Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2012

Bài số 77 Một Cõi Thiền Nhàn




Bức Tranh Thư Pháp



Chào quý bn,

Đây là bài thứ  bảy mươi bảy của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Portland chiều nay có mưa lạnh. Ngồi bên khung cửa sổ nhìn những hạt mưa rơi trên sân cỏ, tôi buồn nhớ đến những buổi chiều mưa ở Saigon. Khúc phim dĩ vảng quay về với tôi qua những giọt mưa rơi rơi tí tách:

“Tuổi mười tám, những mộng mơ ấp ủ
Tuổi học trò, tôi thích ngắm trời mưa
Bên người yêu, mưa rơi nhẹ cho vừa
Đủ ướt áo cho anh truyền hơi ấm!

Bên hè phố đôi ta cùng lặng ngắm
Những giọt mưa rơi tí tách trên đường
Mưa lạnh buồn, mưa tạo mối yêu thương
Dưới dù nhỏ, đôi ta cùng chung bước”

( Trích trong  Nhìn giọt mưa rơi - Thơ Sương Lam)

Tuổi thư sinh có những mối tình học trò đẹp quá phải không bạn? Mưa chiều nắng sớm nào cũng khiến cho những ai có tâm hồn nghệ sĩ cảm thấy trái tim mình xúc đông cả. Cũng thấy hay hay!

 Tôi quay về bàn viết vào internet đi tìm tài liệu viết bài. Một email đặc biệt với những tấm hình có chữ thư pháp thúc dục tôi phải mở ra xem ngay vì tôi rất thích tìm hiểu nghệ thuật thư pháp. Theo thiển ý của người viết, thư pháp là một phương tiện để thư giãn và hành Thiền.  Bạn nghĩ sao?

Ngày xưa các tao nhân mặc khách Trung Hoa đã dùng bút lông mực xạ viết chữ Hán với một phong cách đặc biệt để diễn tả nội tâm, tư tưởng  kiến thức của mình và đã đưa cách viết chữ Hán này thành một bộ môn nghệ thuật gọi là “Thư Pháp”. 
Theo các nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật, một số tác phẩm của các thư pháp gia phương Đông như Trương Xu Liêu, Vương Hy Chi, Vương Duy đều mang tính cách Thiền, được thể hiện bằng những nét uốn lượn thanh cao.

Người Nhật đến với môn thư pháp không phải để viết chữ đẹp mà có mục đích tu hành cụ thể là luyện tâm, nhiếp tâm, an tâm.  Người Nhật lại đưa bộ môn nghệ thuật đậm nét Đông Phương này lên một tầng bậc cao hơn với tên gọi mới.  Đó là môn HIITSUZENDO, tức là thư pháp Thiền.

Ở Việt Nam vào thời điểm này, bộ môn Thư Pháp rất được nhiều người ưa chuộng.   Phong trào viết thư pháp đã được thịnh hành trong vòng 10 năm qua. Nhiều câu lạc bộ thư pháp được thành lập.  Nhiều “ông đồ “ trẻ đã xuất hiện “bên phố đông người  qua” trong các lễ hội Xuân hay trong các buổi triển lãm thư pháp.

Người viết thư pháp phải có tâm hồn nghệ sĩ, có nét bút tài hoa, có năng khiếu viết chữ để thể hiện đường nét “rồng bay phưọng múa” và còn phải “nhiếp tâm” với những gì mình sắp sữa viết ra nữa.  Như vậy họ phải có tâm hồn thanh thản, phóng khoáng và khi thực hiện tác phẩm, họ phải “nhất tâm bất loạn” du nhập vào thế giới tĩnh lặng của thư pháp.  Có như thế thì tác phẩm mới đẹp, mới thanh thoát hương vị Thiền.

Ở Mỹ hiện nay, người viết thư pháp nổi tiếng là nghệ sĩ Vũ Hối.  Ở Việt Nam, thư pháp của các nhà thơ Trụ Vũ, Song Nguyên, Nguyễn Thanh Sơn, Hoàng Đức được xem là những mẫu thư pháp đẹp.

Hình ảnh ông đồ của  Vũ Đình Liên với
 “Hoa tay thảo những nét
 Như phượng múa rồng bay”

 đã được phục hồi!  Tốt thay!  Lành thay!

Trở về câu chuyện cái email có những bức tranh thư pháp mà tôi nhận được sáng nay  thực sự đã làm tôi ngạc nhiên và cảm động vì  trong đó có một bức tranh  thư pháp do một người “thân quen xưa cũ”  viết 4 câu thơ của ngưòi viết  được đăng trong bài số 69 MCTN-ORTB để tặng tôi
“Xin chúc Bạn: Thiện Tâm luôn tinh tấn
Xin nguyện cầu: Nhân Ái trải muôn phương
Để mọi người sống An Lạc, Yêu Thương 
Thì trần thế sẽ thiên đàng, hạnh phúc”

(Trích trong bài thơ Sông Cho Biển Nhận - Thơ Sương Lam)

Thời gian trôi qua nhanh quá và có những thay đổi, đổi thay trong cuộc sống đã làm cho chúng ta vui vẻ hoặc đau buồn.  Có những người thân quen ngày xưa bây giờ phải nghìn trùng xa cách cả một đại dương và cũng có những người đã ra đi không bao giờ còn được gặp lại nhau.
 
 Bức tranh thư pháp này đã đưa tôi trở về kỷ niệm ở Bộ Xã Hội “vang bóng một thời”  vì tác giả là một “đàn em” của tôi ngày xưa.  Khi tốt nghiệp HVQGHC năm 1967, người viết được bổ nhiệm về Bộ Xã Hội làm việc ở Sàigòn.  Đây là một nhiệm sở mà người viết chọn lựa để làm việc khi ra trường vì tôi thích sinh hoạt trong lảnh vực xã hội. Đa số các bạn nam sinh viên cùng khóa Đốc Sự 12 với tôi  phải lên đường về địa phương làm Phó Quận hoặc Trưởng Ty.
Với hoài bảo phục vụ đồng bào, tôi làm việc rất tích cực trong công tác cứu trợ nạn nhân chiến cuộc để giúp đỡ các nạn nhân đã bị thiệt hại về nhân mạng và nhà cửa trong chiến tranh.  Có thấy sự mất mát đau khổ của đồng bào ở các  vùng hỏa tuyến Quảng Nam, Quảng Ngải, Quảng Trị, Kon tum, Pleiku, Bến Tre, Vĩnh Long v..v…, tôi  mới biết rằng: những ai còn được sống an lành với gia đình êm ấm trong chiến tranh thật là có phúc vô cùng.”  Ngừời viết và hơn 20 cộng sự viên đã làm việc với nhau một cách hăng say, một cách tích cực để cho những đồng bào nạn nhân đáng thương kia được nhận tiền trợ cấp giúp đỡ của chính phủ trung ương càng sớm càng tốt để an ủi phần nào sự đau thương, mất mát mà họ phải bị gánh chịu vì chiến cuộc.

Rồi vận nước đổi thay, Bộ Xã Hội phải bị giải thể.  Các cấp chỉ huy kẻ phải đi học tập cải tạo, người tìm đường vượt biên. Các nhân viên đều bị cho “về vườn.  Dĩ nhiên tôi và các cộng sư viên của tôi phải chia tay từ đấy, không còn tin tức liên lạc với nhau được vì “mạng ai nấy lo, hồn ai nấy giữ”.

 Từ một viên chức chỉ huy của chế độ cũ, tôi trở thành một kẻ đôi khi phải hành nghề “chà đồ nhôm” đem ra chợ bán  để có tiền mua thực phẩm “bồi dưỡng” cho gia đình. Và tôi cũng đã trở thành một người bán bánh mì thịt ở vĩa hè, vụng về đến nỗi khách mua bánh mì phải nói: “Bà không phải là người bán bánh mì chuyên nghiệp”.
 Đúng quá rồi! Còn chối cãi gì nữa bây giờ!’
Thế rồi sau 5 năm ở lại sống trong “thiên đường Cộng Sản”, gia đình nhỏ bé của chúng tôi phải tìm đường vượt biên để tìm tự do nơi xứ lạ.  Nhờ Phật Trời gia hộ, chúng tôi đã đến được bến bờ tự do bình an và định cư ở xứ Mỹ này gần 30 năm trời.

 Thời gian cứ lặng lẻ trôi qua.  Vợ chồng chúng tôi bắt đầu một cuộc sống mới nơi xứ người từ con số không với hai bàn tay trắng.  Chúng tôi trở lại học đường,  “học đại” đại học để có tiền trả bill nhà, bill địện , bill nước,  thực phẩm, quần áo v..v…với số tiền Basic Grant do chính phủ tài trợ khi đi học và tiền làm work study ở trường.   Tan học về, phu quân tôi phải đi làm janitor nơi các công sở mới có đủ tiền mưu sinh trong cuộc sống.  Một đôi khi tôi và cậu con trai nhỏ đi theo phụ giúp chàng.  Thật là vất vả, thật là đau buồn nhưng chúng tôi phải chấp nhận để mà vươn lên vì chúng tôi vẫn nghĩ “không ai giúp mình được bằng mình tự giúp mình”.

 Rồi chuyện gì cũng qua, chúng tôi cũng “xênh xang áo mũ” ra trường thêm một lần nữa ở nước Mỹ.  Rồi ông xã tôi phải đi cày hai  jobs, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm chủ nhật” để có tiền mua nhà mua xe, lo cho con cái đi học.   Tôi an phận làm một cô giáo tầm thường nơi xứ người.  Sau 20 năm trả nợ áo cơm, chúng tôi bây giờ vui thú điền viên, an hưởng tuổi già, vui đùa với cô cháu nội Mya yêu quý của chúng tôi.  Thời gian rảnh rổi, chúng tôi đi sinh hoạt cộng đồng, dạo internet tìm tài liệu về chia sẻ với bạn bè cho vui.  Thế là đủ rồi! Thế là hạnh phúc rồi!  Quá khứ đã qua rồi, tương lai thì chưa đến, Chúng tôi vui hưởng hạnh phúc với những gì đang có trong tầnm tay của mình trong hiện tại mà thôi!  Bạn thì sao?

 Không ngờ cô nhân viên bé nhỏ và đắc lực nhất của tôi ở Bộ Xã Hội ngày xưa bây giờ lại là một “thư pháp gia” có cửa hàng thư pháp dưới đây ở Việt Nam :

Thư Pháp NGỌC CHÍNH
 319 Nam Kỳ Khởi Nghĩa P7 Q3
TPHCM

 Cô vẫn còn nhớ đến tôi và viết thư pháp thơ của tôi để gửi tặng tôi.  Đó là một điều đáng quý vì chúng tôi vẫn còn nhớ đến nhau, vẫn còn giữ một chút ân tình thương mến nhau dù bao nhiêu là thay đổi, đổi thay trong cuộc sống.

 Cô là một Phật tử cho nên thường viết thư pháp những bài thơ có tính cách thiền vị với cái tâm tĩnh lặng của người con Phật.  Xin cảm ơn em Ngọc Chính đã còn nhớ đến cấp chỉ huy của mình ngày xưa và xin chúc em thành công trong công viêc phục vụ nhân sinh với cái tâm của một người nghệ sĩ yêu hai chữ Thiền Nhàn.

 Xin giới thiệu với các bạn người bạn nghệ sĩ này và nếu có thiện duyên, xin mời  các bạn  đến thưởng thức những bức tranh thư pháp đầy thiền vị của Thư Pháp Ngọc Chính.

Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi- ORTB 471-4292011)

Mời bạn xem thêm các bức tranh thư pháp khác do Ngọc Chính thực hiện với lời thơ của Sương Lam qua link dưới đây: 

 Link Thư PhapThoSLcuaNgocChínhtrenwww.flickr.com
 update 2-20-2012



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét