Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

Bài Số 71 Một Cõi Thiền Nhàn




Chào quý bạn,

Đây là bài thứ  bảy mươi mốt của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Bạn và tôi vẫn còn bàng hoàng sợ hãi và thương xót cho số phận của những cư dân Nhật Bản sống ở những vùng có cuộc động đất và sóng thần lớn nhất thế giới trong vòng 110 năm nay đã xãy ra trong ngày 3-11-2011 vừa qua ở Sendai và những vùng phụ cận.

Tin sơ khởi tính đến ngày hôm nay, số người tử vong có thể lên đến 10, 000 người và sự thiệt hại vật chất dĩ nhiên là rất lớn.  Không điện, không nước, không phương tiện thông tin liên lạc.  Mọi sinh hoạt đều ngưng trệ.  Chính phủ và thế giới đang lo ngại ảnh hưởng nguy hiểm của các phóng xạ do sự rò rỉ của các nhà máy điện nguyên tử ở Fukushima.  Hình ảnh một cuộc hồng thủy và viễn ảnh tận thế đã đến với nhiều người hiện đang sống trên cõi đời.trần thế này.  

Có nhìn những hình ảnh trước và sau của những vùng bị động đất này, người viết mới thấy thấm thía nguyên lý Thành, Thịnh, Suy, Hủy trong Dịch học và  nguyên lý Thành, Trụ, Hoại, Không của nhà  Phật.  Tất cả mọi sự việc trên đời đều có sinh có diệt.

 Hiện tại, các nạn nhân đang cần sự giúp đỡ tài chánh để xây dựng và kiến thiết lại những
gì đã bị phá hủy.  Dĩ nhiên sự giúp đỡ này cần được thực hiện bởi các chính phủ và nhờ vào lòng từ thiện của nhiều đoàn thể, nhiều cá nhân trên thế giới. Công thự, nhà cửa, đường xá, cầu cống v..v… thì có thể khôi phục, tái thiết lại được; nhưng người đã chết rồi thì làm sao mà khôi phục lại được, bạn nhỉ?  Đó là sự mất mát lớn nhất của những nạn nhân còn sống sót khi thân nhân, bạn bè của họ đã bị mất mạng trong cuộc động đất, sóng thần vừa qua. Người viết xin thành thật chia buồn cùng các nạn nhân trong cuộc động đất, sóng thần ở Nhật Bản.
Mới mấy ngày qua, họ còn vui vẻ nói cười, trò chuyện với nhau. Họ còn có những dự tính, những hoài bảo cho tương lại, cho cá nhân, cho gia đình, cho đất nước của họ.
Nhưng chỉ trong vòng những phút giây ngắn ngủi, họ đã bị vùi thây trong đống gạch vụn, trong sóng nước mảnh liệt, hung tàn. Có thể, những linh hồn ấy và ngay cả chính chúng  ta trong hiện tại, cũng phải phân vân tự hỏi:

“Đây cõi tạm ta trải bao nhiêu kiếp
Trăm năm xưa ta ở tận nơi đâu
Nẽo nhân gian bao sương tuyết dãi dầu
Buông tay xuống ta về đâu chẳng biết?

Nghiệp thiện ác theo ta qua kiếp khác
Như bóng hình, như nhân quả chẳng sai
Chuyện trả vay, vay trả, tiếp tục hoài
Nơi trần thế, ta luân hồi muôn kiếp”

(Trích trong Giòng Sông Sinh Tử - Thơ Sương Lam)

Cũng trong vòng mấy ngày qua, tôi cũng đã được gặp mặt hoặc trò chuyện với những người bạn cao niên của tôi.  Nhiều người đã già yếu, đau bịnh và cũng đang lo ngại không biết ngày nào sẽ “lên chuyến xe buýt cuối cùng đi vào cõi vô thường”?

 Tôi vui khi còn được gặp mặt họ để được nói đùa dăm ba câu với họ.  Tôi mừng vì còn được nghe họ tâm sự với tôi chuyện gia đình, chồng con, cháu nhỏ, chuyện công ăn việc làm của họ.  Tôi không biết nói gì hơn là chúc họ có sức khoẻ tốt, vui  được chút nào mừng chút nấy trong những phút giây hiện tại, và làm được nhiều chuyện thiện lành nho nhỏ.  Nhiều bạn của tôi  thường đi chùa lễ Phật, cầu an, cầu siêu,  ăn chay, niệm Phật. Nhiều bạn khác đi lễ nhà thờ, đọc kinh cầu nguyện cho hoà bình thế giới, giúp đỡ kẻ neo đơn già yếu.  Nhiều bạn khác nữa đã bớt đi tánh nóng nảy, giận hờn, nói lời nặng nhẹ với chồng, với vợ, với con cháu, với bạn bè v..v...

  Vui hơn nữa, đã có nhiều bạn gặp tôi, gật đầu chào hỏi tôi với nụ cười vui vẻ, nói lên những lời ngọt ngào, từ ái với tôi.  Đó là những niềm vui nho nhỏ của tôi trong ngày khi tôi thấy những người thân trong gia đình của tôi, bạn bè của tôi được an lành, sống vui sống khỏe trong hiện tại. Còn ngày mai sẽ ra sao thì xin cứ thuận theo “Ý Trời”, phải không bạn?
 “Qué sera! sera! What will be will be!”   Bài hát Qué Sera, Sera do Doris Day hát ngày xưa là bài hát “tủ” của tôi đấy, bạn ạ!

 Dĩ nhiên trong cuộc đời của bạn, đôi lúc bạn đã, đang và sẽ gặp những phút giây làm cho bạn “không được vui cho lắm” như những lúc có “chiến tranh” với chồng của bạn, với vợ của bạn, với con cháu của bạn, với những người thân của bạn, với bạn bè thân hữu của bạn và ngay cả với những người bạn không hề quen biết bao giờ.  Họ mắng chửi bạn, họ mạ lị bạn, họ nói những lời khó nghe với bạn và đôi khi họ còn muốn hành hung với bạn nữa đấy! Ghê chưa!  Bạn sẽ làm gì đây nhỉ?

May quá! Sau khi đọc xong quyển sách Vô Ngã Vô Ưu (Being Nobody- Going Nowhere) của Ni sư Ayya Khema, người viết đã học được một bài học rất hay dưới đây, tôi  xin được chia sẻ cùng các bạn.  Bạn thử áp dụng xem có được hay không, bạn nhé?

Chính Kiến

 Một người Bà la môn đến mắng chửi, mạ lị Đức Phật bằng mọi lời lẽ không đẹp.
Khi người Bà la môn đã hết lời chửi bới, Đức Phật, từ nãy giờ đã ngồi im lặng nói:
- Này ông Bà la môn, ông thường có khách đến nhà không?
 Người Bà la môn trả lời:
- Dĩ nhiên là tôi luôn có khách đến viếng nhà”.
Đức Phật lại nói:
 - Khi có khách đến nhà ông có tiếp đãi họ không?
Người Bà la môn trả lời:
- Dĩ nhiên rồi, dĩ nhiên là tôi cho họ đồ ăn, thức uống.
Đức Phật lại tiếp:
- Vậy nếu họ không nhận sự tử tế, họ từ chối không nhận những đồ ông cho thì những món đồ đó thuộc vế ai?
 Người Bà la môn nói:
- Cùa tôi, của tôi
Đức Phật nói:
- Đúng vậy ông Bà la môn, khi ta không nhận những món đồ của ông, Chúng thuộc về ông.”

 Đây là câu chuyện đáng cho chúng ta nhớ.  Bất cứ sự công kích, sân hận đe dọa nào đều thuộc về người nói ra những lời ấy.  Chúng ta không phải nhận chúng là của ta.

(Nguồn: Trích trong Vô Ngã, Vô Ưu ( Being Nobody- Going Nowhere- Meditation On The Buddhist Path của Ni sư Ayya Khema (1923-1997) Dịch giả : Diệu Liên- Lý Thu Linh- Cám ơn chị Hồng Châu đã cho tôi mượn quyển sách này để đọc)

 Như vậy, qua câu chuyện Thiền kể trên, nếu chúng ta không nhận, xem như không nghe, không thấy, không biết những gì người khác công kích, sân hận với ta, thì những cái đó thuộc về người đó rồi, và người đó phải giữ nhận lại những thứ ấy mà thôi.
 Khoẻ rồi!  Phải không bạn?

Khi chúng ta thấy  không còn phải thắc mắc về những gì người khác đã làm cho mình không vui, bạn sẽ thấy “vui trong lòng một ít” và bạn sẽ  cảm thấy con tim của mình ấm áp vô cùng chứ không còn phiền muộn, tức giận như trước đây nữa.

 Bây giờ là tháng Ba rồi.  Trong nắng Xuân ấm áp, hoa Daffodil, hoa đào trong vườn của bạn, trong vườn của tôi đã nở.  Đẹp quá!  Phải không bạn?
 Nhìn hoa Xuân đang đua nở, bạn có thấy ấm áp chăng? Nếu chưa, xin mời Bạn thử tìm một chút hơi ấm của tình cảm qua những lời nhẹ nhàng dưới đây, chắc chắn bạn sẽ thấy ấm áp ngay. Lãng mạn, trữ tình lắm, bạn ạ!

Ấm Áp

Ấm áp không phải khi ngồi bên đống lửa, mà là bên cạnh người bạn thương yêu.
Ấm áp không phải khi bạn mặc một lúc hai, ba áo, mà là khi bạn đứng trước gió lạnh, từ phía sau đến có ai đó khoác lên bạn một tấm áo.
 Ấm áp không phải khi bạn nói “ấm quá”, mà là khi có người thì thầm với bạn: “Có lạnh không?”.
 Ấm áp không phải khi bạn dùng hai tay xuýt xoa, mà là khi tay ai kia khẽ nắm lấy bàn tay bạn.
 Ấm áp không phải khi bạn đội chiếc mũ len, mà là khi đầu bạn dựa vào một bờ vai tin cậy.
(Nguồn: sưu tầm trên internet)

 Và sau hết, người viết xin mượn những câu thơ dưới đây để làm kết luận cho bài tâm tình hôm nay của người viết, bạn nhé!

“Vui tình cảm, không tính bằng con số.
 Đơn vị nào đo được trái tim yêu
 Chỉ biết rằng: ta cảm thấy vui nhiều
Khi ta thấy người xung quanh vui vẻ”

(Thơ Sương Lam)

Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-ORTB 464-3-11-2011)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét