Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Bài số 117 Một Cõi thiền Nhàn


 Chào các bạn

Đây là bài thứ một trăm mười bảy (117) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Nếu có một người nào đó viết thư  phê bình xấu về bạn, chửi mắng, phỉ báng bạn một cách một cách thậm tệ hoặc vu cáo bạn một cách vô căn cứ, hay con cháu hổn ẩu với bạn  bạn có “nổi sùng”, “tức giận cành hông”  hay không nhỉ?
 Nếu bạn dằn đuợc không “uýnh” lại họ hay “chửi” lại họ thì bạn quả là người đáng phục đấy! Bạn là người đã chiến thắng được trân giặc Sân Hận, một trong tam độc Tham, Sân, Si mà nhà Phật đã dạy rồi.  Thiện thay! Thiện thay!

 Đọc chuyện Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, bạn cũng biết Tôn Ngộ Không dù  tài giỏi siêu quần, luôn luôn muốn bảo vệ Thầy và các sư đệ nhưng vì tính tình nóng nảy, sân hận nên đã nhiều lần bị sư phụ là Đường Tăng TamTạng đuổi ra khỏi  đoàn khi đi thỉnh kinh Tây Trúc.
 Trong lịch sử cổ kim cũng vì tánh sân hận mà nhiều người phải “bỏ mạng sa truờng” như Trương Phi, Bin Laden  v..v..
 Ngoài xã hội, cũng vì sự nóng giận mà người ta bắn giết, đâm chém nhau đến người chết, kẻ bị thương hay bị tù tội suốt đời hoặc bị án tử hình đền tội. Đến khi con người biết bình tâm tỉnh trí suy nghĩ thì đã muộn rồi.
Trong gia đình, cũng vì sự nóng giận mà vợ chồng ly tán, cốt nhục chia lìa, con cháu đau khổ, cha mẹ ông bà đau buồn.
 Trong số báo OTTB tuần qua, khi đọc mục Tâm Tình Bạn Gái, người viết cảm thấy thương cho cô bé 15 tuổi sống trong hoàn cảnh cha mẹ ly dị hiện đang sống với mẹ.  Cô bé luôn luôn bị bà mẹ ngăn cấm đủ điều và mắng chửi thô bạo khiến cô bé có cảm tưởng như mẹ cô đã trút hết bao nhiêu hận thù về ba cô lên đầu cô một cách vô lý, không công bằng.  Cô đã có lần bỏ nhà ra đi, có ý định tự tử và cũng có ý định bỏ đi tu. Thật tội nghiệp cho cô bé này hết sức với bi kịch gia đình mà cô phải gánh chịu.
Người viết đồng ý với lời khuyên của bà Bùi Bích Hà, người phụ trách mục này.  Bà Hà đã khuyên cô bé hãy cố gắng trau dồi học tập, làm lành, chấp nhận và cầu nguyện cho bà mẹ được soi sáng thức tỉnh để cùng chung sống trong tình yêu thương với nhau.
 Hy vọng rằng mọi việc sẽ có kết quả tốt đẹp vì con người vẫn còn “chút điểm lương tâm”, ai  cũng có  phút nóng  giận mà phạm lỗi, nhưng nếu biết hối lỗi ăn năn thì mọi việc sẽ an bình tốt đẹp trở lại.  Còn nếu không thể nào hàn gắn được nữa thì phải coi như đó là duyên nghiệp mà mình phải trả quả trong kiếp này cho cái nhân đã gây từ bao nhiêu kiếp trước vậy.

Người viết xin được chia sẻ với bạn một mẫu chuyện Thiền hay hay dưới đây về ích lợi của sự kềm chế sự nóng giận.  Bạn thử học cách hành xử của anh chàng Samurai trong câu chuyện này xem có được hay không nhé:

Chuyện người Samurai 

Một vị samurai đến thu nợ của người đánh cá.


Người đánh cá nói: “Tôi xin lỗi, nhưng năm vừa qua thật tệ, tôi không có đồng nào để trả ngài.”

Vị samurai nổi nóng, rút kiếm ra định giết người đánh cá ngay lập tức.

Rất nhanh trí, người đánh cá nói: “Tôi cũng đã học võ và sư phụ tôi khuyên không nên đánh nhau khi đang tức giận.”

Vị samurai nhìn người đánh cá một lúc, sau đó từ từ hạ kiếm xuống.

 “Sư phụ của ngươi rất khôn ngoan. Sư phụ của ta cũng dạy như vậy. Ðôi khi ta không kiểm soát được nỗi giận dữ của mình. Ta sẽ cho ngươi thêm một năm để trả nợ và lúc đó chỉ thiếu một xu thôi chắc chắn ta sẽ giết ngươi.”

Vị samurai trở về nhà khi đã khá muộn. Ông nhẹ nhàng đi vào nhà vì không muốn đánh thức vợ, nhưng ông ta rất bất ngờ khi thấy vợ mình và một kẻ lạ mặt mặc quần áo samurai đang ngủ trên giường. Nổi điên lên vì ghen và giận dữ, ông nâng kiếm định giết cả hai, nhưng đột nhiên lời của người đánh cá văng vẳng bên tai: “Ðừng hành động khi đang giận dữ.”
Vị samurai ngừng lại, thở sâu, sau đó cố tình gây ra tiếng động lớn. Vợ ông thức dậy ngay lập tức, kẻ lạ mặt cũng vậy, hoá ra đó chính là mẹ ông.
Ông gào lên: “Chuyện này là sao vậy. Suýt nữa con đã giết cả hai người rồi!”

Vợ ông giải thích: “Vì sợ kẻ trộm lẻn vào nhà nên thiếp đã cho mẹ mặc quần áo của chàng để doạ chúng.”

Một năm sau, người đánh cá gặp lại vị samurai. “Năm vừa qua thật tuyệt vời, tôi đến để trả nợ cho ngài đây, có cả tiền lãi nữa”, người đánh cá phấn khởi nói.

“Hãy cầm lấy tiền của ngươi đi.” Vị samurai trả lời, “Ngươi đã trả nợ rồi.”

(Nguồn: sưu tầm trên internet).

Nếu vị Samurai này không kềm hảm được sự tức giận thì ông sẽ giết cả hai người rồi và cuối cùng ông cũng sẽ bị tù tội hay bị án tử hình.  Ông đã học được bài học “Đừng hành động khi giận dữ”  từ người đánh cá và  ông đã xóa nợ cho người đánh cá. Hay quá!

Người xưa cũng đã chỉ cách cho ta làm sao thoát khỏi sự tức giận như sau:


Cách làm cho khỏi tức giận.


Người ta ở đời, đối với loài người mà gặp phải kẻ xử với mình một cách ngang ngược, thì nên coi như đi trong bụi rậm, áo vướng phải gai, chỉ nên thong thả đứng lại, gỡ dần ra mà thôi. Cái gai góc kia có biết gì mà đáng giận?

Xử được như thế, thì tâm mình không phiền não mà bao nhiêu nỗi oán hận cũng tiêu tan được ngay. Cổ nhân có câu nói:

Ta nên coi những sự ngang ngược phạm đến ta như chiếc thuyền không lỡ đâm phải ta, như cơn gió dữ tạt phải ta, ta nghĩ cho cùng, có gì mà đáng giận.

Ba câu tự phản của ông Mạnh Tử thật là cái phép để giữ thân, cái phương để nuôi tính vậy.

Vì nếu ta chỉ một mực thấy cái trái của người, thì ngay như anh em, vợ con, bè bạn, tôi tớ cho đến con gà, con chó trong nhà, thật cũng có nhiều lúc đáng làm cho ta bực.

Nếu ta việc gì cũng biết tự phản thì sự tức giận mười phần giảm ngay năm phần. Thật chẳng khác nào như người đang phải bệnh nóng sốt mà uống thuốc thanh lương vậy.

(Nguồn: sưu tầm trên internet)

 Một bài học khác mà người viết rất lấy làm tâm đắc mỗi khi đọc bài viết này vì đã giúp cho tôi rất nhiều khi hành xử công việc trong đời sống hằng ngày. Xin được chia sẻ cùng với các bạn

 Bài Học Cây Đinh

Có một cậu bé trai, nó có cái tật xấu là ưa nổi nóng quạu quọ, vì vậy, cha của nó đã đưa cho nó một túi đinh;

Lại bảo nó, mỗi khi nó có nổi nóng quạu quọ thì hãy đóng một cây đinh lên trên bờ rào phía sau vườn nhà.

Ngày thứ nhứt, nó đóng được 37 cây đinh. Và từ từ mỗi ngày số đinh được đóng lên bờ rào mỗi ít đi. Nó cũng đã phát hiện là nó đã khống chế được cái tật xấu của nó cũng như cái việc đóng những cây đinh có hơi dễ dàng,

  Cuối cùng, có một ngày kia cậu bé này cũng thấy là mình vẫn đủ nhẫn nại để không nổi lên cái tật xấu nóng nảy quạu quọ nữa, nó báo cho cha nó biết việc này.

Cha nó lại bảo nó, bắt đầu từ nay, mỗi khi nó khống chế được cái tật xấu của nó thì hãy đi nhổ một cây đinh.  

Ngày ngày trôi qua, sau cùng thì nó báo cho cha nó hay là, nó đã nhổ hết những cây đinh rồi.

Cha nó nắm tay nó, cùng đi ra sau vườn nhà và nói rằng: Con của cha, con ngoan lắm, con làm rất hay. 

Nhưng mà hãy nhìn những cái lỗ đinh trên bờ rào, cái bờ rào này không thể hồi phục được cái nguyên trạng của nó nữa. Một khi con nổi nóng thì những lời nói của con nó cũng giống như những cái lỗ cây đinh này, chúng đã để lại những vết hằn.
Giả dụ như con dùng dao đâm người ta một dao, thì bất luận là con đã nói bao nhiên lần những lời tạ lỗi, cái vết thương đó nó vẫn sẽ vĩnh viễn còn đó.

Những lời nói (xóc óc) nhức nhối cũng ví như sự nhức nhối thực tại, không làm sao chấp nhận được (dù đó chỉ là lời nói). 

Ghi chú: Giữa người và người với nhau, thường do sự kiên trì về cố chấp bởi những lỗi lầm giữa đôi bên, đã tạo nên những thương tổn vĩnh viễn cho nhau.


Nếu mọi người trong chúng ta đều có thể tự mình làm, bắt đầu có thái độ khoan dung đối với  mọi người, bạn nhất định sẽ nhận được những kết quả tốt mà bạn không hề nghĩ tới... Giúp mở cánh cửa sổ cho người ta, cũng là để cho chính mình nhìn thấy được một không gian hoàn chỉnh hơn.

 Trong cuộc sống hôn nhân gia đình hay đời sống ngoài xã hội, dĩ nhiên đôi khi chúng ta gặp nhiều điều không vừa ý. Chúng ta có toàn quyền bày tỏ ý kiến hay hành động để giải quyết những sự bất đồng này. Tuy nhiên chúng ta cần cố gắng dùng lời hòa ái  hay tình thương mà giải quyết vấn đề chứ không phải trong cơn nóng giận chúng ta có thể mắng chửi kẻ khác một cách thậm tệ hay dùng vũ lực thô bạo đối xử với nhau cho “đã cái nư” giận dữ của mình.  Một lời nói độc ác hay một cử chỉ thô bạo một khi đã được xử dụng  thì dù có được xin lỗi hay ăn năn hối lỗi đi nữa,  thì cũng vẫn để lại một vết hằn trong tâm khảm của người  nhận, giống như lời người cha dạy con trong  câu chuyện cây đinh nói trên.  Xin bạn hãy cẩn thận nhé.

Kính chúc toàn thể quý độc giả và thân hữu nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc nhé.

Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi)





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét