Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

Bài số 9 Một Cõi Thiền Nhàn


Chào quý bạn,

Đây là bài thứ chín của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Năm nay Oregon được mùa hồng nên  người viết  đi đến chùa nào cũng thấy chưng hồng dòn trên các bàn thờ, trông đẹp lắm.  Vườn nhà SL cũng có trồng cây hồng dòn và cây hồng mềm để hái trái cúng Phật, biếu tặng bạn bè, và để ăn trong gia đình.

 Trái hồng có hai loại: loại hồng mềm và loại hồng dòn

 *Hồng mềm, trái to hình dầu dục, lớn như trái xoài cát.  Khi còn sống, mặc dầu có vỏ màu cam bên ngoài đẹp nhưng nếu ăn vào lúc này thì  rất chát vì nhựa trái hồng làm cho quíu lưỡi và làm cho mắc nghẹn ở cổ họng, nên chưa ăn được.  Hồng mềm phải đợi thật chín, cái vỏ ngoài thật mềm mới ăn được và mới thưởng thức được cái vị ngon ngọt nó "tao" trong miệng. Quý vị dân gốc Bắc và quý vị "lão trượng" thích ăn hồng mềm này. Ngoài chợ ít bán loại hồng mềm vì "kén" khách thưởng thức. Trong vườn cũng ít người trồng vì trái  hồng mềm bị rụng nhiều hơn là trái hồng dòn.
* Hồng dòn, trái tròn và hơi dẹp, nhỏ như trái cam.  Khi còn sống cái vỏ màu xanh, sẽ đổi thành màu cam đo đỏ khi hồng chín.  Hồng dòn phải ăn lúc vừa mới chín tới, ăn vừa dòn "sực sực", vừa ngọt ngọt.  Nếu để chín mềm quá, chất thịt bên trong ăn không ngon như ăn hồng mềm đã chín.  Đa số quý bà thích ăn hồng dòn và ngoài chợ bán nhiều hồng dòn. Tháng 11 là mùa hồng chín. Nếu thấy "nữa hồn thương đau" của bạn rinh nguyên thùng hồng dòn về nhà để trước cúng sau ăn thì xin Bạn đừng lấy gì làm ngạc nhiên nhé!

Hai cây hồng vườn nhà SL năm nay khá sai trái vì được mùa. Người viết hái cả hai loại hồng đi cúng chùa và biếu tặng bạn bè, thân nhân với  lòng hân hoan vì được chia sẻ niềm vui với nhiều người, dù là với cây nhà lá vườn đạm bạc, tầm thường.  Nhân được nụ cười cám ơn của bạn bè khi được biếu tặng những trái hồng đơn sơ này, người viết cũng vui trong lòng một ít.

 Một niềm vui khác là người viết được ngắm vẻ đẹp của những trái hồng chín vàng trên cây.   Lá trên cây đã rụng hết, chỉ còn lại  những trái hồng màu vàng cam xúm xít trên cành. Đẹp lắm bạn ạ!  Nhìn những trái hồng chín màu vàng tươi  lòa xoà bên khung cửa trên sân thượng nhà người viết vào buổi sáng mùa Thu lạnh lạnh hơi sương, trong một không gian tỉnh lặng chắc chắn Bạn và nguời viết sẽ thấy thiên nhiên sao mà đẹp  quá!  Lúc đó hình như bạn và tôi sẽ quên đi những phiền muộn của đời sống bon chen, náo động ngoài đời.  Lúc đó bạn và tôi sẽ thầy lời thơ của danh sĩ Nguyễn Công Trứ trong bài thơ Chữ Nhàn của ông là đúng:

 “Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc
 Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn”

 Người viết tạm hiểu là:
 “Biết đủ thì là đủ, đợi cho đủ thì biết bao giờ mới đủ,
    Biết nhàn, thì là nhàn, đợi nhàn biết bao giờ mới nhàn”

Bởi thế đừng hỏi tại sao một Phạm Lãi đã từ quan để đi cùng với người đẹp Tây Thi hưởng nhàn sau khi đã giúp được Câu Tiển dành lại được giang san nước Việt  thoát khỏi tay Ngô Phù Sa, bạn nhé?

Nhà Phật cũng thường nói “ Nhât thíết duy tâm tạo”, thành Phật hay thành ma cũng chỉ một niệm mà thôi.  Nếu ta  thay đổi cách nhìn của ta thì ta sẽ thấy hạnh phúc hay đau khổ trong cuộc đời .

 Xin mời quý bạn thưởng thức mẫu chuyện Thiền nho nhỏ dưới đây:

Thành Phật thành ma một niệm

Có bà lão được người nói đùa là “bà già hay khóc”  Dù trời nắng trời mưa bà cũng đều khóc.
Có người hỏi:
      -    Tại sao bà khóc?
-          Vì tôi có hai đứa con gái, đứa lớn gả cho người bán giầy, đứa nhỏ gả cho người bán dù.  Ngày trời quang đãng, tôi nhớ đến đứa con út bán dù, không ai mua nên tôi khóc.  Ngày trời mưa, tôi nhớ đến đứa con lớn bán giầy, nhất định cũng không có khách đến mua nên tôi khóc.
Người đó nói:
-          Bà nên nhớ, lúc trời nắng thì con gái lớn buôn bán giầy rất khá, và khi trời mưa thì cô út bán dù rất đắt.  Thế thì khóc làm gì?
Bà già nói:
-          -  Đúng rồi a!
Từ đó bà lão hay khóc không còn khóc nữa, dù trời mưa hay nắng, bà đều tươi cười vui vẻ.

Lời Bình:
Chỉ cần thay đổi cách nhìn là cuộc đời trở nên hạnh phúc hay đau khổ.  Chính mình tự làm khổ mình quả thật nhiều hơn là người khác làm khổ mình.  Trách sao không được bình an.

(Nguồn: trích trong  Thiền là gì?  Biên soạn: Giác Nguyên)

Bây giờ nhờ tiến bộ kỷ thuật điện toán cho nên việc truyền thông tin tức rất dễ dàng.  Nhiều bạn dầu “tuổi hac khá cao” bây giờ cũng biết sử dụng máy điên toán để truyền gửi cho nhau  xem nhiều tài liệu, nhiều hình ảnh đẹp.  Người viết có may mắn nhận được nhiều tài liệu rất hay, nhiều hình ảnh rất đẹp từ  bạn bè các nơi gửi đến. Một trong những tài liệu người viết nhận được là bài thơ và hình ảnh Hoàng Hạc Lầu của Thôi Hiệu mà những người thích thơ Đường đều biết.  Người viết rất thích bài thơ này và hôm nay xin được chia sẻ cùng với quý bạn bài thơ nổi tiếng này để ngâm nga trong cái tuổi hoàng hạc của chúng ta. 

 Hoàng  Hạc Lâu

Tích nhân dĩ thừa Hoàng Hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
 Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
 Nhật mộ hương quan hà xứ thị
 Yên ba giang thượng sử nhân sầu

 Thôi Hiệu


ĐÔI GIÒNG VỀ THI SĨ THÔI HIỆU ( Ts'ui Hao , Cui Hao):

Thi sĩ Thôi Hiệu ( 704? – 754) người Biện Châu ( hiện nay là huyện Khai Phong, tỉnh Hà Nam), đậu Tiến Sĩ niên hiệu Khai Nguyên (725, đời Đường Huyền Tông), làm đến chức Tư-huân viên-ngoại-lang. Thi sĩ Thôi Hiệu có bản tính lãng mạn, nhiều lần kết hôn và ly dị. Cùng thời với Vương Duy, ông gia nhập nhóm văn đoàn Kỳ Vương Lý Phạm. Thơ Thôi Hiệu phóng khoáng, tao nhã. Hai bài nổi tiếng của ông là khúc nhạc phủ Trường Can Hành và bài thơ Hoàng Hạc Lâu đã đưa ông lên đỉnh cao sáng chói của nghệ thuật thơ Đường.


  Xin mời quý bạn đến thăm những địa danh nổi tiếng dưới đây:

Hoàng Hạc Lâu: Lầu Hạc Vàng ở đầu cầu Vũ Xương, phía Tây Bắc phủ Vũ Xương, tỉnh Hồ Bắc, bên sông Trường Giang.
Hán Dương: huyện Hán Dương thuộc tỉnh Hồ Bắc, ở phía nam sông Hán Thủy thành phố Vũ Hán ngày naỵ
Anh Vũ châu: cồn Anh Vũ giữa sông Trường Giang, phía bắc lầu Hoàng Hạc, phía Tây Nam thành phố Vũ Hán

Bài thơ Hoàng Hạc Lầu được nhiều nhà chuyên khảo Hán học, các học giả Việt nam, các thi sĩ say mê thơ Đường dịch sang Việt ngữ. Người viết thích bản dịch của thi sĩ Tản Đà dưới đây:


Bản dịch Tản Đà

 Lầu Hoàng Hạc

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh dầy cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai

(Nguồn: trích trong PPS của chị Nguyễn Thu Hoa gửi qua điện thư)

Hạc vàng mây trắng gợi lên một hình ảnh thiền nhàn rất đẹp, phải không bạn?
Hạc tượng trưng cho  thiền nhân ẩn sĩ.  Mây trắng  tượng trưng cho sự thanh bạch, tinh  khiết.  Hình ảnh một cánh hạc bay vút trên bầu trời xanh mây trắng chắc hẵn sẽ giúp cho tinh thần chúng ta được tỉnh lặng dăm ba phút giữa chốn thinh không thiền vị này.

 Bên chung trà nóng trong gió Thu lành lạnh, chúng ta ngồi đọc những mẫu chuyện Thiền nho nhỏ hay ngâm nga những bài thơ tuyệt tác, có phải là những giây phút tuyệt vời hay chăng?  Xin chúc cho quý bạn có được những giây phút an lạc tinh thần như thế để vui sống trong cõi đời phồn hoa vật chất phù du này.


 Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn.

Sương Lam

(tài liệu, hình ảnh sưu tầm qua internet, qua email bạn gửi, ORTB 9-399-112709)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét