Thứ Hai, 4 tháng 3, 2019

Sương Lam mời đọc Gần Tết nói chuyện Tuổi Thơ Tuổi Già



Thưa quý anh chị,

Xoay qua xoay lại Tết đã sắp đến nơi rồi.

Con nít thì khoái Tết hơn vì được tiền lì xì, được  mặc quần áo mới, được ăn bánh mứt thả ga và nhất là không bị…..ba mẹ rầy vì có sự kiêng cử trong ba ngày Tết.  Mừng quá! Smile!

 Nhưng…. “những người không còn trẻ nữa” thì không vui tí nào. Nếu có vui thì cũng chỉ vui trong những phút giây con cháu về mừng tuổi cha mẹ, ông bà, đi chùa lễ Phật hoặc đi nhà thờ đọc kinh kính Chúa mà thôi, chứ “buồn trong lòng một ít” vì già thêm một tuổi, bịnh thêm một chuyện  mà không dám nói ra vì ngày tư ngàyTết ai lại đi nói chuyện bịnh hoạn, đau ốm.  Thiệt lãng nhách!

 Mời quý thân hữu đọc tâm tình hôm nay của người viết xem có giống tâm tình của mình không nhé.

 Thân tình,

 Sương Lam

Gần Tết nói chuyện Tuổi Thơ Tuổi Già





image.png

Đây là bài số bốn trăm năm mươi hai (452) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo

Còn hai tuần nữa là đến Tết rồi. Khi Tết đến, trẻ thơ và ngưòi già đều được tăng một tuổi

Tôi yêu mến trẻ thơ và tôi yêu kính người cao niên vì đó là hai hình ảnh, hai cuộc đời mà bạn và tôi đã, đang hoặc sẽ sống trong cõi trần ai này.

Người viết xin được tâm tình  một chút về tuổi thơ nhé.

Tuổi Thơ





image.png

Khi đi họp bạn thân hữu hay chuyện trò với nhau trên diễn đàn, tôi đã thấy mấy bà nội, bà ngoại khoe nhau hình ảnh xinh xắn của các nàng công chúa, những chàng hoàng tử bé bỏng  của mình và kể chuyện huyên thiên về các sinh hoạt của các VIP này với nụ cười vui vẻ, với ánh mắt sáng  ngời.  Lúc đó tôi thấy thương những bà bạn chưa được lên chức này vì các “cô chiêu cậu ấm” của họ chưa chịu lên xe hoa  hay chưa chịu “đưa nàng về dinh”.  Các bà bạn này đành phải nựng đở cháu của người khác cho đã thèm mộng ước được làm bà nội, bà ngoại như người ta.  Thôi đừng buồn bạn nhé, thế nào rồi bạn cũn g sẽ được lên chức mà thôi không sớm thì muộn vì nước chảy qua cầu rồi cũng sẽ đến bến đỗ.

  Nhưng … Lại chữ Nhưng nữa đây!  Nhưng nhiều bà lại bảo tôi rằng: có cháu nhiều thì  rất là vất vả, cực nhọc vì phải chăm sóc chúng khi chúng quấy phá, la hét ấm ỉ, không nghỉ ngơi gì được cả! Mệt lắm! Ngán lắm!

Người viết nhớ đã đọc ở đâu đó một tài liệu  muốn cho sống vui sống khỏe, bạn hãy  chơi đùa vui  vẻ với trẻ con dưới 6 tuổi và người già trên 60 tuổi. Sao lạ nhỉ?

Trẻ con dưới 6 tuổi dễ thương hơn những em bé trên 6 tuổi chăng?

 Có thể là đúng đấy vì trẻ con trên 6 tuổi đã đi học, đã có bạn bè nên chúng bận rộn đùa vui với bạn bè ở trường hay hàng xóm, phải làm bài tập  của nhà trưòng  nên ít quấn quít bên cha mẹ, ông bà hơn.

Mya khi còn nhỏ thì đeo cứng bà nội mỗi lần ông bà nội đến nhà thăm hay khi đi ăn, đi chơi bên ngoài.  Bây giờ cô nàng đã có bạn bè rồi nên không còn đi theo chơi với bà nội  nhiều nữa mà đi chơi với bạn vui hơn.

 Đàn con của chúng ta như một đàn chim, khi còn nhỏ chúng ríu rít trong tổ ấm gia đình. Một khi những cánh chim kia đã đủ lông đủ cánh có thể bay cao bay xa hơn trong  khung trời cao rộng khác thì chúng sẽ tung bay, bỏ lại mẹ cha, ông bà ở lại  trong cái tổ chim trống lạnh.  Nhiều bậc cha mẹ vẫn giữ gìn những căn phòng của con cái trong ngôi nhà rộng lớn kia với hy vọng con chúng sẽ quay về tổ cũ, nhưng những cánh chim kia lo đi xây dựng những tổ ấm khác xinh đẹp hơn, nồng ấm hơn. Thỉnh thoảng chúng bay về tổ cũ nhưng chỉ một chút thoáng qua mà thôi.

 Cuộc đời là thế! Từ thế hệ này sang thế hệ khác, vẫn lập đi lập lại cái vòng sinh hoạt như thế! 

Xin được chúc phúc cho những gia đình nào  có con cháu vẫn sống quây quần bên nhau chứ người cao niên sống nơi xứ người rất cô đơn, buồn tủi.  Cũng chính vì vậy mà  người viết rất thương trẻ thơ dưới 6 tuổi và yêu kính người già trên 60 tuổi là thế đó.

 Nói thật tình, chơi với con nít đỡ mệt trí hơn là chơi với người lớn vì chúng vô tư, thơ ngây, không vướng bận chuyện ân oán giang hồ như người lớn.  Ai thương chúng nhiều, lo lắng, chơi đùa với chúng nhiều thì chúng thương lại nhiều.  Ai xa lạ, không gần gũi thương yêu chúng thì chúng  thương ít hơn một tí!   Thế thôi!  Rất giản dị! Rất bình thường!

Còn người lớn thì tham, sân, si, mạn, nghi, ác, kiến  đầy mình. Họ  dùng mọi thủ đọan để dành phần thắng lợi cho mình trên cõi thật cũng như trên cõi ảo!  Nhức đầu quá! Mệt quá!

Rất ít người hiểu được lẻ đạo cơ trời như thiền sư Mãn Giác:

“Thân như bóng chớp chiều tà
Cỏ cây hoa lá xuân qua rụng rời
Sá chi suy thịnh cuộc đời
Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành”

 Cho nên đã:

“Ta cứ tưởng trần gian là cõi thật
Thế cho nên tất bật đến bây giờ”

Tuổi đời dẫu bao nhiêu tuổi nếu có tâm hồn hiền hoà vui vẻ, vô tư như trẻ thơ, phải chăng là điều ai cũng mong cầu,  phải không bạn?





image.png

Xin mời quý bạn xem Youtube Tuổi Thơ An Lạc Vô Ưu để tìm lại những phút giây an lạc vô ưu của tuổi thơ ngày cũ qua link dưới đây:


https://youtu.be/G1_oq4hmq9U






Tuổi Già





image.png

Một người bạn thân ở phương xa email hỏi thăm vợ chồng chúng tôi dạo này thế nào rồi sau hơn 30 năm sống ở Portland nhà quê tỉnh lẻ này.

 Người viết bèn email trả lời cho bạn hiền như thế này:

“Cũng chẳng giàu, mà cũng chẳng sang

Tụi tui hai đứa vẫn làng nhàng

Sáng ăn hủ tiếu, chiều ăn cháo

 Tối ngủ một lèo đến sáng chang”

 Smile!

 (Thơ Sương Lam)

 Chúng tôi, hai người “tuổi không còn trẻ nữa” đã sống một  cuộc sống thật bình thường giản dị của những kẻ sĩ,  là học trò của của Nguyễn Công Trứ, muốn học tập lối sống của “sư phụ” được diễn đạt  trong Hàn Nho Phong Vị Phú của Người, mà tôi đã học hồi trung học và bây giờ  vẫn còn nhớ:

“Ngày ba bữa, vỗ bụng kêu bình bịch, người quân tử ăn chẳng cần no

Đêm năm canh an giấc ngáy pho pho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ”

Kể như thế thì vợ chồng chúng tôi cũng đã được sống trong Một Cõi Thiền Nhàn rồi chứ bộ, phải không Bạn?

 Bên cạnh đó, đôi khi vợ chồng chúng tôi, kẻ xách bóp, người lái xe, chạy tới chạy lui như “ca sĩ chạy show” để đến sinh hoạt cộng đồng cho vui với “tuổi cao niên” của mình. Được gọi là “người cao niên cho oai một tí

Người viết kính ngưỡng cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Nguyễn Công Trứ nhất qua hai bài thơ  Cây Thông và Kẻ Sĩ.  Ít nhiều gì hoài bảo và đời sống tình cảm của người viết cũng đã chịu ảnh hưởng bởi những lời tâm tình của ông qua hai bài thơ trên. Xin được chia sẻ với các bạn hữu nào đã sống cùng một thế hệ và cùng một tâm ý với người viết nhé.

Cây Thông
Ngồi buồn mà trách ông xanh,
Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.
Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.
Giữa trời, vách đá cheo leo
Ai mà chịu rét thời trèo với thông

Nguyễn Công Trứ

Làm thơ viết văn đối với tôi chỉ là một niềm vui tinh thần thanh nhã “để cho vui với đời” mà thôi, nên tôi chỉ tâm tình trong đời sống bình thường của một người bình thường  biết vui biết buồn, biết khóc biết cười, biết giận hờn, biết nhớ thương mà thôi.  Ai cảm thông thì tôi xin cám ơn, ai không cảm thông thì cũng đành thôi, cho nên xin ai đừng chê trách tôi là nhà thơ, nhà văn “dỏm” nhé. Smile!

Người viết cũng xin thưa thật là về phương diện học Đạo, tôi cũng chỉ là người mới gieo duyên với Phật Pháp, nhất là về Thiền, tôi vẫn còn là kẻ sơ cơ học đạo nên không dám có ý kiến ý ong gì cả về những điều cao siêu hay những tranh luận về Phật Pháp, e sẽ phạm phải sai lầm.  Nếu có gì thắc mắc, xin Bạn vui lòng hỏi tôn ý của quý vị cao tăng hay những vị am tường về Phật Pháp vẫn tốt hơn.

Người viết chỉ góp nhặt những mẫu chuyện Thiền ngắn ngắn, hay hay đưa vào những bài tâm tình của tôi để góp một chút niềm vui nho nhỏ cho quý vị cao niên ở Portland và các thân hữu của tôi đọc cho vui trong cái tuổi “không còn trẻ nữa” của mình mà thôi. Còn việc học và thi hành được bài học hay để tu tâm sửa tánh qua những mẫu chuyện Thiền này thi cũng tùy theo căn cơ, phúc duyên của mỗi người. Qua 452 bài viết trong mục Một Cõi Thiền Nhàn tính đến ngày hôm nay, người viết đã kể cho Bạn nghe hơn 300 mẫu chuyện Đạo trích trong các kinh sách, tài liệu Phật Giáo mà tôi đã đọc được rồi đem về đây chia sẻ với Bạn. Nếu Bạn và tôi  đã phải bị “quên quên nhớ nhớ” do tuổi đời thì người viết cũng hy vọng rằng Bạn và tôi cũng sẽ vẫn còn nhớ những bài học về cuộc sống con người như  “bài học cây đinh”,  bài học “Ném Đá”, bài học “Xin hạt cải của nhà không có người chết” v..v, bạn nhé.

Ý nguyện của tôii khi viết văn làm thơ chỉ là chỉ để cho vui với đời một tí, rất tầm thường, giản dị là thế đấy, bạn ạ.

 Người viết cũng cố gắng lập một trang nhà mà người viết thường hay nói đùa là “tàng kinh các” của người viết, để lưu lại những bài viết, bài thơ của tôi hay những tài liệu mà người viết ưa thích.  Sau những giờ phút sống lao xao ngoài đời, tối đến, người viết trở về  “tàng kinh các’ của mình để có được những phút giây sống trong “cõi riêng an tĩnh” của mình.  Người viết cũng mời những người bạn đồng tâm cảm với mình một đôi lần ghé qua “tệ các” nghỉ ngơi, xem và đọc qua những gì người viết cất trong đó.

 Đây là địa chỉ tàng kinh các của người viết, xin mời bạn đến thăm khi “huỡn” nhé.  Smile!

 Trang nhà Sương Lam Portland


 Tàng kinh các của người viết cũng “vô môn” như nhà của Phật.  Bạn muốn đến, muốn đi, muốn ở lại bao lâu cũng được, tùy tâm tùy ý như  bạn đã đến khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của người viết vậy đó. Mời quý anh chị thưởng thức một bản nhạc Thiền dưới đây để cái tâm mình lắng đọng trong một ít phút giây. 

Youtube bài thơ Vi của Thy Thích Tánh Tuệ


https://youtu.be/wvCLvCHHNNk






 Nếp sống bình thường cũa hai “người cao niên” chúng tôi là thế đấy.  Có giống Bạn không?

 Con người có tính ý đẹp đẻ hay ghê xấu một phần do hoàn cảnh và tha nhân bên ngoài ảnh hưởng đến, nhưng phần lớn là do tâm ý của mình quyết định.

Hy vọng bạn sẽ nhìn cuộc đời, nhìn người khác với cặp mắt nhân từ, với trái tim nhân ái, với nụ cười thiện cảm thì chắc chắn bạn sẽ là người dễ thương và bạn sẽ sống vui, sống khỏe, sống trường thọ đấy. Nếu không tin, mời bạn cao niên của tôi làm thử xem có đúng không nhé?

Xin chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.

Chúc Mừng Năm Mới





image.png

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

  Sương Lam

 (Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-MCTN 452-ORTB 869-12319)
Sương Lam


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét