Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

Bài Số 80 Một Cõi Thiền Nhàn


 http://i1139.photobucket.com/albums/n557/Suong4368/MCTN-ORTB/cauchucbanluonanvui-1.jpg

Chào quý bạn,

Đây là bài thứ  tám mươi của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Tâm lý con người  không thích nghe những chuyện buồn nhưng việc tử sinh, sinh tử trong  cuộc đời là chuyện bình thường nơi trần thế.  Trong thời gian qua có những cái chết làm xúc động lòng người với những lời phê bình tốt xấu khiến người ít quan tâm đến thời cuộc nhất cũng phải để ý tới như cái chết của ông trùm khủng bố Osama Bin Laden và bà Trần Lệ Xuân.
Trong phạm vi bài viết hôm nay, người viết chỉ muốn mời các bạn đọc qua những mẫu chuyện nho nhỏ liên quan đến việc sống và chết do người viết sưu tầm đem về đây chia sẻ với quý bạn để chúng ta cùng học hỏi cái lẽ vô thường của kiếp người mà sống như thế nào cho tốt trong hiện tại.

Xin mời quý bạn đọc mẫu chuyện thiền dưới đây:

An trú hiện tại

Đức Phật hỏi một đệ tử Tăng:
-        Đời người bao lâu?
Tăng đáp:
-        50 năm.
Phật bảo: Không đúng.
-        40 năm.
-        Không đúng.
-        30 năm.
Phật kết luận: Đời người trong một hơi thở.

Bình:  Chúng ta bôn ba xuôi ngược đủ thứ để tìm cầu hạnh phúc.  Song cái quý nhất của đời người là hơi thở mà ít ai để ý.  Thiền giúp ta sống lại với hạnh phúc đơn sơ, nhưng rất chân thật với chính mình.
« Thở vào tâm yên lặng.  Thở ra miệng mỉm cười.  An trú trong hiện tại.  Giờ phút đẹp tuyệt vời.”
 (Nguồn: Thiền là gì? Giác Nguyên)

Cũng có nhiều người thắc mắc sau khi chết người ta sẽ đi về đâu như nhà vua Goyozer trong câu chuyện dưới  đây:

 Sau khi chết người ta đi về đâu?

Hoàng đế Goyozer đang học thiền với thiền sư Gudo Toshoku.-
- Bạch thầy, Sao khi chết ta sẽ về đâu?
- Tôi không biết.
- Tại sao thầy không biết ?
- Vì tôi chưa chết.
- ???
Lời bình : Khi sống, con người nên thưởng thức những vẻ đẹp và bí ẩn của cuộc sống theo cái nhiều người sống. Không cần quan tâm đến thế giới sau khi chết. Hãy sống trọn hôm nay, đừng lo ngày mai vì chuyện ngày mai thì mai mới xảy ra.
(Nguồn: sưu tầm trên internet)

  Mời Bạn tiếp tục nghe các nhà biện thuyết Trung Hoa bàn về việc sống chết xem có  thấy khác lạ gì không nhé?

Cái lẽ sống chết

Mạnh Tôn Dương hỏi Dương Tử : “Có kẻ mến đời, yêu thân, cầu cho không chết có nên không?”
Dương Tử nói :”Có sống thì phải có chết, lẽ nào mà không chết được?”

 -Thế cầu sống lâu có nên không ?

-Lẽ nào sống lâu được? Người ta không phải thích sống mà sống mãi được, yêu thân mà thân còn mãi được. Vã chăng sống lâu để làm gì? Thế tình hay dở, xưa cũng như nay; thân thể an nguy, xưa cũng như nay; việc đời gian khổ, xưa cũng như nay; biến đổi trị loạn, xưa cũng như nay, cái gì cũng đã trông thấy, đã từng trải cả rồi, thì sống trong khoảng trăm năm cũng đủ lấy làm chán, huống còn cầu lấy sống lâu để cho khổ làm gì?

-Nếu như thế, thì chóng chết còn hơn sống lâu.  Ta nên xông vào gươm giáo, nhẩy vào nước lửa để chết ngay đi có thỏa không?

-Không phải thế! Ðã sinh ra đời, thì lúc sống cứ tự nhiên, muốn làm gì thì làm, cho đến lúc chết.  Lúc sắp chết cũng tự nhiên, muốn hóa ra gì thì hóa cho đến lúc cùng. Lúc sống , lúc chết, lúc nào cũng tự nhiên như không, hà tất phải quan tâm sống lâu hay chóng chết làm gì?
 (Nguồn: trích từ website Vườn Thiền)

 Người viết tuy là một Phật tử nhưng vẫn cảm nhận được ý nghĩa sâu xa lời Chúa dạy:  “Cát bụi trở về với cát bụi” và rất lấy làm xúc động mỗi khi nghe Thế Sơn hát bài “Trở Về Cát Bụi của nhạc sĩ Lê Dinh:

“Sống trên đời này tựa phù du có đây lại rồi mất.
Cuộc sống mong manh xin nhắc ai đừng đổi trắng thay đen
Nào người sang giàu đừng vì tham tiền bỏ nghĩa anh em
Người ơi xin nhớ cát bụi là ta ...mai này chóng phai
Người nhớ cho ta là cát bụi trở về cát bụi
Xin người nhớ cho”

(Nguồn: trích trong bài hát Trở Về Cát bụi của Lê Dinh)

Riêngĩ người viết cũng có một vài cảm nghĩ về chuyên tử sinh của một kiếp người qua tâm tình dưới đây:

“Ngàn năm vẫn mãi luân hồi  ,
Trong vòng Nghiệp Quả miếng mồi lợi danh ,
Ngàn năm kiếp sống mong manh ,
Một trăm năm tuổi thoáng nhanh kiếp đời !!

Ngàn năm tan hợp đổi dời,
Ngàn năm sinh tử cuộc đời thế nhân,
Ngàn năm người vẫn phải cần:
“Sống trong Tỉnh Thức, tâm thần an nhiên”

(Nguồn:Trich trong Ngàn Năm Mây Trắng Vẫn Bay- Thơ Sương Lam)

 Chúng ta vẫn là con người tầm thường trong cõi nhân gian này.  Ai cũng có cha mẹ, anh em, bà con thân bằng quyến thuộc.  Có nhiều người sống độc thân để theo đuổi một lý tưởng cao đẹp nào đó và cũng có nhiều người sống đời sống vợ chồng bình thường.

 Tình yêu thương sâu sắc và thiêng liêng nhất vẫn là tình cảm gia đình, cho nên chúng ta phải quý trọng và thương yêu những người đã cùng chia ngọt xẻ bùi với chúng ta trong suốt cuộc đời của ta.  Đó là ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu và những họ hàng thân quyến chúng ta.  Trong giây phút hiện tại, những giờ phút được sống vui vẻ hạnh phúc bên nhau trong một mái ấm gia đình là một phúc duyên tốt đẹp nhất mà ta nên trân quý, dù biết rằng tất cả mọi sự việc trên đời này chỉ là phù du, tạm bợ.

Ngưồi viết xin mượn đoạn văn dưới đây của tác giả bài viết “Hãy yêu thương khi ta còn có thể” để làm kết luận cho bài tâm tình hôm nay:

    “Bạn có từng nghĩ rằng một ngày nào đó những người thương của bạn sẽ không còn sống bên bạn nữa không? Chúng ta không một ai có thể biết chắc được điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai. Thậm chí chúng ta cũng không thể biết chắc được điều gì sẽ xảy ra vào một giờ sắp tới đối với những người thân của chúng ta, hay thậm chí đối với bản thân mình.
 
 Khi chúng ta giao tiếp, cư xử với người xung quanh với ý thức rằng có thể ngày mai ta sẽ không có cơ hội nghe được giọng nói của người đó nữa. Có thể ngày mai ta sẽ không còn thấy được nụ cười tươi trên khuôn mặt người đó nữa. Thì tự nhiên ta sẽ trân quí sự có mặt của người đó, và ta sẽ không nỡ nói hay làm những gì có thể gây tổn thương cho người đó.

 Người đó có thể là ba mẹ chúng ta. Người đó có thể là chồng hay là vợ của chúng ta. Và người đó cũng có thể là con cái,thân bằng quyến thuộc, bạn bè chúng ta… Chúng ta sống với ý thức về sự vô thường, ngắn ngủi của một kiếp người càng sâu sắc, thì cách sống của chúng ta, cách hành xử của chúng ta cũng sâu sắc và yêu thương hơn”

(Nguồn: sưu tầm trên internet)

 Trải qua  kinh nghiệm đau thương của các nạn nhân của cuộc sóng thần động đất ở Nhật vừa qua chắc chắn  Bạn và tôi sẽ xúc động vô cùng và cũng sẽ đồng ý với tác giả bài viết nói trên, phải không Bạn?
Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-ORTB số 474-5202011)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét