Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

Bài số 111 Một Cõi Thiền Nhàn



http://i195.photobucket.com/albums/z149/minh40/HinhtrenORTB/thongdongtutai.jpg?t=1352869250


Thay Đổi Cách  Sống

Chào quý bạn,

Đây là bài thứ một trăm mười một  (111) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Bây giờ đã bắt đầu một năm mới.  Mọi người dần dần làm quen với những sinh hoạt của năm mới như khi viết “check” trả tiền nhà, tiền điện, tiền  bảo hiểm v..v.. bạn phải để ý đề ngày cho đúng năm 2012 nhé.

Thông thường trước khi bước sang năm mới, nhiều cơ quan đều làm bảng tổng kết những thành tích năm vừa qua và hoạch định một chương trình hoạt động cho năm tới để làm sao đạt được nhiều thắng lợi hơn năm cũ.

 Có những cá nhân nhân dịp đầu năm này cũng thiết lập một chương trình sinh hoạt riêng cho mình:  ăn uống, tập thể dục như thế nào để làm sao không cho “phát triển  thêm bề ngang”.  Quý vị phu nhân ở xứ Mỹ này đều sợ bị chê là “phì nhiêu” quá!  Quý bà ai cũng muốn được khen là: “Dạo này chị ốm bớt nên mặc áo dài có eo ghê!”  Thích nhé!
Còn quý ông cũng nhất quyết lên kế hoạch kiêng uống rượu, kiêng hút thuốc, bớt ăn chất béo để cho lượng Cholesterol không tăng theo “cấp số nhân” và không bị cao máu nhiều hơn năm cũ nữa để mà sống hưởng phước với số tiền hưu trí của ông Obama phát hàng tháng .  Vui nhỉ!

Hôm nay người viết vừa mới nghe  xong bài thuyết giảng của Hoà Thượng Tịnh Không trên internet  về đề tài  “Thay đổi cách sống”, xin được chia sẻ cùng các bạn.
 Hòa Thượng đã nêu lên quan niệm giáo dục đạo đức đời sống của Đông Phương Trung Quốc và Tây Phương Âu Mỹ. 
 Đông Phương cho rằng đời người có bốn giai đoạn như bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông của đất trời.

1. Dưới 20 tuổi như Mùa Xuân  con nguời cần phải được giáo dục đạo đức.
2. Từ 20 - 40 tuổi như mùa Hạ con người cần phục vụ xã hội.
3. Từ 40 - 60 tuổi như mùa Thu con người cần truyền trao kinh nghiệm cho người kế thừa.
4. Sau 60 tuổi như mùa Đông con người cần về hưu để hưởng phước.

 Trong khi đó Tây Phương lại quan niệm:
1.  Tuổi trẻ là tuổi để hưởng thụ cho nên tuổi thơ được ví như đang sống trong thiên đàng.
2. Tuổi trung niên sống trong chiến trường tranh đua danh lợi
3. Tưổi già  sống buồn thảm  đi vào phần mộ.

Theo lời trình bày kể trên chúng ta cần phải chọn lựa và thay đổi cách sống như thế nào để có thể sống một cuộc đờì an vui hạnh phúc, bạn nhỉ?

Chúa hay Phật đều dạy rằng: Con người nếu không biết tu phước tích đức thì sẽ tạo ra nhiều nghiệp tội. Những chủng tử thiện ác đó đều được lưu vào A Lại Gia Thức của chúng ta và theo ta từ kiếp này sang kiếp khác rồi tùy duyên mà phát sinh ra để con người được hưởng quả lành hay nhận quả ác do những nghiệp nhân mà chính ta tạo tác từ vô lượng kiếp sống của chúng ta.  Gieo nhân nào thì sẽ gặt quả nấy ví như gieo hạt đậu thì sẽ hái được trái đậu, gieo hạt cam thì hái được trái cam chứ không thể nào gieo hạt đậu mà hái được trái cam.  Bạn đồng ý chứ?

Chúng ta cần phải thay đổi cách sống si mê lầm lỗi của ta, bỏ bớt dần những suy nghĩ, hành động, ngôn ngữ mang tính ác biến đổi thành những suy nghĩ, hành động, ngôn ngữ  mang tính thiện để tạo niềm vui cho người và cũng cho chính mình nữa như câu chuyện dưới đây:

 Cho và Nhận

Một hôm, một sinh viên trẻ có dịp đi dạo với giáo sư của mình. Vị giáo sư này vẫn thường được các sinh viên gọi thân mật bằng tên "người bạn của sinh viên" vì sự thân thiện và tốt bụng của ông đối với học sinh.
Trên đường đi, hai người bắt gặp một đôi giày cũ nằm giữa đường. Họ cho rằng đó là đôi giày của một nông dân nghèo làm việc ở một cánh đồng gần bên, có lẽ ông ta đang chuẩn bị kết thúc ngày làm việc của mình.
Anh sinh viên quay sang nói với vị giáo sư: "Chúng ta hãy thử trêu chọc người nông dân xem sao. Em sẽ giấu giày của ông ta rồi thầy và em cùng trốn vào sau những bụi cây kia để xem thái độ ông ta ra sao khi không tìm thấy đôi giày."
Vị giáo sư ngăn lại: "Này, anh bạn trẻ, chúng ta đừng bao giờ đem những người nghèo ra để trêu chọc mua vui cho bản thân. Nhưng em là một sinh viên khá giả, em có thể tìm cho mình một niềm vui lớn hơn nhiều nhờ vào người nông dân này đấy. Em hãy đặt một đồng tiền vàng vào mỗi chiếc giày của ông ta và chờ xem phản ứng ông ta ra sao."
Người sinh viên làm như lời vị giáo sư chỉ dẫn, sau đó cả hai cùng trốn vào sau bụi cây gần đó.
Chẳng mấy chốc người nông dân đã xong việc và băng qua cánh đồng đến nơi đặt giày và áo khoác của mình. Người nông dân vừa mặc áo khoác vừa xỏ chân vào một chiếc giày thì cảm thấy có vật gì cứng cứng bên trong, ông ta cúi xuống xem đó là vật gì và tìm thấy một đồng tiền vàng. Sự kinh ngạc bàng hoàng hiện rõ trên gương mặt ông. Ông ta chăm chú nhìn đồng tiền, lật hai mặt đồng tiền qua lại và ngắm nhìn thật kỹ. Rồi ông nhìn khắp xung quanh nhưng chẳng thấy ai. Lúc bấy giờ ông bỏ đồng tiền vào túi, và tiếp tục xỏ chân vào chiếc giày còn lại. Sự ngạc nhiên của ông dường như được nhân lên gấp bội, khi ông tìm thấy đồng tiền vàng thứ hai bên trong chiếc giày. Với cảm xúc tràn ngập trong lòng, người nông dân quì xuống, ngước mặt lên trời và đọc to lời cảm tạ chân thành của mình. Ông bày tỏ sự cảm tạ đối với bàn tay vô hình nhưng hào phóng đã đem lại một món quà đúng lúc, cứu giúp gia đình ông khỏi cảnh túng quẫn, người vợ bệnh tật không ai chăm sóc và đàn con đang thiếu ăn.
Anh sinh viên lặng người đi vì xúc động, nước mắt giàn giụa. Vị giáo sư lên tiếng: "Bây giờ em có cảm thấy vui hơn lúc trước nếu như em đem ông ta ra làm trò đùa không?" Người thanh niên trả lời: "Giáo sư đã dạy cho em một bài học mà em sẽ không bao giờ quên. Đến bây giờ em mới hiểu được ý nghĩa thật sự của câu nói mà trước đây em không hiểu: "Cho đi là hạnh phúc hơn nhận về".
(Nguồn: sưu tầm trên internet)

 Cậu sinh viên này đã thay đổi cuộc sống cho người nông dân và cho ngay cả chính mình.  Người nông dân đã có tiền chửa bịnh cho vợ và mua thức ăn cho đàn con.  Người sinh viên đã thay đổi tính ác đem người ra làm trò đùa thành người làm việc thiện là cho đi đồng tiền của mình để giúp người đang cần sự giúp đỡ và tìm thấy niềm vui trong sự cho đấy.

Bạn và tôi chắc chắn cũng đã từng gặp nhiều người cho ra thì ít mà muốn nhận lại thì nhiều. Những người này tiết kiệm từng nụ cười, từng lời nói ngọt ngào không chịu trao cho bạn bè thân hữu, thân nhân quyến thuộc mà lại đòi hỏi người khác phải đối xử tốt với mình, phải ngọt ngào với mình. Dĩ nhiên, nếu là một người có lương tâm trong sáng, bạn sẽ cho đấy là không công bằng (unfair) rồi đấy nhỉ? 
Nói theo kiểu bình dân thông thường là “tiền trao cháo múc”, ít ra bạn phải đưa ra một số tiền nào đó thì mới nhận được tô cháo kia, chứ tại sao lại muốn nhận vào mà không chịu đưa ra. Lạ thật!
Cũng vậy, muốn nhận nụ cười, tình thương mến nơi người khác thì chúng ta phải trao cho họ nụ cười và tình thương mến trước chứ đừng đòi hỏi họ phải trao cho mình nụ cười, tình thương mến trước rồi mình sẽ trao lại sau hoặc là không trao lại gì cả. Hãy cho đi rồi bạn sẽ được nhận lại thì đời sống sẽ tốt đẹp hơn như câu chuyện của Mẹ Theresa dưới đây:

Hãy cho nhau nụ cười

Có lần mẹ Têrêsa thành Calcutta kể lại câu chuyện như sau:

Nhiều người đến thăm tôi tại Calcutta và trước khi ra về thường ngỏ ý với tôi: “Xin cho chúng tôi một lời khuyên để chúng tôi sống tốt đẹp hơn”.
Tôi liền bảo họ: “Quý vị hãy về và hãy ban tặng cho nhau những nụ cười. Một nụ cười cho vợ của ông. Một nụ cười cho chồng của bà. Một nụ cười cho con cái của ông bà. Hãy cười tươi với tất cả mọi người, bất luận người đó là ai. Với những nụ cười tươi như thế quý vị sẽ lớn lên trong tình yêu hỗ tương”.
Nghe vậy một người trong nhóm hỏi tôi:
- Bà có lập gia đình không?
Tôi gật đầu và nói:
- Ðôi khi tôi cũng cảm thấy khó nở một nụ cười với vị hôn phu của tôi.
Và mẹ Têrêsa kết luận:
- Ðúng thế, Chúa Giêsu có thể đòi hỏi rất nhiều. Và chính khi Ngài đòi hỏi như thế thì không gì đẹp cho bằng nở một nụ cười thật tươi với Ngài

Lạy Chúa! Nụ cười không mất tiền mua, không phải vất vả cực nhọc để đi xa mang về… Nụ cười thật dễ dàng để xuất hiện trên môi miệng và trên khuôn mặt nhưng sao con lại thấy thật khó khăn vất vả để trao tặng nụ cười trên khuôn mặt của con cho những người xung quanh… Con đã thay thế nụ cười bằng những cái nhăn mặt méo mó, bằng những ánh mắt giận dữ, bằng những cái lắc đầu xua tay và đôi khi bằng những lời nói làm đau lòng người khác. Xin cho con luôn ý thức rằng: mỗi khi con mang nụ cười đến cho những người xung quanh chính là lúc con dâng lên Thiên Chúa tình yêu và nụ cười, sức sống và hy vọng của đời con. Amen.
 (Nguồn: Sưu tầm trên internet)
 
 Nếu năm rồi chúng ta chưa có cơ hội cho nhiều hơn nhận, chưa trao hoặc không trao nụ cười cho ai cả thì trong năm mới chúng ta thử thay đổi cách sống để cuộc đời thêm nở hoa, bạn nhé!

Kính chúc toàn thể quý độc giả và thân hữu Một Năm Mới nhiều sức khỏe, thân an trí lạc, dứt bớt được nhiều điều phiền não và làm được nhiều chuyện thiện lành.

Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-ORTB507-1-6-2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét