Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

Bài số 83 Một Cõi Thiền Nhàn




 http://i1139.photobucket.com/albums/n557/Suong4368/MCTN-ORTB/Slide14.jpg?t=1316910638

Chào quý bạn,

Đây là bài thứ  tám mươi ba (83) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Trong chốn “bụi hồng lao xao” này hình như lúc nào chúng ta cũng bận rộn:  tuổi trẻ bận rộn việc học hành, kẻ trung niên thì bận rộn làm việc để mưu sinh, có người “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm chủ nhật nữa chứ”, người già thì bận rộn với cháu nội cháu ngoại v..v… Có mấy ai tâm trí được thảnh thơi, không cần lo nghĩ. 

 Có nhiều khi chúng ta đang sống trong cảnh an nhàn thanh đạm, bình an mà không biết lại mơ tưởng, tìm đến chốn phồn  hoa, náo nhiệt để rồi lúc nào cũng phải lo sợ phập phòng như câu chuyện chuột nhà và chuột đồng dưới đây:

 Chuột Nhà và Chuột Đồng

Một con chuột nhà một hôm ghé thăm bạn ở đồng quê. Bữa trưa, Chuột Đồng dọn bữa ăn chỉ toàn là thân, rễ, và lỏi bắp, với một chút nước lạnh để uống. Chuột Nhà chỉ ăn lấy lệ, nhấm nháp một chút món này, một chút món kia, và chẳng cần giấu giếm gì nó nói rằng nó ăn với chuột đồng một chút là chỉ để cho vui thôi.

Sau bữa ăn, hai con chuột trò chuyện rất lâu, nói cho đúng là Chuột Nhà cứ kể chuyện về cuộc sống của mình ở thành phố còn Chuột Đồng thì chỉ ngồi nghe. Rồi chúng vào trong một cái tổ chuột ở bờ rào và ngủ một giấc êm ái và thoải mái cho đến tận sáng hôm sau. Trong giấc ngủ, Chuột Đồng mơ thấy mình được ở thành phố với đủ mọi tiện nghi sang trọng và sung sướng mà nó đã được nghe bạn kể. Thế là sáng hôm sau, khi Chuột Nhà mời Chuột Đồng về nhà với mình ở thành phố, nó sung sướng nhận lời ngay.

Khi chúng về đến ngôi biệt thự mà Chuột Nhà sống, chúng thấy trên bàn ăn còn lại những thứ thức ăn thừa của một bữa tiệc rất sang trọng. Có cả bánh kẹo, mứt, phó mát, thực vậy, những thứ thức ăn hấp dẫn nhất mà Chuột Đồng có thể tưởng tượng được. Nhưng ngay khi Chuột Đồng vừa sắp nhấm nháp một chút bánh ngọt, nó nghe thấy tiếng con mèo kêu thật lớn và tiếng móng vuốt của nó nghiến trên sàn nhà. Quá sợ hãi, hai con chuột vội vàng tìm chỗ nấp, chúng nằm im một lúc lâu, hầu như không dám thở mạnh. Khi vào lúc cuối cùng chúng đánh bạo quay trở lại bàn tiệc, cánh cửa bỗng dưng mở ra và người đầy tớ bước vào dọn bàn, theo sau là một con chó nhà lớn.

Chuột Đồng vội cầm lấy nón và bị nói rằng:
“Bạn có thể có những thứ xa xỉ và những món ăn ngon mà tôi chẳng có,” nó vừa nói vừa chạy, “nhưng tôi lại thích những thứ thức ăn thanh đạm và cuộc sống giản dị ở đồng quê luôn có sự yên bình và thanh thản hơn”.

(Nguồn: Những Truyện Thìền- Oldcottage.net)

 Một người bạn của người viết đã  chia sẻ với tôi một slide show và một bài viết vể bận rộn  cũng hay hay .  Người viết cũng xin chia sẻ với các bạn cùng đọc cho vui:

BẬN RỘN làm cho ta không có bình an và hạnh phúc

BẬN RỘN làm cho sự hành xả của ta vụng dại

BẬN RỘN làm cho cái hiểu biết của ta khô cằn

BẬN RỘN làm cho sự sống của ta ngắn lại


BẬN RỘN khiến ta không thấy được cái đẹp của người ta thương yêu


BẬN RỘN khiến ta đi trên đường như ma rượt ...

 
Đời sống bận rộn là đời sống ... bất hạnh nhất trên đời ... !
 
Thế đấy, nhưng con người ai ai cũng luôn tìm đủ mọi lý do để mà ... BẬN RỘN.
 
Và rồi một ngày kia, thử hỏi có ai mang theo được cái "BẬN RỘN" về bên kia thế giới?
 
Hãy biết dừng lại

Hãy biết ngơi nghĩ


Hãy tập thanh thản


và buông xả, thảnh thơi ...

 
thì khi cái ngày ấy đến , chúng ta mới có thể ra đi với cái tâm ... KHÔNG ... BẬN RỘN .... !!!
(Nguồn: email bạn gửi- Cám ơn chị Phước Đạo)

Con người suốt đời bận rộn bon chen trong cuộc sống, phải vất vả đau khổ vì hai chữ  lợi  danh  nhưng một khi cái chết đã đến, rồi cũng phải buông tay ra đi với hai bàn tay trắng.  Chắc chắn khi đọc mẫu chuyên “Ba ý muốn cuối cùng của Alexander Đại Đế” dưới đây chúng ta sẽ thấm thía cái lẽ vô thường mà nhà Phật đã dạy:

Ba ý muốn cuối cùng của Alexander Đại Đế

Đại Đế Alexandre III (-356 -323) (Alexandre le Grand): gốc Macédoine, học trò của Aristote. Được xem là một trong những vị tướng thành công nhất trong lịch sử, người đã chinh phạt gần như toàn bộ thế giới mà ông biết trước khi qua đời; ông thường được xem là một trong những nhà chiến lược quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử.
Những ý nguyện cuối cùng của ngài Alexander Đại Đế khi sắp chết. Ngài Alexander Đại Đế cho triệu tập các quan trong triều đình đến để truyền đạt 3 ý nguyện cuối cùng của mình. Ngài phán rằng:

1 - Quan tài của ngài phải được khiêng đi bởi chính các vị ngự y giỏi nhất của thời đó.
2 - Tất cả các báu vật của ngài (vàng, bạc, châu báu, ...) phải được rải dọc theo con đường dẫn đến ngôi mộ của ngài, và ...
3 - Đôi bàn tay của ngài phải được để lắc lư, đong đưa trên không, thò ra khỏi quan tài để cho mọi người đều thấy.

Một vị cận thần của ngài, rất đổi ngạc nhiên về những ý muốn kỳ lạ này, và đã hỏi ngài Alexander lý do tại sao.

Ngài Alexander đã giải thích như sau:

1 - Ta muốn chính các vị ngự y giỏi nhất phải khiêng quan tài của ta để cho mọi người thấy rằng một khi phải đối mặt với cái chết, thì chính họ (là những người tài giỏi nhất) cũng không có tài nào để cứu chữa.
2 - Ta muốn châu báu của ta được vung vãi trên mặt đất để cho mọi người thấy rằng của cải, tài sản mà ta gom góp được ở trên thế gian này, sẽ mãi mãi ở lại trên thế gian này (một khi ta nhắm mắt xuôi tay từ giã cõi đời).
3 - Ta muốn bàn tay của ta đong đưa trên không, để cho mọi người thấy rằng chúng ta đến với thế giới này với hai bàn tay trắng và đến cuối cuộc đời, khi chúng ta đã cạn kiệt kho tàng quý giá nhất là thời gian, thì chúng ta cũng sẽ rời khỏi thế giới với hai bàn tay trắng.

(Nguồn: sưu tầm trên internet)

 Và cuối cùng, người viết xin mượn ý tưởng sau đây để làm kết luận cho bài tâm tình hôm nay:

“Có lẽ cũng nên thay đổi cách nhìn. Cái mà người ta quen cho là bi quan chán đời không phải trường hợp nào cũng đúng vậy. Ở Trần Nhân Tông, không phải là tâm trạng bi quan mà chính là trạng thái đạt đạo trong tâm hồn. Ông đã bình thản trước mọi cám dỗ vật dục. Phải chăng toàn bộ tinh thần đạo Thiền Trúc Lâm của ông đã quy tụ trong bài kệ :


Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Ðối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.

Tạm dịch:

Sống ở trên đời theo với hoàn cảnh mà vui với đạo
Ðói thì ăn, mệt thì ngủ
Của báu sẵn trong nhà khỏi tìm kiếm
Ðứng trước cảnh vật mà vô tâm thì không phải hỏi Thiền là gì.”

Người viết rất tâm đắc bài kệ nói trên, còn bạn thì sao?

Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn nhé.
Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-ORTB477-6102011)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét