Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

Bài số 135 Một Cõi Thiền Nhàn







Ghen và Thất Tình

Chào quý bạn,

Bây giờ là mùa hè. Mấy hổm rày Portland trời nắng chang chang, có ngày  nhiệt độ bên ngoài lên hơn 90 độ F nên nhiều người dễ  « nổi quạu ». Điều đó chứng tỏ rằng, thời tiết, không gian, xã hội  bên ngoài có thể ảnh hưởng đến tính tình con người.  Nhiều gia đình đã đưa con cái đi ra biển, đi hồ bơi tắm mát cho hạ nhiệt  hay đi vào các  mall, cửa hàng lớn  làm một màn « window shopping »  hưởng ké khí lạnh của máy điều hòa không khí tại các nơi này còn hơn là ở nhà không có máy lạnh.  Có năm, nhiều cụ già đã phải thiệt mạng vì nóng quá. Buổi chiều nhiệt độ xuống thấp, trời mát dịu lại  nên ít bị « bực mình » hơn buổi trưa nóng bức. 
Sống ở nơi nào quen ở nơi đấy.  Hồi xưa chúng ta sống ở Việt Nam trời nắng chang chang như thế mà nhà thơ  Nguyên Sa vẫn có thể làm bài thơ tình Áo Lụa Hà Đông nổi tiếng:  

« Nắng Sàigòn anh đi mà chợt mát
 Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
 Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng... »

Yêu màu áo lụa Hà Đông nhẹ nhàng, mát dịu thì còn được chứ gặp một bà vợ « sư tử Hà Đông » thì  ông chồng đó kể như « đời tàn trong ngõ hẹp » rồi! « Smile ! » 

 Người ta hay dùng danh từ “sư tử Hà Đông » để ám chỉ mấy bà vợ hay ghen và hay quát nộ chồng.
 Sẵn đây người viết mời quý bạn tìm hiểu luôn sự tích tiếng gầm của sư tử Hà Đông nhé.

 Giọng Hà Đông.

 Tô Đông Pha (đời Tống) có câu thơ đùa với vợ chồng Trần Quý Thường và Liễu thị.
«  Hốt văn sư tử Hà Đông hống
 Trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên »

 tạm hiểu là :

 « Chợt nghe tiếng gầm của sư tử Hà Đông, gậy chống rơi khỏi tay, tâm thần hoảng hốt »
 Dựa vào câu thơ của Đỗ Phủ đời Đường « Hà Đông nữ nhi thân tính liễu » (Người con gái Hà Đông họ Liễu),  Tô Đông Pha đã mượn từ Hà Đông để chỉ Liễu Thị, vợ của Trần Quý Thường.
 Tích này để chỉ oai dữ của người vợ đối với người chồng sợ vợ

(Nguồn: trích trong Điển Tích Văn Hoá Trung Hoa)

Cô bạn văn Duy Hân của tôi có viết một bài Ghen rất hay và đưa ra nhiều dẫn chứng về Ghen trong lịch sử cổ xưa và hiện đại.  Người viét xin phép được trích dẫn một vài tài liệu dưới dây trong bài viết của tác giả Duy Hân  để chia sẻ  và tâm tình với các bạn nhé.

…. « Có người ghen như bão tố, la hét bù lu bù loa, có người ghen nhưng rất thâm trầm cao tay. Trong chuyện Vua Ngụy tặng mỹ nữ cho vua Kinh, vì thấy vua Kinh yêu quý tân giai nhân này quá sức, phu nhân là Trịnh Tụ mới giả làm thân với cô gái, to nhỏ rằng Vua thích hết mọi thứ trên người cô chỉ trừ cái sống mũi, khuyên cô khi gặp vua nên che mũi lại. Cô gái ngây thơ này tin lời. Trịnh Tụ mặt khác lại bẩm với vua: Mỹ nữ chê vua nặng mùi hôi phải bịt mũi lại, quả nhiên vua nổi giận cho xẻo mũi tân nương.

Rồi tới chuyện xảy ra đời nhà Đường. Vua Thái Tôn muốn thưởng công cho Nhiệm Khôi nên đã tặng ông hai cô thị tì, Nhiệm Khôi không dám nhận vì sợ vợ ghen. Vua cho gọi vợ Nhiệm Khôi vào cung, ra điều kiện nếu không cho chồng nhận hai nàng hầu thì phải uống rượu độc. Vợ Nhiệm Khôi nhắm thấy sống trong ghen tuông thà chết sướng hơn, nên đã nhận chén rượu rồi trối trăn mọi việc. Cũng may đó chỉ là dấm chua nên bà không chết. Về sau người ta dùng chữ “uống dấm” để chỉ người đàn bà ghen, trong chuyện Kiều cũng có nhắc tới điển tích “dấm chua” này. Tôi đồng ý chuyện không chung chồng, có điều tội gì mà phải chết. Từ từ kiếm người nào “quởn” sẽ góp gạo nấu cơm chung, biết đâu rồi con tim sẽ vui trở lại!

Ở Mỹ khoảng 1993 cũng đã um sùm chuyện của John & Lorena Bobbitt. Lorena trong cơn điên cuồng đã cắt mất cái ấy của chồng. Động từ “Bobbitt” từ đó được thêm vào trong tự điển Anh Ngữ. Khi ra tòa, Lorena đã chứng minh được chồng là người xấu, luôn bạo hành phản bội nên bồi thẫm đoàn đã tha bỗng Lorena. Chuyện này tiền hung hậu kiết, bác sĩ sau đó đã nối lại cái ấy cho Bobbitt, ông cũng chính thức xin lỗi vợ vì những hành xử không tốt trước đây và dù ly dị, ông vẫn tặng hoa cho bà mỗi dịp lễ Tình Yêu Valentine’s. Phụ nữ Việt cũng đã chia động từ Bobbitt này rất "nhuyễn", bỏ cả vào máy xay.
Chắc ta cũng không quên khoảng 1998, Tổng thống Bill Clinton đã lôi thôi với cô tập sinh Lewinsky, làm bà Hillary chết trong lòng một ít, nhưng vẫn phải nói dối để bảo vệ chức Đệ Nhất Phu Nhân của mình. …..”

(Nguồn: Trích trong bài viết Ghen của Nguyễn Ngọc Duy Hân – cám ơn Duy Hân)

 Ở Việt Nam ngày xưa có lẻ không ai quên vụ cô Quờn đốt chồng vì quá ghen hay cô  vũ nữ Cẩm Nhung bị tạt acid vì tính ghen của bà vợ của một ông trung tá hào hoa.

 Ca dao  Việt Nam ta cũng có câu:

“Ớt nào là ớt chẳng cay
Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng
Rượu (Vôi) nào là rượu (Vôi) chẳng nồng
Gái nào là gái có chồng không ghen “

Bởi thế chữ Ghen trong văn chương Việt Nam đi liền với Hoạn Thư, vợ chính của Thúc Sinh trong truyện Kiều. Nhưng bà  Hoạn Thư này ghen rất cao tay đến nổi Kiều còn phải sợ và về sau lúc Kiều lấy Từ Hải quyền uy tột bực, Kiều cũng không bắt tội Hoạn Thư vì Kiều cũng đã hiểu Ghen tương là chuyện thuờng tình của phụ nữ.

 Chuyệ n Ghen cũng có  liên quan đến thất tình.

 Thất Tình
 Lễ Ký (bảy thứ  tình  cảm của con người)

Theo Kinh Lễ bảy thứ thất tình đó là:
 1.- Hỷ (mừng)
2.- Nộ (giận)
3.- Ai (thương)
4.- Cụ (sợ)
5.-Ái (yêu)
6.  Ố (ghét)
7.- Dục (muốn)

Theo Thích thi yết lãm, sách nhà Phật có bảy thứ tình cảm:

1.- Hỷ (mừng)
2.- Nộ  (giận)
3.- Ưu (lo)
4.- Cụ (sợ)
5.- Tăng (ghét)
6.- Ái (yêu)
7.- Dục (muốn)

 Con người bị cái thất tình lục dục này làm cho khổ sở, phiền não.
 Hành động Ghen bao gồm hết các đặc tính của thất tình này:
Bà vợ có Yêu chồng nên mới Lo, mới Sợ người khác giựt chồng mình.
Bà vợ dĩ nhiên là phải Ghét, phải Giận, phải Muốn trả thù người đã cướp chồng mình.
Bà vợ sẽ Vui khi thấy kẻ cướp chồng mình hay chồng mình bị tổn hại.   Khổ thế!

 Nếu  chúng ta học tập theo gương Đức Phật dứt được thất tình lục dục này theo con đường Tứ Diệu Đế  thì sẽ được thoát khổ.  Mong lắm thay!

 Bởi thế Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều trong Cung Oán Ngâm Khúc đã muốn:

“Thà mượn thú tiêu dao cửa Phật
Mối thất tình quyết dứt cho xong”

 Nhưng nói thì dễ, dứt được bảy th tình cảm này  hay không mới là chuyện khó,  Bạn  
đồng ý chứ?
 Tuy nhiên, nếu quyết chí tinh tấn trên đường tu tập, từng bước, từng bước rồi cũng có thể dứt bớt đi những nghiệp chướng này, một khi đã thấu hiểu nguyên lý nhân quả trong nhà Phật:

“ Làm lành thì sẽ được gặp lành, được mọi người thương mến.
 Làm ác thì sẽ gặp việc ác, bị mọi người ghét bỏ.”

Một khi đã hiểu Đạo rồi thì đời sống sẽ an vui và ta sẽ sống vui sống khỏe hơn:
          
“Giải kiết! Giải  kiết! Giải oan kiết!” *
Bởi vô minh, sân hận tạo niềm đau
Càng vẫy vùng, càng lại bị vướng vào
Những oán hận, những đau thương, sầu khổ !

Đời trần thế tựa như ngôi cổ mộ
Bị vây quanh ba nghiệp Tham Sân Si
Để cuối cùng còn lại được những gì
Còn chăng nữa là oan khiên, nghiệp chướng”

 Vì thế  xin

“Hãy dừng lại những tham lam, ước muốn
Vì đó là duyên khởi  những ác nhân
Nhân gieo rồi quả sẽ trổ khai dần
Thành nghiệp báo của sáu đường sinh tử

Quán vô ngã! Xin làm lành lánh dữ!
Quán vô minh! Dứt sạch nghiệp chướng sinh
Quán vô thường! Dẫu quyền thế, nhục vinh  
Rồi cũng phải ra đi hai tay trắng!”

( Trích trong bài thơ Sống Vui của  Sương Lam)

Hy vọng rằng chúng ta sẽ được bớt khổ sống vui hơn nếu ta biết đâu là nhân quả, duyên nghiệp.


Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Hình ảnh, tài liệu sưu tầm trên internet, qua email bạn gửi-MCTN135-ORTB533-72012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét