Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Bài số 120 Một Cõi Thiền Nhàn





Chào quý bạn,

Đây là bài thứ một trăm hai mươi (120) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

 Bây giờ có nhiều khán gỉả xem các phim Đại Hàn, Hồng Kông, v..v… trên các đài SBTN, Hồn Việt, v..v..  Một số khác xem phim  trên các website miễn phí  như Phim Book.com, Chuyện phim.com v..v...hay tren You tube.
 Mỗi tối, người viết  thường cùng với “người tình già trên đầu non” của tôi cùng ngồi xem phim để giải trí và để cho ấm cúng tình “không còn trẻ nữa” của mình. “Smile!”
 Mỗi người xem phim có một cảm nhận khác nhau về chuyện phim mình đang xem và tôi cũng đã học rất nhiều bài học hay từ những phim truyện này như tôi đã trình bày trong các bài viết trước đây.
 Người viết cũng thường sinh hoạt trên các diễn đàn nên gần đây được nhiều bạn bè giới thiệu phim Xuân, Hạ, Thu, Đông của Pandora. Film do Đại Hàn thực hiện được đưa lên Youtube qua link dưới đây:

 Người viết đã vào xem và rất lấy làm ngạc nhiên khi thấy đa số người Đại Hàn theo đạo Tin Lành mà lại có thể thực hiện được một bộ phim Phật Giáo đầy thiền vị như thế!
 Hình ảnh trong phim rất đẹp, thanh nhã.  Không có nhiều diễn viên, không có nhiều lời đối thoại, không có những màn đấm đá dữ dội và cũng không có những màn tình tứ nồng nàn. Chỉ có cảnh không gian u tịch, một ngôi chùa giữa một dòng sông mà người viết nghĩ đó là dòng đời nhân thế, một chiếc thuyền nhỏ đưa con người ngược xuôi giữa hai bến bờ giải thoát và phiền não.

 Nhân vật chính là một nhà sư già sống cô độc trong một ngôi chùa ở trong một thung lũng hẻo lánh, một chú tiểu con sau lớn lên thành một thanh niên bỏ núí rừng thanh tịnh về chốn phồn hoa sống cuộc đời phàm tục có vợ.  Rồi chàng lại trở thành một kẻ giết vợ, trốn chạy về nơi chùa cũ và bị bắt sau một đêm ngồi khắc bài tâm kinh do sư phụ đã viết.  Sau cùng, chàng trở về chốn cũ tu hành, trở thành sư phụ của một đứa trẻ khác đưọc mẹ đem đến và bỏ lại ở chùa.  Đứa bé này cũng có những hành động y chang sư phụ của mình khi đùa nghịch ác độc với các sinh vật vô tội như  cột đá hay bỏ đá vào miệng cá, ếch, rắn  và cười thích thú.

Ngôi chùa an tĩnh và khu rừng yên tịnh vẫn còn đấy nhưng cuộc đời con người thay đổi theo năm tháng qua Xuân, Hạ, Thu, Đông.  Con người vẫn còn có một cái Tâm ác độc khi chơi đùa với sinh vật, với con người sống chung quanh mình. Con người vẫn bị cái ái dục và lòng sân hận lôi cuốn vào bể khổ, và cuối cùng rồi cũng biết hồi đầu hướng thiện sau khi thọ lảnh hậu quả những việc mình đã tạo tác theo luật nhân quả.
  Kiếp sống con người vẫn lập đi lập lại từ thế hệ này sang thế hệ khác vớì một đời sống nặng nề như tảng đá đeo ở chân của một người muốn đi tìm hạnh phúc và chân lý với ông Phật trong tay như hình ảnh của nhà sư ở đoạn cuối bộ phim. Bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông vẫn tiếp tục quy trình cũ và con người vẫn tiếp tục khổ trong đời sống trần tục thế nhân.
 Tóm lại, đây là một phim hay, cảnh đẹp đầy thiền vị và giúp ta có một cái nhìn rõ ràng hơn về luật nhân quả và cái Tâm luôn hướng thiện của con người.  Phim dài 1:43: 17, rất đáng xem theo thiển ý của người viết.

 Là Phật tử chúng ta đều biết câu nói: “Bỏ đồ đao xuống quay đầu thành Phật” qua  sự tích Đức Phật đã hoá độ cho chàng Vô Não bỏ ý định giết Mẹ là người thứ 100  để hoàn thành công việc phải hoàn tất xâu chuổi 100 cái đầu lâu của mình.
 Con người dù có cái tâm sân hận, tàn ác nhưng nếu biết quay đầu hướng thiện làm chuyện thiện lành thì sẽ nhận lảnh kết quả tốt của việc thiện lành đó.
 Xin mời quý bạn cùng đọc với người viết câu chuyện thiền “Đường Hầm” do Trần Đình Hoành chuyển dịch và  bình luận dưới đây:

Đường hầm

Zenkai, con trai của một người hiệp sĩ đạo, đến Edo và được nhận vào làm hầu cận cho một quan chức lớn. Zenkai yêu vợ viên quan này và bị khám phá. Để tự bảo vệ, Zenkai giết viên quan. Rồi bỏ trốn cùng với vợ ông ta.
Cả hai sau đó trở thành ăn trộm. Nhưng người đàn bà quá tham lam đến nỗi Zenkai dần dần ghê tởm bà ta. Cuối cùng, Zenkai rời bà ta và đi thật xa, đến thành phố Buzen, nơi Zenkai trở thành một vị sư khất thực.

Để chuộc lại tội lỗi quá khứ, Zenkai quyết định làm một việc thiện nào đó trong đời. Biết có một con đường nguy hiểm băng qua đỉnh núi làm nhiều người chết và mang thương tật, Zenkai quyết định đào một đường hầm xuyên núi tại đó.
Ban ngày khất thực, ban đêm Zenkai đào đường hầm. Sau 30 năm, đường hầm dài 2280 feet (695 m), cao 20 feet (6,1m), và rộng 30 feet (9,15m).
Hai năm trước ngày hoàn thành, người con trai của vị quan Zenkai đã giết, nay là một kiếm sĩ tài giỏi, tìm ra được Zenkai và đến để giết thiền sư trả thù cha.
“Tôi sẽ tình nguyện trao mạng cho cậu,” Zenkai nói. “Chỉ để tôi làm xong việc này đã. Ngày nào xong, cậu có thể giết tôi.”
Vậy cậu con đợi ngày đó đến. Vài tháng trôi qua và Zendai vẫn tiếp tục đào. Cậu con chán ngồi không chẳng làm gì và bắt đầu phụ Zenkai đào. Khi đã giúp Zenkai được một năm, cậu con bắt đầu ngưỡng mộ ý‎ chí và tính cách của Zendai.
Cuối cùng đường hầm hoàn thành và mọi người có thể dùng nó và đi lại an toàn.
“Bây giờ chặt đầu tôi đi,” Zendai nói. “Việc của tôi đã xong.”
“Làm sao tôi chặt đầu của thầy của tôi được?” cậu trai trẻ hỏi với đôi mắt đẫm lệ.
.
Bình:
• Đồ tể buông đao thành Phật.
Nếu bạn chưa cướp vợ giết chồng, thì bạn vẫn còn nhiều hy vọng. Hãy vững tin vào Phật tánh tiềm tàng trong mình.
Nếu bạn đã “xóa sổ” một người vì xấu xa tội lỗi gì đó, hãy nghĩ đến Phật tánh tiềm tàng trong người đó. Nếu bạn nghĩ là người đó không có Phật tánh, thì bạn cũng không có Phật tánh.
• Tâm Phật tự nhiên chuyển hóa tâm sân.
• Trong khi đào đường hầm để giúp người đi từ bên này núi qua bên kia núi, Zenkai cũng giúp độ chàng kiếm sĩ trẻ đi từ bên này bờ đến bên kia bờ của giòng sông sân hận đau khổ
( Nguồn:Trần Đình Hoành dịch và bình)
Một câu chuyện  khác về Năm Tu SĨ  được trích từ  quyển sách The Song Of the Bird (Như Tiếng Chim Ca) của LM Anthony de Millo đưọc GS Đỗ Tấn Hưng dịch sẽ giúp ta tim hiểu ai là người cuối cùng đi  đến  được cái đích của mục tiêu mình muốn đến:

NĂM TU SĨ

Vị La-ma ở phương Nam thỉnh cầu vị Đại La-ma ở phương Bắc phái một tu sĩ khôn ngoan và thánh thiện để huấn luyện tập sinh. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, vị Đại La-ma đã phái đi năm tu sĩ thay vì một. Đối với những người muốn biết tại sao, ngài đã nói một cách khó hiểu: "Nếu chỉ có một tu sĩ đến được với vị La-ma ở phương Nam thì là may mắn lắm rồi."
Năm tu sĩ lên đường được vài ngày, một sứ giả chạy theo và nói: "Vị sư trụ trì làng xã chúng tôi vừa viên tịch. Chúng tôi cần người thay thế."
Làng đó ở vào một nơi cảnh trí ngoạn mục và bổng lộc vị sư trụ trì lại hậu. Một trong các tu sĩ cảm thấy ưu tư đối với vấn đề mục vụ cho dân làng nên nói: "Tôi sẽ không phải là một Phật tử, nếu tôi không phục vụ những người nầy."
Vì vậy, thầy đã tách ra khỏi đoàn.
Vài ngày sau, họ tạm trú trong lâu đài của một vì vua có lòng hâm mộ một trong các tu sĩ nên ngài đã phán: "Khanh hãy ở lại đây với trẩm và làm phò mã. Khi trẩm băng hà, khanh sẽ nối ngôi." Tu sĩ đó đã bị hấp dẫn bởi vẻ hào nhoáng của ngai vàng nên nói: "Có cách nào tốt hơn để ảnh hưởng dân nước nầy cho bằng lên ngôi hoàng đế? Tôi sẽ không phải là một Phật tử, nếu tôi không nhân cơ hội nầy để hoằng dương đạo pháp."
Thầy cũng tách ra khỏi đoàn.
Một đêm kia, ở trong một vùng đồi núi, họ tới một chòi tranh lẻ loi mà chỉ có mỗi một cô gái trẻ đẹp tiếp đón họ và cảm ơn Trời Phật đã cho họ có mặt. Cha mẹ của cô vừa bị bọn cướp ở trên xuống giết chết, còn lại một mình cô sống trong phập phồng lo sợ.
Ngày hôm sau, khi đến giờ chia tay, một tu sĩ tuyên bố: "Tôi sẽ ở lại nơi đây. Tôi sẽ không phải là một Phật tử, nếu tôi không có lòng trắc ẩn đối với cô gái nầy."
Hai vị tu sĩ còn lại cuối cùng đã tới một làng Phật giáo và cảm thấy đau lòng khi khám phá ra rằng dân làng đã hoàn toàn bỏ đạo dưới ảnh hưởng của một thần học gia Ấn Độ. Một tu sĩ nói: "Tôi mang nợ đối với những người nầy và đối với chính Đức Phật Tổ  nên tôi phải đem họ trở về với đạo pháp."
Cuối cùng tu sĩ thứ năm đã tới được với vị La-ma ở phương Nam.

Nhiều lần, tôi đã tách riêng ra vì những lý do chính đáng nhất trên đời: nào là để cải tổ phụng vụ, để thay đổi cơ cấu của Giáo Hội, để cập nhật hóa việc nghiên cứu Thánh Kinh và để thích nghi hóa khoa thần học. Sinh hoạt đạo giáo là cách thoát ly khỏi Chúa được  tôi ưa thích nhất.
 ( Nguồn: trích trong Như Tiếng Chim Ca- Dịch giả Đỗ Tấn Hưng)
Xin chúc quý bạn vẫn bền tâm và tinh tấn trên đường học đạo và phụng sự Đạo, bạn nhé.

Kính chúc toàn thể quý độc giả và thân hữu nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc nhé.

Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét