Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Bài số 123 Một Cõi Thiền Nhàn




Chào quý bạn,

Đây là bài thứ một trăm hai mươi ba (123) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

 Nhiều thân hữu và độc giả của ORTB  khi đọc Một Cõi Thiền Nhàn của người viết tưởng rằng người viết là một  “thiền gỉả” nên đã hỏi tôi phương pháp Thiền nào là tốt nhất và xin được tôi hướng dẫn về Thiền.
  Người viết đã nhiều lần thành thật trình thưa với quý bạn rằng người viết chỉ là một người đi sưu tầm các tài liệu hay lạ và hữu ích về Thiền trên internet hay qua sách báo đã đọc hoặc qua email bạn gửi đem về đây chia sẻ với quý bạn để chúng ta có một kiến thức về Thiền mà thôi, chứ người viết chưa có phúc duyên là đệ tử chính thức của một Thiền sư nào cả và cũng chưa thực hành Thiền một cách rốt ráo nữa.
Bởi thế tôi không dám đưa ra một ý kiến nào cả mà chỉ biết trả lời rằng: “Nếu muốn tập Thiền một cách có hiệu quả và có lợi ích về tinh thần lẫn sức khỏe, quý bạn cần phải được một vị minh sư tại các tu viện hay thánh đường hướng dẫn rõ ràng và thực hành đúng phương pháp, nếu không thì bạn sẽ bị “tẩu hỏa nhập ma” bây giờ. Bạn nên cẩn thận nhé!

 Cũng nhân nói về Thiền, người viết xin được chia sẻ với quý bạn mẫu chuyện nho nhỏ dưới đây:

Thiền là gì?

Có lần một thiền sinh về thăm thiền viện Tassajara của cố thiền sư Shunryu Suzuki, anh có dẫn theo hai đứa con mình, 6 tuổi và 8 tuổi.
Sau một ngày vui chơi và sinh hoạt với đại chúng trong thiền viện, buổi tối khi sửa soạn cho các cháu đi ngủ, chúng chợt hỏi anh :
“Ba ơi, Thiền là gì?” ?
Anh im lặng suy nghĩ một lúc, rồi nói với các cháu:
“Sáng mai hai con hãy đi hỏi các thầy cô ở đây câu hỏi ấy đi, và rồi kể cho ba nghe!”
Và đây là những câu trả lời mà các em nhận được từ các thầy cô ở thiền viện Tassajara.

Thiền là gì?

Thiền là thấy và hiểu được điều tự nhiên của mọi vật
Thiền chỉ đơn giản là lắng nghe tiếng chim hót mỗi sáng
Thiền là chú ý
Thiền là luôn luôn tử tế với chính mình và mọi người chung quanh
Thiền là khám phá chính ta
Thiền là có mặt trong mỗi giây phút, và làm hết sức mình với một con tim thương yêu
Thiền là một đóa hoa ăn ánh mặt trời
Thiền là tìm một sự an lạc và đồng nhất trong tâm
Thiền là suy nghĩ sáng tỏ
Thiền là không có một cái tôi
Thiền là xây dựng
Thiền là có đôi lúc vui thích và có những lúc không mấy vui thích
Thiền là biết thương yêu những gì đang có mặt.

( Nguồn: sưu tầm trên intenet)

 Người viết xin mời bạn đọc thêm  một tài liệu khác về Thiền  cũng được người viết sưu tầm trên internet đem về đây tóm tắt ý chính như sau:

 Sống thọ hơn 90 tuổi: Tập thiền giản dị
 Sống ở đời chẳng ai muốn đau khổ và ai cũng muốn hạnh phúc .
 Trong cuộc nhân sinh , người ta tìm đủ cách để ngăn ngừa đau khổ hoặc làm vơi đi sự đau khổ, nhưng mục đích chính yếu của người đời vẫn đi tìm hạnh phúc bằng các phương tiện vật chất, không ai nghĩ rằng hạnh phúc là do sự suy nghĩ của chính mình, nói một cách khác hạnh phúc là do tinh thần chứ không phải do thỏa mãn các nhu cầu vật chất.
 Tiến bộ khoa học đã giúp nhiều cho con người trong việc nâng cao đời sống và làm giảm bớt những đau khổ, nhưng những tiến bộ đó rõ ràng là không giảm thiểu được những cái khổ của tuổi già, bệnh tật, nghèo đói, hận thù... Như vậy chỉ có sự rèn luyện tinh thần thì mới làm cho con người vượt thoát được những đau khổ này.
 Một trong những phương cách hữu hiệu để tâm hồn được bình an chính là thực tập thiền. Thiền có công năng giúp thân tâm an lạc, thấy được thực tại của hoàn cảnh và bản thân mình. Chính nhờ cái thấy này mà chúng ta thoát khỏi những ràng buộc và những bất an ở trong chúng ta. Một cách đơn giản chúng ta có thể rèn luyện thân thể bằng nhiều cách: điền kinh, bơi lội, thể dục... để thân thể được khỏe mạnh nhưng chúng ta có làm gì để tập luyện tinh thần chưa? Đầu óc chúng ta luôn luôn suy nghĩ cả ngày lẫn đêm, không bao giờ được ngơi nghỉ, chúng ta không quan tâm chăm sóc đến nó. Đó là điều thiếu sót lớn. Tập thiền có thể là phương pháp tốt nhất để chúng ta tập luyện tinh thần .
 Nhắc đến Thiền chúng ta đều nghĩ rằng việc tập thiền chỉ dành cho người dư ăn, dư mặc, người già nua, người rỗi rảnh và phải có một không gian và thời gian thích hợp cho việc tập thiền. Quan niệm này hoàn toàn không đúng. Thiền có thể tập ở mọi nơi, mọi lúc, không đòi hỏi bất cứ một điều kiện gì ngoài cái ý muốn tập thiền của chính chúng ta. Lâu nay chúng ta nghĩ đến thiền là phải tọa thiền , nhưng thiền còn có nhiều phương pháp khác nhau: thở thiền, đi thiền, nằm thiền, làm việc thiền, nghỉ thiền...
 Tập thiền không cần những lý thuyết cao siêu hoặc thực hành khó khăn mà chỉ cần những phương pháp luyện tập giản dị để di dưỡng tinh thần và điều hòa thân xác
. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết: "Thiền là đem tâm trở về với thân, đem tâm trở về với tâm, để giúp ta thiết lập được thân và tâm trong giây phút hiện tại... Không phải chỉ trong tư thế ngồi thiền ta mới làm được chuyện này. Khi ta giặt áo, tưới rau, lái xe, rửa bát... ta cũng có thể đặt mình trong trạng thái thân tâm nhất như ấy".
Tài liệu này nói về các phương pháp tập Thiền giản dị như sau :
 1.- Chú ý đến hơi thở vào và hơi thở ra.
2.-  Đi bộ. (Thiền hành)
3.- Làm việc phải chú tâm và biết mình đang làm gì.
4.- Nghỉ ngơi thoải mái trong những ngày nghỉ làm.
5.- Thư giãn  bằng cách tập thiền nằm, không suy nghĩ gì hết.
6.- Ý thức trong chánh niệm để cho tâm không bị động do tác động ở bên ngoài.
7.- Cảm xúc khi buồn giận phải trở về với hơi thở chánh niệm.
8.- Sám hối những lỗi lầm đã phạm.
Trong bài nầy tác giả không đề cập đến những pháp thiền cao như tọa thiền, đòi hỏi hành giả phải khổ luyện công phu mà chỉ nêu lên một vài phương pháp tập thiền giản dị mà mọi người đều có thể thực hành được.
Thiền là giữ tâm tỉnh táo, linh động để tập trung nhìn sự vật hiện hữu rõ ràng như nó là, phát triển lòng nhân ái, biết mình là ai, ở đâu và đang làm gì.
 Trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta đều phải ý thức một cách rõ ràng các hành động của chúng ta. Trong việc làm, chúng ta cũng chỉ chú tâm vào việc mà chúng ta đang làm như ăn thì chỉ biết ăn không nghĩ đến thị trường chứng khoán trồi sụt , nghe nhạc thì không càm ràm con cái , lái xe thì phải chăm chú lái không bực dọc vì một vết trầy của một chiếc xe nào đó mới vừa chạm phải ...Trong cảm xúc chúng ta phải biết tiết chế các các cảm xúc mạnh bằng cách xem các cảm xúc đó (giận hờn, thù ghét, đau khổ ....) như là một đối tượng để quan sát. Thực hiện đúng các điều trên là chúng ta đã thực hành được thiền và chúng ta sẽ được thảnh thơi, an lạc.
(Nguồn: trích trong Tin Tức Cao Niên)
 Riêng đối với người viết thì nếu có thêm tinh thần lạc quan trong cuộc sống cũng là một cách giúp ta sống vui sống khỏe bên cạnh các phương pháp tập Thiền trong tĩnh lặng và giản dị nói trên.  Bạn đồng ý chứ?
 Người viết xin mượn bài thơ vui dưới đây để làm kết luận cho câu chuyện tâm tình hôm nay, bạn nhé.
 Lo Lắng
Có hai chuyện phải lo lắng:
Hoặc là bạn khỏe mạnh hoặc bạn bị đau.

Nếu khỏe mạnh, thì chẳng có gì phải lo lắng
Nếu bị đau, thì có hai điều phải lo lắng:
Hoặc sẽ được bình phục hoặc sẽ chết.

Nếu đưọc bình phục, thì chẳng có gì phải lo lắng.
Nếu bị chết, thì có hai điều phải lo lắng.
Hoặc lên thiên đàng hoặc xuống địa ngục.

Nếu lên thiên đàng, thì chẳng có gì phải lo lắng.
Nếu xuống địa ngục, thì sẽ bận tíu tít bắt tay bạn bè cũ,
còn thì giờ đâu nữa mà lo với lắng...
Thế thì tại sao bạn phải lo???

Kính chúc toàn thể quý độc giả và thân hữu nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn.

Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét