Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

Bài số 87 Một Cõi Thiền Nhàn




Chào quý bạn,

Đây là bài thứ tám mươi bảy của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Tháng Bảy xứ Mỹ rộn rã tiếng pháo mừng Ngày Độc Lập.  Những năm mới đến xứ Mỹ, người viết cũng  nôn nao sửa soạn mền chiếu, thức ăn thức uống để sang Vancouver, WA xem đốt pháo bông và cùng chung vui với cư dân sở tại.  Thật là náo nhiệt, thật là vui vẻ. Những năm sau này, người viết ở nhà xem đốt pháo bông trên Tivi cho “tiện việc sổ sách” để khỏi mệt tấm thân  “không còn trẻ nữa” của mình.

Nhìn những chùm pháo bông sáng đẹp trên bầu trời, nhìn những em bé nhảy múa ca hát vô tư, nhìn những nụ cười ánh mắt của người dân Mỹ đón mừng lễ hội một cách thoải mái, tự do trên màn ảnh, tôi thấy đất nước Mỹ này quả thật an bình, hạnh phúc.  Tự nhiên  trái tim của một người sống gần 30 năm nơi xứ người bừng dậy lên tình cảm vui buồn lẫn lộn.   Tôi ngậm ngùi nhớ đến chuyện xưa tích cũ nên đã cảm hứng viết xuống bài thơ Bài  Tình Thơ Tháng Bảy để nói lên tâm sự của mình.  Người viết nghĩ rằng đó cũng là tâm tình của những ai cùng một nhịp đập trái tim tình cảm như tôi. 
 Người viết xin được chia sẻ tâm sự này đến với các bạn và hy vọng rằng quý bạn sẽ cảm thông với người viết.  Xin cảm tạ quý bạn.

Bài Tình Thơ Tháng Bảy

Tháng Bảy quê người  hoa đăng lễ hội
Mừng đón Ngày Độc Lập với Tự Do
Pháo nổ trên cao, thiên hạ chuyện trò
Khắp chốn muôn nơi, mọi người ca hát 

Tháng Bảy quê mình nắng vàng bải cát
Cái nóng nung người đỏ lửa Trị Thiên
Đại lộ kinh hoàng thuở nọ hiện tiền
Bao già trẻ gánh gồng đi lánh nạn 

Tháng Bảy nơi đây nắng hồng buổi sáng
Hoa nở đầy vườn muôn sắc khoe xinh
Khắp chốn muôn nơi, đờn trống xập xình
Mừng ngày Độc Lập hơn hai trăm năm lập nước 

Tháng Bảy chốn xưa, kẻ sau người trước
Lẳng lặng ra đi bỏ cửa bỏ nhà
Bỏ lại quê hương, cha yếu mẹ già
Tìm bến Tự Do ở nơi xa chốn lạ 

Một kiếp thuyền nhân lênh đênh nơi biển cả
Sóng nước bập bềnh trôi nổi chiếc thuyền con
Quyết chí ra đi với hy vọng sống còn
Cho con trẻ đựơc sống đời hạnh phúc 

Rồi thoáng đó, bóng thiều quang bay vút 
Và bây giờ đã mấy chục năm qua 
Đã bao lần Tháng Bảy lại trôi qua
Đã bao lúc ngắm pháo bông rực rở 

Và tự hỏi:  biết có ai trăn trở
Nhớ tích xưa Chức Nữ với Ngưu Lang
Tháng bảy mưa Ngâu, cầu Ô Thước nhịp nhàng
Đưa ta về trùng phùng người thân cũ

Những đứa trẻ lớn lên nhớ gì về quê cũ 
Những ngườì già nằm xuống hồn phách ở nơi đâu
Nhìn người vui sao ta lại ưu sầu 
Ta viết xuống Bài Tình Thơ Tháng Bảy 

Sương Lam

Người viết lại lang thang trên internet đi tìm tài liệu về ngày lễ quốc gia quan trọng này đem về đây chia sẻ với quý bạn để chúng ta, dầu muốn dầu không, một khi đã sống ở xứ Mỹ này cũng cần nên biết tại sao dân Mỹ đã đón mừng ngày Lễ Độc Lập này một cách tưng bừng, náo nhiệt như thế?  Xin mời quý bạn đọc qua tài liệu dưới đây:

Ngày Độc lập Hoa Kỳ
Tại Hoa Kỳ, Ngày Độc Lập, còn gọi là 4 tháng 7 (the 4th of July), là một ngày lễ liên bang để kỷ niệm Tuyên ngôn Độc lập được ký năm 1776.
Ngày lễ này thường được đi kèm với những cuộc diễu hành, liên hoan ngoài trời, và nhiều buổi lễ công cộng. Từ năm 1777, pháo bông đã được đốt để đón mừng ngày lễ.
 Lịch sử
Tuy ngày 4 tháng 7 đã được kỷ niệm từ lâu, nhiều người cho rằng ngày này không chính xác. Trong cuộc Chiến tranh Cách mạng, những người thuộc địa ở vùng Tân Anh (New England) đã đấu với Anh từ tháng 4 năm 1775. Kiến nghị đầu tiên trong Quốc hội Lục địa để giành độc lập được đưa ra trong ngày 8 tháng 6. Sau khi có nhiều bàn cãi, Hội nghị đã bí mật bầu (12-0) đòi độc lập từ Đế quốc Anh trong ngày 2 tháng 7. Hội nghị sau đó sửa đổi văn bản tuyên ngôn cho đến sau 11 giờ ngày 4 tháng 7, khi 12 thuộc địa bầu chấp nhận và đưa ra một phiên bản chưa ký cho các nhà in. (New York không bầu trong cả hai cuộc). Philadelphia đón mừng Tuyên ngôn bằng cách đọc nó với công chúng và đốt lửa mừng trong ngày 8 tháng 7. Mãi đến ngày 2 tháng 8 thì một phiên bản sạch mới được các thành viên trong hội nghị ký, nhưng vẫn giữ bí mật để họ khỏi bị quân Anh đánh trả đũa.
John Adams, được Thomas Jefferson cho là một trong những người quan trọng nhất trong phía đòi độc lập, viết thư cho vợ Abigail trong ngày 3 tháng 7 rằng ông tin rằng ngày 2 tháng 7 sẽ được kỷ niệm làm ngày độc lập trong các thế hệ tới. Ông đã sai hai ngày. Tuy biểu quyết trong ngày 2 tháng 7 là việc quyết định, ngày 4 tháng 7 là ngày được viết trong bản tuyên ngôn. Văn bản của Jefferson, sau khi được Hội nghị hiệu đính, được chấp nhận trong ngày 4. Đó cũng là ngày đầu tiên dân chúng Philadelphia nghe được tin về việc đòi độc lập chính thức này.
Phong tục
Ngày Độc lập được chào đón với những biểu hiện yêu nước. Nhiều nhà chính trị thường đọc diễn văn ca ngợi các di sản và người dân của Hoa Kỳ. Các gia đình thường làm cuộc liên hoan ngoài trời, thường tụ họp với những người bà con ở xa, vì được nghỉ nhiều ngày cuối tuần hơn. Các cuộc diễn hành được diễn ra sáng ngày 4, vào buổi tối thường có pháo bông ngoạn mục. Trong dịp lễ thì nhiều gia đình treo cờ Hoa Kỳ ở trước nhà để mừng
Trong một số tiểu bang, dân thường được phép mua pháo bông nhỏ hơn để đốt. Vì lý do an toàn, một số tiểu bang cấm điều này hay hạn chế cỡ của pháo bông.
(Nguồn:  Trích trong vi.wikipedia.org)
Chúng ta là người sống trong chốn bụi hồng lao xao này đều có thất tình lục dục nên lúc nào cũng bị chìm đắm trong vui buồn, khổ hận, ghét thương mà nhà Phật gọi là phiền não.
Khi được một việc gì, một vật gì thì ta vui mừng hớn hở. Khi mất một việc gì, một vật gì thì ta buồn khổ sầu đau. Phiền não tư nhiên do tình cảm sinh ra, đôi khi do tự mình tạo ra giống như câu chuyện của bà cụ dưới đây:

Bà cụ hay khóc

Ngày xưa, có một bà lão bất kể trời nắng cũng khóc, trời mưa cũng khóc, một năm có 365 ngày, hầu hết mỗi ngày đều sống trong sự khóc lóc, người ta gọi bà là: “Bà khóc”. Một hôm có vị Cao tăng hỏi bà:
_Bà cả, tại sao bà khóc mỗi ngày không ngừng?
_Bạch thầy! Tôi sinh được hai đứa con gái, đứa lớn gả cho người bán giày, đứa nhỏ gả cho người bán dù.
Vị Cao tăng hỏi:
_Đó không phải là rất tốt sao?
_Thầy mà còn nói tốt! Tôi thật rầu muốn chết. Trời nắng dù của con gái nhỏ bán không được! Trời mưa ai mua giày của con gái lớn?
_Bà cả, chớ rầu nữa! Bà hãy nghĩ như vầy: Khi trời nắng, tiệm giày của con gái lớn sẽ bán đắt; còn lúc trời mưa, dù của con gái nhỏ cũng bán chạy. Đó không phải rất tốt sao?
_À…thì ra là vậy! Tại sao tôi không nghĩ ra?
Bà lão được vị Cao tăng chỉ dạy, liền cảm thấy sung sướng, mặt mày vui tươi. Từ đó, bà không còn buồn rầu khóc lóc nữa. Ngày trời nắng, bà lão cũng cười, lúc trời mưa bà lão cũng cười. Vẻ buồn trên mặt bà đã mất hẳn.

( Nguồn: sưu tầm trên internet)
Như vậy có phải là phiền não là do tự mình tạo ra giống như bà lão trời mưa cũng khóc, trời nắng cũng khóc là tự mình chuốc lấy phiền não rồi.  Nếu chúng ta điều chỉnh cách nhìn của một vấn đề  giống như bà lão đã làm theo lời khuyên của vị đạo sư thì chúng ta sẽ tránh được sự phiền não đang làm khổ ta, bạn nhỉ ?
Đương nhiên cuộc sống khó tránh được vướng mắc của phiền não, vấn đề là làm thế nào thoát khỏi từ sự vướng mắc đó. Vả lại, phiền não cũng là một quá trình để rèn luyện con người. Phật Giáo cho rằng: “Phiền não tức Bồ đề”, đó là nói: phiền não là con đường tất yếu để đi đến trí huệ giác ngộ. (La Vĩ Quốc)
 Nói thì dễ nhưng diệt trừ được phiền não không phải là chuyện dễ, phải không Bạn? Thội thì chúng ta cố gắng học tập và thực hành lời dạy của Đấng Cha Lành ngày một chút để cho tâm của mình được tĩnh lặng, an vui được chút nào mừng chút nấy, bạn nhé!

Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn nhé.
Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét