Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

Bài số 64 Một Cõi Thiền Nhàn







Chào quý bạn,

Đây là bài thứ sáu mươi bốn của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Chủ nhật vừa qua, người viết đi dự lễ kỷ niệm ngày Phật Thành Đạo nơi tu viện Bửu Hưng ở Vancouver, WA.  
Ngày Phật Thành Đạo là ngày thái tử Tất Đạt Đa sau khi rờì khỏi cung vàng điện ngọc ra đi tìm chân lý để cứu độ chúng sanh, đã chứng thành đạo quả sau 9 năm khổ hạnh rừng già và 49 ngày đêm tham thiền nhập định dưới cội cây bồ đề ở Bồ Đề Đại Tràng.  Và cũng từ đó đạo Phật đã ra đời, trở thành một tôn giáo hoà bình đem an vui, hạnh phúc đến cho nhân loại trong tinh thần từ bi hỷ xả.

Ngày thành đạo của Đức Phật đã chứng minh sự nổ lực của cá nhân để chiến thắng mọi khó khăn trở ngại trong đời sống nhân loại và chúng ta phải tự cải thiện tư tưởng, hành động, lời nói của chính cá nhân mình để trở thành một con người an vui thoát khổ theo tinh thần “tự giác, giác tha, giác hành viên mãn” của Phật Pháp. 

Sau khi thành đạo, Đức Phật liền nghĩ đến việc đem giáo lý của Ngài vừa mới chứng được để truyền bá đến chúng sinh.  Để làm tròn nhiệm vụ hoá độ của Ngài, Phật đã dùng phương tiện nói pháp Tứ Diệu Đế  là phương pháp Tiệm giáo để cho chúng sinh dễ bề tu hành. Ngài đi đến vườn Lộc Uyển để thuyết pháp với nhóm ông Kiều Trần Như gồm 5 người đã cùng tu hành với Đức Phật  trước đây.  Sau khi nghe Phật thuyết pháp Tứ Diệu Đế, thành kiến mê lầm sụp đổ, trí tuệ sáng suốt xuất hiện, năm vị này được ngộ đạo và trở thành năm vị đệ tử đầu tiên của Đức Phật Thích Ca. Từ đấy về sau, Tứ Diệu Đế là giáo lý căn bản về Tiệm giáo (phương pháp tu chứng từ từ) và đã giác ngộ rất nhiều Phật tử.  Tứ Diệu Đế là bốn sự thật chắc chắn có công dụng nhiệm mầu vô cùng lợi ích để người tu hành có thể từ địa vị tối tăm, mê mờ đi dần đến quả vị giác ngộ một cách chắc chằn không sai chạy, nếu được thực hành đúng đắn. Pháp môn này được phổ biến nhất thế giới và phổ thông cho cả hai phái Tiểu thừa và Đại thừa. 

Tứ Diệu Đế là bốn sự thật hay đẹp, quí báu, chắc chắn, rõ ràng, đúng đắn nhất. Đó là Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế.

Khồ đế:
Trình bày sự thật Đời là bể Khổ. Đức Phật ví đời là bể khổ mênh mông đầy mồ hôi và nước mắt. Căn cứ vào kinh Phật, có thể phân loại ra tam khổ (khổ khổ, hoại khổ, hành khổ) và bát khổ (khổ khổ, hoại khổ, hành khổ, sanh khổ, lão khổ, bịnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, oán tằng hội ngộ khổ.
Tập đế: Trình bày nguyên nhân của những sự khổ. Cội gốc của sinh tử luân hồi là do phiền não, mê lầm mà ra. Có 10 phiền não gốc là tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, tà kiến.
Diệt đế: Trình bày những quả vị an lành, tốt đẹp mà chúng sinh sẽ đạt được khi đã diệt trừ được những nỗi khổ và nguyên nhân của đau khổ. Quả vị ấy chính là Niết Bàn.
Đạo đế: Trình bày về những phương pháp chân chính, có hiệu quả chắc thật để thành Phật.

Phương pháp giáo dục của Phật Pháp là tự giáo dục bản thân, có thể gọi là phương pháp “giáo dục đánh thức” để phát huy tiềm năng tốt đẹp của con người, để đưa đến sự an lạc ngay từ trong bản thân của con người.  Con người thường chạy theo bên ngoài để tìm những gì quý đẹp hơn mà quên đi chính tự mình đã có viên ngọc trong tay mà không biết sử dụng đến, đó là bản tâm thanh tịnh, lòng từ bi và trí tuệ của con người.

Một vị Phật không phải từ trên trời giáng xuống, không phải từ lòng đất chui lên. Một vị Phật “tùng địa dũng xuất”, như trong Kinh Pháp Hoa đã dạy, nghĩa là từ nơi tâm địa của mỗi con người chuyển hóa mà thành, chuyển hóa từ xấu xa thành tốt đẹp, chuyển hóa từ tâm tham sân si ô nhiễm, trở về bản tâm vốn thanh tịnh. Một vị Phật thành đạo từ nơi con người biết tu tâm dưỡng tánh, đi đúng Chánh Đạo, hành đúng Chánh Pháp. Người nào chưa đạt được hoàn toàn như vậy, là những người đang trên bước đường tu tập.  Công phu tu tập được bao nhiêu, người đó được an lạc và hạnh phúc bấy nhiêu, chứ không phải do van xin cầu nguyện mà được.
 Đức Phật đã từng dạy: “Ta là Phật đã thành, ngươi là Phật sẽ thành” để nói về những ai nếu chịu khó tu tập hành trì đúng Chánh Pháp và chịu đựng nổi những áp lực thường xuyên của cuộc đời thì người đó có thể trở thành một vị Phật trong tương lai.

 Trong cuộc đời thực tế có những trở ngại khó khăn có thể chôn vùi đời sống chúng ta, nhưng với ý chí cương quyết chiến thắng những trở ngại này và ý chí tiếp tục tiến bước,  chúng ta sẽ thành công và có thể tiếp tục sống còn như con lừa trong câu chuyện dưới đây, xin mời bạn đọc từ từ nhé:

Chuyện con lừa

Ngày kia, có một con lừa của anh nông phu bị rơi xuống một cái giếng khô. Nó kêu la inh ỏi nhiều tiếng đồng hồ rất là tội nghiệp. Anh nông phu không biết phải làm sao. Cuối cùng quyết định con vật già cả lắm rồi, cái giếng đang cần được lấp, kéo nó lên thật là uổng công lao. Nghĩ vậy, anh gọi những người hàng xóm sang giúp chôn sống con lừa ngay dưới giếng, kết liễu khổ đau càng nhanh càng tốt.

Mọi người lấy xẻng, bắt đầu xúc đất thả xuống giếng. Mới đầu con lừa nhận thấy những gì đang xảy ra, nó lại càng kêu la hoảng sợ. Rồi mọi người ngạc nhiên thấy nó đột nhiên yên lặng. Vài xẻng đất nữa thảy xuống giếng, anh nông phu cuối cùng nhìn xuống, vô cùng kinh ngạc trước cảnh tượng anh đang thấy. Với mỗi xẻng đất rớt lên lưng, con vật làm một việc lạ thường. Nó giũ mình mẩy cho đất rơi xuống rồi bước lên một bước!
Những người hàng xóm cứ tiếp tục đổ đất lên lưng lừa, nó cứ tiếp tục giũ xuống rồi bước lên từng bước. Chẳng bao lâu, mọi người ngạc nhiên thấy con vật lặng lẽ bước ra khỏi miệng giếng rồi lon ton chạy mất!

Lời bàn:
Giống như chú lừa kia, đời sẽ thảy đất vào chúng ta, đủ thứ loại đất. Mẹo để được ra khỏi giếng cuộc đời là giũ sạch trần ai rồi tiến lên một bước. Mỗi thất bại ở đời là một xẻng đất đổ lên mình mẩy chúng ta. Mỗi khó khăn trở ngại là một bậc thang cho chúng ta bước
lên. Chúng ta có thể ra khỏi hố sâu nhất của cuộc đời bằng cách không dừng lại, và đừng bao giờ bỏ cuộc! Phủi sạch rồi bước lên một bước! Ðiều tưởng chừng như có thể chôn sống con lừa kia lại thật tình trở thành phước báu -- nhờ cách đối phó của nó trong nghịch cảnh. Ðây là chìa khóa cho chúng ta mở một trong những bí mật của cuộc đời. Nếu có gặp khó khăn, hãy đối lại một cách lạc quan, đừng để những sợ hãi, chua cay làm chúng ta lùi bước. Những bất hạnh tai ương xảy đến muốn chôn vùi chúng ta, nhưng trong đó thường chứa những tiềm lực có thể làm lợi ích và trở thành một phước báu cho mình!

Còn tùy vào chúng ta phải nhớ trau dồi đức tính bỏ qua, tha thứ và hướng đến mục tiêu. Chúng ta cần tiếp tục phát triển lòng tin, niềm hy vọng và khả năng biết yêu thương vô điều kiện. Ðây là những công cụ sẽ giúp chúng ta "giũ sạch trần ai và tiến bước", ra khỏi giếng sâu mà mình đang mắc phải.

Hãy nhớ năm điều để được hạnh phúc:

1. Lòng không sân hận.
2. Tâm không lo lắng.
3. Sống đơn sơ..
4. Cho nhiều hơn.
5. Ðòi hỏi bớt đi.

(Nguồn: trích trong hotmit.com)

 Trên đường Đời hay trên đường Đạo cũng thể, chúng ta cần phải có tinh thần Bi-Trí-Dũng khi hành xử mọi sinh hoạt của chúng ta trong cuộc sống thì chúng ta mới thành công được, phải không bạn?

 Một câu chuyện khác đã làm cho người viết phải suy nghĩ và thấy cần nên chia sẻ với quý bạn hôm nay. Xin mời bạn tiếp tục đọc nữa nhé:

Cát và Đá

Chuyện kể rằng, có hai người bạn thân cùng bị lạc đường trong sa mạc. Họ cứ đi, đi mãi và tới một lúc trong cuộc hành trình, họ bắt đầu tranh cãi với nhau nên đi về hướng nào để thoát ra. Không kìm chế được sự bực tức và tuyệt vọng, một người đã tát vào mặt người kia. Người bị đánh rất đau, nhưng không nói gì, chỉ viết một dòng lên cát: "HÔM NAY NGƯỜI BẠN THÂN NHẤT ĐÃ TÁT TÔI".
… Họ lại tiếp tục đi, và gặp một ốc đảo với một hồ nước lớn. Người bạn bị đánh vì vội vàng uống nước và tắm rửa nên đã bị trượt chân và bắt đầu chìm dần. Người bạn kia vội nhảy xuống cứu anh ta lên. Khi mọi sự đã qua, người bạn bị đánh khắc một dòng lên một phiến đá:  "HÔM NAY NGƯỜI BẠN THÂN NHẤT ĐÃ CỨU TÔI".
Người bạn đã đánh cũng đã cứu anh ta thực sự ngạc nhiên nên hỏi: "Tại sao khi tớ đánh cậu, cậu viết lên cát, còn bây giờ cậu lại khắc lên phiến đá?"

Liệu chúng ta có thể học được CÁCH VIẾT LÊN CÁT VÀ LÊN ĐÁ như vậy chăng?

(Nguồn: sưu tầm trên internet)

Bạn có thấy thích thú, vui vẻ khi đọc hai mẫu chuyện trên đây không nhỉ?

 Riêng người viết, nhân ngày kỷ niệm Phật Thành Đạo hôm nay là một dịp để người viết  bày tỏ lòng tri ân đến  Đức Phật đã khai sáng cho những mê lầm, ngu dốt của chúng sinh, trong đó có tôi.  Hôm nay tôi có dịp ôn tập lại bài học quý báu Tứ Diệu Đế để mình có thể “tự thắp đuốc lên mà đi”  như  Phật đã dạy để tìm sự an lạc cho chính bản thân mình và chia sẻ những lợi lạc này đến  những người thân trong gia đình và thân hữu của tôi.

Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi –ORTB 456-1142011)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét