Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

Bài số 73 Một Cõi Thiền Nhàn




Chào quý bn,

Đây là bài thứ bảy mươi ba của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

 Từ ngày tôi phụ trách mục Một Cõi Thiền Nhàn trên Oregon Thời Báo đã gần hai năm qua, có nhiều người quen biết tôi và có nhiều bạn bè gặp tôi, khi chào hỏi, họ không còn gọi cái tên “trên căn cước”  hay “bút danh Sương Lam” của tôi nữa,  mà lại gọi chào tôi là  “Một Cõi Thiền Nhàn”.  Mèn ơi! Thiện tai! Thiện tai!
Nhiều bạn của tôi lại còn nói đùa rằng: “Bà viết Một Cõi Thiền Nhàn này khiến cho bạn đọc của bà lo “tu thiền và hưởng nhàn” hết ráo!” Trời đất! Tội lỗi! Tội lỗi!

Nhiều lần tôi cũng đã thưa rằng: tôi chưa được phúc duyên làm đệ tử  chính thức của một vị thiền sư nào cả và tôi cũng chưa thực tập Thiền một cách rốt ráo.  Tôi chỉ là một người chịu khó đọc sách báo, sáng tác thơ văn, bỏ công đi sưu tầm, lượm lặt  những tài liệu hữu ích có tính cách thiền vị đem về đây chia sẻ với các bạn bè đồng tâm cảm, để  chúng ta có được một ít phút giây tĩnh lặng trong ngày sau những lúc mệt mỏi, phiền muộn trong cuộc sống mà thôi.  Đây cũng là cơ hội để chúng ta cùng nhau học hỏi, tu tâm dưỡng tánh, sống vui sống khỏe trong giây phút hiện tại này.

Và quý bạn cũng đã thấy “nửa hồn thương đau” của tôi và tôi, dù bận rộn lo vun xới khu vườn Một Cõi Thiên Nhàn, vẫn xuất hiện “trên  khắp tầng cây số” sinh hoạt cộng đồng đều đều chứ đâu có phải chỉ lo tu thiền và hưởng nhàn mà thôi. Hơn thế nữa, tôi lại có thêm nhiều bạn mới khi sinh hoạt ở Hội Cao Niên và Nhóm Sinh Hoạt Người Việt nữa đấy, sau khi họ đã đọc MCTN của tôi.  Thế có phải là tôi bị “oan ơi ông địa” vì tội xúi dục bạn đọc tu thiền và hưởng nhàn hay không? Chu choa ơí!

Trong quyển “Thiền là gì?” có đọan nói : « Sở dĩ những thất bại khổ đau trong đời phần lớn là do chúng ta không làm chủ được chính mình, luôn tạo ra với cái tâm điên đảo vọng tưởng, tham đắm và bám víu nhiều quá!  Thiền giúp chúng ta lắng tâm, vượt qua mọi chướng ngại để đạt đến trí tuệ toàn diện.  Cho nên Thiền không phải là học thuyết để tranh luận, hoặc tín điều bắt buộc con người phải tin theo, mà chỉ cần áp dụng, thực hành để tìm về chân lý Giác Ngộ và Giải thoát »
 Nhà Phật có dạy: « Nhất thiết duy Tâm tạo » tất cả mọi sự việc trên đời đều do Tâm tạo ra. Tâm bình thế giới bình, tâm lọan thế giới loạn.

Xin mời quý bạn dành một chút suy tư với Chữ Tâm được trích dẫn dưới đây nhé:

Một phút suy tư: Chữ TÂM

Tâm là một điểm tuy nhỏ nhưng quan trọng, nên người ta mới gọi là tâm điểm.
Tâm của con người càng quan trọng hơn vì nó nói lên nhân cách của một con người:

- Tâm lệch lạc thì cuộc sống nghiêng ngã đảo điên.
- Tâm gian dối thì cuộc sống bất an.
- Tâm ghen ghét thì cuộc sống hận thù.
- Tâm đố kỵ thì cuộc sống mất vui.
- Tâm tham lam thì cuộc sống dối trá …

Cho nên, ta không những đem tâm của mình đặt ngay trên ngực để yêu thương, mà còn:

- Ðặt trên tay để giúp đỡ người khác.
- Ðặt trên mắt để nhìn thấy nổi khổ của tha nhân.
- Ðặt trên trán để mau mắn chạy đến với người cùng khổ.
- Ðặt trên miệng để nói lời an ủi với người bất hạnh.
- Ðặt trên tai để biết nghe lời than trách, góp ý của người khác.
- Ðặt trên vai để biết chịu trách nhiệm và chia sẻ trách nhiệm với anh em chị em.

Thân xác không tim thì thân xác chết, làm người không có tâm thì cuộc sống chỉ có hận thù và là mối nguy hiểm cho mọi ngưới

( Nguồn: sưu tầm trên internet)

Có nhiều bài học nói về chữ Tâm sẽ được người viết từ từ dẫn trình sau để chúng ta cùng học hỏi.  Hôm nay, người viết xin mời quý bạn đọc một bài học ngắn ngắn dưới đây:

 Tâm bình thường

Tăng hỏi Thiền sư: « Phải nỗ lực tu hành như thế nào mới hợp đạo ? »
-  Đói ăn, mêt ngủ.
-  Như vậy thì người bình thường nào làm chẳng được.
- Không, không.  Người bình thường không giống như thế.  Vì khi ăn họ không chăm chú ăn, mãi lo nghĩ trăm điều.  Khi ngủ, họ không chịu ngủ, lại tơ tưởng ngàn chuyện. Vì thế khác với người tâm bình thường.

Bình: Thiển tổ Nam Tuyền bảo: « Tâm bình thường là Đạo ».  Đi cũng thiền, đứng cũng thiền, nói, nín, động tịnh thảy an nhiên.
Cảnh giới tâm bình thường này khác xa phàm phu vọng loạn một trời một vực »

(Nguồn : Thiền là gì ? – Biên soạn : Thích Giác Nguyên)

Tuy nhiên, người viết thích nhất là câu chuyện Thiền dí dỏm dưới đây qua hình ảnh cô  lái đò cho có vẻ tình tứ, thơ mộng một tí ti, bạn nhé,

Cô Lái Đò

Một lần, có một Thiền sinh có việc phải sang sông.  Ngồi trên đò, sư tỏ ra ngạc nhiên vì nhan sắc dễ coi của cô gái miền quê. 
Đến lúc lên đò. Hành khách mỗi người phải trả một quan.  Sư cũng định thế, không ngờ cô gái hóm hỉnh bảo:
-        Xin Thầy trả cho tôi hai quan.
Sư còn đang ngạc nhiên thì cô gái đã tiếp:
-        Một quan cho tiền đi đò và một quan về khoản ngắm người lái đò.
-         
Không tranh cãi lôi thôi, sư liền trả cô hai quan tiền, nhưng trong bụng hơi tấm tức.
 Bận về sư cứ dí mũi xuống sàn thuyền không dám nhìn lên.  Nào ngờ lần này cô lái bảo:
            -  Xin Thầy cho em bốn quan.
Không nhịn được nữa , sư cãi:
-        Nhưng tôi có nhìn cô đâu nào?
Cô gái cười mỉm:
-        Đồng ý là Thầy không nhìn tôi bằng mắt, nhưng Thầy lại nhìn bằng tâm…  Vì thế mà tôi tăng giá gấp đôi lên đó!

( Nguồn: Trích trong Thiền Lâm Vi Tiếu và Vô Niê.m Thiền- Cư Sĩ Nhất Tâm)

 Khi quý bạn và người viết đọc những bài viết có chút thiền vị với cái tâm vui vẻ, chắc chắn bạn và  người viết cũng thấy “đời bỗng thêm vui” và tự mỉm cười một mình .  Người ta thường nói: “Một nụ cười bằng mười liều thuốc bổ” đấy!  Khi được uống thuốc bổ thì bạn sẽ khỏe thêm, bạn sẽ thấy yêu đời thêm, bạn sẽ sống vui sống khoẻ thêm.  Như thề, học Thiền cũng có nhiều lợi ích chứ nhỉ, phải không Bạn?

 Người viết thích thơ văn, nên khi đọc một bài thơ nào hay hay thì “chớp” ngay để dành trong “tàng kinh các” của người viết, để lâu lâu lấy ra ngâm nga hoặc chia sẻ với bạn bè khi có dịp.
 Hôm nay người viết đọc lại bài thơ này, tôi thấy có chút gì thiền vị hay hay, nên dù chưa biết tác giả là ai, tôi cũng xin phép tác giả cho tôi được chia sẻ cùng với quý bạn để cùng với tôi sống được ít phút giây với tâm hồn nghệ sĩ của mình nhé. Xin cám ơn tác giả và  xin mời quý bạn cùng thưởng thức bài thơ dưới đây:

MÔT NỬA

Sống trên đời mới chỉ là một nửa.
Biết bao giờ tìm được nửa thứ hai.
Dẫu biết rằng    1 +1 = 2
Nhưng cũng có 2: 2 =1.
Một người buông tay 1 người ngã
Môt người cất bước 1 người mong  
Môt người ra đi 1 người khóc  
Một người quay lưng 1 nguời buồn
Một người đang quên 1 người nhớ
Hy vọng tắt đi khi bạn ngừng tin tưởng
Tình yêu mất đi khi bạn ngừng quan tâm
Tình bạn mất đi khi bạn ngừng chia sẻ
Häy mở lòng và xích lại gần nhau

 Không biết tên tác giả
.
(Nguồn: email bạn gửi- Cám ơn anh Long Đặng đã chuyển đến)

Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-ORTB467-4012011)

Bài số 72 Một Cõi Thiền Nhàn


Chào quý bn,

Đây là bài thứ bảy mươi hai của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Mùa Xuân đã về ở thành phố Portland thân yêu của tôi với hoa đào, hoa vàng nở rộ khắp mọi nơi. Tôi yêu thành phố Portland của tôi nhiều lắm, bạn ạ!
 Tôi yêu màu xám nhẹ buồn của sương lam mờ đỉnh núi, màu vàng lãng mạn của những hàng cây khi mùa thu đến, màu trắng trinh nguyên của tuyết trắng mùa đông trên đỉnh núi Mount Hood, màu xanh tươi mát của những rừng thông thẳng tắp ngút ngàn, màu hồng rực rỡ của những đoá hồng ở các vườn hồng Portland, màu xanh hy vọng của đại dương bát ngát dọc theo quốc lộ 101 và yêu nhất là nụ cười hồn nhiên ngây thơ của những trẻ thơ bé nhỏ tuổi học trò.

Tôi yêu trẻ thơ, đó là một sự thật vì trẻ thơ ngây thơ vô tội, không biết tính chuyện “ân oán giang hồ”.  Ai thương yêu chúng nhiều, thì chúng thương yêu lại nhiều, thật tình.  Ai thương yêu chúng ít thì chúng thương yêu lại ít.  Thế thôi. Thật bình thường! Thật giản dị!
Tôi thương các cụ cao niên vì họ tuổi già sức yếu, sống cô đơn buồn tủi. Họ sống trong một thế giới riêng biệt của họ, dù họ đang sống trong viện dưỡng lão hay đang sống trong gia đình với con cháu. Họ hoài niệm về những kỷ niệm của quá khứ đã qua. Họ lo lắng cho một ngày mai phải rời bỏ trần thế trong cô đơn tuyệt vọng. Tội nghiệp thay!
 Cho nên tôi cố gắng đem lại cho những người bạn trẻ, bạn già của tôi những niềm vui nho nhỏ trong ngày trong phạm vi khả năng của tôi có thể làm được và đó cũng chính là niềm vui của tôi trong hiện tại.

Và tôi vui thật bạn ạ vì trong tuần qua vợ chồng chúng tôi đã đi dự buổi tiệc trưa với cô cháu nội Mya Ngoc Vy 4 tuổi đang học Preschool ở trường Dove Christian Preschool do nhà trường khoản đãi trước khi nghỉ Spring Break.  Cả gia đình bé nhỏ của tôi đến tham dự để  thưởng thức và để ủng hộ “ban hợp ca tí hon” mà ca sĩ là 18 học sinh tuổi vừa lên 4 trình diễn, trong đó có cô cháu nội Mya yêu quý  của tôi.

Người Mỹ họ cũng lo lắng, thương yêu trẻ thơ lắm bạn ạ! Nếu không, họ đã không có xếp trẻ em đứng vào hàng thứ nhất trong bảng xếp hạng trước chó mèo, hoa cảnh, đàn bà và sau chót là quý ông. Xin lỗi quý ông nhé, người viết chỉ biết  “nghe sao nói vậy người ơi” chứ không dám “phạm thưọng” đến quý ông đâu. Xin quý ông “đại xá” cho tôi nhé. Xin cám ơn quý ông.

Chỉ một buổi trình diễn, ăn trưa nho nhỏ của các học sinh tí hon như thế mà tôi thấy có phụ huynh Mỹ dẫn cả ông bà nội, ông bà ngoại, cô bác họ hàng, anh em đến tham dự, đi sớm dành chỗ trước hai hàng ghế đầu trong hội trường để ủng hộ tinh thần con cháu của họ! Ghê chưa?  Đụng vào con nít ở xứ này là bạn sẽ bị “rắc rối cuộc đời” ngay. Khi có dịp, người viết sẽ tâm tình cho quý bạn nghe kinh nghiệm vui buồn nghề nghiệp của người viết sau 20 năm làm “cô giáo xứ Mỹ” ở xứ Cờ Hoa này.  Xin chờ nhé!

Mười tám ca sĩ tí hon trình diễn trên sân khấu, chỉ có Mya của tôi là “Mỹ vàng” mà thôi nên nhìn vô là biết ngay vì đa số là Mỹ con “chính gốc bà lang trọc”. Phải thành thật khen ngợi các bà giáo Mỹ dạy con nít hay thật vì các em bé trình diễn thật xuất sắc, dễ thương hết sức dưới sự hướng dẫn của hai bà giáo. Sau mỗi bài hát, các khán giả vỗ tay nồng nhiệt để “ủng hộ gà nhà” của mình. Những cái miệng tròn vo hát líu lo, những bàn tay đưa lên đưa xuống nhịp nhàng, những ánh mắt hồn nhiên trong sáng! Ôi! Sao mà dễ thương chi lạ!  Tôi nhìn thấy hình như là các thiên thần đang hiện diện trên sân khấu của nhà thờ Multnomah Prebyterian Church hôm nay!  Những đứa trẻ đang vui, những ông bà cha mẹ đang vui và tôi cũng đang vui! Xin cảm tạ ơn trên đã ban cho chúng tôi một ngày vui và tôi cũng muốn chia sẻ niềm vui này đến các bạn để chúng ta cùng vui bên nhau, bạn nhé!

Nào đã hết đâu, chúng tôi lại có thêm một niềm vui khác nữa trong ngày thứ bảy kế tiếp khi tham dự buổi dạ tiệc văn nghệ gây quỹ cho trường Việt Ngữ Văn Lang tại nhà hàng Legin.  Mục đích của đêm gây quỹ này là nhằm hổ trợ công tác duy trì và phát triển văn hóa, ngôn ngữ Việt đến thế hệ mai sau và xây dựng cơ sở sinh hoạt cho trường Việt Ngữ Văn Lang.  Cơ sở này cũng sẽ là nơi sinh hoạt chung cho cộng đồng người Việt ở Oregon trong tương lai.  Buổi dạ tiệc được sự ủng hộ của nhiều cơ sở thương mại, các vị mạnh thường quân, các đồng hương cư ngụ ở Portland và các vùng phụ cận.  Phần văn nghệ do các ca sĩ địa phương và các học sinh trường Việt Ngữ Văn Lang phụ trách.
Tội phải thầm thán phục tinh thần hoạt động thiện nguyện vô vị lợi của ban điều hành, của các thầy cô giáo, của các phụ huynh học sinh và của các thiện nguyện viên đã sinh hoạt hơn hai mươi năm qua ở trường Việt Ngữ Văn Lang.  Họ đến với trường với tất cả tấm lòng, với trái tim tình cảm và với hoài bảo bảo tồn và phát huy văn hóa Việt nơi xứ người. Một bé gái đã thay mặt toàn thể học sinh trường Văn Lang nói lên niềm hảnh diện khi biết đọc, biết viết tiếng Việt và bày tỏ lòng biết ơn của các học sinh đến các thầy cô giáo, đến quý vị ân nhân đã  hết lòng giúp đỡ các sinh hoạt của nhà trường.  Các màn vũ nhất là màn trình diễn thời trang áo dài của các học sinh đã đem lại niềm vui cho các quan khách tham dự, trong đó có tôi.  Xin chúc trường Việt Ngữ Văn Lang tiếp tục hoài bảo phục vụ đồng hương Việt Nam trong công tác văn hoá cao đẹp này.

 Khi nhìn những nụ cười rạng rỡ của những em bé Việt Nam đang sống an lành nơi xứ Mỹ, tôi liên tưởng đến nỗi đau khổ, sự  nhẫn nại, sức chịu đựng gian khổ của những trẻ em Nhật Bản trong thiên tai sóng thần, động đất vừa qua.  Đã có nhiều câu chuyện làm rung động trái tim của chúng ta mà điển hình là câu chuyện của một cậu bé 9 tuổi qua bức thư của một cảnh sát người Việt Nam tên Hà Minh Thành, có vợ là người Nhật, đang làm công tác hỗ trợ cho cảnh sát tỉnh Fukushima.  Người viết xin được trích đăng nguyên văn như sau để quý bạn cùng đọc:
Mấy ngày nay tôi chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về tình người trong hoạn nạn lắm nhưng có một chuyện khiến tôi cảm động nhất đã khiến một người lớn như tôi từng có bằng Tiến sĩ công học ở Đại học Đông Bắc (Tohoku Dai) cũng phải hổ thẹn về một bài học làm người.
Câu chuyện tối hôm kia tôi được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó để phân phát thực phẩm cho các người bị nạn. Trong cái hàng rồng rắn những người xếp hàng tôi chú ý đến một đứa nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc ao thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà nó lại xếp hàng cuối cùng, tôi sợ đến phiên của nó thì chắc chẳng còn thức ăn.nên mới lại hỏi thăm. Nó kể nó đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần đến, cha của nó làm việc gần đó đã chạy đến trường, từ ban công lầu 3 của trường nó nhìn thấy chiếc xe và cha nó bị nước cuốn trôi, 100% khả năng chắc là chết rồi. Hỏi mẹ nó đâu, nó nói nhà nó nằm ngay bờ biển, mẹ và em của nó chắc cũng không chạy kịp. Thằng nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe tôi hỏi đến thân nhân. Nhìn thấy nó lạnh run lập cập tôi mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người nó. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của tôi bị rơi ra ngoài, tôi nhặt lên đưa cho nó và nói: "Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói". Thằng bé nhận túi lương khô của tôi, khom người cảm ơn. Tôi nghĩ bình thường tưởng nó sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, nó ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng.Tôi sửng sốt và ngạc nhiên vô cùng, mới hỏi nó tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Nỏ trả lời: "Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ".
Tôi nghe xong vội quay mặt đi chỗ khác để khóc để nó và mọi người đang xếp hàng không nhìn thấy. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi mới học lớp 3 đã có thể dạy một thằng có ăn có học từng có bằng tiến sĩ như tôi một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh.
Tôi nghĩ một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại. Đất nước này giờ đây đang đứng ở trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn nó sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu.”
(Nguồn: Trich từ thư của anh Hà Minh Thành ở Nhật qua email bạn gửi. Cám ơn anh NCThuần)
Bạn có cảm động và cảm phục tinh thần dũng cảm của người Nhật, dù chỉ là một em bé 9 tuổi hay chưa? Riêng tôi, tôi đã học được một bài học về tình người và lòng hy sinh từ một chú bé 9 tuổi người Nhật này.  Thật đáng phục cho sự giáo dục và tinh thần dân tộc của Nhật Bản!
Qua các phương tìện truyền thông truyền hình cho đến ngày hôm nay thì số nạn nhân ttử vong có thể  lên đến 20,000 người và thiệt hại vật chất cần được tu sữa lại lên đến 250 tỷ Mỹ Kim.  Đây là một thiên tai vĩ đại trong lịch sử dân tộc Nhật nhưng hy vọng nước Nhật sẽ hồi sinh một cách nhanh chóng. Giáo sư John Nelson thuộc Đại học San Francisco đã có nhận xét như sau:  “Đa số người Nhật theo Thần đạo và Phật Giáo. Người Nhật sử dụng tôn giáo để đối mặt với các tình huống khác nhau trong cuộc sống.  Khi gặp sự việc tích cực thì người Nhật tìm đến các nghi thức của Thần đạo, nhưng khi gặp tai họa hay thảm kịch thì họ hướng về Phật Giáo.
Khác với nhiều tôn giáo khác, Phật giáo và Thần đạo của người Nhật không quá tập trung vào nguyên nhân xảy ra thảm họa mà chỉ dạy cách ứng xử của người dân trước thảm họa.”
(Nguồn: sưu tầm trên internet)
  Xin hãy giúp đỡ cứu trợ các nạn nhân của sự động đất, sóng thần vừa qua ở Nhật trong tinh thần thương yêu nhân ái và cầu nguyện cho nước Nhật sớm hồi sinh.
Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi ORTB466-3252011)

Bài Số 71 Một Cõi Thiền Nhàn




Chào quý bạn,

Đây là bài thứ  bảy mươi mốt của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Bạn và tôi vẫn còn bàng hoàng sợ hãi và thương xót cho số phận của những cư dân Nhật Bản sống ở những vùng có cuộc động đất và sóng thần lớn nhất thế giới trong vòng 110 năm nay đã xãy ra trong ngày 3-11-2011 vừa qua ở Sendai và những vùng phụ cận.

Tin sơ khởi tính đến ngày hôm nay, số người tử vong có thể lên đến 10, 000 người và sự thiệt hại vật chất dĩ nhiên là rất lớn.  Không điện, không nước, không phương tiện thông tin liên lạc.  Mọi sinh hoạt đều ngưng trệ.  Chính phủ và thế giới đang lo ngại ảnh hưởng nguy hiểm của các phóng xạ do sự rò rỉ của các nhà máy điện nguyên tử ở Fukushima.  Hình ảnh một cuộc hồng thủy và viễn ảnh tận thế đã đến với nhiều người hiện đang sống trên cõi đời.trần thế này.  

Có nhìn những hình ảnh trước và sau của những vùng bị động đất này, người viết mới thấy thấm thía nguyên lý Thành, Thịnh, Suy, Hủy trong Dịch học và  nguyên lý Thành, Trụ, Hoại, Không của nhà  Phật.  Tất cả mọi sự việc trên đời đều có sinh có diệt.

 Hiện tại, các nạn nhân đang cần sự giúp đỡ tài chánh để xây dựng và kiến thiết lại những
gì đã bị phá hủy.  Dĩ nhiên sự giúp đỡ này cần được thực hiện bởi các chính phủ và nhờ vào lòng từ thiện của nhiều đoàn thể, nhiều cá nhân trên thế giới. Công thự, nhà cửa, đường xá, cầu cống v..v… thì có thể khôi phục, tái thiết lại được; nhưng người đã chết rồi thì làm sao mà khôi phục lại được, bạn nhỉ?  Đó là sự mất mát lớn nhất của những nạn nhân còn sống sót khi thân nhân, bạn bè của họ đã bị mất mạng trong cuộc động đất, sóng thần vừa qua. Người viết xin thành thật chia buồn cùng các nạn nhân trong cuộc động đất, sóng thần ở Nhật Bản.
Mới mấy ngày qua, họ còn vui vẻ nói cười, trò chuyện với nhau. Họ còn có những dự tính, những hoài bảo cho tương lại, cho cá nhân, cho gia đình, cho đất nước của họ.
Nhưng chỉ trong vòng những phút giây ngắn ngủi, họ đã bị vùi thây trong đống gạch vụn, trong sóng nước mảnh liệt, hung tàn. Có thể, những linh hồn ấy và ngay cả chính chúng  ta trong hiện tại, cũng phải phân vân tự hỏi:

“Đây cõi tạm ta trải bao nhiêu kiếp
Trăm năm xưa ta ở tận nơi đâu
Nẽo nhân gian bao sương tuyết dãi dầu
Buông tay xuống ta về đâu chẳng biết?

Nghiệp thiện ác theo ta qua kiếp khác
Như bóng hình, như nhân quả chẳng sai
Chuyện trả vay, vay trả, tiếp tục hoài
Nơi trần thế, ta luân hồi muôn kiếp”

(Trích trong Giòng Sông Sinh Tử - Thơ Sương Lam)

Cũng trong vòng mấy ngày qua, tôi cũng đã được gặp mặt hoặc trò chuyện với những người bạn cao niên của tôi.  Nhiều người đã già yếu, đau bịnh và cũng đang lo ngại không biết ngày nào sẽ “lên chuyến xe buýt cuối cùng đi vào cõi vô thường”?

 Tôi vui khi còn được gặp mặt họ để được nói đùa dăm ba câu với họ.  Tôi mừng vì còn được nghe họ tâm sự với tôi chuyện gia đình, chồng con, cháu nhỏ, chuyện công ăn việc làm của họ.  Tôi không biết nói gì hơn là chúc họ có sức khoẻ tốt, vui  được chút nào mừng chút nấy trong những phút giây hiện tại, và làm được nhiều chuyện thiện lành nho nhỏ.  Nhiều bạn của tôi  thường đi chùa lễ Phật, cầu an, cầu siêu,  ăn chay, niệm Phật. Nhiều bạn khác đi lễ nhà thờ, đọc kinh cầu nguyện cho hoà bình thế giới, giúp đỡ kẻ neo đơn già yếu.  Nhiều bạn khác nữa đã bớt đi tánh nóng nảy, giận hờn, nói lời nặng nhẹ với chồng, với vợ, với con cháu, với bạn bè v..v...

  Vui hơn nữa, đã có nhiều bạn gặp tôi, gật đầu chào hỏi tôi với nụ cười vui vẻ, nói lên những lời ngọt ngào, từ ái với tôi.  Đó là những niềm vui nho nhỏ của tôi trong ngày khi tôi thấy những người thân trong gia đình của tôi, bạn bè của tôi được an lành, sống vui sống khỏe trong hiện tại. Còn ngày mai sẽ ra sao thì xin cứ thuận theo “Ý Trời”, phải không bạn?
 “Qué sera! sera! What will be will be!”   Bài hát Qué Sera, Sera do Doris Day hát ngày xưa là bài hát “tủ” của tôi đấy, bạn ạ!

 Dĩ nhiên trong cuộc đời của bạn, đôi lúc bạn đã, đang và sẽ gặp những phút giây làm cho bạn “không được vui cho lắm” như những lúc có “chiến tranh” với chồng của bạn, với vợ của bạn, với con cháu của bạn, với những người thân của bạn, với bạn bè thân hữu của bạn và ngay cả với những người bạn không hề quen biết bao giờ.  Họ mắng chửi bạn, họ mạ lị bạn, họ nói những lời khó nghe với bạn và đôi khi họ còn muốn hành hung với bạn nữa đấy! Ghê chưa!  Bạn sẽ làm gì đây nhỉ?

May quá! Sau khi đọc xong quyển sách Vô Ngã Vô Ưu (Being Nobody- Going Nowhere) của Ni sư Ayya Khema, người viết đã học được một bài học rất hay dưới đây, tôi  xin được chia sẻ cùng các bạn.  Bạn thử áp dụng xem có được hay không, bạn nhé?

Chính Kiến

 Một người Bà la môn đến mắng chửi, mạ lị Đức Phật bằng mọi lời lẽ không đẹp.
Khi người Bà la môn đã hết lời chửi bới, Đức Phật, từ nãy giờ đã ngồi im lặng nói:
- Này ông Bà la môn, ông thường có khách đến nhà không?
 Người Bà la môn trả lời:
- Dĩ nhiên là tôi luôn có khách đến viếng nhà”.
Đức Phật lại nói:
 - Khi có khách đến nhà ông có tiếp đãi họ không?
Người Bà la môn trả lời:
- Dĩ nhiên rồi, dĩ nhiên là tôi cho họ đồ ăn, thức uống.
Đức Phật lại tiếp:
- Vậy nếu họ không nhận sự tử tế, họ từ chối không nhận những đồ ông cho thì những món đồ đó thuộc vế ai?
 Người Bà la môn nói:
- Cùa tôi, của tôi
Đức Phật nói:
- Đúng vậy ông Bà la môn, khi ta không nhận những món đồ của ông, Chúng thuộc về ông.”

 Đây là câu chuyện đáng cho chúng ta nhớ.  Bất cứ sự công kích, sân hận đe dọa nào đều thuộc về người nói ra những lời ấy.  Chúng ta không phải nhận chúng là của ta.

(Nguồn: Trích trong Vô Ngã, Vô Ưu ( Being Nobody- Going Nowhere- Meditation On The Buddhist Path của Ni sư Ayya Khema (1923-1997) Dịch giả : Diệu Liên- Lý Thu Linh- Cám ơn chị Hồng Châu đã cho tôi mượn quyển sách này để đọc)

 Như vậy, qua câu chuyện Thiền kể trên, nếu chúng ta không nhận, xem như không nghe, không thấy, không biết những gì người khác công kích, sân hận với ta, thì những cái đó thuộc về người đó rồi, và người đó phải giữ nhận lại những thứ ấy mà thôi.
 Khoẻ rồi!  Phải không bạn?

Khi chúng ta thấy  không còn phải thắc mắc về những gì người khác đã làm cho mình không vui, bạn sẽ thấy “vui trong lòng một ít” và bạn sẽ  cảm thấy con tim của mình ấm áp vô cùng chứ không còn phiền muộn, tức giận như trước đây nữa.

 Bây giờ là tháng Ba rồi.  Trong nắng Xuân ấm áp, hoa Daffodil, hoa đào trong vườn của bạn, trong vườn của tôi đã nở.  Đẹp quá!  Phải không bạn?
 Nhìn hoa Xuân đang đua nở, bạn có thấy ấm áp chăng? Nếu chưa, xin mời Bạn thử tìm một chút hơi ấm của tình cảm qua những lời nhẹ nhàng dưới đây, chắc chắn bạn sẽ thấy ấm áp ngay. Lãng mạn, trữ tình lắm, bạn ạ!

Ấm Áp

Ấm áp không phải khi ngồi bên đống lửa, mà là bên cạnh người bạn thương yêu.
Ấm áp không phải khi bạn mặc một lúc hai, ba áo, mà là khi bạn đứng trước gió lạnh, từ phía sau đến có ai đó khoác lên bạn một tấm áo.
 Ấm áp không phải khi bạn nói “ấm quá”, mà là khi có người thì thầm với bạn: “Có lạnh không?”.
 Ấm áp không phải khi bạn dùng hai tay xuýt xoa, mà là khi tay ai kia khẽ nắm lấy bàn tay bạn.
 Ấm áp không phải khi bạn đội chiếc mũ len, mà là khi đầu bạn dựa vào một bờ vai tin cậy.
(Nguồn: sưu tầm trên internet)

 Và sau hết, người viết xin mượn những câu thơ dưới đây để làm kết luận cho bài tâm tình hôm nay của người viết, bạn nhé!

“Vui tình cảm, không tính bằng con số.
 Đơn vị nào đo được trái tim yêu
 Chỉ biết rằng: ta cảm thấy vui nhiều
Khi ta thấy người xung quanh vui vẻ”

(Thơ Sương Lam)

Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-ORTB 464-3-11-2011)

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

Bài số 70 Một Cõi Thiền Nhàn


Chào quý bạn,

Đây là bài thứ  bảy mươi của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Nhiều khi người viết ví von với bạn bè rằng “Viết văn làm thơ đối với tôi giống như nấu ăn vậy, một món ăn tinh thần và tình cảm.  Tôi đi sưu tầm tài liệu, đọc sách báo,  dạo chơi trên internet, lục tìm trong ký ức của mình những gì mình còn nhớ, rồi tùy theo khẩu vị của mỗi người, tùy theo thời gian, tùy theo nguồn cảm hứng, tôi  thêm một chút đường một chút muối,  một chút cay, nấu một món ăn dâng lên cho người cha, người mẹ, người, chồng, nguời vợ, bạn bè thân hữu nam nữ không phân biệt tuổi tác, anh chị em, con cháu trong gia đình thưởng thức.

 Rất có thể vì mỗi người mỗi khẩu vị, một tâm trạng khác nhau khi thưởng thức món ăn, nên có khi hợp với người này nhưng lại không hợp với người kia.  Cũng cùng một món ăn đó, có người khen nhưng cũng có người chê, có người thích nhưng cũng có người không thích.
Tôi biết đấy chứ! Nhưng tôi vẫn cố gắng hết sức mình để làm vui lòng quý vị “thực khách” của tôi vì thực khách của tôi có cả nam lẫn nữ, có cả già lẫn trẻ khác nhau.  Xin bạn hãy để cho tôi có cơ hội được phục vụ các bạn với  tất cả tấm chân tình, với tất cả tình thương mến của tôi, không phân biệt bạn là ai, nam hay nữ, già hay trẻ nhé. Và nếu quý ông không hài lòng khi tôi viết binh vực cho quý bà  hay ngược lại,  thì  xin quý vị niệm tình tha thứ cho tôi, chứ thực ra tôi không dám mộ phạm đến ai cả.  Xin cám ơn quý vị trước.

Nói “vòng vo tam quốc” như thế  bởi vì hôm nay (ngày 3-8-2011),  khi đang viết bài tâm tình này, nguời viết mong muốn được cùng quý ông cùng nhau thông cảm và vinh danh quý bà đấy!  Bởi vì sao?  Xin được trả lời:  Ngày 8 tháng 3 là ngày Quốc Tế Phụ Nữ  (International Women’s Day). Thưa quý ông!
Đọc đến đấy chắc chắn có nhiều ông đang nhăn mặt và có vẻ không vui rồi trong khi quý vị phu nhân đang mỉm cười sung sướng vì có người đã nhớ đến mình và đã vinh danh “phe ta”.
 Hôm nay, người viết xin phép quý ông hãy “galant” một tí và chịu khó đọc một ít tài liệu dưới đây mà người viết cố ý sưu tầm về để quý ông đọc cho biết, cũng có thể quý ông đã biết rồi nhưng lại phe lờ đi vì tài liệu này đã vinh danh “phe địch”, do bởi tự ái của quý ông to lắm đấy!
 Người viết chỉ tóm tắt một ít về lịch sử  Ngày Quốc Tế Phụ Nữ này như sau:

Lịch sử ngày Quốc tế Phụ nữ
Ngày Quốc tế Phụ nữ là thành quả đấu tranh lâu dài và lặng lẽ của hàng triệu phụ nữ trên thế giới.
Ngày Quốc tế Phụ nữ được Liên Hiệp Quốc chính thức hóa ngày 8 tháng 3 năm 1977. Trong một thế kỷ qua, người phụ nữ đã giành được sự bình đẳng trước pháp luật trong hầu hết các lĩnh vực và ở hầu hết các nước trên thế giới. Tuy thế, hiện nay phụ nữ vẫn không ngừng tranh đấu vì quyền bình đẳng với nam giới.
Lịch sử của ngày Quốc tế Phụ nữ bắt đầu từ năm 1857 đến 1911.
Trước đây do tư tưởng trọng nam khinh nữ, nên phận làm nữ chịu nhiều thiệt thòi nhất hàng thế kỷ.
  • Lịch sử đấu tranh mới chỉ bắt đầu từ thời kỳ Hy Lạp cổ đại, Lysistrata cuộc tranh đấu chống lại nam giới để chấm dứt chiến tranh.
  • Từ năm 1950 tại Việt Nam, vào ngày mùng 6 tháng hai âm lịch mỗi năm đều có tổ chức ngày lễ Hai Bà TrưngSài Gòn, và sau đó đã dùng ngày lễ này làm ngày Phụ nữ. Mỗi năm đều chọn một nữ sinh trường Trưng Vương và một nữ sinh trường Gia Long đóng vai Hai Bà Trưng ngồi trên bành voi trong dịp cử hành lễ.
  • Năm 1971, Thụy Sĩ chấp nhận quyền bầu cử cho phụ nữ.
  • 8 tháng 3 năm 1975, Liên Hiệp Quốc bắt đầu chú ý và tổ chức ngày Quốc tế Phụ nữ.
  • Năm 1977, nghĩa là hai năm sau ngày Quốc tế Phụ nữ, Liên Hiệp Quốc quyết định mời các nước dành một ngày để nói lên quyền lợi của người phụ nữ và hòa bình thế giới. Và ngày 8 tháng 3 được chọn để trở thành ngày lễ chung cho nhiều quốc gia trên thế giới.
Hiện nay ngày Quốc tế Phụ Nữ vẫn còn được xem là ngày lễ chính thức tại những nước sau đây: Angola, Armenia, Azerbaijan, Belarus, Bulgaria, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Macedonia, Moldova, Mông Cổ, Nga, Tajikistan, Ukraina,Uzbekistan và Việt Nam. Trong những xã hội này, đàn ông tặng hoa và quà cho những người phụ nữ trong đời của họ như mẹ, vợ, bạn gái, vv.vv. Tại một số nơi, nó cũng được xem tương đương với Ngày của Mẹ (Mother's Day).
Người viết xin mời quý vị đọc thêm một câu chuyện sự tích ngày mồng 8 tháng 3 dưới đây cho vui.  Có đúng hay không thì tùy theo suy nghĩ của mỗi người nhé.
Sự tích  ngày mồng 8 tháng ba..
Ngày xưa, có 1 anh chàng nhà nọ, gặp 1 người con gái xinh đẹp mỹ miều, thùy mỵ dịu dàng... công dung ngôn hạnh đủ cả, anh chàng đem lòng yêu mến và muốn cưới nàng làm vợ. Cuối cùng thì nàng cũng nhận lời... với 1 điều kiện là hàng năm, cô nàng xin phép được 1 ngày vắng nhà để đi xa, còn đi đâu, làm gì, anh chàng không được thắc mắc, không được điều tra, tìm hiểu. Nghe thấy điều kiện quá dễ dàng, vả lại cũng quá sung sướng vì kiếm được cô vợ lý tưởng như vậy, anh chàng gật đầu đồng ý không chút đắn đo. 
Cuộc sống 2 vợ chồng trôi qua rất hạnh phúc, chẳng bao giờ họ to tiếng với nhau và cô gái luôn tỏ ra là 1 người vợ đảm đang, hiền dịu. Đến 1 ngày nọ, khi cô nàng xin phép anh chồng ngày hôm sau được vắng nhà, anh chàng mới nhớ ra lời mình hứa ngày nào. Lỡ hứa rồi, chẳng lẽ không làm, vả lại 1 ngày vợ đi vắng chắc cũng chẳng sao, anh chàng liền đồng ý. Ngày hôm đó mới dài lê thê làm sao khi mà đến tối anh chàng không thấy vợ về. Chàng cứ đứng lên, ngồi xuống, đi ra đi vào ngóng vợ như con ngóng mẹ đi chợ về vậy. Vừa sốt ruột, vừa lo lắng, chẳng hiểu có chuyện gì xảy ra với vợ mình... rồi bao nhiêu những suy nghĩ khác lai bắt đầu dằn vặt anh chàng... Cuối cùng rồi cũng đến sáng. Trời vừa hửng sáng, anh chồng đã thấy vợ mình trở về nhà. Bao nhiêu lo lắng, giận dữ, nghi ngờ dồn nén cả đêm qua chưa kịp bùng lên thì cô vợ đã nhẹ nhàng nhắc tới điều kiện của ngày cưới là nàng được đi 1 ngày và anh chàng không được hỏi han thắc mắc. Đã hứa thì phải giữ lời, nam nhi đại trượng phu là vậy. Những nghi ngờ tuy còn vương vấn trong lòng, nhưng theo thời gian, anh chàng cũng quên đi, cho vào dĩ vãng. Cuộc sống hai vợ chồng êm ả trôi qua.
Một năm nữa lại trôi qua, và cái ngày mà người vợ xin phép vắng nhà lại tới. Vì đã hứa nên anh chàng lại phải để cho vợ đi mặc dù trong lòng, sự lo lắng, nghi ngờ, tò mò ngày càng tăng. Một năm nữa, rồi 1 năm nữa... cứ đến đúng ngày là người vợ lại đi vắng nhà và lại trở về nhà ngày hôm sau vào đúng lúc mặt trời mọc. Trong cuộc sống, người chồng chẳng có điều gì có thể phàn nàn về người vợ của mình được cả, ngoại trừ nỗi tò mò, nghi ngờ ngày càng dày vò anh chàng. Đến 1 lần, vào ngày mà người vợ lại đi vắng như mọi năm, không thể kìm được sự tò mò của mình nữa, anh chàng quyết định bám theo người vợ.
Người vợ cứ cắm cúi đi, không hề biết là người chồng đang bám theo mình. Đi mãi, tới bìa rừng, người chồng thấy vợ mình chui vào trong 1 bụi cây. Chờ mãi không thấy người vợ đi ra, anh chàng rón rén lại gần. Tới nơi, chàng thấy có 1 con rắn hổ mang đang cuốn mình lột xác. Hoảng hốt, sợ hãi, chàng vội cầm con dao chém con rắn. Trước sự ngạc nhiên khôn tả của người chồng, con rắn lại hiện nguyên hình là người vợ nằm trong vũng máu, quằn quại, hấp hối. 

Thì ra hàng năm, cứ đến ngày này, người vợ lại biến thành con rắn hổ mang và khi lột xác thì bao nhiêu những bực bội, những giận dữ kìm nén trong 1 năm qua cùng với nọc độc được xả đi hết, để rồi khi trở về nàng lại trở nên xinh đẹp hơn, là một người vợ hiền dịu hơn, chiều chuộng, nhường nhịn chồng hơn. Chỉ vì sự tò mò, lòng nghi ngờ đã làm cho người chồng thất hứa và kết quả thì chàng đã làm 1 điều mà chẳng thể nào cứu vãn được nữa.
(Nguồn: email bạn gửi – Cám ơn huynh Thanh Trương)
 Cuối cùng, nguời viết xin mượn  những lời dưới đây để làm kết luận cho bài tâm tình hôm nay và để quý ông thấy rằng người phụ nữ, nhất là phụ nữ Việt Nam có đáng được vinh danh không nhé?

Chân dung phụ nữ
Người phụ nữ là hình ảnh đẹp trong văn học Việt.  Chân dung của người phụ nữ Việt Nam đã được đặc biệt ca tụng trong cả văn học lẫn sử học. Hai câu thơ của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã làm trong sáng thêm họa phẩm đảm đang của phụ nữ Việt Nam:
‘‘Nuôi mẹ chàng, thiếp khôn làm gái,
Dạy con thơ, thiếp phải làm trai.’’
Người phụ nữ còn là nguồn cảm hứng phong phú cho văn chương và nghệ thuật.  Họ không chỉ đại diện cho thẩm mỹ, nhân tố cho hạnh phúc và mái ấm của gia đình, người phụ nữ còn là chứng nhân phản ánh của mọi thời đại.  Có thể nói được, “không có người phụ nữ thì không có văn chương và nghệ thuật.” Chỉ cần đọc hai câu thơ sau đây, chúng ta có thể hình dung được khuôn diện của người phụ nữ Việt ở vào thời đại nào:
“Sớm hôm trong chốn gia đình,
Tề gia nội trợ xin mình mặc em.”
(Nguồn: sưu tầm trên internet)

Xin được xem đây là món quà đặc biệt của người viết tặng cho quý vị phu nhân đã đề nghị SL viết một bài viết về đề tài phụ nữ. Quý bà bằng lòng rồi chứ nhỉ? 
Nhưng …hình như quý ông không vui thì phải?  Nhưng họ vẫn “galant” chúc mừng  Ngày Quốc Tế Phụ Nữ của chúng ta vì họ vẫn là người lịch sự kia mà! Hoan hô quý ông!

Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi- ORTB 464-3-11-2011)

Bài số 69 Một Cõi Thiển Nhàn




Chào quý bạn,

Đây là bài thứ sáu mươi chín của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Hình như bất cứ người Việt Nam nào cũng có tâm hồn nghệ sĩ, không nhiều thì ít vì ai cũng thuộc ít nhất là một vài bài ca điệu hát như:

“Bây giờ tháng mấy rồi hởi em” (TCP)

“Chiều mưa biên giới anh đi về đâu”

 hay những câu thơ lãng mạn trữ tình:

“Yêu là chết trong lòng một ít”
 Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu”(Xuân Diệu)

“Hôm nay trời nhẹ lên cao.
 Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”(Xuân Diệu)

Nhưng muốn được làm thi sĩ, nhà văn, nhà báo “chính hiệu con nai vàng ngơ ngác” không phải là chuyện dễ đâu nha bạn. Muốn làm một nhà báo chuyên nghiệp, bạn phải học phân khoa báo chí đàng hoàng.  Muốn làm một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, bạn phải có những tác phẩm làm rung động trái tim độc giả mới được đấy.

Dù được nhiều bạn bè và độc giả thương mến “tặng” cho danh hiệu “nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nữ sĩ v..v..”, người viết xin thú thật rằng: “Tôi không có tốt nghiệp trường lớp nào dạy làm thơ viết văn cả.” Người viết chỉ là một kẻ may mắn có được một trái tim tình cảm và được trời thương, phú cho khả năng có thể diễn đạt những cảm nghĩ của mình qua câu văn, lời thơ mà thôi.  Những cảm nghĩ này, rất có thể, bạn cũng có như tôi và người viết chỉ viết thay cho các bạn mà thôi nhé và xin hãy xem đây là những lời tâm tình của những người cùng một tâm cảm để chúng ta có thể dễ dàng thông cảm nhau hơn và thương mến nhau nhiều hơn.  Bạn đồng ý chứ?

Người viết thích đi sưu tầm những mẫu chuyện nho nhỏ, những hình ảnh đẹp,  những  tài liệu hữu ích cho sức khỏe, cho  đời sống tinh thần hay tâm linh của con người, những lời hay ý đẹp  v.. v…đem về đây chia sẻ cùng bạn bè đồng tâm cảm, nhất là cho quý vị cao niên đọc để sống vui sống khỏe trong cái tuổi hoàng hạc này.  Quý vị nào thương mến người viết, SL xin cám ơn quý vị vô cùng. Quý vị nào không được vui lòng, người viết cũng đành phải xin lỗi mà thôi vì “bá nhân bá bụng” làm sao chúng ta có thể làm hài lòng hết tất cả mọi người được, phải không bạn?   Quan trọng là chúng ta đối xử thân ái, thương mến nhau trong giây phút hiện tại là quý lắm rồi.  Chớ nên than vãn, phiền trách nhau làm chi cho mệt, phải không bạn?

Xin mời quý bạn đọc những dòng chữ dưới đây và hy vọng bạn sẽ thấy yêu đời yêu người hơn một tí tị, bạn nhé!

Tôi sẽ ngừng than vãn  

Nếu bạn có thực phẩm để ăn, có áo quần để mặc, có một mái nhà che đầu và một nơi nghỉ qua đêm là bạn đã giàu hơn 75% thế giới này.

 Nếu bạn có tiền tiêu trong ví, có tiền ban phát cho người nghèo, có tiền để dành trong ngân hàng, bạn thuộc 8% những người giàu nhất thế giới.

 Nếu sáng nay bạn thức dậy thấy mình khỏe hơn ngày hôm qua một chút thì bạn đã may mắn hơn 1 triệu người không thể sống qua nổi tuần này.

 Nếu bạn chưa bao giờ phải trải qua nguy hiểm của chiến tranh, cô đơn của tù tôi, đớn đau của tra tấn hay vật vã của đói khát, bạn đã hạnh phúc hơn 500 triệu người trên thế giới.

 Nếu bố mẹ bạn còn sống và còn hạnh phúc bên nhau thì so với thế giới, trường hợp của bạn không nhiều đâu.

Và cuối cùng, nếu bạn đọc được thông điệp này thì bạn đã sung sướng hơn 2 tỷ người trên thế giới chẳng bao giờ được đọc bất cứ thứ gì cả.

 Hãy nâng niu những gì trong vòng tay bạn, bởi rất nhiều người đang thèm được như bạn đấy.

 (Nguồn: sưu tầm trên internet)

 Người viết cũng biết rằng: Có thể trước đây, bạn đã đọc những mẫu chuyện được dẫn trình trong 68 bài viết ở mục Một Cõi Thiền Nhàn này rồi hay đã đọc bài viết nói trên ở đâu đó rồi hoặc đã đọc nhiều lần rồi, phải không bạn? Tuy nhiên, theo thiển ý của người viết, mỗi lần được đọc lại những  mẫu chuyện đó là một dịp để cho bạn và tôi ôn tập lại những bài học cũ mà có thể theo thời gian, bạn và tôi đã quên mất rồi. Buồn thật!

  Có nhiều độc giả đã tâm sự với người viết rằng: “Có những mẫu chuyện trong mục MCTN này, nếu mới đọc lần đầu, tôi không thấy cái hay cái đẹp ẩn tàng trong đó, nhưng  nếu đọc lại lần nữa, tôi  càng thấy thấm thía làm sao và tôi đã cắt những trang báo có những mẫu chuyện mà tôi tâm đắc nhất, để dành đọc lại nhiều lần sau này.”  Người viết xin cám ơn quý vị độc giả đã cùng một tâm ý với tôi vì thú thật với quý bạn, người viết cũng đã  trải qua kinh nghiệm này.  Ngày xưa  lúc 18 tuổi,  tôi đã đọc quyển Góp Nhặt Cát Đá của Thiền sư Muju và quyển Một Quan Niệm về Sống Đẹp của  nhà văn Lâm Ngữ Đường, tôi không lảnh hội được gì cả.  Sau này, được dịp đọc lại hai quyển này nhiều lần nữa, theo tuổi đời, tôi càng đọc tôi càng thấy hay và càng thấy thấm thía vô cùng.

Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận xét của Lâm Ngữ Đường trong chương  “Sách và Đọc sách” của ông  như sau:

“Tuổi trẻ đọc sách như nhìn trăng qua cái kẽ, lớn tuổi đọc sách như ngắm trăng ở ngoài sân, tuổi già đọc sách như thưởng trăng trên đài. Do từng trải nhiều hay ít mà sở đắc nhiều hay ít.”


Trên đường đời chúng ta đã đi qua, không phải lúc nào bạn và tôi cũng gặp được  hoa xinh cảnh đẹp mà thỉnh thoảng bạn và tôi sẽ gặp những chướng ngại vật, những  hòn đá cản đường hay bị chạm phải gai độc làm cho bạn hơi đau một chút, phải không bạn?
 Không sao đâu, bạn có thể  dẹp sạch những chướng ngại vật đó và bạn sẽ nhận được phần thưởng  nhờ vào sự quyết tâm dẹp những chướng ngại vật đó như bác nông dân trong câu chuyện dưới đây:

Chướng ngại vật

Ngày xưa, có một ông vua muốn thử xem dân chúng ra sao, liền ăn mặc trang phục thường dân đi thật xa ra ngoài cung thành. Ông đặt một tảng đá thật to giữa một con đường nhiều người qua lại, không phải để buộc người dân phải bê nó đi, mà muốn xem người dân sẽ phản ứng ra sao với những chướng ngại vật mà họ bất ngờ gặp trên đường.

Sau khi đặt tảng đá, ông nấp vào một chỗ gần đó, làm người quan sát. Nhiều người trông rất giàu có và lịch sự, ăn mặc rất diện đi qua. Họ than phiền với nhau rằng tảng đá làm nghẽn đường đi, coi nó là một vật đáng ghét, thậm chí còn xúc phạm đức vua đã không cho người giữ đường sá sạch sẽ. Nhưng rõ ràng ai cũng bỏ tảng đá ở đó. Họ thà đi vòng qua nó chứ không chịu đẩy nó ra khỏi đường đi.

Rồi một bác nông dân nghèo đi chợ về ngang với một giỏ đầy rau. Nhìn thấy tảng đá, bác đặt giỏ của mình xuống và cố đẩy tảng đá đi. Nhiều người đi qua thấy vậy, cười giễu bác là lăng xăng “cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Không ai dừng lại giúp đỡ bác. Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng bác nông dân cũng thành công. Khi đẩy tảng đá đi được, bác mới phát hiện có một cái túi thì thấy có rất nhiều tiền vàng và một mảnh giấy ghi rằng số tiền đó dành cho người đẩy tảng đá khỏi đường đi.

Bác nông dân xứng đáng có được túi tiền, vì bác đã hiểu được một điều mà nhiều người khác không hiểu: “Mỗi chướng ngại vật đều ẩn chứa những cơ hội cho mỗi con người.”

 Câu chuyện người nông dân dẹp tảng đá nghẽn đưòng đi này giống như chuyện Ngu Công dọn núi ngày xưa mà tôi đã đọc. Cái thiện tâm và lòng nhân ái đẩy hòn đá đi hay dọn ngọn núi nghẽn đường để cho  khách bộ hành qua lại dễ dàng thật là đáng khen, phải không Bạn? Điều này chứng minh rằng: “Nếu bạn quyết tâm làm một việc gì đó có ích cho đồng hương, bạn vẫn có thể làm được một cách thành công nếu bạn trì chí và quyết tâm thực hiện công tác của bạn.”
 Người viết xin được mượn mấy vần thơ dưới đây để làm kết luận cho bài tâm tình hôm nay, bạn nhé:
Xin chúc Bạn: Thiện Tâm luôn tinh tấn
Xin nguyện cầu: Nhân Ái trải muôn phương
Để mọi người sống An Lạc, Yêu Thương 
Thì trần thế sẽ thiên đàng, hạnh phúc

(Trích trong bài thơ Sông Cho Biển Nhận - Thơ Sương Lam)

Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi- ORTB 463-3-4-2011)