Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2011

Bài số 16 Một Cõi Thiền Nhàn





Chào quý bạn,

Đây là bài thứ mười sáu của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Người Mỹ thích sống độc lập lúc tuổi già cho nên nhiều người chọn cách sống độc lập trong những nhà an dưỡng tư nhân dành cho những người hưu trí  nếu sau khi làm việc họ dành dụm được một số tiền hưu trí hoặc sau khi bán ngôi nhà đang ở để dọn vào đấy.

Thứ tư vừa qua, vợ chồng người viết được một người bạn thân mời đi dự buổi “Open House”của  trung tâm Parkrose Chateau thuộc hệ thống Holiday Retirement Community của người Mỹ.
 Sau buổi cơm trưa ngon lành được nhân viên phục vụ tận bàn trong một phòng ăn bài trí sang trọng, có phần phụ diễn âm nhạc thính phòng do ban quản trị trung tâm khoản đãi, chúng tôi được hướng dẫn đi xem các phòng ốc và sinh hoạt tại trung tâm này.
  Có thể nói đây là một khách sạng hạng sang nho nhỏ đúng theo tiêu chuẩn của giới trung lưu Mỹ vì đầy đủ những tiện nghi cần thiết.  Giá biểu nơi đây khá cao từ 1,600 $USD đến 2,885$USD hằng tháng chỉ bao gồm tiền thuê phòng, tiền ăn và các dịch vụ tiện nghi liên hệ mà thôi.  Phần bảo hiểm sức khoẻ và các dịch vụ y tế khác thì ta phải tự lo lấy. 
 Thú thật, đối với người hưu trí sau bao nhiêu năm làm việc cực nhọc, nếu có được đời sống đầy đủ sang trọng, tiện nghi như thế, ai mà chẳng ham.
 Nhưng … và  chữ Nhưng này mới là quan trọng vì thú thật, người viết là dân Việt Nam chính gốc trăm phần trăm, yêu thích nếp sống và thức ăn Việt Nam nên chắc chắn là không thể nào vào ở  trong những trung tâm an dưỡng như thế được. Chỉ trừ những vị là “đại gia” giàu có và quen lối sống, thức ăn Âu Mỹ, có đủ điều kiện tài chánh, mới có thể tham gia vào các chương trình như vậy, chứ đa số chúng ta đều là những người dân Mỹ gốc Việt “gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung”, thích ăn canh chua cá kho tộ, húp nước mắm “sùm sụp” thì làm sao chịu vào ở những nơi như thế trong lúc tuổi gíà.
 Thôi thì, nếu mai kia, tuổi già sức yếu, nếu ai thích sống độc lập không làm phiền con cháu thì phải vào ở những nhà an dưỡng Việt Nam để được ăn thức ăn Việt Nam, xem phim bộ truyền hình Đại Hàn, phim ca nhạc Paris by Night, Asia, nói chuyện gẫu tiếng Việt với nhau  cho “tiện việc sổ sách”, nếu ở Mỹ. Còn quý vị cao niên nào muốn về Việt Nam an hưởng tuổi già thì lại là một chuyện khác nữa vì vấn đề này rất phức tạp, nên người viết không dám lạm bàn.

 Nhiều người đã tâm sự: “Nước Mỹ là thiên đàng của giới trẻ, còn đối với người già thì chỉ có sự cô lập và cô đơn.  Căn bản nếp sống của người Việt dựa vào gia đình, thân nhân, bạn bè và cộng đồng.  Khi ta mất những thứ đó ta đã mất đi một phần nào cái tôi và hạnh phúc trong đời.”

 Đúng thật! Càng già càng cảm thấy cô đơn. Có những người già sống trong viện dưỡng lão, ngồi trên những xe lăn, ngóng trông con cháu hay người thân, ngày này qua ngày khác, nhưng chẳng thấy ai.  Thật ra, con cháu ở nơi đây cũng có đời sống riêng của chúng. Những vị còn được sống chung với con cháu quây quần bên nhau hoặc được sống gần gũi với bạn bè cùng lứa tuổi, sở thích như mình là những người có phúc.  Xin hãy hưởng hạnh phúc đang có trong tầm tay của mình, bạn nhé.

Ngày nay  nhờ những tiến bộ khoa học kỹ thuật đìện toán, chúng ta có thể đọc được nhiều tin tức hữu ích giúp cho tuổi già và giúp cho người già sống vui sống khỏe.
 Người viết cũng nhận được nhiều điện thư (email) của bạn bè gửi đến những tài liệu rất vui và  hữu ích để sống an vui, hạnh phúc trong tuổi già.
Người viết thấy tài liệu này vui vui, hay hay và hữu ich cho quý vị cao niên nên đem vào đây chia sẻ với quý vị.  Bạn có đồng ý hay không là tùy bạn nhé!
10 “Điều Răn” cho người cao niên
1. Hãy vui với người khác, đừng tìm vui trong việc tích trữ của cải.
2. Lập chương trình tiêu xài hết tiền của mà bạn để dành. Bạn xứng đáng tiêu pha nó trong mấy năm còn lại của đời người. Nếu được, cứ đi du lịch. Để của lại cho con, chúng nó sẽ gấu ó nhau và nhiều chuyện rắc rối xảy ra sau khi bạn qua đời.
 3. Hãy sống trong thực tại. Đừng sống cho quá khứ hay cho tương lai. Bạn nắm ngày hôm nay trong tay bạn, ngày hôm qua thì đã qua, ngày mai thì chưa đến hoặc không bao giờ đến.
  4. Hãy vui với cháu nội ngoại của bạn (nếu bạn có), nhưng đừng làm kẻ giữ trẻ trọn thời gian. Trách nhiệm nuôi dạy trẻ là của cha mẹ nó. Sau khi bạn đã nuôi con nên người rồi, bạn không còn trách nhiệm gì với cháu của bạn. Đừng thấy áy náy khi từ chối giữ trẻ nếu bạn không thấy thích thú chăm sóc .
 5. Chấp nhận sự già yếu, đau nhức của tuổi già. Hãy vui với những gì mình còn làm được.
  6. Vui với những gì bạn có. Đừng lao nhọc tìm những gì bạn không có.  Đã trễ rồi.
  7. Hãy vui cuộc đời với người phối ngẫu, con cháu, bạn bè. Người khác yêu bạn, phải yêu chính bạn chớ không phải những gì bạn có. Ai yêu những gì bạn có chỉ gây khổ cho bạn mà thôi.
  8. Tha thứ cho mình và cho người. Chấp nhận sự tha thứ. Vui hưởng sự bình an trong tâm hồn.
  9. Làm quen với sự chết. Nó sẽ xảy ra. Đừng sợ hãi. Nó là một phần của cuộc đời. Chết là bắt đầu một cuộc đời mới hơn, tốt đẹp hơn. Chuẩn bị một cuộc sống mới với Đấng Tạo Hóa.
  10. Hãy thuận hòa với Thượng Đế vì bạn sẽ gặp, sẽ có sau khi bạn rời trần gian này.
Bạn sẽ thích phong thái an nhiên tự tại trong tuổi già của Tràm Cà Mau, một người bạn văn nghệ của người viết qua bài viết  “Phiên phiến tuổi già”của ông mà tôi rất thích vì lối trình bày của tác giả rất tếu, rất vui, rất dí dỏm, rất dễ thương.
Hãy xem Tràm Cà Mau nhận ra tuổi già bằng cách nào nhé:
“Ông Hai nói, có một lúc nào đó, con người trở nên già. Nầy nhé, mỗi khi đi ra đường, nếu chỉ thấy các bà già nhìn mình, mà các cô gái trẻ không dòm mình nữa, thì phải hiểu là mình đã già rồi. Lại nữa, mỗi sáng đứng trước gương, thấy trán mình cao hơn, tóc rụng nhiều, đừng tưởng mình trở nên thông thái, mà phải biết đó là dấu hiệu già. Nếu mình thấy mọi người dường như trẻ lại, thì chính mình già đã đi, vì mình so sánh thiên hạ với cái bóng của mình trong gương soi mỗi ngày.”
 Người viết thích thái độ tỉnh táo, an nhiên, không thích tranh luận của ông qua đoạn văn dưới đây:
Đến nhà người ta, mà cãi nhau, tranh thắng, làm họ mất mặt với vợ con, với bạn bè, thì đừng mong chi được tiếp đãi thắm thiết. Khi thua, mình không thiệt thòi, mất mát chi cả, mà lại được thương, tại sao không chọn tình thương, mà chọn cái bị ghét. Thắng tranh luận, cũng chưa chắc mình đã giỏi hơn người, mà giỏi hơn để làm chi? Và cũng chưa chắc ngưòi ta đã chịu cái lý của mình là đúng.
 Trong tình vợ chồng cũng vậy, nhiều ông nhiều bà tranh hơn thua từng ly, từng tí, cãi vả nhau tưng bừng về những điều không ích lợi chi cho ai cả. Rồi giận nhau, nói nặng nhau, làm nhau đau đớn vì lời nói thiếu tử tế, thiếu lịch sự. Có ích lợi gì đâu. Tranh nhau thắng thua, làm sứt mẻ hạnh phúc gia đình, làm mất đi thì giờ quý báu bên nhau, làm không khí gia đình nặng nề. Đừng bao giờ nói là phải làm cho ra lẽ, không thì hoá "lừng". Hãy cứ để cho chồng mình, vợ mình "lừng" đi, cho họ sướng. Tại sao đi ra ngoài, không dám "lừng" với thiên hạ, mà về nhà lại "lừng" nhau làm chi cho  mất vui.  Ông thường nói, cứ chịu thua đi là khoẻ nhất. Ông đã thua, thì không việc chi mà ai đó gây hấn thêm. Đúng hay sai, ông tự biết. Không cần tranh luận nhiều. Có tranh luận, thì cũng chưa chắc đã thuyết phục được đối phương mà không gây mất mát. Mỗi lần phải tranh luận với ai, thì ông nhớ lại chuyện ông Pol Pot. Ông nầy đã giết chết hơn hai triệu dân vô tội, tức khoảng một phần ba dân số Kampuchia của ông thời đó. Thế mà cuối đời, khi sắp chết, ông Pol Pot  nói với một phóng viên Tây phương rằng, những điều ông đã làm, là lợi ích cho dân tộc của ông. Nhớ chuyện đó, làm ông đỡ ngứa miệng xen vào những cuộc tranh luận.”
Đọc xong những truyện ngắn và chuyện phiếm trong các tác phẩm Triết Lý Củ Khoai, Rong Chơi Ngày Tháng , Hương Tóc Cố Nhân của Tràm Cà Mau, người viết thấy bớt đi một chút phiền muộn,  thấycuộc sống vẫn còn vui đẹp và những người chung quanh ta vẫn còn dễ thương.  Xin cám ơn tác giả Tràm Cà Mau đã giúp cho tôi yêu đời yêu người hơn.
Để quý bạn vui vui một chút, người viết xin mời đọc như mẫu chuyện Thiền ngắn dưới đây:
Mở Cửa Thiên Ðàng
Các Thiên thần giàu lòng bác ái tâu với Thượng Ðế:
-Nhân danh đức công bằng bác ái, xin Ngài mở cửa Thiên đàng cho tất cả chúng sanh, không phân biệt người lành, kẻ ác.
Thượng Ðế phán:
-Không được, thưởng lành, phạt ác là định luật từ ngàn xưa.
Nhưng các Thiên thần cứ xin mãi Thượng Ðế đành phá lệ mở cửa Thiên đàng cho kẻ ác cùng người lành được vào.
Chẳng bao lâu các Thiên thần phát hiện nhiều vật quí giá trong nước Trời bị mất cắp.
(nguồn: Vi Tiếu)
Triết Học là gì?
Để mở mang kiền thức ngoại điển, Sư cho tăng chúng học thêm triết học Đông Tây.
 Sau nhiều giờ học, một chú tiểu hớn hở nói với bạn:
-          Đến nay tôi đã hiểu triết học là gì rồi. ?
Chú tiểu kia thì đang mù tịt cái môn phiền phức này nên như người chìm vớ được phao:
      -    Nói nghe mau đi, triết học là gì vậy ?
-           Ối, có gì đâu ! Triết học chỉ là một hệ thống ngôn ngữ phức tạp nói về những điều đơn giàn đó mà!
(Nguồn : Vi tiếu)
Người viết xin mượn những lời thơ của nữ thi sĩ Tôn nữ Hỷ Khương dưới đây để làm kết luận cho bài tâm tình hôm nay:
« Còn gặp nhau thì hãy cứ vui
Chựyện đời như nước chảy hoa trôi
Lợi danh như bóng mây chìm nổi
Chỉ có tình thương để lại đời »
Tôn nữ Hỷ Khương

Xin chúc sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn .

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Tài liệu sưu tầm trên internet, qua email bạn gửi, ORTB16-406-1-15-10)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét