Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

Bài số 72 Một Cõi Thiền Nhàn


Chào quý bn,

Đây là bài thứ bảy mươi hai của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Mùa Xuân đã về ở thành phố Portland thân yêu của tôi với hoa đào, hoa vàng nở rộ khắp mọi nơi. Tôi yêu thành phố Portland của tôi nhiều lắm, bạn ạ!
 Tôi yêu màu xám nhẹ buồn của sương lam mờ đỉnh núi, màu vàng lãng mạn của những hàng cây khi mùa thu đến, màu trắng trinh nguyên của tuyết trắng mùa đông trên đỉnh núi Mount Hood, màu xanh tươi mát của những rừng thông thẳng tắp ngút ngàn, màu hồng rực rỡ của những đoá hồng ở các vườn hồng Portland, màu xanh hy vọng của đại dương bát ngát dọc theo quốc lộ 101 và yêu nhất là nụ cười hồn nhiên ngây thơ của những trẻ thơ bé nhỏ tuổi học trò.

Tôi yêu trẻ thơ, đó là một sự thật vì trẻ thơ ngây thơ vô tội, không biết tính chuyện “ân oán giang hồ”.  Ai thương yêu chúng nhiều, thì chúng thương yêu lại nhiều, thật tình.  Ai thương yêu chúng ít thì chúng thương yêu lại ít.  Thế thôi. Thật bình thường! Thật giản dị!
Tôi thương các cụ cao niên vì họ tuổi già sức yếu, sống cô đơn buồn tủi. Họ sống trong một thế giới riêng biệt của họ, dù họ đang sống trong viện dưỡng lão hay đang sống trong gia đình với con cháu. Họ hoài niệm về những kỷ niệm của quá khứ đã qua. Họ lo lắng cho một ngày mai phải rời bỏ trần thế trong cô đơn tuyệt vọng. Tội nghiệp thay!
 Cho nên tôi cố gắng đem lại cho những người bạn trẻ, bạn già của tôi những niềm vui nho nhỏ trong ngày trong phạm vi khả năng của tôi có thể làm được và đó cũng chính là niềm vui của tôi trong hiện tại.

Và tôi vui thật bạn ạ vì trong tuần qua vợ chồng chúng tôi đã đi dự buổi tiệc trưa với cô cháu nội Mya Ngoc Vy 4 tuổi đang học Preschool ở trường Dove Christian Preschool do nhà trường khoản đãi trước khi nghỉ Spring Break.  Cả gia đình bé nhỏ của tôi đến tham dự để  thưởng thức và để ủng hộ “ban hợp ca tí hon” mà ca sĩ là 18 học sinh tuổi vừa lên 4 trình diễn, trong đó có cô cháu nội Mya yêu quý  của tôi.

Người Mỹ họ cũng lo lắng, thương yêu trẻ thơ lắm bạn ạ! Nếu không, họ đã không có xếp trẻ em đứng vào hàng thứ nhất trong bảng xếp hạng trước chó mèo, hoa cảnh, đàn bà và sau chót là quý ông. Xin lỗi quý ông nhé, người viết chỉ biết  “nghe sao nói vậy người ơi” chứ không dám “phạm thưọng” đến quý ông đâu. Xin quý ông “đại xá” cho tôi nhé. Xin cám ơn quý ông.

Chỉ một buổi trình diễn, ăn trưa nho nhỏ của các học sinh tí hon như thế mà tôi thấy có phụ huynh Mỹ dẫn cả ông bà nội, ông bà ngoại, cô bác họ hàng, anh em đến tham dự, đi sớm dành chỗ trước hai hàng ghế đầu trong hội trường để ủng hộ tinh thần con cháu của họ! Ghê chưa?  Đụng vào con nít ở xứ này là bạn sẽ bị “rắc rối cuộc đời” ngay. Khi có dịp, người viết sẽ tâm tình cho quý bạn nghe kinh nghiệm vui buồn nghề nghiệp của người viết sau 20 năm làm “cô giáo xứ Mỹ” ở xứ Cờ Hoa này.  Xin chờ nhé!

Mười tám ca sĩ tí hon trình diễn trên sân khấu, chỉ có Mya của tôi là “Mỹ vàng” mà thôi nên nhìn vô là biết ngay vì đa số là Mỹ con “chính gốc bà lang trọc”. Phải thành thật khen ngợi các bà giáo Mỹ dạy con nít hay thật vì các em bé trình diễn thật xuất sắc, dễ thương hết sức dưới sự hướng dẫn của hai bà giáo. Sau mỗi bài hát, các khán giả vỗ tay nồng nhiệt để “ủng hộ gà nhà” của mình. Những cái miệng tròn vo hát líu lo, những bàn tay đưa lên đưa xuống nhịp nhàng, những ánh mắt hồn nhiên trong sáng! Ôi! Sao mà dễ thương chi lạ!  Tôi nhìn thấy hình như là các thiên thần đang hiện diện trên sân khấu của nhà thờ Multnomah Prebyterian Church hôm nay!  Những đứa trẻ đang vui, những ông bà cha mẹ đang vui và tôi cũng đang vui! Xin cảm tạ ơn trên đã ban cho chúng tôi một ngày vui và tôi cũng muốn chia sẻ niềm vui này đến các bạn để chúng ta cùng vui bên nhau, bạn nhé!

Nào đã hết đâu, chúng tôi lại có thêm một niềm vui khác nữa trong ngày thứ bảy kế tiếp khi tham dự buổi dạ tiệc văn nghệ gây quỹ cho trường Việt Ngữ Văn Lang tại nhà hàng Legin.  Mục đích của đêm gây quỹ này là nhằm hổ trợ công tác duy trì và phát triển văn hóa, ngôn ngữ Việt đến thế hệ mai sau và xây dựng cơ sở sinh hoạt cho trường Việt Ngữ Văn Lang.  Cơ sở này cũng sẽ là nơi sinh hoạt chung cho cộng đồng người Việt ở Oregon trong tương lai.  Buổi dạ tiệc được sự ủng hộ của nhiều cơ sở thương mại, các vị mạnh thường quân, các đồng hương cư ngụ ở Portland và các vùng phụ cận.  Phần văn nghệ do các ca sĩ địa phương và các học sinh trường Việt Ngữ Văn Lang phụ trách.
Tội phải thầm thán phục tinh thần hoạt động thiện nguyện vô vị lợi của ban điều hành, của các thầy cô giáo, của các phụ huynh học sinh và của các thiện nguyện viên đã sinh hoạt hơn hai mươi năm qua ở trường Việt Ngữ Văn Lang.  Họ đến với trường với tất cả tấm lòng, với trái tim tình cảm và với hoài bảo bảo tồn và phát huy văn hóa Việt nơi xứ người. Một bé gái đã thay mặt toàn thể học sinh trường Văn Lang nói lên niềm hảnh diện khi biết đọc, biết viết tiếng Việt và bày tỏ lòng biết ơn của các học sinh đến các thầy cô giáo, đến quý vị ân nhân đã  hết lòng giúp đỡ các sinh hoạt của nhà trường.  Các màn vũ nhất là màn trình diễn thời trang áo dài của các học sinh đã đem lại niềm vui cho các quan khách tham dự, trong đó có tôi.  Xin chúc trường Việt Ngữ Văn Lang tiếp tục hoài bảo phục vụ đồng hương Việt Nam trong công tác văn hoá cao đẹp này.

 Khi nhìn những nụ cười rạng rỡ của những em bé Việt Nam đang sống an lành nơi xứ Mỹ, tôi liên tưởng đến nỗi đau khổ, sự  nhẫn nại, sức chịu đựng gian khổ của những trẻ em Nhật Bản trong thiên tai sóng thần, động đất vừa qua.  Đã có nhiều câu chuyện làm rung động trái tim của chúng ta mà điển hình là câu chuyện của một cậu bé 9 tuổi qua bức thư của một cảnh sát người Việt Nam tên Hà Minh Thành, có vợ là người Nhật, đang làm công tác hỗ trợ cho cảnh sát tỉnh Fukushima.  Người viết xin được trích đăng nguyên văn như sau để quý bạn cùng đọc:
Mấy ngày nay tôi chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về tình người trong hoạn nạn lắm nhưng có một chuyện khiến tôi cảm động nhất đã khiến một người lớn như tôi từng có bằng Tiến sĩ công học ở Đại học Đông Bắc (Tohoku Dai) cũng phải hổ thẹn về một bài học làm người.
Câu chuyện tối hôm kia tôi được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó để phân phát thực phẩm cho các người bị nạn. Trong cái hàng rồng rắn những người xếp hàng tôi chú ý đến một đứa nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc ao thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà nó lại xếp hàng cuối cùng, tôi sợ đến phiên của nó thì chắc chẳng còn thức ăn.nên mới lại hỏi thăm. Nó kể nó đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần đến, cha của nó làm việc gần đó đã chạy đến trường, từ ban công lầu 3 của trường nó nhìn thấy chiếc xe và cha nó bị nước cuốn trôi, 100% khả năng chắc là chết rồi. Hỏi mẹ nó đâu, nó nói nhà nó nằm ngay bờ biển, mẹ và em của nó chắc cũng không chạy kịp. Thằng nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe tôi hỏi đến thân nhân. Nhìn thấy nó lạnh run lập cập tôi mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người nó. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của tôi bị rơi ra ngoài, tôi nhặt lên đưa cho nó và nói: "Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói". Thằng bé nhận túi lương khô của tôi, khom người cảm ơn. Tôi nghĩ bình thường tưởng nó sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, nó ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng.Tôi sửng sốt và ngạc nhiên vô cùng, mới hỏi nó tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Nỏ trả lời: "Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ".
Tôi nghe xong vội quay mặt đi chỗ khác để khóc để nó và mọi người đang xếp hàng không nhìn thấy. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi mới học lớp 3 đã có thể dạy một thằng có ăn có học từng có bằng tiến sĩ như tôi một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh.
Tôi nghĩ một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại. Đất nước này giờ đây đang đứng ở trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn nó sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu.”
(Nguồn: Trich từ thư của anh Hà Minh Thành ở Nhật qua email bạn gửi. Cám ơn anh NCThuần)
Bạn có cảm động và cảm phục tinh thần dũng cảm của người Nhật, dù chỉ là một em bé 9 tuổi hay chưa? Riêng tôi, tôi đã học được một bài học về tình người và lòng hy sinh từ một chú bé 9 tuổi người Nhật này.  Thật đáng phục cho sự giáo dục và tinh thần dân tộc của Nhật Bản!
Qua các phương tìện truyền thông truyền hình cho đến ngày hôm nay thì số nạn nhân ttử vong có thể  lên đến 20,000 người và thiệt hại vật chất cần được tu sữa lại lên đến 250 tỷ Mỹ Kim.  Đây là một thiên tai vĩ đại trong lịch sử dân tộc Nhật nhưng hy vọng nước Nhật sẽ hồi sinh một cách nhanh chóng. Giáo sư John Nelson thuộc Đại học San Francisco đã có nhận xét như sau:  “Đa số người Nhật theo Thần đạo và Phật Giáo. Người Nhật sử dụng tôn giáo để đối mặt với các tình huống khác nhau trong cuộc sống.  Khi gặp sự việc tích cực thì người Nhật tìm đến các nghi thức của Thần đạo, nhưng khi gặp tai họa hay thảm kịch thì họ hướng về Phật Giáo.
Khác với nhiều tôn giáo khác, Phật giáo và Thần đạo của người Nhật không quá tập trung vào nguyên nhân xảy ra thảm họa mà chỉ dạy cách ứng xử của người dân trước thảm họa.”
(Nguồn: sưu tầm trên internet)
  Xin hãy giúp đỡ cứu trợ các nạn nhân của sự động đất, sóng thần vừa qua ở Nhật trong tinh thần thương yêu nhân ái và cầu nguyện cho nước Nhật sớm hồi sinh.
Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi ORTB466-3252011)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét