nhiều thời gian, sức lực cho những thứ vặt vãnh, các trò sẽ không còn thời gian cho điều gì quan trọng hơn.    
Những thứ cần quan tâm có thể là những thứ quyết định hạnh phúc của các trò. Ðó có thể là chơi với bọn trẻ, có thể là bỏ thời gian để đến khám bác sĩ định kỳ, có thể là dành thời gian ăn tối cùng gia đình, cũng có khi chỉ là công việc dọn dẹp nhà cửa và tống khứ đi một số thứ không cần thiết.      
Hãy quan tâm đến những trái bóng bàn đầu tiên, những thứ thật sự quan trọng. Hãy biết ưu tiên cái gì đầu tiên. Những thứ còn lại chỉ là cát thôi.    
Có một cánh tay đưa lên và một câu hỏi cho giáo sư: “Vậy cà phê đại diện cho cái gì thưa giáo sư?”
Ông giáo sư mỉm cười: “Tôi rất vui khi trò hỏi câu đó. Cà phê có nghĩa là dù trò có bận rộn với cuộc sống của mình đến đâu thì vẫn luôn có thời gian để đi uống một tách cà phê với bạn bè”.
Hạnh Giải dịch
(Nguồn: Sưu tầm trên internet)

Người viết thiển nghĩ: bài viết nói trên rất hữu ích cho tất cả mọi người dù ở lứa tuổi nào vì đã giúp ta cân phân nặng nhẹ những việc chúng ta cần phải làm và vui nhất là dù chúng ta có bận rộn đến đâu, chúng ta vẫn có những giây phút nhàn nhã trong cuộc sống là đi uống cà phê với bạn bè.  Bạn thấy có vui chăng?

Một năm cũ sắp qua, Bạn đã có kế hoạch nào cho năm mới sắp đến chưa? 
 Dù chưa có hay đã có, việc quan trọng nhất trong phút giây hiện tại là chúng ta hãy vui sống với những gì chúng ta đang có trong tầm tay với của chúng ta với tinh thần lạc quan, và làm việc thiện lành, như vậy là quá tốt rồi như bác Nguyễn Ngự Bình đã tâm sự trong bài viết Giúp Nhau Tìm Lại Niềm Vui của bác:

“Chúng ta hôm nay, đủ ăn , đủ mặc, tinh thần sống thoải mái trong một thế giới đảo điên đầy chiến tranh, thiên tai bão lụt, là chúng ta biết mình có đầy đủ phước lành từ quá khứ, và từ đó, đầy tin tưởng vào tương lai, sẽ từ “ ăn tới huề.” chứ không đi xuống!”

Năm mới sắp đến, người viết xin chúc tất cả quý bạn và gia đình hai chữ An Lành    Hạnh Phúc với cái tâm an bình của mình và:

“Đừng tìm mãi nơi đâu là Hạnh phúc
Có thể gần, cũng có thể thật xa
Xa hay gần là ở tại Tâm ta
Ta cảm nhận thế nào là thế đó”

Bạn đồng ý chứ?

(Trích trong Hạnh Phúc Ở Nơi Đâu - Thơ Sương Lam)

Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-ORTB 454

Giúp Nhau Tìm lại Niềm Vui




 Đã có một thời bà con miền Nam mê say câu vọng cổ :
 Ôi ! tu là cội phúc, tình là giây oan,
                 Nhưng,
Tình chưa trọn thì tu làm sao cho thành được ?

Đó là chuyện tình “Lan và Điệp.” Ngòai đời xem ra củng gần giống như vậy.

Trong chiều hướng “Giúp nhau tìm lại niềm vui .” Sương Lam đã đóng góp 60  bài tham luận có giá trị trên Oregon Thời Báo trong năm qua.
Giáng sinh năm nay, vừa tròn một năm, biết bao thăng trầm trong cuộc sống. Trong phạm vi nhỏ hẹp văn học nghệ thuật, miền Tây Bắc Hoa Kỳ, ta thử chúng ta, nhìn lại xem người viết, nhà văn nữ Sương Lam, và nguời đọc đã chia xẻ với nhau được những gì
?
Sương Lam đem “Tâm tình làm văn nghệ.” Trong năm qua, bao nhiêu điều đáng nói, và nói sao hết, trong một bài nhận xét có giới hạn 2000 chử. Nhưng, người viết, như  một bà nội trợ nấu ăn, mà chúng ta là những người thưởng thức, ít ra củng phải biết ngon dở để khỏi mang tiếng  :
        “ Thực bất tri tì vị công làm uổng công .”

Chủ đích của Sương Lam đã rõ: giúp nhau tìm lại niềm vui trong cuộc sống cuối đời, của quý vị cao niên, nơi viễn xứ. Để hướng dẫn, SL phân tách bài thơ nổi tiếng: Nhất Chi Mai:
         
          “Xuân khứ bách hoa lạc
             Xuân đáo bách hoa khai
             Sụ trục nhãn tiền quá
             Lão tùng đầu thượng lai
             Mạc tận xuân tàn hoa lạc tận
             Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

             ( Thiền Sư Thích Mãn Giác )

            Xuân đi trăm hoa rụng
            Xuân đến trăm hoa nở
            Việc đời qua trước mắt
            Trên đầu già đến nơi
            Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
            Đêm qua sân trước nở cành mai.

Bài thơ ngắn, gọn, đã gói ghém triết lý cao cả của Phật giáo: Sinh , Lão, Bệnh, Tử, Sắc, Không.. Cuối cùng Cô nhấn mạnh: hoa nở, hoa tàn rồi hoa lại nở. Vòng tròn ấy không bao giờ ngưng nghỉ. Chúng ta đừng ngại một sư mất mát nào. Cứ làm lành tránh dữ, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp.

            Để giúp ta vui sống trong hiện tại, đừng quá suy nghỉ về quá khứ, không quá lo âu với tương lai, Sương Lam trích dẫn bài thơ nổi tiếng :

           “Còn gặp nhau thì hãy cứ vui
             Chuyện đời như nước chảy hoa trôi
             Lợi danh như bóng mây chìm nổi
             Chỉ có tình thương để lại đời.”

                 (Tôn Nữ Hỹ Khương )

Về cuộc sống hạnh phúc lứa đôi, Sương Lam khuyên vợ chồng nên dĩ hòa vi quý.
   “Chồng giận thì vợ làm lành,
  Miệng cười hớn hở rằng anh giận gì?”
Cô đem chuyện 2 con khỉ già, gợi ra hình ảnh hai vợ chồng già vuốt tóc cho nhau, đôi khi “giận thì giận mà thương thì thương .” Và cô sưu tầm bài thơ
“Đôi Dép” đã cho ta xúc động mãnh liệt. Tuy hai chiếc dép trái chiều nhau, nhưng khi một chiếc mất đi, không có gì thay thế được, bước đi sẽ gập ghềnh. Bởi vậy, hôm nay còn có với nhau, nên yêu thương chung thủy.

              Cám ơn Sương Lam đã bỏ công sưu tầm, chắt lọc tinh hoa cuộc sống, để dâng hiến cho đời, mà chúng ta hân hạnh tận hưởng hôm nay.

Tuy nhiên, tình chưa trọn thì tu làm sao cho thành được?

Rong chơi trong khu “ Thiền Nhàn.” của Sương Lam thì thảnh thơi thật. Nhưng ngày xưa, Tuệ Trung Thương sĩ, một Thiền Sư nổi tiếng, đã từng cởi áo cà sa đi vào chinh chiến. Và ngày nay, nhiều vị tu hành, đang quan tâm đến vận nước, đến nổi đau của bá tánh.

Cho nên một số đông chúng tôi, như nghiệp lực thúc đẩy, chân muốn vào khu an lạc thiền nhàn của SL, mà tâm còn xao động với nổi buồn thế kỹ.

   “Em đâu biết mạ vàng gươm giáo
      Em có hay tàn bạo tô son ?
      Cơm không no mà nói chuyện thiên đường
      Áo không ấm mà xiểm gièm địa ngục
      Ai dám bảo thế nầy là hạnh phúc
      Hảy trả tôi về địa ngục những ngày xưa
                     ( Tù nhân)
                     Phạm Việt Cường

Từ ngục tù đói khát: bao giờ có được chén cơm tươi, đến miền Tây Nguyên gió lạnh mùa Đông, các cụ già quê ta, thiếu thốn đủ mọi thứ: cơm, thuốc, áo quần, trong các viện dưỡng lão, đến các em bé trong cô nhi viện.
Mời quý bạn đọc bài thơ:

“Tôi thấy em nơi sân nghèo cô nhi viện
   Hai mắt của em buồn
   Chứa đầy tủi hận
   Khi thấy tôi
   Em quay mặt nhìn đi nơi khác
   Bàn tay em vẽ những vòng tròn loanh quanh trên mặt đất
   Tôi nào dám hỏi ba má em đâu
   Tôi nào dám khơi động nguồn mạch thương đau
   Tôi chỉ muốn chuyện trò chốc lát
   Cười nói đôi câu
   Ngồi với em một phút
   Cho em vơi chút u sầu
   Đất nước đau cùng số phận
   Em hảy mỉm miệng cười
   Để cho nhau hy vọng
   Thế hệ các em
   Chưa đầy năm tuổi trên đầu
   Đã thấy tan tành hoa mộng.  
(Thích Nhất Hạnh )

Trong một buổi hội ngộ với nhà văn Sương Lam, tại Nhóm Sinh Hoạt Người Việt, tôi có trình bày quan điểm: con đường cô hướng dẫn quá hay, nhưng Đạo và Đời có hai lối đi riêng biệt. Một số trong chúng tôi còn mang nặng tình đời:
           “Nợ thế trả chưa tròn một món
             Sòng đời thua đến trắng hai tay .”
                      ( Nguyễn Bính )
Không phải mơ gì về công hầu khanh tướng, mà do kiếp người đưa đẩy, cứ nghĩ đến nỗi khổ của chuyện thế gian, nên tâm còn vọng động, chưa thể yên tâm, thảnh thơi, an lạc trong cõi “Thiền Nhàn.”
Bức tranh cuộc đời Cô phát họa ra quá đẹp, đầy hoa thơm, cỏ lạ xinh tươi, trời xanh mây trắng. Nhưng, cho phép tôi thêm vào vài nét chấm phá, những bước gập ghềnh, như mặt trái của tấm huy chương, biết đâu củng góp phần tô điểm cho bức tranh của cô thêm khởi sắc?

 Trong những bửa cơm trưa thân mật thứ Năm hằng tuần tại Trung Tâm Sinh Họat Người Việt, Portland, thỉnh thoảng tôi vẫn thấy các cụ lấy trong túi xách ra, lọ muối cho thêm vào thức ăn, để cho bửa ăn thêm ngon miệng đó sao?

       Đường đời muôn vạn nẻo,
       Thiền lộ rông mênh mông

Không dễ gì mà một người trong chúng ta trong phút chốc, buông bỏ dao đồ tể là thành Bồ tát. Vậy chúng ta cứ làm điều lành, được chừng nào tốt chừng đó. Sương Lam đã theo lời Phật dạy khuyên chúng ta: “Muốn biết kiếp trước đã làm gì, xem kiếp nầy ta nhận quả ra sao; muốn biết kiếp sau mình như thế nào, cứ xem hành động hôm nay đã làm, sẽ đoán ra được.”

Chúng ta hôm nay, đủ ăn, đủ mặc, tinh thần sống thoải mái trong một thế giới đảo điên đầy chiến tranh, thiên tai bão lụt, là chúng ta biết mình có đầy đủ phước lành từ quá khứ, và từ đó, đầy tin tưởng vào tương lai, sẽ từ “ ăn tới huề.” chứ không đi xuống !

Để tổng kết một năm đầy sóng gió, Sương Lam đã đóng góp được gì cho văn đàn, cho chúng ta? Có thể nói ngắn gọn trong năm chữ: Nhiều lắm và cám ơn.

                                                  Nguyễn Ngự Bình
                                             Thành phố Hoa Hồng. Đông 2010
(Nguồn: Trích trong ORTB 453-21-24-2011)

Bài số 61 Một Cõi Thiền Nhàn





Chào quý bạn,

Đây là bài thứ sáu mươi mốt của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Hằng năm sau ngày Lễ Tạ Ơn, vợ chồng chúng tôi lo trang hoàng cây thông Lễ Giáng sinh bằng nylon được đặt nơi phòng khách nhà tôi. Phu quân tôi lo dựng cây, chưng đèn.  Tôi lo trang hoàng cây Noel.  Bên dưới cây Noel  là những món quà cho cô cháu nôi Mya yêu quý của tôi.  Phu quân tôi lại còn trang hoàng cửa sổ với hàng đèn xanh xanh đỏ đỏ và hai “con nai vàng ngơ ngác” đèn đuốc sáng trưng ở sân trước.   Người ngoài nhìn vào tưởng rằng gia đình tôi theo đạo Công Giáo nên trang hoàng nhà cửa rầm rộ như thế. 

Nhưng nếu nhìn kỷ, qua khung cửa sổ, bạn sẽ thấy tượng Đức Phật Thích Ca mà tôi có phước duyên trúng thưởng trong một buổi cơm gây quỹ của chùa Bửu Hưng mấy năm về trước, đang ngồi tỉnh tọa bên phía trước cây thông Giáng Sinh. Nhìn cây thông chớp chớp đèn xanh đèn đỏ, tôi thấy vui vui trong lòng và thấy không khí trong nhà thật ấm cúng làm sao. Mỗi năm tôi vẫn có tiệc xum họp gia đình trong đêm Giáng Sinh để anh chị em và con cháu trong gia đình nhỏ bé của tôi được họp mặt vui vẻ bên nhau sau những ngày ai nấy đều bận rộn với công việc gia đình, vì chén cơm manh áo. Truyền thống tốt đẹp đó bây giờ gia đình chúng tôi vẫn còn gìn giữ mỗi khi mùa Noel đến, dù chúng tôi không phải là một tín hữu Công Giáo, Tin Lành hay Cơ Đốc giáo.

 Và bây giờ là mùa Giáng Sinh.  Mọi người mọi nơi hân hoan chào đón Chúa sinh ra đời.  Người viết tuy là một Phật tử nhưng vẫn luôn luôn chia sẻ niềm vui ngày Giáng Sinh với bạn bè thân hữu Công Giáo của tôi vì đối với tôi, Chúa giáng trần hay là Phật đản sinh
đều đem tin vui  đến cho tất cả mọi người, trong đó có tôi vì tôi vẫn nghĩ:

“Con của Phật hoặc là con của Chúa
Đều tin rằng có một Đấng Toàn Năng
Dạy con người phải luôn nghĩ nhớ rằng:
“Sống đạo đức, từ bi và bác ái”

và chúng ta luôn luôn ghi nhớ:

 “Lời Chúa, Phật như suối từ ngọt mát
Chúa giáng trần hay là Phật đản sinh
Để dạy ta sống với một chữ Tình:
“Tình Nhân Loại với Thiện Tâm sẵn có”

Chữ Phúc Đức chúng ta đều hiểu rõ
Khi con người sống đạo đức thiện tâm
Thì phúc duyên là dòng nước chảy ngầm
Mang an lạc, thiện lành cho ta đó”

(Trích bài thơ Bình An Dưới Thế Cho Người Thiện Tâm của Sương Lam)

Tôi lắng nghe những bài thánh ca đêm Noel với sự trân trọng, tôi thấy lòng mình lắng đọng lại khi  ngắm nhìn tuyết trắng rơi rơi vào đêm Giáng Sinh và tôi chia sẻ niềm vui với trẻ thơ khi nhìn những Papa Noel hay Santa Claus áo thụng đỏ, bụng bự, râu trắng vai quảy túi quà đi phân phát cho các em bé.

Tình thương yêu quý mến nhau đâu có phân biệt tôn giáo, phải không Bạn?  Chúng ta đến với nhau với trái tim tình cảm, với nụ cười thân mến, với sự tôn trọng lẫn nhau. Tôi vẫn nghĩ thế.!

 Đời sống con người được mang quá nhiều nhãn hiệu do chính con người làm ra và nhiều khi chúng ta phải khổ sở vì chúng ta quá bận rộn lo đọc, lo sống theo những nhản hiệu đó. Xin mời các bạn đọc một mẫu chuyện nho nhỏ dưới đây được người viết sưu tầm từ internet, để bạn suy ngẫm một tí cho vui nhé:

 NHỮNG NGƯỜI LÀM NHÃN HIỆU

Cuộc sống chẳng khác gì một chai rượu nồng.
Ai ai cũng đọc cái nhãn hiệu trên chai rượu.
Thảng hoặc mới có người nếm thử rượu.
Ngày kia Đức Phật đưa lên một cành hoa và yêu cầu mỗi một đệ tử nói đôi điều về cành hoa đó.
Người thì đọc một bài diễn văn. Người khác làm một bài thơ. Người khác nữa sáng tác một dụ ngôn. Ai nấy cố gắng tỏ ra mình sâu sắc và thông thái hơn người khác.
Đúng là những người làm nhãn hiệu!
Riêng Ma-ha-ca-diếp mỉm cười và không thốt ra lời nào. Chỉ riêng ông ta đã thấy rõ thế nào là hoa.
Phải chi tôi biết thưởng thức khi ngắm nhìn một con chim,
một cành hoa,
một tàng cây
một khuôn mặt con người!
Nhưng tiếc thay, tôi không có thời giờ.
Tôi quá bận rộn học cách đọc các nhãn hiệu.

(Nguồn: Như Tiếng Chim Ca- LM Anthony de Mello, SJ Dịch giả GS Đỗ Tân Hưng)

Một câu chuyện khác mà người viết thấy cũng hay hay và đầy triết lý không kém như câu chuyện dưới đây:

TÌM KIẾM KHÔNG ĐÚNG CHỖ

Một người lối xóm thấy thầy Nasruddin quì gối và chống tay, đang tìm kiếm vật gì.
"Thưa thầy, thầy đang kiếm gì đó?"
"Kiếm chìa khóa của tôi."
Cả hai người cùng quì gối để kiếm.
Sau một hồi lâu, người lối xóm hỏi:
"Thầy đã mất chìa khóa ở đâu?"
"Ở trong nhà tôi."
Chúa ôi! Vậy tại sao thầy lại tìm kiếm ở đây?"
"Bởi vì ở đây sáng sủa hơn."
Bạn hãy tìm kiếm Chúa nơi mà bạn đã đánh mất Ngài.

(Nguồn: Như Tiếng Chim Ca- Dịch giả Đỗ Tân Hưng)

Qua hai câu chuyện kể trên, chúng ta có thể hiểu rằng chúng ta mãi lo đi tìm kiếm những gì ở xa xôi mà không thấy niềm vui và hạnh phúc là những gì thật giản dị, tầm thường ở ngay bên cạnh chúng ta và ở ngay  trong giây phút hiện tại này.  Đó là những giây phút được vui đùa với đàn cháu nhỏ.  Đó là sự thương yêu, kính trọng của con cái đối với cha mẹ già.  Đó là những giúp đỡ, săn sóc cho nhau của  đôi vợ chồng dù già hay trẻ  Đó là những lời nói đầy ái ngữ của anh chị em hay bạn bè trao cho nhau.  Đó là  những nụ cười tặng cho nhau mỗi khi gặp gỡ.  Bạn có thấy ấm lòng chăng khi đón nhận những tình cảm nói trên trong giây phút hiện tại khi bạn còn đang sống trong cõi đời đầy khổ não này?

  Tôi vẫn thường nghĩ có phải chăng món quà (Present) bạn và tôi  nhận đưọc trong ngày Giáng Sinh hay trong bất cứ những dịp lễ lạc nào đều mang ý nghĩa một  “món quà  Trời Phật ban cho bạn và tôi đang có mặt trong phút giây hiện tại này”, nếu bạn làm được việc thiện lành với cái tâm an bình.
 (Chữ Pressent trong Anh Ngữ có nhiều ý nghĩa: vừa có nghĩa là hiện tại (Past-Present-Future), vừa có nghĩa đang có mặt, vừa có nghĩa là món quà tặng).   Bạn có thấy thú vị  hay không?


Nhân mùa Giáng Sinh, người viết xin chúc tất cả quý bạn có những phút vui và hạnh phúc với người thân trong buổi tiệc xum họp gia đình của quý bạn. Bạn nhé!

Xin mượn bốn câu thơ dưới đây thay cho lời chúc của người viết gửi đến quý bạn trong dịp Lễ Giáng Sinh nhé:

“Quen hay lạ vẫn nụ cười cởi mở
Đưa bàn tay nắm lấy một bàn tay
Trao cho nhau lời chúc tốt đẹp này:
“Chúc tất cả được bình an dưới thế”

 (Bài tình thơ Tháng Chạp -  SL*)


Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi – ORTB 453-12-24-2010)

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

bài số 60 Một Cõi Thiền Nhàn



 Chào quý bạn,

Đây là bài thứ sáu mươi của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Có lẻ bạn đã từng nghe câu nói: “Có thực mới vực được đạo rồi nhỉ?  Chúng ta có thể tạm hiểu là “có no bụng rồi mới bàn chuyện đạo lý được”, chứ cái bụng trống trơn, đói quá trời thì làm sao có thể tỉnh táo mà bàn chuyện nọ chuyên kia, phải không bạn? 

Chúng ta cũng còn nghe thêm câu “Con cá sống nhờ nước” và thực tế hơn là muốn làm nên chuyện gì thì cũng phải có tiền vì không có tiền thì làm gì có thể thực hiên chương trình này, dự án nọ được nhỉ?
Bởi thế, để thực hiện một chương trình vui Xuân Tết Tân Mão và chương trình khám sức khỏe miễn phí cho đồng hương Việt Nam tại Portland và vùng phụ cận, ban chấp hành Cộng Đồng Việt Nam Oregon đã phải kêu gọi sự hợp tác và giúp đỡ của đồng hương trong tinh thần thương yêu và đùm bọc lẫn nhau qua thư mời tham dự dạ tiệc gây quỹ phát triển cộng đồng được tổ chức vào ngày thứ bảy 12-11-10 vừa qua tại nhà hàng Legin.

 Mặc dầu tháng mười hai trời mưa gió lạnh lẻo, nhưng tiếng gọi của tình người và lòng thương mến tinh thần phục vụ cộng đồng của ban chấp hành trẻ tuổi này đã khiến nhiều đồng hương đến tham dự buổi tiệc gây quỹ này.
 Vợ chồng chúng tôi và những người bạn “không còn trẻ nữa” thuộc Hội Người Việt Cao Niên Oregon và Lớp Điên Toán cũng thấy phấn khởi tinh thần đến góp lời góp mặt với những người bạn trẻ này để nói lên tình thương mến bên em luôn có ta của chúng tôi.

Dĩ nhiên phần đóng góp đáng kể của những cơ sở thương mại, của những vị mạnh thường quân tên tuổi ở Portland, số tiền nhận được từ những màn bán đấu giá các bức tranh của nhiếp ảnh gia Hoa Rau Muống biếu tặng được giới thiệu bởi các hoa hậu áo dài năm 2009, 2010, tiền bán vé số đã làm cho buổi tiệc gây quỹ thêm phần hào hứng, đem niềm vui đến cho ban tổ chức đêm nay

Lời chào mừng của ông chủ tịch CDVN Trần Quang Đệ, trẻ tuổi rất khiêm tốn thật thà
làm quan khách cảm động.  Ông không quên cám ơn quan khách tham dự và quý vị thiện nguyện viên đã góp công góp sức với ông để thực hiện những chương trình hữu ích cho đồng hương trong thời gian qua.

Với số lượng quan khách tham dự đông đủ ngồi đầy hết hơn 40 bàn tiệc đã nói lên tinh thần thương yêu và đoàn kết của đồng hương đối với ban chấp hành là những người trẻ tuổi đời trên dưới 40 hôm nay.  Thế hệ cha anh đã qua rồi, lòng nhiệt huyết và hoài bão xây dựng một cộng đồng Việt Nam vững mạnh nơi xứ người cần được truyền trao lại cho thế hệ trẻ hôm nay và chúng ta cần phải ủng hộ tinh thần và thiện chí những người bạn trẻ này. Bạn đồng ý nhỉ?

Hai vị MC Vũ Văn Thảo và Nhật Nguyễn đã điều khiển chương trình đêm dạ tiệc rất là thành công.  Xen lẫn chương trình văn nghệ do các ca sĩ địa phương và Cali phụ trách, màn trình diễn thời trang của nhà thiêt kế thời trang Jacky Tài từ Cali đến với những người mẫu xinh đẹp ở Portland đã tạo nên không khí hào hứng và hấp dẫn cho buổi tiệc.

 Quan khách vừa được thưởng thức buổi tiệc tối, vừa được ngắm nhìn người đẹp đi tới đi lui, vừa được nghe nhạc âm thanh du dương trầm bổng, sống động do ca sĩ hát, lại được dìu nhau ra sàn nhảy lả lướt theo cung dàn điệu nhạc do ban nhạc Blue Heart phụ trách thật cũng “đáng đồng tiền bát gạo” bạn nhỉ?

Xin cám ơn ban tổ chức buổi tiệc gây quỹ này và sự thương yêu đoàn kết của đồng hương Việt Nam tại Portland đã làm cho một kẻ “bình dân bá tánh” như vợ chồng tôi có thêm được một đêm vui cuối tuần.

Xin chúc cho toàn thể quý vị trong ban chấp hành CDVNOR và các đồng hương Việt Nam được nhiều sức khỏe để một bên, có đủ sức lực và niềm tin đi “vác ngà voi” và một bên, được có dịp “góp phần công đức” giúp đỡ cộng đồng. Ai ai cũng đã làm được việc thiện lành rồi.  Như vậy bạn đã thực hiện được một thiên đàng nơi trần thế rồi như Julia F.Carney đã viết:

“Việc tốt lành nho nhỏ
Lời yêu thương nhẹ nhàng
Làm trần gian tươi nở
Chẳng khác chi thiên đàng

Người viết đã nói lên sự thương yêu quý mến của nhữ ng người “bạn già” đối với  những người “bạn trẻ” trong công tác cộng đồng tại Portland, Oregon, bây giờ xin được nói thêm một chút tâm tình của những người “bạn ảo” và  những  người “bạn thật” trong internet cho vui bạn nhé.

Theo sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật điện toán, các sinh hoạt văn học nghệ thuật,  chia sẻ tâm tình, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm sống bây giờ được thực hiện trên mạng lưới toàn cầu internet thì mới hợp thời trang, bạn ạ!
 Bạn và tôi có thêm những người “bạn ảo” mà có thể bạn không bao gìờ biết mặt thật, biết tên thật của những người bạn này mà chỉ biết họ qua một “nick name” nào đó ví dụ như Tám Tàng, Ba khía, Cao Sơn, Lưu Thủy v..v. .. Trong cõi ảo mênh mông này, họ có thể là một dân “húi cua” nhưng lại lấy nick name của dân” kẹp tóc” hay ngược lại.

Mèn ơi ! làm sao bạn biết được người ấy có phải thực sự  là Mạnh Lê Quân của Hoàng Phủ Thiếu Hoa,  là Hoa Mộc Lan của Lý Quảng, là Chúc Anh Đài của Lương Sơn Bá một khi họ đã “cải dạng nam trang”  hay biến thành “thục nữ đoan trang”qua “nick name” của họ khi họ sinh hoạt trên các diễn đàn?

 Trong chốn mờ mờ ảo ảo của các diễn đàn “Forum- Phố Rùm” nào biết ai là “thật nữ”, ai là “giả nam”, thưa ông Trời?  Chỉ khi nào thực sự gặp nhau ngoài đời, bạn mới biết rõ “chân tướng” của người bạn ảo này.
 Tuy vậy “tình bạn ảo” cũng có nhiều điều hay hay thú vị lắm bạn ạ!
Tội đã học hỏi nhiều điều hay lạ, được mở mang thêm kiến thức khi sinh hoạt với những “người bạn ảo” trên những diễn đàn mà tôi tham dự vì tôi được: “nói chuyện với bạn uyên bác như đọc sách lạ, nói chuyện với bạn phong nhã như đọc thi văn của danh nhân, nói chuyện với bạn nghiêm cẩn, đạo đức như đọc kinh truyện của thánh hiền, nói chuyện với bạn hoạt kê như đọc tiểu thuyết truyền kỳ” như Lâm Ngữ Đường đã trình bày trong “Một quan niệm về sống đẹp”của ông.

Có những người “bạn ảo” mà từ lâu tôi đã “văn kỳ thinh bất kiến kỳ hình”, hôm nay được dịp gặp mặt thật là rất vui vì tôi đã biết thật sự họ là ai và từ đấy họ trở thành “bạn thật” của tôi, có thể  là vì họ “cùng một tần số” như tôi khi chúng tôi chuyện trò, bàn luận.

Trong tháng vừa qua, một  duyên lành cho tôi được gặp nhà văn nữ TiểuThu từ Montreal, Canada  đến Portland thăm nhạc sĩ Từ Công Phụng.  Tiểu Thu là một nhà văn nữ nổi tiếng với các tác phẩm viết về chuyện đồng quê đã được nhà văn Hồ Trường An giới thiệu trong Tập Diễm Ngưng Huy, Giai Thoại Văn Chương, Bút Khảo Quê Nam Một Cõi.
 Tiểu Thu đã phát hành hai tác phẩm
- Sóng Nước Tình Quê năm 2002
 -Tiếng Hót Vành Khuyên năm 2007

Chị Tiểu Thu là “bạn thật ngày xưa “ với chị Kim Ái, phu nhân của  Từ Công Phụng và  cũng là “bạn ảo văn nghệ” với tôi  vì chúng tôi cùng sinh hoạt trên một diễn đàn về văn chương nghệ thuật.  Người viết lại cũng là “bạn thật đồng môn, bạn thật văn nghệ” của Từ Công Phụng, cho nên khi vợ chồng chị Tiểu Thu đến thăm TCP, dĩ nhiên là tôi được chị TCP báo tin cho biết để cùng nhau họp mặt cho vui.
  
Nhà văn Tiểu Thu và nhạc sĩ Từ Công Phụng nổi tiếng như thế nào, chắc hẵn đã có nhiều người biết rồi, người viết không cần  phải giới thiệu gì thêm nữa.  Điều mà người viết muốn nói ở đây là sự gặp gỡ giữa những người “bạn ảo, bạn thật” có thể  là do có duyên gặp gỡ như người xưa đã nói:“Nhất ẩm nhất trác giai do tiền định” để rồi từ đó thân tình thương mến và niềm vui được gia tăng qua tình bạn như Francis Bacon đã nói: “Tình bạn nhân đôi niềm vui và làm vơi bớt một nửa khổ đau”.

Khi sinh hoạt trên các diễn đàn, tôi thấy các người “bạn ảo” của tôi là những chuyên gia tâm lý khi “gỡ rối tơ lòng” cho những người bạn ảo khác cần sự giúp đỡ hay cần một lời khuyên về các vấn đề liên hê đến tình cảm gia đình, nuôi dạy con em.  Họ cũng là những bà nội trợ đảm đang giỏi dắn khi chia sẻ kinh nghiệm nấu ăn, làm bếp, trang trí nhà cửa . Họ cũng là những chuyên viên về cỏ cây hoa lá chia sẻ kinh nghiệm trồng cây, chăm sóc hoa cảnh  Họ cũng là những thi, văn,  nhạc sĩ.  Họ cũng là những bậc  thiện tri thức về luật pháp, ngôn ngữ, kiến thức về các vấn đề mở mang trí tuê, tâm linh và họ cũng là  chuyê n viên của nhiều vấn đề khác nữa.
Nói tóm lại,“bạn ảo” nếu là bạn tốt, thì cũng đáng quý trọng như là “bạn thật”, đáng được xem là “tri âm, tri kỷ” vây. Bạn có đồng ý với tôi chăng?

Dĩ nhiên là cũng có những người bạn ảo xấu đã lợi dụng những tiện ích của khoa học điện toán để hảm hại người khác hay mưu cầu lợi ích riêng. Vì thế, chúng ta phải cẩn  trọng khi tham gia sinh hoạt trên các diễn đàn internet, bạn nhé!

Một trong niềm vui của người viết khi sinh hoạt trên các diễn đàn với các bạn ảo là đọc những chuyện cười đăng trong diễn đàn đó để ít nhất là được “cười  cho vui với đời” trong ngày một tí vì tục ngữ Việt Nam có nói “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” mà lị!

 Khi bạn còn cười được là bạn đã tìm được hạnh phúc và sự an lạc trong đời sống hằng ngày của bạn như nhà thơ Thơ Tôn Nữ Hỷ Khương đã viết:

“Còn gặp nhau thì hãy cứ cười
 Cho tình thêm thắm, ý thêm tươi
Cho hương thêm ngát, đời thêm vị
Cho đẹp lòng tất cả mọi người”

Riêng đối với người viết, khi được nô đùa, cười giỡn với cô cháu nội Mya yêu quý của tôi,  hay với bạn bè thân hữu, tôi thấy hình như tôi trẻ đẹp hơn là khi tôi “khuông hoa ủ dột, mắt phượng long lanh”. Khi tôi cười, tôi cảm thấy tôi yêu đời yêu người hơn một tí
tị. Không tin, bạn thử cười lên một tí xem sao nhé?

Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi, ORTB  452- 12152010)