Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

Bài số 79 Một Cõi Thiền Nhàn



 http://i1139.photobucket.com/albums/n557/Suong4368/MCTN-ORTB/HappyMothersDay-1.jpg

Chào quý bạn,

Đây là bài thứ  bảy mươi chín của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Ở Mỹ  Tháng Năm có ngày Lễ của Mẹ (Mother’s Day) và Tháng Sáu có ngày Lễ của Cha (Father’s Day), tuy có nhiều dich vụ buôn bán đi kèm, nhưng đối với người viết hai ngày lễ này mang nhiều tình cảm thương yêu đến trong mọi gia đinh vì ít ra những người con, dù bận công việc đến đâu cũng dành đươc một ngày cho cha mẹ để nói lên lời chúc “Happy Mother’s Day “ hay “Happy Father’s Day” hoặc dẫn mẹ cha đi ăn hay mua quà tặng Cha Mẹ.

Năm nay người viết được gia đình cậu con trai tặng hoa và mời đi ăn nhà hàng để mừng ngày Lễ Của Mẹ trong tình thân ái gia đình nhỏ bé của chúng tôi.    nhiên là tôi cảm thấy sung sướng và hạnh phúc vô cùng vì đối với tôi, những phút giây xum họp vui vẻ trong hiện tại với những người thân yêu cuả mình là những phút giây hạnh phúc nhất vì có nhiều người muốn được như thế mà không được.  Cho nên bạn và tôi cần trân quý những gì đang có được trong tầm tay của mình trong phút giây hiện tại, bạn đồng ý chứ?

Người viết xin mời bạn đọc qua một số những mẫu chuyện nho nhỏ dưới đây để biết rằng còn có rất nhiều bà mẹ cô đơn lắm bạn ạ!  Chắc chắn sẽ có những bà mẹ không cầm được dòng nước mắt khi đọc qua những mẫu chuyện này.

NHÂN NGÀY “LỄ MẸ”, NGHĨ GÌ VỀ NHỮNG BÀ MẸ CÔ ĐƠN?
                                                
Trong giờ lễ Chủ Nhật, nhằm ngày Lễ Mẹ, tại nhà thờ Saint Columban, linh mục T. đã làm nhiều người nghe phải nhỏ lệ khi ông kể một câu chuyện về một người Mẹ đã nuôi cả mười đứa con thành công về tài chánh, đứa Bác Sĩ, đứa Kỹ Sư, Dược Sĩ, nhưng rồi cả mười đứa con ấy, không nuôi nổi một bà Mẹ già. Đứa nào cũng có lý do để từ chối không muốn ở với Mẹ.
 Linh mục T. cũng kể lại lúc ông còn ở Chicago, có một lần trong thời tiết lạnh giá, đến thăm một bà Mẹ, thấy căn nhà rộng mông mênh, không có ai, vì hai vợ chồng đứa con đi làm cả. Điều ông quan tâm là thấy trong nhà rất lạnh, bà Mẹ phải mặc hai áo nhưng vẫn lạnh cóng. Ông có hỏi bà mẹ tại sao không mở máy sưởi, thì bà Mẹ cho biết là không dám mở vì sợ khi con đi làm về, sẽ càm ràm là “tốn tiền điện quá!”
Những đứa con sang trọng kia, có thể chờ đến ngày Lễ Mẹ, thì đưa mẹ ra ăn tô phở, hoặc gọi điện thoại về nhà, nói: “I love you, Mom!” Thế là đủ bổn phận của một đứa con thành công ở Mỹ đối với người mẹ yêu dấu của mình.
Những Bà Mẹ ở đây là hiện thân của Mẹ Việt Nam đau khổ, đã hy sinh cả cuộc đời cho con cái, nhưng khi con cái phụ rẫy, bỏ bê, cũng im lặng chấp nhận cho đến hết cuộc đời.
Có biết bao nhiêu trường hợp như thế trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại? Biết bao nhiêu bà mẹ âm thầm, lặng lẽ chịu đựng tất cả những đau khổ từ khi lấy chồng, sinh con, rồi ráng nuôi dậy con nên người, sau đó lại chấp nhận những đứa con bất hiếu như một định mệnh mà không hề thốt lời than vãn?

Không thiếu những bà mẹ khi đến thăm con trai, phải ngồi nhìn vợ chồng chúng nó ăn uống ríu rít với nhau, vì con dâu không chịu dọn thêm một chén cơm mời mẹ. Một bà mẹ nhớ con nhớ cháu quá, đến thăm con, nhưng sợ con dâu sẽ nhiếc móc thằng chồng, nên vừa vào tới cửa đã vội thanh minh: “Mẹ không ăn cơm đâu! Mẹ vừa ăn phở xong, còn no đầy bụng. Mẹ chỉ đến cho thằng cháu nội món quà thôi!”

Một bà mẹ già trên 70 tuổi rồi, có thằng con trai thành công lẫy lừng, bốn năm căn nhà cho thuê, nhưng bà mẹ phải lụm cụm đi giữ trẻ, nói đúng ra là đi ở đợ vì phải lau nhà, rửa chén, nấu cơm, để có tiền tiêu vặt và để gộp với tiền già, đưa cả cho.. con trai, một thanh niên ham vui, nhẩy nhót tung trời, hai, ba bà vợ. Mỗi khi gặp bà con, chưa cần hỏi, bà đã thanh minh: “Ấy, tôi ngồi không cũng chả biết làm gì, thôi thì đi làm cho nó qua ngày, kẻo ở nhà rộng quá, một mình buồn lắm!”

Trong một cuộc hội thoại, một bà mẹ đã khóc nức nở vì chỉ đứa con gái phụ rẫy, bỏ bà một mình cô đơn. Bà chỉ có một đứa con gái duy nhất, chổng chết trong trại cải tạo. Trong bao nhiêu năm, bà đã gồng gánh nuôi con, rồi cùng vượt biên với con, tưởng mang hạnh phúc cho hai mẹ con, ai ngờ cô con chờ đúng 18 tuổi là lẳng lặng sắp vali ra đi. Nước mắt bà đã chảy cho chồng, nay lại chảy hết cho con.

( Nguồn: Email bạn gửi)

Hình như khi cha mẹ còn sống, con cái chưa biết hay không biết quý trọng, thương yêu cha mẹ nhiều.  Đợi đến khi cha mẹ mất rồi, mới thấy tiếc thương vì con cái lúc đó mới nhận ra rằng mình  đã mất đi những gì thiêng liêng, cao quý nhất trong đời như  cô con gái trong mẫu chuyện dưới đây:

CON ĐỂ DÀNH PHÒNG KHI ĐAU ỐM

Câu chuyện về một bà mẹ già ở Miền Tây, vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Chồng mất sớm, bà ở vậy nuôi con được 25 năm. Lúc đứa con gái lớn khôn thành danh ở Mỹ, tháng nào cũng gửi về cho bà một lá thư và 200$ tiêu xài.
Hết xuân này đến xuân kia, cô con gái luôn viện cớ này cớ nọ, không chịu về thăm người mẹ thương yêu. Khi người mẹ mất, cô về làm đáng tang rất to nhưng tuyệt nhiên cô không rơi một giọt nước mắt.
Đến khi mở chiếc rương mà bà cụ luôn để ở đầu giường, bỗng cô òa lên khóc nức nở, ôm lấy quan tài mẹ mình hét lên như điên dại: "Mẹ...Mẹ ơi..."
Mọi người vây nhau xem trong chiếc rương có gì. À, thì ra là những tờ đô-la mới toanh còn buộc dây. Và còn một mảnh giấy đã úa vàng, viết nguệch ngoạc được dán dính lại với tấm hình cô con gái lúc mới lọt lòng:
"Tiền nhiều quá, mẹ xài không hết con à. Mẹ nhớ con lắm, mỗi khi nghe tiếng xe ông-đa (honda) là mẹ chạy ra. Lần nào cũng không phải là con hết. Số tiền này mẹ để lại cho con, CON ĐỂ DÀNH PHÒNG KHI ĐAU ỐM nghe con."
Cô con gái đã có tất cả những gì một người phụ nữ có thể có: tiền, danh vọng, địa vị, chồng thành đạt, con ngoan. Nhưng cô đã mất một điều vô cùng thiêng liêng: MẸ!

(Nguồn:  sưu tầm trên internet)
Chúng ta thường nghe câu ca dao như sau: 
 “Cha mẹ nuôi con như biển hồ lai láng
Con nuôi cha mẹ tính tháng tình ngày”
Ngay cả một cậu bé con cũng biết tính toán công lao với mẹ, nhưng chắc chắn bạn sẽ mỉm cười khi đọc qua mẫu chuyện nho nhỏ dưới đây:

Miễn phí
Cậu bé chạy vào tìm mẹ trong bếp, lúc đó người mẹ đang chuẩn bị bữa ăn tối. Cậu đưa mẹ một mẩu giấy. Sau khi lau tay vào tạp dề, người mẹ đọc mẩu giấy, trong đó ghi:
-Cắt cỏ: 5đ.
-Tự dọn dẹp phòng tuần này: 1đ.
-Đi mua hàng giùm mẹ: 5đ.
-Chăm sóc em trong khi mẹ đi chợ: 25đ.
-Dọn nhà xe: 1đ.
-Được nhận giấy khen ở trường: 5đ.
-Dọn dẹp sân và cào cỏ: 5đ.
Tổng cộng : 14,75đ.
“Con trai, mẹ sẽ nói cho con nghe”, người mẹ nhìn cậu bé đang đứng chờ đợi. Hàng loạt những kỷ niệm trôi qua rất nhanh trong trí nhớ bà.
Bà cầm cây bút, lật tờ giấy và bắt đầu viết:
-Chín tháng cưu mang khi con đang lớn dần trong người mẹ: miễn phí.
-Những đêm ngồi bên con chăm sóc và cầu nguyện cho con: miễn phí.
-Bao nhiêu cố gắng, bao nhiêu nước mắt vì con những năm qua: miễn phí.
-Tình yêu của mẹ dành cho con: miễn phí.
-Đồ chơi, thức ăn, quần áo, tã lót của con, tất cả đều: miễn phí.

Sau khi đọc, hai giọt nước mắt lăn dài trên má cậu: “Mẹ ơi, con yêu mẹ lắm!” Cậu bé với tay cầm bút viết thật to trên mặt giấy: “Đã trả đủ”.

 Phương Nga
( Nguồn: Sưu tầm trên internet).

Người viết xin được mượn tâm sự  của nhà thơ Đỗ Trung Quân để thay cho lời kết luận của bài tâm tình về Mẹ hôm nay:

Xin tặng cho những ai được diễm phúc còn có Mẹ
- Đỗ Trung Quân - 


Con sẽ không đợi một ngày kia, 
Khi Mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc
Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?
Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt
Chạy điên cuồng qua tuổi Mẹ già nua
Mỗi ngày qua con lại thấy bơ vơ
Ai níu nổi thời gian?  Ai níu nổi?
Con mỗi ngày một lớn lên, Mẹ mỗi ngày thêm già cỗi
Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn…  
….Hôm nay...  anh đã bao lần dừng lại trên phố quen
Ngã nón đứng chào xe tang qua phố, ai mất Mẹ?  sao lòng anh hoảng sợ
Tiếng khóc kia bao lâu nữa  …của mình?
Bài thơ này xin thắp một bình minh, trên đời Mẹ bao năm rồi tăm tối
Bài thơ như một nụ hồn. Con cài sẵn cho tháng ngày sẽ tới .... 

Thật là diễm phúc cho những ai còn có Mẹ, phải không bạn?

Happy Mother’s Day

Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-ORTB ốs473-5132011)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét