Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

Bài số 81 Một Cõi Thiền Nhàn




 http://i1139.photobucket.com/albums/n557/Suong4368/MCTN-ORTB/Slide12.jpg?t=1316910638

Chào quý bạn,

Đây là bài thứ  tám mươi mốt của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Vợ chồng chúng tôi cũng thường xem phim truyện truyền hình chiếu trên đài SBTN để giải trí cho vui với cái “tuổi không còn trẻ nữa”. Trong hiện tại, nhiều người thích xem phim Đại Hàn hơn là xem phim Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan vì phim Đại Hàn có nhiều diễn viên trẻ đẹp, mới lạ, ăn diện sang trọng, chủ đề phim phản ảnh đời sống thực tế  hằng ngày v..v...

 Riêng cá nhân người viết cũng học hỏi được nhiều điều hữu ích về văn hoá, xã hội, đời sống tình cảm, phương cách làm việc v..v… khi xem  các phim chủ đề xã hội của Đại Hàn. Gần đây nhất là bộ phim nhiều tập  “Style” (Thời Trang) vừa mới chấm dứt đã để lại cho tôi một ấn tượng tốt về hình ảnh người phụ nữ thời nay trong sự chọn lựa giữa hạnh phúc bình dị gia đình và sự thành đạt trong sự nghiệp của vai nữ chánh tổng biên tập viên Đỗ Kỳ Tử.

 Thoạt đầu, khán giản có ác cảm với một phụ nữ có thái độ hách dịch, khó khăn đối với các biên tập viên công sự vì chỉ muốn đạt đến sự thành công của tạp chí Style do cô phụ trách mà bất chấp tất cả. Nhưng tinh thần trách nhiệm của cô khi cô quá lo lắng cho sự tồn vong của tạp chí mà quên đi việc chăm sóc sức khỏe của mình đã làm cho một nữ thương gia cảm động chịu bỏ vốn đầu tư để cứu vãn nguy cơ tạp chí Style bị phá sản vì bị người chủ tịch công ty cũ rút vốn đầu tư. Bộ phim truyện này được kết thúc với hình ảnh đám cưới của người phụ nữ chỉ biết tìm sự vinh quang trong sự nghiệp, cuối cùng rồi cũng bằng lòng chọn hạnh phúc bình dị của một mái ấm gia đình với người mình yêu.

 Mỗi người có một nhận xét khác nhau về quyết định này nhưng riêng đối với người viết, đây là một chọn lựa  hợp lý, đúng với thiên chức của một phụ nữ trong bất cứ thời gian nào, không gian nào dù thực tế có nhiều phụ nữ đã chọn đời sống độc thân vì muốn theo đuổi  lý tưởng cao đẹp  hay vì nhiều nguyên nhân đặc biệt nào đó mà chúng ta phải tôn trọng.

Dĩ nhiên đời sống vợ chồng hay đời sống độc thân đều có cái vui, cái buồn trong cuộc sống và chúng ta phải chấp nhận, cố gắng sống thích nghi, sống tốt đẹp hơn với sự chọn lựa của mình.

Gần đây người viết nhận được nhiều thiệp báo tin kết hôn hay được mời đến tham dự tiêc cưới do bạn bè gửi đến. Tôi cũng thường nói đùa với “boss” của tôi mỗi khi nhận được thiệp hồng:

“Cá trong lờ đỏ lơ con mắt.
Cá ngoài lờ ngúc ngoắc đòi vô”

 Nói theo kiểu “thi văn tao đàn” một tí cho có vẻ con người nghệ sĩ nhé:

 “Cái vòng chồng vợ (danh lợi) cong cong
 Kẻ mong ra khỏi người mong bước vào”

 Vì đời sống vợ chồng cũng như con đường danh lợi đều có rất nhiều nhiêu khê, vất vả, vui buồn lẫn lộn, phải không những bạn đã có gia đình?

Hai câu thơ này nói trên đã cùng một ý nghĩa như lời  tâm tình của triết gia Montaigne:

“Hôn nhân như chuyện bẫy thú.  Con ở trong lồng thì muốn ra, con ở ngoài lại tò mò muốn vào”
 Montaigne
 
Không có gì vui sướng bằng lấy được người mình yêu, phải không bạn?
 Có biết bao nhiêu người vì không lấy được nhau đã phải cùng nhau tự tử như chuyện tình “đồi thông hai mộ” hay chuyện tình Romeo và Juliette.  Trên màn ảnh hay trong các quyển tiểu thiết, chuyện tình nào càng lâm ly, càng trắc trở lại càng lấy được nhiều nước mắt của khán giả, độc giả. Người viết chuyện phim hay các tác giả đều ngừng lại ở đoạn đám cưới vui vẻ của hai nhân vật chính chứ không nói tiếp về  đời sống trong hôn nhân vì “đám cưới nào cũng hạnh phúc, chỉ có cuộc sống chung sau đó là có nhiều rắc rối”  như nhà văn Hippolyte Taine đã thốt:

“Người ta tìm hiểu trong ba tuần, yêu nhau trong ba tháng, cãi nhau trong ba năm, chịu đựng nhau trong ba mươi năm, và con cái lại tiếp tục như thế”.

  Có người còn di dỏm hơn đã thốt:  “Năm đầu nàng nói chàng nghe, năm sau chàng nói nàng nghe, những năm sau nữa, hai người cùng nói, hàng xóm nghe”.  Mèn ơi! Đúng không nhỉ?

 Khi chung sống với nhau, cả hai mới khám phá ra rằng tâm tính sở thích hai người  không hợp nhau, những thói hư tật xấu được phơi bày,  những xung đột về tiền bạc, tình cảm, những thay đổi về tâm tính, thể xác khi sinh nở, binh hoạn, tuổi tác, cuộc sống mới đã biến “chàng hoàng tử” lịch sự, thanh nhã  hay “cô công chúa” xinh đẹp dịu hiền ngày xưa thành một Dracula hung dữ  hay một bà phù thủy xấu xí.
Họ không còn “tương kính như tân” nữa mà nói với nhau bằng những lời cay độc, bạc ác hoặc hành động vũ phu, thô bạo. Những giọt nước mắt trong thời gian yêu nhau trước hôn nhân là những giọt nước mắt ngà, theo năm tháng trong hôn nhân sẽ trở thành những giọt nước mắt tầm thường. Buồn thật!

 May mắn thay, những đứa con là những sợi giây tình cảm hàn gắn được những bất hòa giữa cha mẹ.  Tinh thần trách nhiệm, nền tảng đạo đức vững chắc, đời sống tâm linh vững mạnh, tình thương sẽ giúp cho gia đình hạnh phúc hơn. Bạn đồng ý chứ?

 Những người thuộc thế hệ trước và ngay cả thế hệ chúng ta được giáo dục và chịu ảnh hưởng đạo đức Khổng Mạnh với tam cương ngũ thường, với tam tòng tứ đức nên đời sống hôn nhân được lâu dài bền vững hơn thế hệ tuổi trẻ với quan niệm hiện sinh ngày nay.  Tỷ lệ ly di ngày một cao ở các nước có quá nhiều tự do, quá tôn trọng đời sống cá nhân trong hiện tại. Hạnh phúc gia đình không còn quan trọng nữa.
 Chúng ta chỉ cảm thấy giá trị thật sự của hạnh phúc cho đến khi chúng ta đã đánh mất hoặc sắp sửa mất nó giống như  câu chuyện dưới đây:

Hạnh phúc bình dị

Vị vua nọ đang đi công du trên một chiếc tàu thì gặp cơn bão lớn. Gió to, sóng dữ gầm thét như muốn quật đổ những cột buồm và nuốt trửng con tàu. Một người trong đoàn tùy tùng nhà vua trước đây chưa từng ra biển nên vô cùng hoảng sợ. Anh ta khóc thét lên trong nỗi sợ hãi và mỗi lúc một to hơn. Không ai trên tàu có thể trấn an anh ta được.

Trong cơn giận dữ nhà vua thét lên:

- Có ai ở đây có thể làm cho tên hèn nhát kia câm miệng lại được không?

Ngài hỏi đến lần thứ ba, vẫn không một ai trong đám cận thần lên tiếng. Cuối cùng có một người bước ra, ông ta là một hành khách trên tàu.

- Tôi nghĩ là tôi có thể khiến cho anh ta im lặng nếu tôi được tòan quyền làm điều đó.

Một thoáng do dự, nhưng vì nóng lòng muốn biết cách của người hành khách đó nên nhà vua ra lệnh:

- Làm ngay đi! Ta cho phép nhà ngươi.

Người khách liền ra lệnh những người lính ném anh ta xuống biển. Rơi xuống biển lạnh giá đầy sóng lớn, anh ta gào lên khiếp sợ và vùng vẫy trong hoảng loạn, cố tìm mọi cách ngoi lên mặt nước. Ít giây sau, người khách cho thả phao kéo anh ta lên. Khi bám được thành tàu, dù mệt rũ rượi và nét mặt lộ rõ vẻ kinh hoàng, nhưng anh ta đã hoàn toàn im lặng.

Quá ngạc nhiên và ấn tượng về những gì vừa diễn ra, nhà vua bèn hỏi người khách lạ tai sao anh ta có thể biết trước được như vậy. Người khách đáp:

- Chúng ta không bao giờ nhận ra những điều bình dị mà quý giá đang có trong mọi tình huống, cho đến khi chúng ta rơi vào một tình trạng thực sự tồi tệ hơn.

(Nguồn: sưu tầm trên internet)

Từ câu chuyện trên chúng ta  có thể nói rằng hạnh phúc bình dị nhất là một mái ấm gia đình trong đó  vợ chồng, cha mẹ, con cái yêu thương nhau. Xin hãy quý trọng những gì đang có trong tầm tay của mình ở phút giây hiện tại.  Xin hãy nói lên lời yêu thương nhau, sống thuận hòa với nhau, vui sống với nhau vì

"Qua một ngày, mất một ngày
Qua một ngày, vui một ngày
Vui một ngày, lãi một ngày"

Hạnh phúc do mình tạo ra. Vui sướng là mục tiêu cuối cùng của đời người, niềm vui ẩn chứa trong những sự việc vụn vặt nhất trong đời sống, mình phải tự tìm lấy. Hạnh phúc là cảm giác, cảm nhận, điều quan trọng là ở tâm trạng.
 (Nguồn:  Trích trong Hiểu Đời- Email bạn gữi)

 Bạn có đồng ý chăng với câu danh ngôn của Goethe dưới đây:

 “Dù hoàng đế hay dân cày, kẻ nào tìm được sự yên ổn dưới mái gia đình là kẻ sung sướng nhất.

Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-ORTB 475-5272011)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét