Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2012

Bài số 76 Một Cõi Thiền Nhàn



Tình Yêu và Hạnh Phúc



Chào quý bạn,

Đây là bài thứ bảy mươi sáu của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Tình Yêu và Hạnh Phúc là hai chủ đề được nói đến nhiều nhất qua thời gian, qua không gian, phải không Bạn?

Chúng ta vẫn thường thắc mắc khi cắt nghĩa hai chữ Tình Yêu:

“Làm sao định nghĩa được Tình Yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
 Nó chiếm hồn tôi bằng nắng nhạt
 Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu”

Hoặc như là:

« Yêu là chết trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu
 Cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu
Người ta phụ hoặc thờ ơ chẳng biết »

Xuân Diệu

 Từ Đông sang Tây có biết bao nhiêu  người chết lên chết xuống vì hai chữ Tình Yêu này và cũng từ đó chúng ta mới có được những tác phẩm thi ca nhạc kịch tuyệt vời để mà thưởng thức với chuyện tình Trương Chi Mỵ Nương, chuyện tình Romeo và Juliette, Love story v..v…

Nhưng có thi sĩ lại cho rằng

« Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở
 Đời hết vui khi đã vẹn câu thề »

Bởi thế ông đã khuyên người yêu:

 «Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé
Anh sẽ trách-  Dĩ nhiên-  Nhưng rất nhẹ ! »

Hồ  Zếnh

Nhưng đa số người ta thường mong muốn tình yêu của mình đi đến điểm cuối cùng là hôn nhân qua  những câu ca dao Việt nam dưới đây:

“Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ
Vô duyên đối diện bất tương phùng
Thuyền quyên gặp khách anh hùng
Làm sao gắn bó ở cùng với nhau”

 Và người con gái đã  phải:

“Vai mang khăn gói qua sông
Mẹ kêu, lạy mẹ thươ ng chồng phải theo”

Dầu rằng chàng và nàng biết rõ ràng đã có nhiều người nhắc nhở rồi:

“Yêu là bình minh của đám cưới, và đám cưới là hoàng hôn của tình yêu”
De Finod

Hay là:
“Cưới hỏi là một cuộc xổ số mà đàn ông thì đánh liều bằng sự tự do của mình, còn đàn bà thì đánh liều bằng hạnh phúc của mình”
Mme De Rieux

Hoặc văn chương hơn:
“Hôn nhân là một cuốn sách, chương một viết bằng thơ, chương hai viết bằng văn xuôi, các chương còn lại viết bằng thể khẩu chiến.”
Beverley Nichols

Khi đã vướng chân vào đời sống vợ chồng rồi, văn hoá Đông và Tây đều khuyên cả vợ  lẫn chồng muốn cho có hạnh phúc gia đình thì phải thuộc lòng lời răn dưới đây:

“Chữ “NHỊN” là của báu trong gia đình”
Danh ngôn phương Đông

“Muốn gia đình hạnh phúc thì người vợ phải biết mù và người chồng phải biết điếc”
Montaigne

Và tốt nhất Bạn và tôi phải hiểu rằng:

“Không ai dạy được bạn về cách sống hạnh phúc trong hôn nhân, bạn hãy tự học lấy” nhé!

Không  phải chúng ta chỉ mong cầu chúng ta sẽ được hạnh phúc trong hôn nhân mà thôi mà chúng ta còn mong ước cuộc đời của ta luôn luôn được hạnh phúc nữa đấy!

Nhưng thế nào là hạnh phúc?   Cũng như  danh từ “Tình Yêu” rất khó giải thích cho đúng nghĩa  “làm sao cắt nghĩa được tình yêu” như đã nói ở trên, danh từ “Hạnh Phúc” cũng trừu tượng, mơ hồ đến nỗi có người phải thốt:

“Hạnh phúc là điều gì đó quá đỗi mơ hồ mà ta buộc phải mơ đến nó”.
Comte De Bellege

Hạnh phúc thật là khó cắt nghĩa quá,  phải không bạn?

 Hạnh phúc khi ẩn khi hiện, khi có khi không tùy theo quan điểm, cách nhìn của mỗi người về hạnh phúc, tùy theo hoàn cảnh sống của mỗi người vì chưa hẵn người giàu ở nhà cao cửa rộng  là người có hạnh phúc và cũng chưa chắc người nghèo ở nhà tranh vách lá là người không có hạnh phúc, bạn nhỉ?.

 Nhiều cuộc khảo cứu cho thấy rằng:  “Những người không hạnh phúc là những người thường lo nghĩ, luôn bất đồng và không chấp nhận ý kiến của người khác. Người có hạnh phúc là nguời dễ hòa đồng với mọi người chung quanh, có thể chấp nhận những điểm bất đồng một cách dễ dàng, uyển chuyển, có lòng thương yêu và tha thứ.”

Cũng có thể những người không có hạnh phúc là những người thích so sánh với người khác những gì mình đã có với những gì mình muốn có và luôn luôn đuổi bắt những gì mình muốn có.  Ví dụ như chúng ta không bằng lòng với ngôi nhà chúng ta đang ở, cái xe chúng ta đang đi vì người bạn của ta mới mua một căn nhà to đẹp hơn cái nhà ta đang ở, đi xe  BMW sang trọng hơn cái xe Honda ta đang đi trong khi khả năng tài chánh của mình không thể thoả mãn ước muốn mua nhà lớn xe đẹp được!
Thế là chúng ta buồn bực, thế là chúng ta đau khổ!
 Bạn có đồng ý với tôi chăng:  Có những ước muốn có thể làm thăng hoa cuộc sống nhưng cũng có những ước muốn quá sức, không chính đáng làm mất đi hạnh phúc gia đình mà mình đang có vì ước muốn thì vô giới hạn, không có điểm ngừng?

 Nhà Phật gọi những sự so sánh đó, những ước muốn đó là  những “phiền não”. Nếu ta bớt đi được những phiền não đó thi ta sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn.

 Hãy cảm  thấy  hạnh phúc với những gì mình đang có trong tầm tay và tự nhủ rằng: “Những người ở nhà to, đi xe đẹp kia có thể là những người đang mắc nợ như “Chúa Chổm”, nếu mất việc thì họ sẽ mất nhà mất xe ngay.”
Sư thật trong tình hình kinh tế suy thoái hiện tại đã chứng minh điều này là đúng vì không thiếu gì nhà to đẹp đang ở trong tình trạng “Foreclosure” và nhiều chủ nhà đó đã trở thành dân “homeless” vì bị thất nghiệp. Vậy bạn hãy cùng tôi vui sướng đi khi bạn và tôi  còn đang còn ở trong ngôi nhà nhỏ bé nhưng ấm cúng hiện tại, bạn nhé!

Hãy nhìn những nạn nhân bị động đất ở Nhật Bản, bị cháy nhà ở Phi Luật Tân, bị cuồng phong ở North Carolina, đang sống cảnh màn trời chiếu đất hay những kẻ vô gia cư nằm lề đường trong những đêm đông giá lạnh, ta thấy rằng ta vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác quá rồi và ta sẽ không còn ước muốn gì hơn nữa. 
Nếu chúng  ta hiểu được ý nghĩa của câu “thiểu dục tri túc” tạm dịch là “muốn ít biết đủ”  hay “trông lên thì chẳng bằng ai, ngó xuống chẳng ai bằng mình” thì quả là ta đã có hạnh phúc rồi, phải không bạn?

Ngoài hạnh phúc vật chất, còn có những niềm vui  hạnh phúc tinh thần khi chúng ta làm được việc thiện lành theo lời dạy của các đấng cha lành Phật, Chúa.
Trong cuốn Nghệ thuật của Hạnh Phúc (The Art of Happiness), Đức Đạt Lai Đạt Ma có dạy:  “Hạnh phúc tự ta có thể tìm được bằng cách điều khiển ý nghĩ trong đầu mình. Nếu mình nghĩ mình có hạnh phúc tức là mình đã có hạnh phúc.”

Riêng đối với người viết, hạnh phúc là những phút giây:

“Khi buồn khổ, cứ để dòng lệ ngấn
Lúc mừng vui, hãy nở nụ cười tươi
Đối với tôi: Hạnh Phúc của con người,
"Là giây phút sống thật cùng cảm xúc"

Đừng tìm mãi nơi đâu là Hạnh phúc
Có thể gần, cũng có thể thật xa
Xa hay gần là ở tại Tâm ta
Ta cảm nhận thế nào là thế đó”

(Trích Hạnh Phúc Ở Nơi Đâu- Thơ Sương Lam)

 Tóm lại,  theo như một triết gia đã nói: “Hạnh Phúc là tất cả những cái thần diệu của cuộc sống: Sự sung sướng, niềm đau khổ, giọt nước mắt, những nụ cười. Hãy rút kinh nghiệm để mang thêm cho mình lòng yêu thương và trải rộng đến tha nhân trong quãng đời chúng ta đang sống.”  Bạn đồng ý chứ?

Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-ORTB 470 4-22-2011)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét