Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

Bài số 105 Một Cõi Thiền Nhàn


 http://i86.photobucket.com/albums/k88/suonglam_2006/MCTN%20ORTB/camobmamtraicay.jpg

Chào quý bạn,

Đây là bài thứ một trăm lẻ năm (105) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Thứ Năm 11-25-2011 tuần này là ngày dân Mỹ mừng Lễ Thanksgiving (Lễ Tạ Ơn).  Câu chuyện 102 người Pilgrim từ Anh Quốc đi tìm tự do tín ngưỡng trên con tàu Mayflower  bắt đầu từ tháng 9 năm 1620 cho đến  ngày 11 tháng 12 năm 1620 khi đến Plymouth Rock, Massachusetts, chỉ còn lại 56 người được sống sót nhờ ăn thịt gà tây hoang và bắp do người da đỏ mang đến cứu giúp, đã nói lên cái tính nhân bản về sự giúp đỡ và lòng biết ơn  của con người.

Những người da đỏ còn chỉ dạy cho những di dân mới đến trồng trọt mùa màng.  Những người sống sót này thu hoạch được mùa gặt rất tốt đẹp năm sau đó.  Họ quyết định làm tiệc ăn mừng với sự tham gia của thổ dân đã giúp họ sống sót.  Đây có thể xem như là buổi tiệc “Tạ Ơn” đầu tiên cho những ngày Lễ Thanksgiving sau này.

Năm 1941  Quốc Hội Mỹ  đã đồng thuận và chọn  ngày Thứ Năm của tuần lễ thứ 4 trong tháng 11 sẽ là Ngày Tạ Ơn trên toàn quốc. Ngày 26 tháng 11 năm 1941, Tổng thống Rosevelt chính thức ký thông qua đạo luật này  và ngày lễ Thanksgiving được xem là ngày lễ chính thức hằng năm của nước Mỹ.
Đây là một ngày lễ lớn của Hoa Kỳ, học trò được nghỉ học, nhân viên công tư sở được nghỉ làm để gia đình con cháu xum họp bên nhau ăn tiệc mừng Tạ Ơn trong không khí ấm cúng gia đình.

Món gà tây quay, món khoai lang ngọt, món bánh nướng bí rợ (pumpkin pie), hoa quả thu hoạch được trong mùa Thu là những món không thể thiếu được trên bàn tiệc Thanksgiving của dân Mỹ vì đó là những thức ăn mà người da đỏ đã mang tới cho người di dân ăn trong cơn đói lạnh. Họ ăn để tưởng nhớ và biết ơn người đã cứu sống họ.

Chúng ta cũng là những người di dân đến đất Mỹ trong vòng mấy thập niên gần đây. Những người bạn Mỹ đã mở rộng vòng tay và mở rộng con tim  đón nhận chúng ta đến chung sống với họ trong hoà bình, tự do, hạnh phúc.   “Nhập giang tùy khúc, nhập gia tuỳ tục”, đó là lời dạy bảo của ông cha ta để lại.  Chúng ta cũng cần hội nhập vào nếp sống văn hóa hay đẹp của xứ người vì hai chữ ân tình. Chúng ta cần phải biết cám ơn những cơ quan thiện nguyện, những tổ chức tôn giáo, những người bạn tốt, những ân nhân đã bảo trợ, giúp đỡ chúng ta trong những ngày tháng khó khăn lúc ban đầu nơi xứ lạ quê người.

Chúng ta sinh ra đời là đã thọ ơn rất nhiều từ nhiều người: ơn tiền nhân đã ra công dựng nước, ơn chiến sĩ, đồng bào đã ra công bảo vệ, gìn giữ nuớc, ơn Tam Bảo đã dạy các phương cách sống an vui thoát khổ, ơn cha mẹ đã sinh thành dưỡng dục nên nguời, ơn thầy cô đã truyền trao kiến thức, ơn bạn bè thân hữu đã  giúp đỡ khi chúng ta gặp lúc khó khăn, góp vui xẻ buồn khi chúng ta có chuyện quan hôn tang tế v..v…
 Người viết vẫn thường tâm niệm:

“…Vẫn ghi nhớ non sông đất nước
Tiền nhân kia gian khổ biết bao
Mồ hôi, xương trắng, máu đào
 Việt Nam một giải, biết bao ân tình

Thân tình đáp thân tình mới xứng
 Nghĩa ân kia, phải trả nghĩa ân
Con người sống chết hai lần
 Sống ra nghĩa sống, chết cần chết vinh…”
 ( Thơ Sương Lam- Ân tình nước Việt)

Đôi khi chúng ta cũng cần phải cám ơn nụ cười ngây thơ của em bé nhỏ, cám ơn  lời nói dịu dàng trìu mến của người bạn già vì những nụ cười, lời nói  đó đem lại cho chúng ta  niềm vui trong ngày.  Đôi khi chúng ta cũng cần cám ơn cho những cuộc tình dang dở vì những dở dang này giúp ta biết thêm thi vị của “thú đau thương” trong tình yêu.  Chúng ta cũng phải cám ơn những sự thất bại trong cuộc đời để từ đó ta biết giá trị của sự thành công đáng quý như thế nào.  Những nổ lực làm việc của  Steve Jobs khi bị sa thải tại ngay công ty mà ông đã lập ra và sự trở lại của ông đã phục hưng Apple thành công như thế nào, quý bạn đều biết rõ.  Ông đã từng tâm sự:” Tôi khá chắc chắn rằng những điều trên sẽ không xảy ra nếu tôi không bị Apple sa thải.  Nó như liều thuốc đắng và kinh khủng, nhưng bệnh nhân cần nó.  Đôi khi cuộc đờì đánh vào đầu bạn bằng một viên gạch.  Đừng mất niềm tin”.
 Trong hạnh phúc hay trong đau khổ của cuộc đời, chúng ta phải cám ơn tất cả mọi người, mọi vật, mọi sự kiện đã đến với chúng ta để cho cuộc sống tâm linh, tình cảm, vật chất của chúng ta thêm phần khởi sắc, thêm phần phong phú.  Bạn đồng ý chứ?

Mùa Thanksgiving năm nay, người viết đã đọc được một bài viết rất cảm động về tình thương yêu và sự lao lực của một người mẹ đã được người con trai của bà thấu hiếu và  cậu đã học được một bài học tuyệt vời khi được lau tay cho mẹ. Người viết xin được trích một đoạn để chia sẻ với bạn câu chuyện này và hy vọng bạn sẽ học đưọc một bài học quý giá như cậu thanh niên này.

  Bàn tay của Mẹ - Bài học của con

Một thanh niên học hành xuất sắc nộp đơn vào chức vụ quản trị viên của một công ty lớn.
Anh ta vừa xong đợt phỏng vấn đầu tiên, ông giám đốc công ty muốn gặp trực tiếp để có quyết định nhận hay không nhận anh ta. Và ông thấy từ học bạ của chàng thanh niên, tất cả đều tốt và năm nào, từ bậc trung học đến các chương trình nghiên cứu sau đại học cũng đều xuất sắc, không năm nào mà anh chàng thanh niên này không hoàn thành vượt bực.
Viên giám đốc: “Anh đã được học bổng của những trường nào?” Chàng thanh niên đáp “Thưa không” “Thế cha anh trả học phí cho anh đi học sao?” “Cha tôi chết khi tôi vừa mới một tuổi đầu. Mẹ tôi mới là người lo trả học phí.” Viên giám đốc lại hỏi: “Mẹ của anh làm việc ở đâu?” Chàng thanh niên đáp: “Mẹ tôi làm công việc giặt áo quần.”

Viên giám đốc bảo chàng thanh niên đưa đôi bàn tay của anh cho ông ta xem. Chàng thanh niên có hai bàn tay mịn màng và hoàn hảo.
Viên giám đốc: “Vậy trước nay anh có bao giờ giúp mẹ giặt giũ áo quần không?” thanh niên đáp:“Chưa bao giờ. Mẹ luôn bảo tôi lo học và đọc thêm nhiều sách. Hơn nữa, mẹ tôi giặt áo quần nhanh hơn tôi.” Chàng thanh niên đáp.
Viên giám đốc: “Tôi yêu cầu anh một việc. Hôm nay khi trở lại nhà, lau sạch đôi bàn tay của mẹ anh, và rồi ngày mai đến gặp tôi.”
Ðến lúc ấy thì chàng thanh niên có cảm tưởng là công việc tốt này đang sẵn sàng là của mình. Về đến nhà, chàng ta sung sướng khoe với me, và chỉ xin được cầm lấy đôi bàn tay của bà. Mẹ chàng trai cảm thấy có điều gì đó khác lạ. Với một cảm giác vừa vui mà cũng vừa buồn, bà đưa đôi bàn tay cho con trai xem.
Chàng thanh niên từ từ lau sạch đôi bàn tay của mẹ. Vừa lau, nước mắt chàng tuôn tràn. Ðây là lần đầu tiên chàng thanh niên mới có dịp khám phá đôi tay mẹ mình: đôi bàn tay nhăn nheo và đầy những vết bầm đen. Những vết bầm làm đau nhức đến nỗi bà đã rùng mình khi được lau bằng nước. Lần đầu tiên trong đời, chàng thanh niên nhận thức ra rằng, chính từ đôi bàn tay giặt quần áo mỗi ngày này đã giúp trả học phí cho chàng từ bao nhiêu lâu nay.
Những vết bầm trong đôi tay của mẹ là giá mẹ chàng phải trả dài đăng đẳng cho đến ngày chàng tốt nghiệp, cho những xuất sắc trong học vấn và cho tương lai sẽ tới của chàng.
Sau khi lau sạch đôi tay của mẹ, chàng thanh niên lặng lẽ giặt hết phần áo quần còn lại cho mẹ.
Tối đó, hai mẹ con tâm sự với nhau thật là lâu.
Sáng hôm sau, chàng thanh niên tới trụ sở công ty.
Viên giám đốc còn thấy những giọt nước mắt chưa ráo hết trong đôi mắt của chàng thanh niên, ông hỏi: “Anh có thể cho tôi biết những gì anh đã làm và đã học được hôm qua ở nhà không?”
Chàng thanh niên đáp: “Tôi lau sạch đôi tay của mẹ, và cũng giặt hết phần áo quần còn lại.” “Cảm tưởng của anh ra sao?” “Thứ nhất, bây giờ tôi mới thấu hiểu thế nào là ý nghĩa của lòng biết ơn: Không có mẹ, tôi không thể thành tựu được như hôm nay. Thứ hai, qua việc hợp tác với nhau, và qua việc giúp mẹ giặt quần áo, giờ tôi mới ý thức được rằng thật khó khăn và gian khổ để hoàn tất công việc. Thứ ba, tôi hiểu sâu xa được tầm mức quan trọng và giá trị của liên hệ gia đình.”
Viên giám đốc nói: “Ðây là những gì tôi cần tìm thấy ở nơi con người sẽ là quản trị viên trong công ty chúng tôi. Tôi muốn tuyển dụng một người biết ơn sự giúp đỡ của những người khác, một người cảm thông sự chịu đựng của những người khác để hoàn thành nhiệm vụ, và một người không chỉ nghĩ đến tiền bạc là mục đích duy nhất của cuộc đời. Em được nhận.”
Sau đó, chàng thanh niên làm việc hăng say, và nhận được sự kính trọng của các nhân viên dưới quyền. Tất cả nhân viên làm việc kiên trì và hợp tác như một đội. Thành tựu của công ty mỗi ngày mỗi được cải thiện.

(Nguồn: Trích trong bài viết Bàn tay của Mẹ-Bài học của con sưu tầm trên internet)

Theo thiển ý, cậu thanh niên này phải cám ơn ông giám đốc công ty đã mướn cậu vì nhờ có lời yêu cầu của ông giám đốc, chàng thanh niên mới biết được sự khó khăn, gian khổ khi hoàn tất công việc của người mẹ và thấu hiểu thế nào là ý nghĩa của lòng biết ơn.

 Cũng nhân Ngày Lễ Tạ Ơn, người viết xin chân thành cám ơn ban điều hành  ORTB, quý độc giả,  quý thân hữu đã chia sẻ vui buồn với người viết khi vào  đọc những lời tâm tình của người viết trong mục Một Cõi Thiền Nhàn này.  Nếu không được sự ưu ái giúp đỡ, khích lệ, ủng hộ  của quý vị, thì người viết sẽ không có phúc duyên thực hiện được tâm ý đem một chút niềm vui nho nhỏ đến cho người, cho mình trong chốn bụi hồng lao xao này.  Xin đa tạ lòng thương yêu, quý mến của quý vị đã dành cho người viết.

Cảm tạ

Cám ơn người ghé Cõi Thiền Nhàn
Cùng một tâm hồn, một cảm quan
Vô ngã, vô thường không bận trí
Có không, không có vẫn an khang
Cuộc đời phiền não thêm chi nữa
Trần thế an vui, bớt trái oan
Chia sẻ niềm vui, tâm tĩnh lặng
Bạn, tôi vui với Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam

Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi- ORTB501-11-25-2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét