Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

Bài số 85 Một Cõi Thiền Nhàn

Xin mời xem You tube Tình Cha do Duy Hân thực hiện, Nguyễn Văn Hiển viết nhạc theo ý thơ  Bài Tình Ca Tháng Sáu của Sương Lam  do Phong Thu trình bày



You tube


http://i1139.photobucket.com/albums/n557/Suong4368/MCTN-ORTB/HappyFathersDaynuithac.jpg

Chào quý bạn,

Đây là bài thứ tám mươi lăm  (85) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo

Tình cảm kính yêu cha mẹ là một tình cảm thiêng liêng, cao cả mà mỗi người trong chúng ta ai ai cũng trân quý.  Đạo đức văn hoá Việt Nam đã dạy cho con trẻ phải biết kính yêu cha mẹ  ngay từ thuở còn thơ qua câu ca dao, tục ngữ dưới đây:

 Công Cha như núi Thái Sơn
 Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra
 Một lòng thờ Mẹ kính Cha
 Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Hoặc là :
 Tu đâu cho bằng tu nhà
 Thờ cha kính mẹ mới là chân tu.

Các bậc thành nhân đã để lại nhiều lời dạy như sau:
« Phụ bất từ, con bất hiếu »
(Cha không hiền, con không hiếu) 
Khổng Tử
Hay là:

“Cha mẹ không thương con: lỗi đạo làm người
Con không thương cha mẹ: lỗi đạo làm con”
 Mạnh Tử

 Tuy nhiên trong văn chương nghệ thuật và trong đờì sống thực tế hình như chúng ta thương Mẹ nhiều hơn.  Chúng ta đã đọc, đã nghe, đã xem nhiều tác phẩm ca tụng công ơn và bài tỏ sự quý yêu Mẹ nhiều hơn là Cha.  Có thể là vì mẹ gần gủi, bao dung, dịu dàng,  hy sinh chăm sóc con cái  nhiều hơn người cha lúc nào cũng nghiêm khắc, lạnh lùng, không biểu lộ tình cảm thương yêu con cái nhiều bằng người mẹ hay chăng? Nhất là trong thời gian chiến tranh, người Cha là những chiến sĩ can trường phải rờì bỏ gia đình xông pha nơi trân mạc để bảo vệ đất nước hay phải sống khổ cực trong các trại học tập cải tạo cho nên đàn con chỉ biết trông cậy vào sự bảo bọc, vào đội tay yếu gầy đầy tình yêu thương của người mẹ mà thôi:

Thời chinh chiến biết bao người vợ trẻ
Nhớ thương chồng trong kiếp sống chinh phu
Hay khổ đau trong cuộc sống ngục tù
Nàng chấp nhận một cuộc đời cô phụ

Cao quí ấy, phải chăng trời đã phú
Chỉ riêng dành cho phụ nữ Việt Nam
Họ là ai ? Những chiến sĩ vô danh
Trang sử Việt họ góp phần rất lớn”


(Nguồn: Trích trong Chiến sĩ vô danh- Thơ Sương Lam)

Thật  đáng thương cho những người Cha Việt Nam của thời chinh chiến quá, phải không Bạn?
 Mặc dầu thế, tình thương yêu và tầm quan trọng của ngưòi Cha trong đời sống của con cái vẫn cao quý như tình của người Mẹ vì chúng ta vẫn còn nhớ  câu ca dao:

“Còn Cha gót đỏ như son
 Một mai cha mất, gót son lấm bùn”
Hay là:

 “Mẹ dạy thì con khéo, bố dạy thì con khôn”

Riêng đối với cá nhân người viết, tôi vẫn tâm tâm niệm niệm rằng:

“Mẹ là hoa cho đời thêm hương sắc
Để cho con thấy vẻ đẹp cuộc đời này
Cha là chim giang đôi cánh tung bay
Cho con biết có trời cao đất rộng”
(Nguồn: Một lời cho Cha- Thơ Sương Lam)

Cha tôi tuy không thuộc hàng cao sang quyền quý, không chức trọng tài cao nhưng luôn luôn thương yêu, dạy bảo nghiêm khắc chúng tôi sống thế nào cho trên thuận với thiên lý, dưới hòa với nhân đạo của đạo làm người.

Người viết vẫn còn nhớ lúc tôi còn là học sinh trường nữ trung học Gia Long, mỗi lần tôi thức khuya học thi trung học đệ nhất cấp, tú tài 1, tú tài 2 (lớp 12 bây giờ) hay tốt nghiệp QGHC là cha tôi thường nhắc nhở mẹ tôi  phải nấu thức ăn bổ dưỡng cho tôi để  tôi có đủ sức khỏe học hành giỏi dắn.   Một người cha nghiêm khắc trong cách dạy dỗ con cái trong đời sống thường nhật nhưng vẫn để ý quan tâm lo lắng thương yêu con cái như vậy, thế mới biết thâm tình phụ tử sâu đậm như thế nào, bạn nhỉ?

 Rồi vận nước đổi thay, chúng tôi phải từ biệt cha già mẹ yếu tìm đường vượt biên để cho con cái chúng tôi được hít thở không khí tự do nhân bản nơi xứ người.  Còn nỗi khổ đau nào hơn khi cha mẹ già phải lo lắng cho đàn con ra đi lênh đênh trên biển cả không biết sống chết ra sao?  Không biết người ở lại quê nhà hay kẻ ra đi tìm tự do, ai đau khổ hơn ai? Nhờ ân trên gia hộ, chúng tôi đã đến được bến bờ tự do một cách an lành và bắt đầu cuộc đời mới nơi xứ người với hai bàn tay trắng.

 Tôi vẫn nhớ mỗi lần vợ chồng chúng tôi về thăm gia đình, có những ngày chúng tôi đi chơi về khuya nhưng cha mẹ chúng tôi vẫn ngồi đợi cửa trông đón chúng tôi về rồi mới an tâm đi ngủ. Hình ảnh ông bà cụ già ngồi đợi cửa trông con, ai trông thấy mà chẳng xúc động đau lòng. Dù con cái đã trưởng thành, mẹ cha nào cũng vẫn lo lắng, thương yêu con như thuở con còn bé dại.  Mẹ tôi qua đời ở tuổi 76 và cha tôi quy tiên ở tuổi thượng thọ 99.  Đã 23 năm qua kể từ ngày mẹ tôi mất, cha tôi vẫn một lòng chung thủy với mẹ của tôi dù lúc sinh tiền, cha tôi là một người đào hoa bay bướm đã làm mẹ tôi đau buồn không ít.  Tôi vẫn nhớ, mỗi lần tôi về thăm cha tôi, khi ăn cơm, lúc nào tôi cũng thấy cha tôi dành sẵn một chén cơm và một đôi đủa y như thể mẹ tôi vẫn còn sống cùng  ngồi ăn cơm với người.  Tôi đã học được một bài học thủy chung trong tình chồng vợ nơi người cha già đáng kính này.

 Đã bao lần xuân hạ thu đông đến với thành phố hoa hồng Portland an lành hạnh phúc ở nơi đây, tôi thấy mùa nào cảnh sắc cũng đẹp, cũng hữu tình. Nhưng riêng thiển ý, có lẻ Tháng Năm có Ngày Lễ Của Mẹ và Tháng Sáu có Ngày Lễ Của Cha là những tháng đẹp nhất trong năm vì ít ra  trong hai tháng này, người con đã dành được ít phút giây để  tưởng nhớ đến cha mẹ dù cha mẹ đã già yếu hay vẫn còn trẻ tuổi, dù cha mẹ đã qua đời hay vẫn còn sinh tiền.  Văn hoá Tây Phương vẫn có cái hay cái đẹp của Tây Phương và văn hoá Đông Phương vẫn có cái hay cái đẹp của Đông Phương.  Trái tim tình cảm gia đình ở nơi nào cũng giống như nhau một khi nước mắt và máu đào vẫn mặn hơn nước lã, phải không bạn? 

Ở Việt Nam không có ngày lễ vinh danh đặc biệt dành cho người Cha mà chỉ có ngày lễ Vu Lan của Phật Giáo dành để tưởng nhớ đến người mẹ đã qua đời qua sự tích báo hiếu của Đức Mục Kiều Liên muốn cứu độ mẹ già là bà Thanh Đề với nghi lễ ngày Rằm tháng Bảy xá tội vong nhân nhưng ở Mỹ lại có những ngày dành cho cả Cha lẫn Mẹ.
 Xin cám ơn bà Ann Reeves Jarvis đã tranh đấu cho Ngày Lễ Của Mẹ (Mother’s Day)  được công nhân chính thức năm 1914 và bà Sonora Smart Dodd đã tranh đấu cho Ngày Của Cha (Father’s Day) đựợc công nhận chính thức năm 1972 là  những ngày lễ quốc gia  nơi xứ Mỹ.

 Chúng ta sống ở nơi nào thì cũng cần hòa nhập văn hóa hay đẹp ở nơi ấy, bạn đồng ý chứ?  Công ơn sinh thành dưỡng dục của Mẹ lẫn Cha phải được vinh danh, tưởng nhớ như nhau.  Nhiều người Việt nơi hải ngoại ngày nay cũng ăn mừng Ngày của Mẹ và  Ngày của Cha như cư dân sở tại.  Chúng tôi rất trân quý hai ngày lễ này vì đây cũng là dịp để gia đình bé nhỏ của chúng tôi có thêm dịp để sum họp, để chia sẻ niềm vui và thương yêu nhau nhiều hơn nữa.  Gia đình chúng tôi đã có một ngày vui trong Ngày Của Cha Chủ Nhật 19 tháng Sáu vừa qua. Vui quá!

Một niềm vui khác đến với cá nhân người viết trong Ngày Của Cha năm nay là tâm tình trong bài thơ Bài Tình Thơ Tháng Sáu của SL để vinh danh cha tôi nói riêng, những người cha dù già hay trẻ nói chung, đã được những người bạn đồng tâm cảm với tôi thực hiện thành một PPS Tình Cha dựa theo ý thơ của SL với lời nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiển  được trình bày qua giọng ca của  Phong Thu do Duy Hân  thuộc DungLac.org thực hiện PPS này.

Quý vị nghệ sĩ nói trên mà SL chưa hề quen biết hay gặp mặt đã thực hiện PPS này hay hơn, cảm động hơn, tình cảm hơn nguyên tác bài thơ của SL vì hình ảnh của người Cha rất linh động đủ mọi thành phần, lời nhạc, giọng ca thật là trữ tình, du dương, nhẹ nhàng  như lời ru của mẹ, nên dễ nhớ, dễ thuộc, dể hát, dễ đi vào trái tim tình cảm của mọi người hơn là khi đọc bài thơ của SL.  Xin cám ơn những người bạn mới mà SL chưa bao giờ biết mặt này đã chuyên chở ý tình của SL đến với bạn bè cùng tâm cảm.
Xin mời quý bạn cùng với tôi vinh danh người cha của chúng ta qua PPS Tình Cha đã được phổ biến rông rãi qua link dưới đây nhé:
 PPS này cũng đã được đưa lên You Tube của anh Trần Năng Phùng thuộc Đại Học Văn Khoa yahoogroups qua link: http://www.youtube.com/watch?v=pHET0tJmUBI&feature=email
Thế mới biết những tình cảm thiêng liêng cao quý của Me Cha bao gìờ cũng làm xúc động những trái tim tình cảm không phân biệt tôn giáo, giới tính, chủng tộc, tuổi tác,  phải không bạn?

Xin mời quý bạn cùng ngâm nga bài hát Tình Cha tuyệt diệu này qua link dưới đây
Happy Father’s Day
Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn nhé.
Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-ORTB 479 6-242011)

Xin mời xem hình ảnh bản nhạc Tình Cha- Nhạc Nguyễn Văn Hiển- Ý Thơ Sương Lam dưới đây:

http://i1139.photobucket.com/albums/n557/Suong4368/MCTN-ORTB/bannhacTinhcha-ytoSL.jpg

Bài số 84 Một Cõi Thiền Nhàn

http://i1139.photobucket.com/albums/n557/Suong4368/MCTN-ORTB/IMG_2633.jpg?t=1316910638


Bài số 83 Một Cõi Thiền Nhàn




 http://i1139.photobucket.com/albums/n557/Suong4368/MCTN-ORTB/Slide14.jpg?t=1316910638

Chào quý bạn,

Đây là bài thứ  tám mươi ba (83) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Trong chốn “bụi hồng lao xao” này hình như lúc nào chúng ta cũng bận rộn:  tuổi trẻ bận rộn việc học hành, kẻ trung niên thì bận rộn làm việc để mưu sinh, có người “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm chủ nhật nữa chứ”, người già thì bận rộn với cháu nội cháu ngoại v..v… Có mấy ai tâm trí được thảnh thơi, không cần lo nghĩ. 

 Có nhiều khi chúng ta đang sống trong cảnh an nhàn thanh đạm, bình an mà không biết lại mơ tưởng, tìm đến chốn phồn  hoa, náo nhiệt để rồi lúc nào cũng phải lo sợ phập phòng như câu chuyện chuột nhà và chuột đồng dưới đây:

 Chuột Nhà và Chuột Đồng

Một con chuột nhà một hôm ghé thăm bạn ở đồng quê. Bữa trưa, Chuột Đồng dọn bữa ăn chỉ toàn là thân, rễ, và lỏi bắp, với một chút nước lạnh để uống. Chuột Nhà chỉ ăn lấy lệ, nhấm nháp một chút món này, một chút món kia, và chẳng cần giấu giếm gì nó nói rằng nó ăn với chuột đồng một chút là chỉ để cho vui thôi.

Sau bữa ăn, hai con chuột trò chuyện rất lâu, nói cho đúng là Chuột Nhà cứ kể chuyện về cuộc sống của mình ở thành phố còn Chuột Đồng thì chỉ ngồi nghe. Rồi chúng vào trong một cái tổ chuột ở bờ rào và ngủ một giấc êm ái và thoải mái cho đến tận sáng hôm sau. Trong giấc ngủ, Chuột Đồng mơ thấy mình được ở thành phố với đủ mọi tiện nghi sang trọng và sung sướng mà nó đã được nghe bạn kể. Thế là sáng hôm sau, khi Chuột Nhà mời Chuột Đồng về nhà với mình ở thành phố, nó sung sướng nhận lời ngay.

Khi chúng về đến ngôi biệt thự mà Chuột Nhà sống, chúng thấy trên bàn ăn còn lại những thứ thức ăn thừa của một bữa tiệc rất sang trọng. Có cả bánh kẹo, mứt, phó mát, thực vậy, những thứ thức ăn hấp dẫn nhất mà Chuột Đồng có thể tưởng tượng được. Nhưng ngay khi Chuột Đồng vừa sắp nhấm nháp một chút bánh ngọt, nó nghe thấy tiếng con mèo kêu thật lớn và tiếng móng vuốt của nó nghiến trên sàn nhà. Quá sợ hãi, hai con chuột vội vàng tìm chỗ nấp, chúng nằm im một lúc lâu, hầu như không dám thở mạnh. Khi vào lúc cuối cùng chúng đánh bạo quay trở lại bàn tiệc, cánh cửa bỗng dưng mở ra và người đầy tớ bước vào dọn bàn, theo sau là một con chó nhà lớn.

Chuột Đồng vội cầm lấy nón và bị nói rằng:
“Bạn có thể có những thứ xa xỉ và những món ăn ngon mà tôi chẳng có,” nó vừa nói vừa chạy, “nhưng tôi lại thích những thứ thức ăn thanh đạm và cuộc sống giản dị ở đồng quê luôn có sự yên bình và thanh thản hơn”.

(Nguồn: Những Truyện Thìền- Oldcottage.net)

 Một người bạn của người viết đã  chia sẻ với tôi một slide show và một bài viết vể bận rộn  cũng hay hay .  Người viết cũng xin chia sẻ với các bạn cùng đọc cho vui:

BẬN RỘN làm cho ta không có bình an và hạnh phúc

BẬN RỘN làm cho sự hành xả của ta vụng dại

BẬN RỘN làm cho cái hiểu biết của ta khô cằn

BẬN RỘN làm cho sự sống của ta ngắn lại


BẬN RỘN khiến ta không thấy được cái đẹp của người ta thương yêu


BẬN RỘN khiến ta đi trên đường như ma rượt ...

 
Đời sống bận rộn là đời sống ... bất hạnh nhất trên đời ... !
 
Thế đấy, nhưng con người ai ai cũng luôn tìm đủ mọi lý do để mà ... BẬN RỘN.
 
Và rồi một ngày kia, thử hỏi có ai mang theo được cái "BẬN RỘN" về bên kia thế giới?
 
Hãy biết dừng lại

Hãy biết ngơi nghĩ


Hãy tập thanh thản


và buông xả, thảnh thơi ...

 
thì khi cái ngày ấy đến , chúng ta mới có thể ra đi với cái tâm ... KHÔNG ... BẬN RỘN .... !!!
(Nguồn: email bạn gửi- Cám ơn chị Phước Đạo)

Con người suốt đời bận rộn bon chen trong cuộc sống, phải vất vả đau khổ vì hai chữ  lợi  danh  nhưng một khi cái chết đã đến, rồi cũng phải buông tay ra đi với hai bàn tay trắng.  Chắc chắn khi đọc mẫu chuyên “Ba ý muốn cuối cùng của Alexander Đại Đế” dưới đây chúng ta sẽ thấm thía cái lẽ vô thường mà nhà Phật đã dạy:

Ba ý muốn cuối cùng của Alexander Đại Đế

Đại Đế Alexandre III (-356 -323) (Alexandre le Grand): gốc Macédoine, học trò của Aristote. Được xem là một trong những vị tướng thành công nhất trong lịch sử, người đã chinh phạt gần như toàn bộ thế giới mà ông biết trước khi qua đời; ông thường được xem là một trong những nhà chiến lược quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử.
Những ý nguyện cuối cùng của ngài Alexander Đại Đế khi sắp chết. Ngài Alexander Đại Đế cho triệu tập các quan trong triều đình đến để truyền đạt 3 ý nguyện cuối cùng của mình. Ngài phán rằng:

1 - Quan tài của ngài phải được khiêng đi bởi chính các vị ngự y giỏi nhất của thời đó.
2 - Tất cả các báu vật của ngài (vàng, bạc, châu báu, ...) phải được rải dọc theo con đường dẫn đến ngôi mộ của ngài, và ...
3 - Đôi bàn tay của ngài phải được để lắc lư, đong đưa trên không, thò ra khỏi quan tài để cho mọi người đều thấy.

Một vị cận thần của ngài, rất đổi ngạc nhiên về những ý muốn kỳ lạ này, và đã hỏi ngài Alexander lý do tại sao.

Ngài Alexander đã giải thích như sau:

1 - Ta muốn chính các vị ngự y giỏi nhất phải khiêng quan tài của ta để cho mọi người thấy rằng một khi phải đối mặt với cái chết, thì chính họ (là những người tài giỏi nhất) cũng không có tài nào để cứu chữa.
2 - Ta muốn châu báu của ta được vung vãi trên mặt đất để cho mọi người thấy rằng của cải, tài sản mà ta gom góp được ở trên thế gian này, sẽ mãi mãi ở lại trên thế gian này (một khi ta nhắm mắt xuôi tay từ giã cõi đời).
3 - Ta muốn bàn tay của ta đong đưa trên không, để cho mọi người thấy rằng chúng ta đến với thế giới này với hai bàn tay trắng và đến cuối cuộc đời, khi chúng ta đã cạn kiệt kho tàng quý giá nhất là thời gian, thì chúng ta cũng sẽ rời khỏi thế giới với hai bàn tay trắng.

(Nguồn: sưu tầm trên internet)

 Và cuối cùng, người viết xin mượn ý tưởng sau đây để làm kết luận cho bài tâm tình hôm nay:

“Có lẽ cũng nên thay đổi cách nhìn. Cái mà người ta quen cho là bi quan chán đời không phải trường hợp nào cũng đúng vậy. Ở Trần Nhân Tông, không phải là tâm trạng bi quan mà chính là trạng thái đạt đạo trong tâm hồn. Ông đã bình thản trước mọi cám dỗ vật dục. Phải chăng toàn bộ tinh thần đạo Thiền Trúc Lâm của ông đã quy tụ trong bài kệ :


Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Ðối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.

Tạm dịch:

Sống ở trên đời theo với hoàn cảnh mà vui với đạo
Ðói thì ăn, mệt thì ngủ
Của báu sẵn trong nhà khỏi tìm kiếm
Ðứng trước cảnh vật mà vô tâm thì không phải hỏi Thiền là gì.”

Người viết rất tâm đắc bài kệ nói trên, còn bạn thì sao?

Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn nhé.
Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-ORTB477-6102011)