Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

Bài Số 131 Một Cõi Thiền Nhàn




Già hay cao tuổi

Chào quý bạn,

Đây là bài thứ một trăm ba muơi mốt (131) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo

 Ngày 6-20-2012  là ngày đầu tiên cho mùa hè năm 2012. Các trường trung tiểu học tại Portland và những vùng phụ cận đã đóng cửa. Thầy cô giáo đã thu dọn phòng ốc và có được hai tháng rưỡi nghĩ hè.  Các trường sẽ khai giảng lại sau ngày Lễ Lao Động trong tháng Chín sắp tới.
Người viết cũng đã có một thời gian làm việc trong ngành giáo dục tại Portland và ba tháng nghỉ hè là thời gian sung sướng nhất của tôi vì tôi không phải uống vội vả ly cà phê  buổi sáng để ra xe lái đến trường làm bổn phận cô giáo và bận lu bù với sách vở nữa.
Ngày xưa tôi đã ôm mộng làm cô giáo vì đối với tôi, cô giáo được ví như mẹ hiền, một nàng tiên truyền trao sự thương yêu và kiến thức đến  thế hệ mai sau. Các thầy cô giáo là  “thần tượng” của tôi, bạn ạ!  
 Thuở “thanh bình thịnh trị” ở Việt Nam ngày xưa, cô giáo chỉ đi dạy có buổi sáng hoặc buổi chiều mà thôi, nên có thời giờ ở nhà săn sóc gia đình chồng con. Thực tế hơn là cô giáo được nghỉ ba tháng hè có lương.  Đặc biệt hơn nữa  là được “nghỉ hộ sản” hai tháng có lương để ở nhà lo cho em bé mới sinh. Mèn ơi, còn nghề nghiệp nào cao quý và sung sướng hơn là được làm cô giáo ngày xưa, bạn nhỉ?
 Nhưng.  Chữ Nhưng “quái ác” này thường xuất hiện trong cuộc đời của bạn, của tôi đã làm cho bạn lẫn tôi đôi khi mỉm cười sung sướng hay đau khổ nuốt lệ âm thầm. Tôi đã khóc thật sự khi  được tin  mình bị “trợt vỏ chuối”  không được trúng tuyển vào các trường đào tạo giáo viên tiểu học lẫn giáo sư trung học, nhưng tôi lại mỉm  cười sung sướng khi được tin mình trúng tuyển vào Học Viện Quốc Gia Hành Chánh vào thập niên 60 ở Việt Nam.

Giấc mộng làm cô giáo của tôi vẫn còn đó và mãi cho đến khi sang được xứ Mỹ,  tôi mới được có cơ hội làm cô giáo xứ Mỹ.
Nhưng làm cô giáo ở nơi đây không giống như làm cô giáo ở Việt Nam ngày xưa đâu nhé vì bị ràng buộc bởi nhiều luật lệ của chú Sam lắm và học trò không có “tôn sư trọng đạo” như  học trò Việt Nam ngày xưa! Buồn năm phút!
 Người viết cũng đã kể lể tâm sự đời cô giáo trong bài viết Cô Giáo Xứ Mỹ được đăng trên Việt Báo online qua link dưới đây:
Xin mời quý bạn vào đọc để hiểu tâm sự của với người viết nhé.  Cám ơn bạn.

Tôi đã về hưu sau 20 năm hành nghề cô giáo và bây giờ được tự do tự mình làm chủ lấy mình, muốn thức khuya dậy trể gì cũng được. “Smile!”
Xin  mời quý bạn cùng chia sẻ niềm vui của một cô giáo về hưu qua lời tâm sự dưới đây:

Cô Giáo Về Hưu

Ồ thích quá! Hết phải còn dậy sớm
Hết vội vàng uống lẹ tách cà phê
Hết ngóng trông chờ mau đến giờ về
Hết cau mặt, nhướng mày và giận dữ
Hết theo dõi từng lời, từng nét chữ
Hết “Reading”, “Homework”, hết “Writing”
Hết nhân, chia, trừ, cộng, số toán hình
Hết những lúc “duty”, làm bổn phận
Hết thước kẻ, bảng đen và phấn trắng
Xếp lại trang sách vở, trả lại trường
Chỉ mang về: ánh mắt với tình thương
Tuổi khờ dại, ngây thơ và hoa mộng
Tôi còn lại: những gì mình đang sống
Những sáng hồng, được dạo bước thảnh thơi
Ngắm hoa xinh, ngắm mây trắng lưng trời
Trưa hè vắng, nghe tiếng chim vui hót
Đã đến lúc thấm nhuần hương vị ngọt
Của câu kinh, tiếng kệ, mõ chuông chiều
Để sửa Tâm, lập Tánh tốt cho nhiều,
Trồng cội Phúc, gieo nhân Lành, mầm Thiện
Và tu tập mỗi ngày thêm tăng tiến
Giúp người vui, ta cũng được vui theo

 ( Trích trong bài thơ Cô Giáo Về Hưu của  Sương Lam)

 Bây giờ mỗi lần đi làm thiện nguyện trong lớp mẫu giáo của cô cháu nội Mya tại trường tiểu học Montclair, tôi thấy lòng vui như mở hội vì được ngắm nhìn những ánh mắt ngây thơ, những nụ cười hồn nhiên của những cô cậu học trò tí hon này. Tôi thấy mình như   sống lại tuổi ngây thơ ngày cũ khi cùng cười, cùng đùa vui với các em bé này.
 Nếu bạn có điều gì phiền muộn, bực mình khi giao tiếp với “người lớn” trong gia đình  hay ngoài xã hội, xin bạn hãy thử ghé qua một  trường tiểu học gần  nhà bạn nhất, rồi hãy   lặng nhìn những  học sinh đang chơi đùa trong sân trường hay lúc tan trường về, bạn sẽ thấy những phiền muộn đó tan biến theo tiếng cười vui vẻ, theo những bước chân nhảy nhót của các cô cậu bé tí hon này.
 Rất giản dị, rất tầm thường nhưng sự hồn nhiên, vô tư của trẻ con sẽ đem đến cho bạn những nụ cười, những giây phút an bình đấy bạn ạ!  Nếu bạn không tin người viết nói có đúng không thì xin làm thử một lần rồi sẽ biết. Vui lắm bạn ạ!

  Trong tuần lễ này có rất nhiều sinh hoạt vui vẻ ở thành phố hiền hoà Portland chúng ta.

 Ngày thứ năm vừa qua  vợ chồng người viết đã tham dự Ngày Lễ Của Cha (Father’s Day) với Nhóm Sinh Hoạt Người Việt tại Trung tâm Y Tế và Dịch vụ Á Châu.
 Có nhìn những người “không còn trẻ nữa” tham gia vào các trò chơi như đạp bong bóng,  bắn súng đùng đùng, tìm bạn kết chùm hai người, ba ngưòi vui nhộn dưới sự hướng dẫn của các  nhân viên trẻ tuổi như cô Cang, cô Ngọc, bạn sẽ thấy tuổi già ở xứ Mỹ  sao mà vui quá, sao mà dễ thưong quá!  Họ đùa vui, cười giỡn như những em bé học sinh tuổi trẻ. Nhiều ông bà đã nói có đến sinh hoạt ở trung tâm này họ cảm thấy vui thích lắm vì  được tập thể dục nhẹ nhàng tốt cho sức khỏe, được nghe những chuyên viên y tế, xã hội trình bày các phương thức giữ gìn sức khỏe, các lợi ích về an sinh xã hội, được  xem phim kịch hài hước, rồi lại được ăn cơm  bổ dưỡng miễn phí nữa, nhất là được có cơ hội nói chuyện, tiếp xúc với bạn bè cho nên đời sống của họ không bị tẻ nhạt, buồn rầu nữa.  Chính sự sống vui sống khỏe sẽ giúp bạn yêu đời yêu người hơn một tí , Bạn  có đồng ý không nhỉ?
  Người viết cũng đi tham dự buổi picnic do Cộng Đồng Việt Nam Oregon tổ chức tại Blue Lake ngày thứ bảy 6-16-12 vừa qua.
 Trời hồng hồng, nắng trong trong hiếm hoi vào Tháng Sáu ở Portland đã đem lại niềm vui và sự thoải mái đến cho hơn 70 người tham dự, đa số là giới trẻ nhưng những hội viên của Hội  Người Việt Cao Niên Oregon và của các hội đoàn khác cũng góp mặt góp phần vào buổi pinic này cho đời thêm vui này.

 Sau đó chúng tôi  lại đến Trung Tâm Hollywood Center để dự buổi triển lãm tranh “Sắc Màu Hoạ Sĩ Viêt Nam #11 với sự góp mặt của hoạ sĩ điêu khắc gia Vivi Võ Hùng Kiệt và họa sĩ Cát Đơn Sa từ Cali đến cùng sự tiếp tay của các họa sĩ tại Oregon: Bảo Trâm, Cao Uy, Duy Cường, Hải Chí, Hoàng Nguyễn, Huỳnh Vinh, Lê Văn Hưởng, Thụy Phong, Tống Phước Cường, Phạm Băng Hồ v..v…

 Phòng tranh trình bày trang nhã, có nhiều bức tranh màu sắc hài hòa, dễ thương thực hiện rất công phu được trưng bày ở nơi đây. Mỗi một bức tranh gói ghém tâm tư,  những xúc động tình cảm của người thực hiện.  Bạn bè và khách đến xem tranh đông đảo. Có tiệc trà tiếp tân, có tiếng cười vui vẻ, có ánh mắt thán phục, có những ánh đèn flash chiếu sáng khi chụp hình kỷ niệm, bao nhiêu đấy cũng đủ làm ấm lòng người thực hiện một buổi sinh hoạt đầy nghệ thuật này.
Người viết xin cám ơn tất cả quý vị đã đem lại niềm vui cho những người Việt đang sống tha hương nơi xứ lạ, đặc biệt là ở Thành Phố Hoa Hồng  Portland dễ thương, hiền hoà này.
Riêng thiển ý của người viết, dù chúng ta là những người cao tuổi, nếu chúng ta chịu tham gia vào những sinh hoạt cộng đồng thì chúng ta sẽ được dịp chung hoà niềm vui với người khác và tự tạo cho mình niềm vui hơn là bạn sống âm thầm lặng lẻ một mình vì cho rằng mình đã già rồi.
 Có một sự so sánh để thấy rằng có sự khác nhau giữa người cao tuổi và người già.
Xin mời bạn đọc tài liệu dưới đây để biết rằng mình là Người Cao Tuổi hay là Người Già nhé.

Già hay Cao tuổi

Làm thế nào mà khi về hưu, một số người chỉ đơn thuần là trở thành "cao tuổi" thôi,    trong khi người khác thì thành "già"?
Là bởi vì cao tuổi khác với già.

* Trong khi người cao tuổi chơi thể thao, khám phá, đi du lịch,
            thì người già lại nghỉ ngơi.

* Trong khi người cao tuổi có tình yêu để cho đi,
          thì người già lại tích luỹ lòng ganh tỵ và oán hờn.  

* Trong khi người cao tuổi có những dự tính cho tương lai của mình,   
         thì người già luyến tiếc quá khứ.

* Trong khi quyển nhật ký của người cao tuổi gồm toàn là những "ngày mai",         
        thì quyển nhật ký của người già chỉ chứa những  "ngày hôm qua".   

* Trong khi người cao tuổi thích những ngày sẽ tới,
      thì người già đau khổ với những ngày ít ỏi còn lại của mình. 

* Trong khi người cao tuổi có những giấc chiêm bao khi ngủ,
       thì người già lại gặp những cơn ác mộng.

  (Nguồn: sưu tầm trên internet)

  Người viết thích được người khác gọi mình là “Người Cao Tuổi” hơn là  bị gọi  “Người Già”.   Còn bạn thì sao?


Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Hình ảnh sưu tầm trên internet, qua email bạn gửi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét