Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

Bài số 15 Một Cõi Thiền Nhàn





Chào quý bạn,

Đây là bài thứ mười lăm của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Thứ tư vừa qua 1-30-2010, Portland phủ đầy tuyết trắng.  Người viết không thể nào đến nhà cô cháu nội dễ thương Mya của tôi như thường lệ.  Buồn quá!
  Tôi phải ngồi  bên song cửa nhìn những cụm tuyết  trắng bay bay như những nhúm bông gòn được những bàn tay tiên nữ trên trời đùa nghịch thả xuống, chẳng bao lâu sân trước vườn sau  nhà tôi phủ đầy tuyết trắng.  Tiếng nhạc êm dịu trong nhà và cảnh đẹp tuyết trắng ngoài sân làm sống dậy hồn thơ trong tôi:

Bên song cửa nhìn tuyết rơi nhè nhẹ
Từ trên trời bông tuyết trắng bay bay
Chẳng bao lâu bông tuyết trắng phủ đầy
Trên vườn cỏ, trên khóm hoa, khu phố

Nghe đâu đấy lời kinh buồn phổ độ
Cho kiếp người nay hợp lại mai tan
Như tuyết kia, như hoa nọ sẽ tàn
Khi nắng đến, khi mưa về! Tan tác!

(Bên song nhìn tuyết đổ - SL)-

Màu trắng của tuyết đã gợi cảm hứng cho những vần thơ khúc nhạc của thi sĩ, nhạc sĩ như bài thơ Hoa Xuyên Tuyết của Tế Hanh dưới đây:

Nở trước trăm hoa hoa xuyên tuyết
Đem tin xuân đến khắp trăm nhà
Tìm màu trắng tuyết nhưng không thấy
Chỉ thấy quanh mình màu trắng hoa

 Tế Hanh

Bạn sẽ cảm thông với  những chàng phi công nhìn tuyết trắng bay bay mà nhớ đến người yêu đang chờ đợi ở nhà qua nhạc phẩmTuyết Trắng của Trần thiện Thanh.  Theo nhận xét riêng của tôi, thì  không có ca sĩ nào hát bài này hay như ca sĩ Sĩ Phú đang “ngả nghiêng cánh chim, con tàu sẽ rời, rời xa thành phố rồi”.  Có phải vì  Sĩ Phú cũng là dân phi công nhìn tuyết trắng đúng  như tâm sự của mình nên mới hát  bài này hay như thế.

Mời bạn nghe tâm sự của chàng phi công  này nhé:

“Khi nắng chiều đi không gian chợt tối
xóa nhòa vùng tuyết trắng mông mênh
Anh ước sao tình mình như tuyết trinh
cho dù chúng mình không gian cách chia
cho dù tuyết trắng đã chìm trong màn đêm.”


Portland cũng nổi tiếng với ngọn núi Mount Hood tuyết trắng quanh năm, nhìn xa xa giống như ngọn núi nổi tiếng Phú Sĩ  của Nhật Bản.  Mỗi lần vợ chồng chúng tôi lê gót giang hồ trở về chốn cũ,  qua khung cửa máy bay,  nhìn thấy ngọn núi Mount Hood  thấp thoáng qua làn mây phía dưới, lòng tôi xúc động vô cùng.  Dù muốn dù không,  Portland cũng là nơi tôi sống gần ba chục năm qua, làm sao  tôi lại không có một chút nghĩa chút tình với  người dân và nơi chốn đã cưu mang gia đình tôi trong  những ngày tôi mới đến tìm tự do nơi đất lạ.

 Hơn thế nữa, ở nơi “đất lạnh tình nồng” này tôi lại có những người thân yêu gia đình tôi đang sống.   Họ đã và đang chia sẻ với tôi những vui buồn của cuộc sống tha hương đất khách.
  Tôi yêu Portland với những gì  hiện có ở nơi đây:  mùa Xuân với hoa đào hồng thắm, mùa Hạ với nắng ấm biển xanh, mùa thu với lá vàng trước ngõ và mùa Đông với tuyết trắng sau nhà.  Mùa nào cũng đẹp và đáng yêu đối với tôi, Bạn ạ!

Bên ngoài tuyết vẫn đổ, tôi cảm thấy lạnh nên đi pha một bình trà nhỏ để uống cho ấm lòng.
 Tôi vẫn nghĩ thú uống trà là một thú vui tao nhã của những bậc thi nhân ẩn sĩ.  Nhiều tài liệu đã nói về cái thú tao nhã này. Xin hãy đọc những dòng chữ giới thiệu về  thú uống trà của  Nguyễn  Duy Chính qua Lời Mở Đầu trong bài viết  “Trà Tàu và Âm Nghi Hưng” của ông dưới đây:

“Uống trà tàu vốn dĩ phổ thông thời trước, đến nay đã trở thành hiếm hoi trong xã hội Việt nam.  Thanh niên ngày nay chỉ mường tượng được cái hình ảnh đó qua truyện ngắn của Nguyễn Tuân trong Vang bóng một thời, Những chiếc ấm đất, Chén trà trong sương sớm).
 Sách vở viết về trà lại càng ít ỏi.  Tại Việt năm thời trước, ngoài cuốn Vang bóng một thời chỉ lác đác một vài ba cuốn khác.  Trà đạo  kiểu Nhật thì có bản dịch cuốn Trà Thư (The Book of Tea) của Okakaura Kakuzo của Bảo Sơn
 Một tiểu thuyết cũng viết nhiều về thú uống trà là cuốn Trà Thất của Minh Đức Hoài Trinh.
 Ở hải ngoại, cuốn Trà Kinh của Vũ Thế Ngọc  là một biên khảo tương đối công phu.  Ngoài ra, thỉnh thỏang có một đoản thiên nghiên cứu về trà Tầu hay ấm trà đang rải rác trong tạp chí.  Mới đây tôi được đọc bài của Phan Quốc Sơn về ấm Nghi Hưng rất thú vị.
 Trong tác phẩm Sống Đẹp, Lâm Ngữ Đường cho rằng uống trà là một phát minh quan trọng nhất trong đời sống.  Trà là một phần và cũng là một biểu tượng của sự nhàn nhã,  Ông để hẵn một mục để bàn về Trà và Tình Bạn.
Viết về cách uống trà, thưởng thức trà thì Tây Phương có hằng trăm cuốn nhưng phần lớn viết theo cách nghiên cứu một loại thực phẩm.  Người Trung Hoa cũng có nhiều sách viết về trà, nghệ thuật uống trà, còn người Nhật thì đưa hẳn lên thành một đạo sống(Trà Đạo). 
Riêng Việt nam mặc dầu uống trà rất thịnh hành nhưng lại ít ai để tâm nghiên cứu.  Vũ Thế Ngọc, tác giả cuốn Trà Kinh đã ngậm ngùi mà than rằng: “viết về trà thì gần như chưa có ai viết” hoặc “viết vô cùng sơ lược”.  Nhận xét đó có lẻ không sai.  Và vì thế ông tự cho rằng cuốn sách ông soạn “là quyển sách đầu tiên  về nghệ thuật uống trà bằng Việt ngữ tương đối đầy đủ hơn cả” thì cũng không ngoa”.

( nguồn: Trà Tầu Và ấm Nghi Hưng của Nguyễn Duy Chính)

Tác giả Nguyễn Duy Chính là bạn học đồng môn QGHC với người viết.  Ông là một nhà nghiên cứu, dịch giả và tác giả của nhiều bài viết rất có giá trị  như  Nhân sâm, Linh Chi,  Cà phê, Bảo kiếm, Thư họa, v..v…. Tính tình giản dị, hiền hòa, học rộng hiếu nhiều, ông là một “sư đệ” mà tôi rất quý phục. Xin có lời thăm hỏi và cám ơn tác giả Nguyễn Duy Chính về những bài viết rất có giá trị của NDC mà tôi đã đọc.

 Tôi còn nhớ năm 2003 tôi có đến thăm “hàn nho phong vị phú gia trang” của NDC và tôi đã tâm tình như sau trong Bản Tin của Hội CSV/QGHC về gia đình của người sư đệ  quý mến này:

“Nhìn tủ kiếng đựng những ấm trà sưu tập và nhìn NDC pha trà đãi khách, tôi thấy cả một “khung trời nghệ thuật uống trà” trong gian nhà nhỏ này.  Bà xã KT còn tặng cho tôi một bọc hoa thiên lý mà bây giờ “khi nấu canh rau, chồng vợ húp”, tôi đã “phải nhớ đời” bởi câu hát của người miền Trung mà đại huynh BV từ Miền Đông mới vừa gửi đến:

 “Thương chồng nấu cháo le le
 Nấu canh thiên lý, nấu chè hạt sen »

(nguồn : Một Chuyến du Cali 2003 của SL)

Tản mạn dông dài về thú uống trà, người viết lại nhớ đến tách trà Triệu Châu dưới đây:

Trà Triệu Châu


Tăng đến tham bái, Triệu Châu hỏi:
-          Ông đã từng đến đây chưa ?
-          Tăng đáp :
-          Dạ đến rối.
-          Vào trong uống trà đi.
Lại hỏi một Tăng khác:
-          Ông đã từng đến đây chưa?
-          Thưa con mới đến.
-          Vào trong uống trà đi.
Viện chủ thấy vậy thắc mắc:
Quái ! Đến rồi cũng uống trà đi, chưa đến rồi cũng uống trà đi.  Tại sao vậy cà?
Triệu Châu gọi:
-          Viện chủ.
-          Thưa vâng.
-          Vào trong uống trà đi.

Bình:  Trà Triệu Châu bình đẳng, đối với kẻ cũ người mới đều thể hiện tâm bình thường.
Viện chủ không bình thường mới thắc mắc nên cũng cần uống trà đi.
(Nguồn: Thiền là gì ? Gíác Nguyên)

Chúng ta là người tầm thường,  chắc chắn sẽ cùng một ý nghĩ như vị viện chủ nói trên vì chúng ta còn cái tâm phân biệt kẻ trước người sau, kẻ lớn người nhỏ.  Nhưng với Triệu Châu, một bậc thiền sư chân chính, Ngài đã dùng với cái tâm bình đẳng đối đãi mọi người như nhau, nên với ai Ngài cũng mời ai uống trà là thế đó!

Cũng nhân việc uống trà, người viết xin mời Bạn đọc tiếp một chuyện uống trà khác nữa nhé.

Chén trà Thiền lý

Có một học giả đến hỏi thiền nơi Thiền sư Nam Ẩn. 
Sư mang trà ra rót vào chén để đãi khách.  Trà tràn đầy ra ngoài mà sư vẫn cứ rót.
Học giả bèn thưa:
-          Sư phụ, trà đầy rồi xin ngừng tay lại.
Nam Ẩn đáp:
-          Ông có khác chi chén trà này, trong lòng đầy ấp những tri giải, định kiến. Nếu ông không cạn chén trà tri giải nơi mình trước.  Ta biết làm sao nói Thiền cho ông nghe.

Bình:  Hãy cạn chén trà tri giải của bạn đi.  Nếu không, bạn chỉ trông mặt mà bắt hình dong, nhận giặc làm cha, dầu có gặp Phật ra đời khai thị, bạn cũng không tỏ ngộ được, đừng nói gì đến Nam Ẩn.
(Nguồn : Thiền là gì ? Giác Nguyên)

Hôm nay, nhân ngày tuyết lạnh, người viết pha trà uống cho ấm lòng và chia sẻ với bạn về thú uống trà.  Hy vọng bạn cũng có thú uống trà như người viết và đã đọc nhiều tài liệu về trà nên chắc chắn Bạn sẽ cảm thông dễ dàng với tâm tình của người viết hôm nay.
Có thể Bạn cũng nghe  nhiều người còn nói rằng uống trà xanh có thể phòng chống bịnh ung thư nhờ các hoá chất gọi là Polyphenol, tannins, catechins trong trà, tuy rằng y học chưa khẳng định tác dụng rõ rệt của trà xanh đối với bịnh ung thư.  Như vậy uống trà cũng tốt lắm nhỉ?
 Riêng đối với người viết, ngồi trong căn phòng ấm cúng uống một tách trà nóng, ngắm nhìn tuyết rơi bên song cửa có cái thi vị của nó.  Trong cái không gian yên lặng này, tôi thấy tâm hồn mình cũng được an tĩnh.  Khi tâm hồn được an tĩnh thì đấy là hạnh phúc vì đối với tôi hạnh phúc là những phút giây hiện tại bình an, nếu ta cảm nhận đấy là hạnh phúc.  Bạn đồng ý chứ?

 “Đừng tìm mãi nơi đâu là hạnh phúc ,
Có thể gần, cũng có thể thật xa
Xa hay gần là ở tại Tâm ta
Ta cảm nhận thế nào là thế đó

 (Hạnh Phúc ở Nơi Đâu của SL)

 Xin chúc sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn .

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Tài liệu sưu tầm trên internet, qua email bạn gửi, ORTB 15-405 1-8-2010)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét