Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2012

Bài số 77 Một Cõi Thiền Nhàn




Bức Tranh Thư Pháp



Chào quý bn,

Đây là bài thứ  bảy mươi bảy của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Portland chiều nay có mưa lạnh. Ngồi bên khung cửa sổ nhìn những hạt mưa rơi trên sân cỏ, tôi buồn nhớ đến những buổi chiều mưa ở Saigon. Khúc phim dĩ vảng quay về với tôi qua những giọt mưa rơi rơi tí tách:

“Tuổi mười tám, những mộng mơ ấp ủ
Tuổi học trò, tôi thích ngắm trời mưa
Bên người yêu, mưa rơi nhẹ cho vừa
Đủ ướt áo cho anh truyền hơi ấm!

Bên hè phố đôi ta cùng lặng ngắm
Những giọt mưa rơi tí tách trên đường
Mưa lạnh buồn, mưa tạo mối yêu thương
Dưới dù nhỏ, đôi ta cùng chung bước”

( Trích trong  Nhìn giọt mưa rơi - Thơ Sương Lam)

Tuổi thư sinh có những mối tình học trò đẹp quá phải không bạn? Mưa chiều nắng sớm nào cũng khiến cho những ai có tâm hồn nghệ sĩ cảm thấy trái tim mình xúc đông cả. Cũng thấy hay hay!

 Tôi quay về bàn viết vào internet đi tìm tài liệu viết bài. Một email đặc biệt với những tấm hình có chữ thư pháp thúc dục tôi phải mở ra xem ngay vì tôi rất thích tìm hiểu nghệ thuật thư pháp. Theo thiển ý của người viết, thư pháp là một phương tiện để thư giãn và hành Thiền.  Bạn nghĩ sao?

Ngày xưa các tao nhân mặc khách Trung Hoa đã dùng bút lông mực xạ viết chữ Hán với một phong cách đặc biệt để diễn tả nội tâm, tư tưởng  kiến thức của mình và đã đưa cách viết chữ Hán này thành một bộ môn nghệ thuật gọi là “Thư Pháp”. 
Theo các nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật, một số tác phẩm của các thư pháp gia phương Đông như Trương Xu Liêu, Vương Hy Chi, Vương Duy đều mang tính cách Thiền, được thể hiện bằng những nét uốn lượn thanh cao.

Người Nhật đến với môn thư pháp không phải để viết chữ đẹp mà có mục đích tu hành cụ thể là luyện tâm, nhiếp tâm, an tâm.  Người Nhật lại đưa bộ môn nghệ thuật đậm nét Đông Phương này lên một tầng bậc cao hơn với tên gọi mới.  Đó là môn HIITSUZENDO, tức là thư pháp Thiền.

Ở Việt Nam vào thời điểm này, bộ môn Thư Pháp rất được nhiều người ưa chuộng.   Phong trào viết thư pháp đã được thịnh hành trong vòng 10 năm qua. Nhiều câu lạc bộ thư pháp được thành lập.  Nhiều “ông đồ “ trẻ đã xuất hiện “bên phố đông người  qua” trong các lễ hội Xuân hay trong các buổi triển lãm thư pháp.

Người viết thư pháp phải có tâm hồn nghệ sĩ, có nét bút tài hoa, có năng khiếu viết chữ để thể hiện đường nét “rồng bay phưọng múa” và còn phải “nhiếp tâm” với những gì mình sắp sữa viết ra nữa.  Như vậy họ phải có tâm hồn thanh thản, phóng khoáng và khi thực hiện tác phẩm, họ phải “nhất tâm bất loạn” du nhập vào thế giới tĩnh lặng của thư pháp.  Có như thế thì tác phẩm mới đẹp, mới thanh thoát hương vị Thiền.

Ở Mỹ hiện nay, người viết thư pháp nổi tiếng là nghệ sĩ Vũ Hối.  Ở Việt Nam, thư pháp của các nhà thơ Trụ Vũ, Song Nguyên, Nguyễn Thanh Sơn, Hoàng Đức được xem là những mẫu thư pháp đẹp.

Hình ảnh ông đồ của  Vũ Đình Liên với
 “Hoa tay thảo những nét
 Như phượng múa rồng bay”

 đã được phục hồi!  Tốt thay!  Lành thay!

Trở về câu chuyện cái email có những bức tranh thư pháp mà tôi nhận được sáng nay  thực sự đã làm tôi ngạc nhiên và cảm động vì  trong đó có một bức tranh  thư pháp do một người “thân quen xưa cũ”  viết 4 câu thơ của ngưòi viết  được đăng trong bài số 69 MCTN-ORTB để tặng tôi
“Xin chúc Bạn: Thiện Tâm luôn tinh tấn
Xin nguyện cầu: Nhân Ái trải muôn phương
Để mọi người sống An Lạc, Yêu Thương 
Thì trần thế sẽ thiên đàng, hạnh phúc”

(Trích trong bài thơ Sông Cho Biển Nhận - Thơ Sương Lam)

Thời gian trôi qua nhanh quá và có những thay đổi, đổi thay trong cuộc sống đã làm cho chúng ta vui vẻ hoặc đau buồn.  Có những người thân quen ngày xưa bây giờ phải nghìn trùng xa cách cả một đại dương và cũng có những người đã ra đi không bao giờ còn được gặp lại nhau.
 
 Bức tranh thư pháp này đã đưa tôi trở về kỷ niệm ở Bộ Xã Hội “vang bóng một thời”  vì tác giả là một “đàn em” của tôi ngày xưa.  Khi tốt nghiệp HVQGHC năm 1967, người viết được bổ nhiệm về Bộ Xã Hội làm việc ở Sàigòn.  Đây là một nhiệm sở mà người viết chọn lựa để làm việc khi ra trường vì tôi thích sinh hoạt trong lảnh vực xã hội. Đa số các bạn nam sinh viên cùng khóa Đốc Sự 12 với tôi  phải lên đường về địa phương làm Phó Quận hoặc Trưởng Ty.
Với hoài bảo phục vụ đồng bào, tôi làm việc rất tích cực trong công tác cứu trợ nạn nhân chiến cuộc để giúp đỡ các nạn nhân đã bị thiệt hại về nhân mạng và nhà cửa trong chiến tranh.  Có thấy sự mất mát đau khổ của đồng bào ở các  vùng hỏa tuyến Quảng Nam, Quảng Ngải, Quảng Trị, Kon tum, Pleiku, Bến Tre, Vĩnh Long v..v…, tôi  mới biết rằng: những ai còn được sống an lành với gia đình êm ấm trong chiến tranh thật là có phúc vô cùng.”  Ngừời viết và hơn 20 cộng sự viên đã làm việc với nhau một cách hăng say, một cách tích cực để cho những đồng bào nạn nhân đáng thương kia được nhận tiền trợ cấp giúp đỡ của chính phủ trung ương càng sớm càng tốt để an ủi phần nào sự đau thương, mất mát mà họ phải bị gánh chịu vì chiến cuộc.

Rồi vận nước đổi thay, Bộ Xã Hội phải bị giải thể.  Các cấp chỉ huy kẻ phải đi học tập cải tạo, người tìm đường vượt biên. Các nhân viên đều bị cho “về vườn.  Dĩ nhiên tôi và các cộng sư viên của tôi phải chia tay từ đấy, không còn tin tức liên lạc với nhau được vì “mạng ai nấy lo, hồn ai nấy giữ”.

 Từ một viên chức chỉ huy của chế độ cũ, tôi trở thành một kẻ đôi khi phải hành nghề “chà đồ nhôm” đem ra chợ bán  để có tiền mua thực phẩm “bồi dưỡng” cho gia đình. Và tôi cũng đã trở thành một người bán bánh mì thịt ở vĩa hè, vụng về đến nỗi khách mua bánh mì phải nói: “Bà không phải là người bán bánh mì chuyên nghiệp”.
 Đúng quá rồi! Còn chối cãi gì nữa bây giờ!’
Thế rồi sau 5 năm ở lại sống trong “thiên đường Cộng Sản”, gia đình nhỏ bé của chúng tôi phải tìm đường vượt biên để tìm tự do nơi xứ lạ.  Nhờ Phật Trời gia hộ, chúng tôi đã đến được bến bờ tự do bình an và định cư ở xứ Mỹ này gần 30 năm trời.

 Thời gian cứ lặng lẻ trôi qua.  Vợ chồng chúng tôi bắt đầu một cuộc sống mới nơi xứ người từ con số không với hai bàn tay trắng.  Chúng tôi trở lại học đường,  “học đại” đại học để có tiền trả bill nhà, bill địện , bill nước,  thực phẩm, quần áo v..v…với số tiền Basic Grant do chính phủ tài trợ khi đi học và tiền làm work study ở trường.   Tan học về, phu quân tôi phải đi làm janitor nơi các công sở mới có đủ tiền mưu sinh trong cuộc sống.  Một đôi khi tôi và cậu con trai nhỏ đi theo phụ giúp chàng.  Thật là vất vả, thật là đau buồn nhưng chúng tôi phải chấp nhận để mà vươn lên vì chúng tôi vẫn nghĩ “không ai giúp mình được bằng mình tự giúp mình”.

 Rồi chuyện gì cũng qua, chúng tôi cũng “xênh xang áo mũ” ra trường thêm một lần nữa ở nước Mỹ.  Rồi ông xã tôi phải đi cày hai  jobs, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm chủ nhật” để có tiền mua nhà mua xe, lo cho con cái đi học.   Tôi an phận làm một cô giáo tầm thường nơi xứ người.  Sau 20 năm trả nợ áo cơm, chúng tôi bây giờ vui thú điền viên, an hưởng tuổi già, vui đùa với cô cháu nội Mya yêu quý của chúng tôi.  Thời gian rảnh rổi, chúng tôi đi sinh hoạt cộng đồng, dạo internet tìm tài liệu về chia sẻ với bạn bè cho vui.  Thế là đủ rồi! Thế là hạnh phúc rồi!  Quá khứ đã qua rồi, tương lai thì chưa đến, Chúng tôi vui hưởng hạnh phúc với những gì đang có trong tầnm tay của mình trong hiện tại mà thôi!  Bạn thì sao?

 Không ngờ cô nhân viên bé nhỏ và đắc lực nhất của tôi ở Bộ Xã Hội ngày xưa bây giờ lại là một “thư pháp gia” có cửa hàng thư pháp dưới đây ở Việt Nam :

Thư Pháp NGỌC CHÍNH
 319 Nam Kỳ Khởi Nghĩa P7 Q3
TPHCM

 Cô vẫn còn nhớ đến tôi và viết thư pháp thơ của tôi để gửi tặng tôi.  Đó là một điều đáng quý vì chúng tôi vẫn còn nhớ đến nhau, vẫn còn giữ một chút ân tình thương mến nhau dù bao nhiêu là thay đổi, đổi thay trong cuộc sống.

 Cô là một Phật tử cho nên thường viết thư pháp những bài thơ có tính cách thiền vị với cái tâm tĩnh lặng của người con Phật.  Xin cảm ơn em Ngọc Chính đã còn nhớ đến cấp chỉ huy của mình ngày xưa và xin chúc em thành công trong công viêc phục vụ nhân sinh với cái tâm của một người nghệ sĩ yêu hai chữ Thiền Nhàn.

 Xin giới thiệu với các bạn người bạn nghệ sĩ này và nếu có thiện duyên, xin mời  các bạn  đến thưởng thức những bức tranh thư pháp đầy thiền vị của Thư Pháp Ngọc Chính.

Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi- ORTB 471-4292011)

Mời bạn xem thêm các bức tranh thư pháp khác do Ngọc Chính thực hiện với lời thơ của Sương Lam qua link dưới đây: 

 Link Thư PhapThoSLcuaNgocChínhtrenwww.flickr.com
 update 2-20-2012



Bài số 76 Một Cõi Thiền Nhàn



Tình Yêu và Hạnh Phúc



Chào quý bạn,

Đây là bài thứ bảy mươi sáu của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Tình Yêu và Hạnh Phúc là hai chủ đề được nói đến nhiều nhất qua thời gian, qua không gian, phải không Bạn?

Chúng ta vẫn thường thắc mắc khi cắt nghĩa hai chữ Tình Yêu:

“Làm sao định nghĩa được Tình Yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
 Nó chiếm hồn tôi bằng nắng nhạt
 Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu”

Hoặc như là:

« Yêu là chết trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu
 Cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu
Người ta phụ hoặc thờ ơ chẳng biết »

Xuân Diệu

 Từ Đông sang Tây có biết bao nhiêu  người chết lên chết xuống vì hai chữ Tình Yêu này và cũng từ đó chúng ta mới có được những tác phẩm thi ca nhạc kịch tuyệt vời để mà thưởng thức với chuyện tình Trương Chi Mỵ Nương, chuyện tình Romeo và Juliette, Love story v..v…

Nhưng có thi sĩ lại cho rằng

« Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở
 Đời hết vui khi đã vẹn câu thề »

Bởi thế ông đã khuyên người yêu:

 «Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé
Anh sẽ trách-  Dĩ nhiên-  Nhưng rất nhẹ ! »

Hồ  Zếnh

Nhưng đa số người ta thường mong muốn tình yêu của mình đi đến điểm cuối cùng là hôn nhân qua  những câu ca dao Việt nam dưới đây:

“Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ
Vô duyên đối diện bất tương phùng
Thuyền quyên gặp khách anh hùng
Làm sao gắn bó ở cùng với nhau”

 Và người con gái đã  phải:

“Vai mang khăn gói qua sông
Mẹ kêu, lạy mẹ thươ ng chồng phải theo”

Dầu rằng chàng và nàng biết rõ ràng đã có nhiều người nhắc nhở rồi:

“Yêu là bình minh của đám cưới, và đám cưới là hoàng hôn của tình yêu”
De Finod

Hay là:
“Cưới hỏi là một cuộc xổ số mà đàn ông thì đánh liều bằng sự tự do của mình, còn đàn bà thì đánh liều bằng hạnh phúc của mình”
Mme De Rieux

Hoặc văn chương hơn:
“Hôn nhân là một cuốn sách, chương một viết bằng thơ, chương hai viết bằng văn xuôi, các chương còn lại viết bằng thể khẩu chiến.”
Beverley Nichols

Khi đã vướng chân vào đời sống vợ chồng rồi, văn hoá Đông và Tây đều khuyên cả vợ  lẫn chồng muốn cho có hạnh phúc gia đình thì phải thuộc lòng lời răn dưới đây:

“Chữ “NHỊN” là của báu trong gia đình”
Danh ngôn phương Đông

“Muốn gia đình hạnh phúc thì người vợ phải biết mù và người chồng phải biết điếc”
Montaigne

Và tốt nhất Bạn và tôi phải hiểu rằng:

“Không ai dạy được bạn về cách sống hạnh phúc trong hôn nhân, bạn hãy tự học lấy” nhé!

Không  phải chúng ta chỉ mong cầu chúng ta sẽ được hạnh phúc trong hôn nhân mà thôi mà chúng ta còn mong ước cuộc đời của ta luôn luôn được hạnh phúc nữa đấy!

Nhưng thế nào là hạnh phúc?   Cũng như  danh từ “Tình Yêu” rất khó giải thích cho đúng nghĩa  “làm sao cắt nghĩa được tình yêu” như đã nói ở trên, danh từ “Hạnh Phúc” cũng trừu tượng, mơ hồ đến nỗi có người phải thốt:

“Hạnh phúc là điều gì đó quá đỗi mơ hồ mà ta buộc phải mơ đến nó”.
Comte De Bellege

Hạnh phúc thật là khó cắt nghĩa quá,  phải không bạn?

 Hạnh phúc khi ẩn khi hiện, khi có khi không tùy theo quan điểm, cách nhìn của mỗi người về hạnh phúc, tùy theo hoàn cảnh sống của mỗi người vì chưa hẵn người giàu ở nhà cao cửa rộng  là người có hạnh phúc và cũng chưa chắc người nghèo ở nhà tranh vách lá là người không có hạnh phúc, bạn nhỉ?.

 Nhiều cuộc khảo cứu cho thấy rằng:  “Những người không hạnh phúc là những người thường lo nghĩ, luôn bất đồng và không chấp nhận ý kiến của người khác. Người có hạnh phúc là nguời dễ hòa đồng với mọi người chung quanh, có thể chấp nhận những điểm bất đồng một cách dễ dàng, uyển chuyển, có lòng thương yêu và tha thứ.”

Cũng có thể những người không có hạnh phúc là những người thích so sánh với người khác những gì mình đã có với những gì mình muốn có và luôn luôn đuổi bắt những gì mình muốn có.  Ví dụ như chúng ta không bằng lòng với ngôi nhà chúng ta đang ở, cái xe chúng ta đang đi vì người bạn của ta mới mua một căn nhà to đẹp hơn cái nhà ta đang ở, đi xe  BMW sang trọng hơn cái xe Honda ta đang đi trong khi khả năng tài chánh của mình không thể thoả mãn ước muốn mua nhà lớn xe đẹp được!
Thế là chúng ta buồn bực, thế là chúng ta đau khổ!
 Bạn có đồng ý với tôi chăng:  Có những ước muốn có thể làm thăng hoa cuộc sống nhưng cũng có những ước muốn quá sức, không chính đáng làm mất đi hạnh phúc gia đình mà mình đang có vì ước muốn thì vô giới hạn, không có điểm ngừng?

 Nhà Phật gọi những sự so sánh đó, những ước muốn đó là  những “phiền não”. Nếu ta bớt đi được những phiền não đó thi ta sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn.

 Hãy cảm  thấy  hạnh phúc với những gì mình đang có trong tầm tay và tự nhủ rằng: “Những người ở nhà to, đi xe đẹp kia có thể là những người đang mắc nợ như “Chúa Chổm”, nếu mất việc thì họ sẽ mất nhà mất xe ngay.”
Sư thật trong tình hình kinh tế suy thoái hiện tại đã chứng minh điều này là đúng vì không thiếu gì nhà to đẹp đang ở trong tình trạng “Foreclosure” và nhiều chủ nhà đó đã trở thành dân “homeless” vì bị thất nghiệp. Vậy bạn hãy cùng tôi vui sướng đi khi bạn và tôi  còn đang còn ở trong ngôi nhà nhỏ bé nhưng ấm cúng hiện tại, bạn nhé!

Hãy nhìn những nạn nhân bị động đất ở Nhật Bản, bị cháy nhà ở Phi Luật Tân, bị cuồng phong ở North Carolina, đang sống cảnh màn trời chiếu đất hay những kẻ vô gia cư nằm lề đường trong những đêm đông giá lạnh, ta thấy rằng ta vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác quá rồi và ta sẽ không còn ước muốn gì hơn nữa. 
Nếu chúng  ta hiểu được ý nghĩa của câu “thiểu dục tri túc” tạm dịch là “muốn ít biết đủ”  hay “trông lên thì chẳng bằng ai, ngó xuống chẳng ai bằng mình” thì quả là ta đã có hạnh phúc rồi, phải không bạn?

Ngoài hạnh phúc vật chất, còn có những niềm vui  hạnh phúc tinh thần khi chúng ta làm được việc thiện lành theo lời dạy của các đấng cha lành Phật, Chúa.
Trong cuốn Nghệ thuật của Hạnh Phúc (The Art of Happiness), Đức Đạt Lai Đạt Ma có dạy:  “Hạnh phúc tự ta có thể tìm được bằng cách điều khiển ý nghĩ trong đầu mình. Nếu mình nghĩ mình có hạnh phúc tức là mình đã có hạnh phúc.”

Riêng đối với người viết, hạnh phúc là những phút giây:

“Khi buồn khổ, cứ để dòng lệ ngấn
Lúc mừng vui, hãy nở nụ cười tươi
Đối với tôi: Hạnh Phúc của con người,
"Là giây phút sống thật cùng cảm xúc"

Đừng tìm mãi nơi đâu là Hạnh phúc
Có thể gần, cũng có thể thật xa
Xa hay gần là ở tại Tâm ta
Ta cảm nhận thế nào là thế đó”

(Trích Hạnh Phúc Ở Nơi Đâu- Thơ Sương Lam)

 Tóm lại,  theo như một triết gia đã nói: “Hạnh Phúc là tất cả những cái thần diệu của cuộc sống: Sự sung sướng, niềm đau khổ, giọt nước mắt, những nụ cười. Hãy rút kinh nghiệm để mang thêm cho mình lòng yêu thương và trải rộng đến tha nhân trong quãng đời chúng ta đang sống.”  Bạn đồng ý chứ?

Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-ORTB 470 4-22-2011)

Bài số 75 Một Cõi Thiền Nhàn



Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương  2011

Chào quý bạn,

Đây là bài thứ bảy mươi lăm của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Mỗi năm vào ngày mồng 10  tháng 3 âm lịch, dù là sống ở quê nhà hay sống đời viễn xứ  mọi người dân Việt đều nhớ đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

 Cổ đức xưa có dạy rằng:

 “Cây có cội mới tủa nhành xanh lá
Nước có nguồn mới tỏa khắp lạch sông
Phận làm người phải có tổ tông
Phận làm con phải hết lòng lo báo hiếu”

Những người bạn trẻ trong Ban Chấp Hành CĐVNOR đã nêu cao tấm gương “ăn trái nhớ kẻ trồng cây” nên đã phối hợp với các vị lãnh đạo các tôn giáo, các bậc trưởng thượng, các đoàn thể, các nhân sĩ  cùng nhau tổ chức một buổi Giỗ Tổ Hùng Vương tại Hội trường IRCO  để các đồng hương tại Portland và vùng phụ cận cùng được đến tham dự.

 Chương trình lễ Giỗ Tổ  Hùng Vương năm nay được tổ chức trong vòng hai tiếng đồng hồ từ 10 giờ sáng đến 12 giờ trưa với đầy đủ nghi lễ trang trọng do Hội Ái Hữu Quảng Trị Vùng Tây Bắc phụ trách và  các tiết mục văn nghệ rất hào hứng do đoàn Hưng Ca Oregon, ban vũ Nhóm Âu Cơ, ban vũ  Trường Việt Ngữ Văn Lang, ban cổ nhac Portland phụ trách. Các thân hào nhân sĩ, các cơ quan truyền thông báo chí tại Portland đều hiện diện đầy đủ. Một điểm đáng mừng là số đồng hương Việt Nam, nhất là giới trẻ đến tham dự nhiều hơn các năm truớc

 Hằng năm người viết đều đến tham dự buổi lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.  Mỗi năm, buổi lễ có một nét đặc biệt riêng đáng ghi nhớ.  Năm nay hai hình ảnh đặc biệt đã làm cho người viết cảm động và nhớ mãi là hình ảnh các cụ già trong ban tế lễ đã trang nghiêm cung kính lễ bái và hình ảnh một bé thơ 4 tuổi Nguyễn John Trường Duy kể chuyện sự tích bánh chưng bánh dầy một cách hồn nhiên, không vấp váp. 

Những cụ già ốm yếu như cội tre già oằn vai với bao nỗi đau của quê hương đất nước vẫn đang cố gắng tiếp tục gìn giữ, truyền trao những cái hay cái đẹp của văn hoá Việt Nam cho thế hệ trẻ mai sau. Những đứa bé sinh ra và lớn lên ở một nơi không phải là quê mẹ Việt Nam, nhưng vẫn có thể nhớ thuộc lòng sự tích bánh dầy bánh chưng lễ tục ngày xưa. Các cháu như những mầm măng sống khỏe sống mạnh, tiếp nối hoài bảo tốt đẹp của cha ông để lại.  Hai hình ảnh, hai tuổi đời nhưng cùng một tâm nguyện. Bạn có cảm động hay chăng?

 Xin hãy để cho người viết nói lên lời cảm tạ và ngợi khen các vị trưởng lão, những bậc cha mẹ, những người bạn trẻ đã:

“Dù muôn trải sao dời vật đổi 
Dù gian truân dâu bể tang thương
Đạo thống Việt đời đời thắp sáng
Hồn nước thiêng, muôn thưở lưu truyền
 Tâm thành thiết lễ báo đền
Cúi xin Quốc Tổ, Thánh Hiền chứng tri”

 (Nguồn: Sưu tầm trên internet)

 Xin được thêm một lời cám ơn ban tổ chức, quý vị đã chung vai góp sức, quí vị đồng hương đã đến tham dự buổi lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay vì quý vị đã cùng nhau duy trì, phát huy và bảo tồn truyền thống tốt đẹp đầy nhân nghĩa “Uống Nước Nhớ Nguồn” của đạo đức Việt Nam, và cũng vì quý vị vẫn mãi khắc tâm nhớ lời tâm tình dưới đây:

 “Một tấc giang sơn là tấc máu
Một gang đá sỏi cũng ân tình”
 
 Một điều đáng vui mừng là năm nay Hội Người Việt Cao Niên Oregon đã đến tham dự  lễ Giỗ Tổ Hùng Vương đông đảo nhất với nhân số 25 hội viên.  Các vị cao niên này ngồi lặng lẻ ở các hàng ghế sau cùng, theo dõi hết tất cả các tiết mục của buổi lễ cho đến giờ phút chót.  Họ đến để ủng hộ tinh thần ban chấp hành toàn là những người trẻ nhưng đã biết và nhớ đến hai chữ Nghĩa Ân.  Đó là một điều đáng khen, đáng được khích lệ, phải không bạn?

“Những người không còn trẻ nữa” này (một danh xưng được người viết thường dùng để gọi các vị cao niên  thay cho danh xưng “những người già” nghe sao mà buồn thảm quá!) đã có thêm một niềm vui khác nữa trong ngày thứ bảy đẹp trời hôm nay khi họ cùng nhau lên đường đến tư gia của hội viên Nguyễn Thanh Minh để góp vui mừng sinh nhật cho các hội viên HCN có sinh nhật trong tháng Tư và để góp vui mừng việc đoàn tụ gia đình của hội viên NTM

Một mái ấm gia đình nho nhỏ tràn đầy những nụ cười của những người bạn tuổi hoàng hạc đến chúc mừng trong tình thân ái, thương yêu chắc hẵn đã làm cho gia chủ vui và cảm động lắm.  Món quà chiếc thuyền bườm chở đầy những cây trúc xanh quấn cuộn vào nhau do cô thủ quỷ Mary Nguyễn chọn mua để Hội Cao Niên  tặng cho gia chủ  đã nói lên tình thương yêu trìu mến quấn quít bên nhau của những người bạn và của  những người thân yêu trong gia đình. Thật đầy ý nghĩa! Thật đầy thương mến!

 Gia chủ là người Huế nên thực khách được đãi ăn những thức ăn Huế do “bếp nhà ta nấu” thật là ngon lành, thật là tuyệt vời!  Tô bún bò Huế thơm cay với dĩa rau hấp dẫn, chiếc bánh nậm mỏng nhẹ với nhân thịt tôm đỏ ao,  những chiếc bánh  rám, bánh bột lọc tôm thịt vừa dai vừa dòn,  những chiếc nem Huế  thịt heo quết nhuyển mịn màng lần luợt được đem ra mời bạn bè cùng thưởng thức. Thực khách xuýt xoa khen ngon, gia chủ mỉm cười sung sướng.  Rồi lời tâm tình chân thật, rồi bạn bè góp chút vần thơ, rồi được đem bánh bao về nhà, rồi cùng nhau chụp hình kỷ niệm. Các bạn được vui đùa thoải mái trong không khí gia đình.  Hạnh phúc thật gần, thật giản dị trong phút giây hiện tại này.   Bạn có thấy chăng?
 Vợ chồng người viết xin mừng cho gia đình anh chị Nguyễn Thanh Minh được đoàn tụ sum vầy bên nhau và chúc gia đình các cháu mới đến sớm hội nhập và thành công nơi xứ Mỹ.
 Tôi cũng xin cám ơn những người bạn cao niên đáng yêu của HCN đã đến góp vui trong tình thân cá nhân bè bạn nhưng vẫn không quên đóng góp tiền bạc cứu giúp nạn nhân bị động đất và sóng thần ở Nhật Bản. Tình riêng ý chung đều được tỏ bày. Bạn và tôi có thêm được một niềm vui trong ngày. Như vậy là chúng ta đã làm được một việc lành nho nhỏ rồi đấy. Bạn vui không nhỉ?

 Buổi tối an tĩnh ở nhà, nếu không nằm dài trên giường đọc sách, tôi thường lang thang trên internet để tìm tài liệu hay hay để chia sẻ với bạn bè.  Thảm họạ đau thương ở Nhật Bản đã chứng minh cuộc đời là vô thường, còn đó mất đó chỉ trong một phút giây ngắn ngủi không ai biết trước.  Xin đừng quá trễ để bày tỏ tình thương yêu của mình đối với người khác, dù người đó là kẻ lạ hay quen, dù là bạn bè thân thiết, hay là người thân yêu trong gia đình của chúng ta . 

Xin mời Bạn đọc qua những lời tâm tình dưới đây của George Carlin để mà suy ngẫm  xem có đúng hay không nhé:

Đừng quá trễ

1. Hãy nhớ dành thời giờ cho người bạn thương yêu vì họ chẳng ở với bạn mãi đâu.
2. Đừng quên biểu lộ tình thân ái với người đang ở gần vì đó là kho tàng duy nhất bạn
    có thể trao tặng mà không tốn một xu.
3. Hãy nhớ nắm tay nhau thật lâu vì sẽ có ngày bạn không còn cơ hội nữa.
4. Hãy nói lời thương yêu với người bạn đời và bạn bè, với tất cả ý nghĩa của lời ấy.
5. Hãy ôm chặt trong vòng tay người mà bạn thương mến, đó là cách hàn gắn niềm đau
    và nỗi nhớ.
6. Hãy dành thời gian để yêu và để tâm sự.
7. Đừng tiếc thời gian để chia sẻ với nhau.
8. Hãy nói những điều tốt đẹp bạn nghĩ
9. Và luôn luôn nhớ rằng: Giá trị đích thực của cuộc sống không đo lường bằng thời gian
 chúng ta có mà được tính bằng những khoảnh khắc chúng ta đem lại sự ngạc nhiên cho
  nhau.
10. Nhớ chia sẻ điều bạn tâm đắc cho người thân của mình.

George Carlin

Sau hết, người viết xin mượn lời nói của Tuân Tử ngày xưa để làm kết luận cho bài tâm tình hôm nay, bạn nhé:

 “Đường tuy gần, chẳng đi chẳng đến.
 Việc tuy nhỏ, chẳng làm chẳng nên.”

  Thôi thì chúng ta hãy bắt đầu làm những chuyện thiện lành nho nhỏ nha bạn. Đồng ý chứ?

.Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-ORTB469-4152011)