Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

bài số 109 Một Cõi Thiền Nhàn



http://i195.photobucket.com/albums/z149/minh40/HinhtrenORTB/CMGSVV-MinhvaSL.jpg?t=1353884872

Chào quý bạn,

Đây là bài thứ một trăm lẻ chín (109) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Một mùa Giáng Sinh nữa lại đến với chúng ta, những người con nước Việt đang sống ở nước người.
  Người viết không phải là một tín hữu Thiên Chúa, Tin Lành, hay Cơ Đốc giáo nhưng vẫn luôn chia sẻ niềm vui với những người bạn thuộc các tôn giáo này trong dịp lễ Giáng Sinh hằng năm.
 Đức Phật đản sinh hay Chúa ra đời với mục đích dạy con người làm lành lánh dữ, lấy hai chữ Thiện Tâm làm nền tảng cho mọi suy nghĩ, mọi hành động thì chúng ta cần phải  tâm tâm niệm niệm rằng hai chữ Thiện Tâm là căn bản cho mọi sự việc trên đời:

Tháng Chạp đến với đèn hoa rực rỡ
Người người mừng chào đón Lễ Giáng Sinh
Trời mùa Đông nhưng vẫn thấy ấm tình
Tình Nhân Loại, Thương Yêu và Bác Ái

Thiện Tâm ấy nào phân chia tông phái
Chúa trên cao hay Phật ngự tòa sen
Thương kẻ trần không phân biệt sang hèn
Khuyên người phải biết thương yêu, giúp đở

 (Thơ Sương Lam)

 Trong khi chúng ta được sống trong chăn êm nệm ấm, đầy đủ thức ăn thức uống thì cũng có biết bao nhiêu người đang đói lạnh bên ngoài.  Đó là hồng phúc mà chúng ta được ơn trên ban thưởng, có thể vì lòng từ tâm, thiện duyên tốt đẹp mà ta đã gieo trồng từ bao nhiêu kiếp sống trước đây, có thể là do chúng ta đã siêng năng làm việc nên bây giờ mới được hưởng thành quả như thế.
 Dù bởi vì bất cứ nguyên nhân nào đi nữa, chúng ta vẫn là những ngưòi sung sướng trong hiện tại trong khi bao nhiêu kẻ phải lầm than đói khổ, phải không Bạn?
Một khi đã có đầy đủ cơm ăn, áo mặc như thế thì chúng ta cũng nên tạ ơn Phật, Trời đã ban phúc lành cho chúng ta có được một sức khỏe tốt, có được một tinh thần minh mẫn để làm việc, để giúp đỡ những người đáng thương hơn mình.

 Bạn và tôi sau khi trải qua những ngày tháng sống thiếu thốn nơi trại tỵ nạn đã đến xứ Mỹ với hai bàn tay trắng, chắc chắn sẽ không bao giờ quên được những gian khổ trong bước đầu làm lại cuộc đời nơi xứ lạ.
Tôi vẫn còn nhớ đến những giỏ thức ăn đặt trước cửa nhà tôi vào những ngày trước Lễ Giáng Sinh do các cơ quan từ thiện biếu tặng cho những nguời mới đến định cư nơi xứ Mỹ.  Thật ngỡ ngàng! Thật cảm động!
Những người bạn mới này dĩ nhiên là họ không bao giờ biết chúng tôi là ai trong quá khứ, nhưng hiện tại,  họ biết gia đình chúng tôi là những người mới đến cần được sự giúp đỡ, thương yêu  nên họ đã ra tay giúp đỡ! Thế thôi!
Họ cũng không cần chúng tôi phải đền ân họ vì chúng tôi cũng chẳng biết họ là ai.
Chính những ân tình này đã làm cho cuộc đời thêm nở hoa vì con người vẫn còn biết yêu thương nhau và câu nói “nhân chi sơ tính bổn thiện” theo thiển nghĩ của tôi, vẫn đúng muôn đời.
Tâm tính của con người một phần do trời sinh, một phần do sự gìáo dục của gia đình, học đường và một phần  quan trọng không kém do ảnh hưởng của hoàn cảnh, xã hội, môi trường  chúng ta  đang sống, tuổi tác chúng ta đang có.

 Nhờ có cơ hội được tiếp xúc với nhiều người, người viết đã được nghe nhiều tâm sự của nhiều người. Mỗi  gia đình, mỗi cá nhân đều có niềm vui nỗi khổ riêng mà không gia đình nào giống gia đình nào, không cá nhân nào giống cá nhân nào.
Niềm vui hay nỗi buồn, hạnh phúc hay đau khổ không có đơn vị đo lường thì người ngoài làm sao biết được nó to hay nhỏ, nó nặng hay nhẹ? Chỉ riêng những  người trong cuộc mới thấu hiểu, mới cảm nhận, mới thấm thía mà thôi.  Bạn đồng ý chứ?
Bạn đừng thấy một người luôn cười nói huyên thiên ngoài mặt mà cho rằng họ đang hạnh phúc.  Nhiều khi bạn lầm đấy nhé!
 Bạn cũng đừng thấy một người đang vật vả khóc than mà cho rằng họ đang đau khổ.  Chưa chắc đúng đâu bạn ạ!
Nếu đúng tất cả thì người xưa đã chẳng cần phải thốt: “Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười”.
 Cái quan trọng trong sự vui mừng hay đau khổ đó là người trong cuộc có thể tự  “control” được hay không (ngưòi  viết tạm dịch là tự chế ngự, tự kềm chế) và phương cách, thái độ đối phó với những cảm xúc vui buồn đó như thế nào mà thôi. Chúng ta cần phải chấp nhận sự việc đã xãy ra, cũng cần có thái độ lạc quan và lòng vị tha để giải quyết vấn đề thì tinh thần mới an lạc được.  Đúng không bạn?

Trong mùa Giáng Sinh này khi sinh hoạt trên diễn đàn Đại Học Văn Khoa,  sư huynh John Tran đã đưa lên một  bài viết hay, hợp thời, họp tình, hợp cảnh trong lúc này.
Người viết xin mang về đây chia sẻ với quý bạn nhé.

Bình an dưới thế cho người thiện tâm

Trong Mùa Lễ Hội này mình hay nghĩ đến câu “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm.” 

Nếu đọc lại lời chúc “bình an”, thì thường là khi ta chúc “bình an” có nghĩa là:
(1)  ta không thường xuyên có bình an,  
(2) bình an là điều quý giá nhất.

Nếu nhìn lại đời sống của ta và của mọi người quanh ta, có lẽ ta sẽ thấy được 2 điều trên tự minh chứng là đúng như 2 định đề.

1. Ta không thường xuyên có bình an: Ra đường thì đánh vật với giao thông và các quý vị dành đường. Vào sở làm là có thể bốc điện thoại chửi nhau với đối thủ; và đôi khi đấu đá ngay cả với bạn cùng sở cùng phòng. Cả ngày stress vì chạy đua với đồng hồ, về nhà thi lo lắng đủ chuyện nhà cửa con cái, hay tình duyên lấn cấn giữa vợ chồng, hay vấn đề với anh chị em hay bè bạn…

2. Và ai trong chúng ta đã biết stress bao vây ta hàng ngày thế nào thì đương nhiên là biết điều quý‎ nhất cho đời sống của ta không phải là tiền bạc, danh tiếng, địa vị, quyền lực… mà là stress-free, một cuộc sống không có stress. Tức là một cuộc sống bình an, an lạc.

Nhưng làm thế nào để ta có cuộc sống stress free, hay ít nhất cũng là ít stress ?

Câu trả lời rất hiển nhiên là:
1. Đừng tạo stress. Phần lớn stress là do ta tạo ra. Ví dụ: Vì l‎ý do gì đó ta muốn chửi anh kia một trận, và nếu ta chửi anh ta thật thì,
 (a) ta tự tạo stress cho mình trước và
 (b) ta có thể tạo stress cho anh kia.
2. Đừng chấp trước. Nếu người ta chửi mình hay hạ nhục mình mà mình cứ có cảm giác như nghe nhạc Beethoven thì mình sẽ không bị stress. Đây là công phu thâm hậu của các bậc thầy, không chấp vào điều gì cả.

Hoặc ở một mức cao hơn, ta yêu thương thế giới và cả loài người
, vì khi yêu thương như thế thì ta tự động không tạo stress và không chấp trước điều gì ai làm cả.
Đây chính là tình yêu vô điều kiện Chua Giêsu dạy.

Cho nên các bạn, để thế giới chúng ta có được hòa bình thì mỗi người chúng ta cần phải “đừng tao stress” và “đừng chấp trước”. Ngược lại ta nên thực tập “yêu tất cả mọi người vô điều kiện”.
Nếu các bạn nhận thơ rác tiếng Việt thường xuyên thì đương nhiên là thấy 95% các thơ rác ta nhận là thơ chửi bới, gây lộn và tạo stress cùng mình.

Cho nên con người chúng ta không có bình an không phải là vì Chúa/Phật không thương ta hay không lo cho ta, mà vì chúng ta tự tạo chiến tranh và stress.
Hãy lọc các loại thơ rác đó vào thùng rác. Và mọi thứ rác khác chúng ta đang mang trong đầu, cũng nên cho vào thùng rác hết đi. Rồi ứng xử với nhau bằng một thái độ và không khí đầy tình yêu và an bình giữa anh chị em, để ta có thể có “bình an dưới thế cho người thiện tâm.”
Bình an dưới thế thật sự là do chúng ta cho nhau, chẳng từ trời mà đến. Chúa Giêsu đến từ trời để dạy ta yêu nhau, để ta có thể sống stress-free với nhau. Nhưng stress hay peace, là do ta mang cho nhau, chứ chẳng phải từ trời.
Hãy tạo bình an cho chính mình và cho trần thế của mình.
Chúc các bạn một ngày đầy bình an.

(Nguồn: trích trong Diễn Đàn Đại Học Văn Khoa- Cám ơn sư huynh John Trần)

 Bạn có cảm thấy thú vị hay không khi đọc bài viết trên? Nguời viết thiển nghĩ đây là những lời khuyên hữu ích và thực tế nhất giúp chúng ta sống vui sống khoẻ trong cuộc đời.

Người viết  cũng xin mượn các vần thơ dưới đây để làm kết luận cho bài tâm tình hôm nay, bạn nhé:

Quen hay lạ vẫn nụ cười cởi mở
Đưa bàn tay nắm lấy một bàn tay
Trao cho nhau lời chúc tốt đẹp này:
Chúc tất cả được bình an dưới thế”

 Xin chúc quý bạn có được những phút giây vui vẻ với những ngưòi thân trong gia đinh  trong mùa Giáng Sinh và Một Năm Mới An Khang Thịnh Vượng nhé.

 Merry Christmas and Happy New Year


Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-ORTB505-12-23-11)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét