Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

Bài số 70 Một Cõi Thiền Nhàn


Chào quý bạn,

Đây là bài thứ  bảy mươi của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Nhiều khi người viết ví von với bạn bè rằng “Viết văn làm thơ đối với tôi giống như nấu ăn vậy, một món ăn tinh thần và tình cảm.  Tôi đi sưu tầm tài liệu, đọc sách báo,  dạo chơi trên internet, lục tìm trong ký ức của mình những gì mình còn nhớ, rồi tùy theo khẩu vị của mỗi người, tùy theo thời gian, tùy theo nguồn cảm hứng, tôi  thêm một chút đường một chút muối,  một chút cay, nấu một món ăn dâng lên cho người cha, người mẹ, người, chồng, nguời vợ, bạn bè thân hữu nam nữ không phân biệt tuổi tác, anh chị em, con cháu trong gia đình thưởng thức.

 Rất có thể vì mỗi người mỗi khẩu vị, một tâm trạng khác nhau khi thưởng thức món ăn, nên có khi hợp với người này nhưng lại không hợp với người kia.  Cũng cùng một món ăn đó, có người khen nhưng cũng có người chê, có người thích nhưng cũng có người không thích.
Tôi biết đấy chứ! Nhưng tôi vẫn cố gắng hết sức mình để làm vui lòng quý vị “thực khách” của tôi vì thực khách của tôi có cả nam lẫn nữ, có cả già lẫn trẻ khác nhau.  Xin bạn hãy để cho tôi có cơ hội được phục vụ các bạn với  tất cả tấm chân tình, với tất cả tình thương mến của tôi, không phân biệt bạn là ai, nam hay nữ, già hay trẻ nhé. Và nếu quý ông không hài lòng khi tôi viết binh vực cho quý bà  hay ngược lại,  thì  xin quý vị niệm tình tha thứ cho tôi, chứ thực ra tôi không dám mộ phạm đến ai cả.  Xin cám ơn quý vị trước.

Nói “vòng vo tam quốc” như thế  bởi vì hôm nay (ngày 3-8-2011),  khi đang viết bài tâm tình này, nguời viết mong muốn được cùng quý ông cùng nhau thông cảm và vinh danh quý bà đấy!  Bởi vì sao?  Xin được trả lời:  Ngày 8 tháng 3 là ngày Quốc Tế Phụ Nữ  (International Women’s Day). Thưa quý ông!
Đọc đến đấy chắc chắn có nhiều ông đang nhăn mặt và có vẻ không vui rồi trong khi quý vị phu nhân đang mỉm cười sung sướng vì có người đã nhớ đến mình và đã vinh danh “phe ta”.
 Hôm nay, người viết xin phép quý ông hãy “galant” một tí và chịu khó đọc một ít tài liệu dưới đây mà người viết cố ý sưu tầm về để quý ông đọc cho biết, cũng có thể quý ông đã biết rồi nhưng lại phe lờ đi vì tài liệu này đã vinh danh “phe địch”, do bởi tự ái của quý ông to lắm đấy!
 Người viết chỉ tóm tắt một ít về lịch sử  Ngày Quốc Tế Phụ Nữ này như sau:

Lịch sử ngày Quốc tế Phụ nữ
Ngày Quốc tế Phụ nữ là thành quả đấu tranh lâu dài và lặng lẽ của hàng triệu phụ nữ trên thế giới.
Ngày Quốc tế Phụ nữ được Liên Hiệp Quốc chính thức hóa ngày 8 tháng 3 năm 1977. Trong một thế kỷ qua, người phụ nữ đã giành được sự bình đẳng trước pháp luật trong hầu hết các lĩnh vực và ở hầu hết các nước trên thế giới. Tuy thế, hiện nay phụ nữ vẫn không ngừng tranh đấu vì quyền bình đẳng với nam giới.
Lịch sử của ngày Quốc tế Phụ nữ bắt đầu từ năm 1857 đến 1911.
Trước đây do tư tưởng trọng nam khinh nữ, nên phận làm nữ chịu nhiều thiệt thòi nhất hàng thế kỷ.
  • Lịch sử đấu tranh mới chỉ bắt đầu từ thời kỳ Hy Lạp cổ đại, Lysistrata cuộc tranh đấu chống lại nam giới để chấm dứt chiến tranh.
  • Từ năm 1950 tại Việt Nam, vào ngày mùng 6 tháng hai âm lịch mỗi năm đều có tổ chức ngày lễ Hai Bà TrưngSài Gòn, và sau đó đã dùng ngày lễ này làm ngày Phụ nữ. Mỗi năm đều chọn một nữ sinh trường Trưng Vương và một nữ sinh trường Gia Long đóng vai Hai Bà Trưng ngồi trên bành voi trong dịp cử hành lễ.
  • Năm 1971, Thụy Sĩ chấp nhận quyền bầu cử cho phụ nữ.
  • 8 tháng 3 năm 1975, Liên Hiệp Quốc bắt đầu chú ý và tổ chức ngày Quốc tế Phụ nữ.
  • Năm 1977, nghĩa là hai năm sau ngày Quốc tế Phụ nữ, Liên Hiệp Quốc quyết định mời các nước dành một ngày để nói lên quyền lợi của người phụ nữ và hòa bình thế giới. Và ngày 8 tháng 3 được chọn để trở thành ngày lễ chung cho nhiều quốc gia trên thế giới.
Hiện nay ngày Quốc tế Phụ Nữ vẫn còn được xem là ngày lễ chính thức tại những nước sau đây: Angola, Armenia, Azerbaijan, Belarus, Bulgaria, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Macedonia, Moldova, Mông Cổ, Nga, Tajikistan, Ukraina,Uzbekistan và Việt Nam. Trong những xã hội này, đàn ông tặng hoa và quà cho những người phụ nữ trong đời của họ như mẹ, vợ, bạn gái, vv.vv. Tại một số nơi, nó cũng được xem tương đương với Ngày của Mẹ (Mother's Day).
Người viết xin mời quý vị đọc thêm một câu chuyện sự tích ngày mồng 8 tháng 3 dưới đây cho vui.  Có đúng hay không thì tùy theo suy nghĩ của mỗi người nhé.
Sự tích  ngày mồng 8 tháng ba..
Ngày xưa, có 1 anh chàng nhà nọ, gặp 1 người con gái xinh đẹp mỹ miều, thùy mỵ dịu dàng... công dung ngôn hạnh đủ cả, anh chàng đem lòng yêu mến và muốn cưới nàng làm vợ. Cuối cùng thì nàng cũng nhận lời... với 1 điều kiện là hàng năm, cô nàng xin phép được 1 ngày vắng nhà để đi xa, còn đi đâu, làm gì, anh chàng không được thắc mắc, không được điều tra, tìm hiểu. Nghe thấy điều kiện quá dễ dàng, vả lại cũng quá sung sướng vì kiếm được cô vợ lý tưởng như vậy, anh chàng gật đầu đồng ý không chút đắn đo. 
Cuộc sống 2 vợ chồng trôi qua rất hạnh phúc, chẳng bao giờ họ to tiếng với nhau và cô gái luôn tỏ ra là 1 người vợ đảm đang, hiền dịu. Đến 1 ngày nọ, khi cô nàng xin phép anh chồng ngày hôm sau được vắng nhà, anh chàng mới nhớ ra lời mình hứa ngày nào. Lỡ hứa rồi, chẳng lẽ không làm, vả lại 1 ngày vợ đi vắng chắc cũng chẳng sao, anh chàng liền đồng ý. Ngày hôm đó mới dài lê thê làm sao khi mà đến tối anh chàng không thấy vợ về. Chàng cứ đứng lên, ngồi xuống, đi ra đi vào ngóng vợ như con ngóng mẹ đi chợ về vậy. Vừa sốt ruột, vừa lo lắng, chẳng hiểu có chuyện gì xảy ra với vợ mình... rồi bao nhiêu những suy nghĩ khác lai bắt đầu dằn vặt anh chàng... Cuối cùng rồi cũng đến sáng. Trời vừa hửng sáng, anh chồng đã thấy vợ mình trở về nhà. Bao nhiêu lo lắng, giận dữ, nghi ngờ dồn nén cả đêm qua chưa kịp bùng lên thì cô vợ đã nhẹ nhàng nhắc tới điều kiện của ngày cưới là nàng được đi 1 ngày và anh chàng không được hỏi han thắc mắc. Đã hứa thì phải giữ lời, nam nhi đại trượng phu là vậy. Những nghi ngờ tuy còn vương vấn trong lòng, nhưng theo thời gian, anh chàng cũng quên đi, cho vào dĩ vãng. Cuộc sống hai vợ chồng êm ả trôi qua.
Một năm nữa lại trôi qua, và cái ngày mà người vợ xin phép vắng nhà lại tới. Vì đã hứa nên anh chàng lại phải để cho vợ đi mặc dù trong lòng, sự lo lắng, nghi ngờ, tò mò ngày càng tăng. Một năm nữa, rồi 1 năm nữa... cứ đến đúng ngày là người vợ lại đi vắng nhà và lại trở về nhà ngày hôm sau vào đúng lúc mặt trời mọc. Trong cuộc sống, người chồng chẳng có điều gì có thể phàn nàn về người vợ của mình được cả, ngoại trừ nỗi tò mò, nghi ngờ ngày càng dày vò anh chàng. Đến 1 lần, vào ngày mà người vợ lại đi vắng như mọi năm, không thể kìm được sự tò mò của mình nữa, anh chàng quyết định bám theo người vợ.
Người vợ cứ cắm cúi đi, không hề biết là người chồng đang bám theo mình. Đi mãi, tới bìa rừng, người chồng thấy vợ mình chui vào trong 1 bụi cây. Chờ mãi không thấy người vợ đi ra, anh chàng rón rén lại gần. Tới nơi, chàng thấy có 1 con rắn hổ mang đang cuốn mình lột xác. Hoảng hốt, sợ hãi, chàng vội cầm con dao chém con rắn. Trước sự ngạc nhiên khôn tả của người chồng, con rắn lại hiện nguyên hình là người vợ nằm trong vũng máu, quằn quại, hấp hối. 

Thì ra hàng năm, cứ đến ngày này, người vợ lại biến thành con rắn hổ mang và khi lột xác thì bao nhiêu những bực bội, những giận dữ kìm nén trong 1 năm qua cùng với nọc độc được xả đi hết, để rồi khi trở về nàng lại trở nên xinh đẹp hơn, là một người vợ hiền dịu hơn, chiều chuộng, nhường nhịn chồng hơn. Chỉ vì sự tò mò, lòng nghi ngờ đã làm cho người chồng thất hứa và kết quả thì chàng đã làm 1 điều mà chẳng thể nào cứu vãn được nữa.
(Nguồn: email bạn gửi – Cám ơn huynh Thanh Trương)
 Cuối cùng, nguời viết xin mượn  những lời dưới đây để làm kết luận cho bài tâm tình hôm nay và để quý ông thấy rằng người phụ nữ, nhất là phụ nữ Việt Nam có đáng được vinh danh không nhé?

Chân dung phụ nữ
Người phụ nữ là hình ảnh đẹp trong văn học Việt.  Chân dung của người phụ nữ Việt Nam đã được đặc biệt ca tụng trong cả văn học lẫn sử học. Hai câu thơ của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã làm trong sáng thêm họa phẩm đảm đang của phụ nữ Việt Nam:
‘‘Nuôi mẹ chàng, thiếp khôn làm gái,
Dạy con thơ, thiếp phải làm trai.’’
Người phụ nữ còn là nguồn cảm hứng phong phú cho văn chương và nghệ thuật.  Họ không chỉ đại diện cho thẩm mỹ, nhân tố cho hạnh phúc và mái ấm của gia đình, người phụ nữ còn là chứng nhân phản ánh của mọi thời đại.  Có thể nói được, “không có người phụ nữ thì không có văn chương và nghệ thuật.” Chỉ cần đọc hai câu thơ sau đây, chúng ta có thể hình dung được khuôn diện của người phụ nữ Việt ở vào thời đại nào:
“Sớm hôm trong chốn gia đình,
Tề gia nội trợ xin mình mặc em.”
(Nguồn: sưu tầm trên internet)

Xin được xem đây là món quà đặc biệt của người viết tặng cho quý vị phu nhân đã đề nghị SL viết một bài viết về đề tài phụ nữ. Quý bà bằng lòng rồi chứ nhỉ? 
Nhưng …hình như quý ông không vui thì phải?  Nhưng họ vẫn “galant” chúc mừng  Ngày Quốc Tế Phụ Nữ của chúng ta vì họ vẫn là người lịch sự kia mà! Hoan hô quý ông!

Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi- ORTB 464-3-11-2011)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét