Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Bài số 119 Một Cõi Thiền Nhàn



Chào quý bạn,

Đây là bài thứ một trăm mười chín (119) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.


 Portland đã bắt đầu vào Xuân.  Trên đường đến trường Montclair để làm thiện nguyện trong lớp học mẫu giáo của cô cháu nội Mya, người viết đã thấy hoa đào, hoa mận đã bắt đầu trổ nụ.  Cây hoa vàng Forsythia mà người viết gọi là hoa mai xứ Mỹ để gợi nhớ màu vàng rực rỡ của hoa mai vàng ở quê nhà cũng đã nở rộ ở sân trước nhà của người viết cùng với đám hoa thủy tiên Daffodil đã đem lại chút sắc màu tươi đẹp của mùa Xuân đến với mái ấm gia đình của người viết..

  Bạn và tôi đang ra vườn chăm sóc lại sân cỏ vườn hoa nhà mình và từ đấy tôi lại có cảm hứng viết lên đôi giòng về cái vườn Thiện Tâm của Bạn, của tôi và để được tâm tìnhvới  bạn ngày hôm nay.

Con người đã có sẵn vườn Thiện Tâm Phật Tánh tốt đẹp nhưng vì vô minh che lấp cho nên mảnh vườn Thiện Tâm Phật Tánh đó bị hư hoại, cằn cỗi.  Những chất độc Tham Thân Si, những con sâu dại mang hình thức sắc tướng, ngã mạn, bầu không khí ô nhiểm thanh hương vị xúc pháp thâm nhập tràn đầy trong ngũ căn mắt tai miệng mũi lưỡi của người trần gian đã che mờ cái Chân Như tốt đẹp của mảnh vườn Thiện Tâm đó!  Cho nên muốn cho vườn hoa tươi nở trở lại, chúng ta phải quay về chính tự cái vườn Tâm của chúng ta mà tìm tòi, khám phá ra những chất độc đó, những con sâu bọ phá hoại đó, bầu không khí ô nhiểm đó để diệt trừ.
 Rồi từng ngày một, chúng ta phải săn sóc lại mảnh vườn  Thiện Tâm tốt đẹp đó với các pháp âm trong sáng cao đẹp của  Đức Phật, với lời dạy nhân ái thương yêu của Đức Chúa trên cao, với tư tưởng cao đẹp của các bậc Thánh Hiền đạo đức. Bạn và tôi cần  vun xới lại mảnh vườn Phật tánh đó với giọt nước cành dương Từ Bi, Hỷ Xả, vun phân bón gốc với  các chất dinh dưỡng của Thập Thiện  Đạo, che mưa tránh gió với những  bình phong lối chắn của Giới Định Huệ,  để mảnh vườn  Thiện Tâm đó phát triển trong Tĩnh Lặng, thanh thoát, đừng để nó thu nhập thêm những chướng khí, gió độc từ bên ngoài đưa đến làm cho những cành hoa  Phật Tâm tốt đẹp kia không thể phát triển nở hoa được.

Tóm lại, chúng ta phải tự “hồi quang phản chiếu”, phải “bản lai diện mục” để nhận thức rằng chúng ta cũng có một vị Phật trong con người của chúng ta, nhưng ta đã bị cái vô minh che lấp  cho nên không phát triển được cái Phật Tánh, cái  Thiện Tâm tốt đẹp đó!

Cổ nhân xưa đã dạy “Nhân chi sơ tính bổn thiện”.  Hãy nhìn đứa trẻ thơ khi chúng ngủ, khi chúng cười, gương  mặt  rạng rở nét thiên thần vì cái Thiện Tâm của chúng chưa bị những con sâu độc chướng nghiệp xâm nhập phá hoại. Ngày qua tháng lại, chúng lớn dần lên, nếu được chăm sóc, giáo dục tốt  trong một môi trường sinh thái tốt thì cái vườn Thiện Tâm tốt đẹp kia sẽ sản sinh những hoa  xinh trái ngọt, bằng không, thì sẽ biến thành hoa dại trái đắng. Nhưng quan trọng nhất vẫn là chính tự cá nhân đó chọn lựa hạt giống mà đương sự muốn gieo trồng vì gieo đậu thì sẽ thu hoạch đậu, trồng lúa thì sẽ gặt hái lúa, không thể nào gieo hạt lúa mà thu hoạch đậu cho được, phải không Bạn  hiền ?

Mùa Xuân đã trở về với nhân gian sau một mùa Đông lạnh lẻo giá lạnh. Trong cái giá lạnh của mùa Đông, mạch sống vẫn còn tích tụ trong cây cối đằng sau lớp vỏ cằn cỗi bên ngoài, chỉ chờ đủ phúc duyên nắng ấm thì sẽ khai hoa trổ quả trở lại.  Con người dù có bị vô minh che lấp vẫn có thể vượt thoát được những nghiệp chướng tội lỗi nếu biết trở về với bản tính lương thiện, nhân ái của mình, biết tu tâm sửa tánh  tìm đến cái hay cái đẹp của cái vườn Thiện Tâm sẵn có của mình, dứt bỏ những điều xấu ác vì nhà Phật có dạy: “Bỏ đồ đao xuống, quay đầu thành Phật  và người xưa cũng đã từng nói:  “Trong đời, con người ai cũng có lần lầm lỗi, nhưng lầm lỗi mà biết hối cải, biết nhận chân, thì chẳng còn lầm lỗi nữa .”
Câu chuyện Thiện Ác, Nhân Nghĩa, Đạo Đức cũng chỉ là những mẫu chuyện bình thường trong đời sống mà chúng ta  thường gặp hằng ngày trong cuộc sống của chúng ta nhưng  “Đường  tuy gần, chẳng đi chẳng đến, việc tuy nhỏ chẳng làm chẳng nên” cho nên  Bạn đừng bao giờ chê việc thiện nhỏ mà không làm, Bạn nhé ?

Xin  mượn những vần thơ dưới đây để làm đọan kết cho đôi giòng tản mạn về mảnh vườn Thiện Tâm sẵn có của bạn, của tôi  hôm nay:

Hãy tìm lại Tánh Phật Quang đã mất
Trong mê mờ hư ảnh Tham Sân Si
Làm cho ta phải lạc nẻo đường đi
Quanh quẩn mãi trong cõi đời sinh tử!!

Xin hãy gắng làm việc lành lánh dữ

Dẹp bỏ đi tảng đá của Vô Minh

Quay trở về tìm lại ở chính mình
Để phát triển những tánh linh sẵn có!!

Tứ Vô Lượng Tâm trổ khai hoa nở
Những hương thơm Nhẫn Nhục với Từ Bi
Giới, Định hương phải quyết chí tu trì
Thì Trí Hụê sẽ hoa khai hoa kiến Phật

Pháp Âm Phật nên lắng nghe thường nhật
Học và Hành để phát triển Thiện Căn
Giọt cành dương sẽ thâm nhập dần dần
Ta sẽ được thoát khỏi vòng  sinh tử !!

Bạn cùng tôi chớ tạo nên nghiệp dữ

Xin gieo vào những hạt thiện mầm lành
Mảnh vườn Tâm sẽ nở đẹp long lanh
Hoa Nhân Ái, Yêu Thương và Hạnh Phúc !!

 (Thơ Sương Lam)






Người viết thường dạo trên internet đi tìm tài liệu hay lạ đem về đây chia sẻ với quý cụ cao niên không có phương tiện hoặc không biết sử dụng internet.  Chúng ta có thể học nhiều bài học rất hay qua những câu chuyện này.  Xin mời bạn cùng đọc với người viết mẫu chuyẹn hay hay dưới đây:

Cây Trên Núi

Trang Tử đi núi, thấy một cây lớn, cành lá rậm rà. Người thợ đốn cây, đứng một bên mà không đốn. Hỏi duyên cớ, thì thưa rằng:
- Không dùng đặng chỗ nào hết.
Trang Tử nói:
- Cây nầy vì bất tài mà hưởng tận tuổi trời!
Ra khỏi núi. Trang Tử ghé nghỉ ngơi nhà người quen. Người quen mừng rỡ, hối trẻ giết nhạn để đãi khách.
Trẻ thưa:
- Một con biết gáy, một con không biết gáy. Giết con nào?
Chủ nhân nói:
- Giết con không biết gáy!
Bữa sau đệ tử hỏi Trang Tử:
- Hôm qua, cái cây trong núi nhờ bất tài mà sống tận được tuổi trời. Nay con nhạn của chủ nhân, thì vì bất tài mà chết. Như thế, ở địa vị của tiên sinh phải sử như thế nào?
Trang Tử cười bảo:
- Câu này thì xử vào khoảng giữa của tài và bất tài. Tài và bất tài như nhau, đều không phải cả, sao khỏi phải lụy thân. Nếu lại biết cỡi trên Đạo Đức mà ngao du thì đâu còn phải lụy như thế: Không màng khen, không sợ chê, khi cần phải lên thì bay như Rồng, khi cần phải bò, thì bò như rắn. Cùng hóa với chữa "thời" mà không chịu khư khư theo một thái độ nào nhất định. Khi lên cao, khi xuống thấp, lấy chữ hòa làm cân lượng, ngao du nơi tổ của vạn vật, xem vật là vật, mà không để cho Vật xem mình là vật, thì sao có thể bị lụy? Đó là phép tắc của Thần Nông Hoàng Đế. Đến như lấy cái tình của vạn vật mà truyền dạy về nhân luân, thì không thể, hễ có hợp là có tan, hễ có thành, phải có hủy. Hễ ngay thẳng thì bị chống đối, được tôn quý thì bị chê bai. Có làm thì có sót: Giỏi thì bị mưu tật, mà dở thì bị khinh khi, có thể nào quyết hẳn được bên nào?
Thương thay! Các đệ tử hãy ghi lấy: Chỉ có Đạo và Đức là nền tảng vững vàng để theo đó mà hành động thôi!

 (Nguồn: Trích trong Truyện Thiền trong Vườn Thiền)

 Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta thây có những vật hết sức tâm thường như cát và đá nhưng lại rất có giá trị khi chúng ta biết cách sử dụng chúng.  Người viết xin mượn câu chuyện về Cát và Đá để làm kết luận cho bài tâm tình hôm nay, bạn hé

Cát và Đá

Có hai người bạn đang dạo bước trên sa mạc. Trong chuyến đi dài, hai người nói chuyện với nhau và đã có một cuộc tranh cãi gay gắt.
Không giữ được bình tĩnh, một người đã tát người bạn của mình. Người kia rất đau nhưng không nói gì. Anh chỉ lặng lẽ viết lên cát rằng: "Hôm nay, bạn tốt nhất của tôi đã tát vào mặt tôi."
Họ tiếp tục bước đi cho tới khi nhìn thấy một ốc đảo, nơi họ quyết định sẽ dừng chân và tắm mát.
Người bạn vừa bị tát do sơ ý bị trượt chân xuống một bãi lầy và ngày càng lún sâu xuống. Nhưng người bạn kia đã kịp thời cứu anh.
Ngay sau khi hồi phục, người bạn suýt chết đuối khắc lên tảng đá dòng chữ: "Hôm nay, bạn tốt nhất của tôi đã cứu sống tôi."
Người bạn kia hết sức ngạc nhiên bèn hỏi: "Tại sao khi tớ làm cậu đau, cậu lại viết lên cát còn bây giờ lại là một tảng đá?"
Và câu trả lời anh nhận được là: "Khi ai đó làm chúng ta đau đớn, chúng ta nên viết điều đó lên cát nơi những cơn gió của sự thứ tha sẽ xóa tan những nỗi trách hờn.
Nhưng "Khi chúng ta nhận được điều tốt đẹp từ người khác, chúng ta phải ghi khắc chuyện ấy lên đá nơi không cơn gió nào có thể cuốn bay đi."

(Nguồn: Trich trong Truyện Thiền trong Vườn Thiền)

 Bạn có bao giờ làm thử chưa nhỉ? Nếu chưa, thì hãy thử làm một lần để cho tinh thần mình được thoải mái, bạn nhé..

Kính chúc toàn thể quý độc giả và thân hữu nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc nhé.

Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi)






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét