Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

Bài số 8 Một Cõi Thiền Nhàn


Chào quý bạn,

Đây là bài thứ tám của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Bây giờ là mùa lễ Tạ Ơn.  Sống trong cõi đời này chúng ta mang ơn rất nhiều người và cũng một đôi lần chúng ta đã làm cho người khác phải cám ơn ta. 
 Đạo đức văn hóa Việt nam đặt nặng việc tri ân báo đáp với những kẻ đã ban ơn cho ta
Chúng ta mang ơn Tổ tiên, cha me đã sinh thành dưỡng dục chúng ta khôn lớn thành người.
 Chúng ta thường nghe những câu ca dao, tuc ngữ như sau:

  Con người có Mẹ có Cha
 Như cây có cội, như sông có nguồn
Có những bài hát nhắc nhở chúng ta phải biết nhớ ơn tổ tiên, cha mẹ:
 Uống nước nhớ nguồn
 Làm con phải nhớ
 Công Cha như núi Thái Sơn
 Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra 

 Những người không biết nhớ ơn cha mẹ là hạng người bất hiếu.  Thật đáng trách!

 Ngoài xã hội, chúng ta cũng đã từng mang ơn Thầy Cô giáo đã dạy dỗ và truyền trao cho chúng ta những kiến thức cần thiết để cho đời sống chúng ta đuợc thăng hoa tốt đẹp:
Gươm vàng rớt xuống hồ Tây
 Công Cha cũng trọng, nghĩa Thầy cũng sâu

 Chúng ta mang ơn những chiến sĩ đã hy sinh vì tổ quốc để cho chúng ta đưọc sống còn trong tự do, hạnh phúc.  Chúng ta cũng mang ơn những người dân bản xứ đã mở rộng vòng tay đón nhận chúng ta để chúng ta được sống an bình  nơi tha hương xứ lạ.  Chúng ta cám ơn những bạn bè thân mến, những thiện hữu tri thức đã chia sẻ với chúng ta những vui buồn trong cuộc sống.
 Còn nhiều lắm những người chúng ta phải mang ơn trong cuộc đời này, phải không bạn?

 Chắc hẵn Bạn sẽ đồng ý với tôi qua lời thơ dưới đây:

 Tôi viết xuống đây bài thơ cảm tạ
Đến Phật, Trời ban hồng phúc thiện duyên
Giúp cho tôi hiểu nghiệp quả, nhân duyên
Nhận ân nghĩa, phải tri ân đền đáp (SL*)

Trong việc cho và nhận đôi khi chỉ cần  hai chữ « cám ơn » cũng đã làm thay đổi hẵn cuộc đời của một tên cường đạo, nếu kẻ ấy biết giá trị của hai chữ Cám Ơn .
 Xin mời quý bạn đọc qua chuyện Thiền nho nhỏ dưới đây:

Trộm Cướp Giác Ngộ

 Có một tên cường đạo đến đánh cướp Thiền Sư Thất Lý trong lúc Ngài đang công phu chiều:
-          Đưa tiền đây, nếu không ta sẽ lấy cái mạng già của ngươi.
-          Ta đang tụng kinh, tiền trong ngăn kéo, ngươi hãy tự lấy, nhưng nhớ chừa cho ta một ít để nộp thuế.
Tên cường đạo vơ vét tiền rồi bỏ vào bao tính chuồn đi.  Nhà sư bảo:
-          Nhận đồ người khác nên biết cám ơn chứ !
Hắn trả lời « ca’m ơn »  rồi ra đi.
 Sau đó tên cướp bị bắt vì đã gây nhiều tiền án, trong đó có khai là có lấy tiền của Thiền sư. 
 Quan cho mời Thiền sư đến đối chứng lời khai, bèn hỏi:
-          Tên này cướp tiền của ông phải không ?
Thiền sư nói:
     _  Hắn không có cướp tiền của tôi.  Tiền thì tôi cho hắn và hắn cũng đã cám ơn tôi rồi.
Sau khi mãn hạn tù về, tên cướp liền đến Thiền sư Thất Lý xin làm đệ tử .

 Lời bình :  Bỏ đao xuống, đồ tể thành Phật.  Đó là việc khó có.  Dùng sức mạnh gì để khiến người bỏ đao xuống đây ?

(Nguồn : Trích trong Thiền là gì?  Biên soạn: Giác Nguyên)


Đọc chuyện xưa tích cũ trong Cổ Học Tinh Hoa  chúng ta  đã từng nghe nhiều điển tích như  một Kinh Kha vì muốn đền ơn tri ngộ của Công tử Đan đã phải hy sinh tánh mạng khi thích khách Tần Vương  hoặc một Dự Nhượng ba lần đâm gươm vào áo của Triệu Tương Tử xong rồi đâm gươm vào cổ tự tử chết để đền ơn Trí Bá.  Đó là  những danh sĩ ngày xưa để lại tiếng tốt muôn đời vì hai chữ tri ân và báo đáp.

Chúng ta cũng thường nghe nói « Đông Tây không bao giờ gặp nhau » .  Tuy nhiên người viết  thấy đôi khi Đông Tây cũng gặp nhau qua sự cho ơn và nhận ơn như sau:

 Trong Đông phương xử thế  với Viễn Thị Thế Phan:

Làm ơn cho ai thì chớ kể 

Chịu ơn của ai thì chớ quên”

 Trong Tây Phương xử thế với Ngạn ngữ Tây Ban Nha:

“Người cho phải làm thinh

Người nhận phải nói”

Như vậy, chúng ta có thể hiểu cả Đông và Tây đều đồng ý như nhau là người ban ơn cần “Thi ân bất cầu báo” nhưng người nhận ơn cần phải ghi nhớ trong lòng để mà trả ơn người đã ban ơn cho mình.  Bạn đồng ý chứ?
Bây giờ vẫn còn mùa Thu phải không bạn? Người viết xin mời quý bạn thưởng thức đêm thu, trăng lặn, quạ kêu, nửa khuya nghe tiếng chông chùa ngân vang vang  qua bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế dưới đây:

Phong Kiều Dạ Bạc

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn Tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
Trương Kế
 Nhiều tác giả Việt nam đã phỏng dịch bài thơ này. Tuy nhiên người viết thích nhất bài thơ dịch của thi sĩ Tản Đà  dưới đây:
Trăng tà tiếng quạ kêu sương
Lửa chài, cây bến sầu vương giấc hồ
 Thuyền ai đậu bến Cô Tô
 Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
Tản Đà

 Biết ơn là trí nhớ của trái tim, phải không Bạn?  Nhân mùa Thanksgiving năm nay, người viết xin cám ơn tất cả quý độc giả của Oregon Thời Báo và quý khán thính giả của Little Saigon Oregon Tivi  đã dành cho SL nhiều cảm tình tốt đẹp qua các sinh hoạt của SL trên hai phương tiện truyền thông này. Nếu không được sự  thương mến, ủng hộ và khích lệ của  ban điều hành  Oregon Thời Báo, của đài Little Saigon Tivi, thì người viết không thể tâm tình với quý độc giả, quý khán thính giả được
 Người viết xin mượn hai câu thơ dưới đây để thay cho lời cám ơn của SL gửi đến toàn thể quý vị trong ngày Lễ Tạ Ơn năm nay:
"Waking up every morning we thank God
For giving us one more day to LOVE"...
 Có người dịch như sau :
"Cám ơn Đời mỗi sớm mai thức dậy,
 Ta có thêm ngày nữa để yêu thương !"
 Xin chúc phúc và chúc sức khoẻ đến toàn thể quý vị.

 Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam
(Tài liệu sưu tầm qua internet, qua email bạn gửi, ORTB8-398-11-20-09)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét