Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

Bài số 37 Một Cõi Thiền Nhàn





Chào quý bạn,

Đây là bài thứ ba mươi bảy của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo

Tình Thương Của Người  Cha

Ngày Của Cha (Father’s Day) năm nay, tôi đọc đuợc một bài viết rất hay được đăng tải trên ORTB và trên mạng lưới toàn cầu nhằm vinh danh những người cha bất hạnh, hy sinh rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu.

 Tôi xin tóm tắt chia sẻ cùng các bạn nội dung bài viết này nhé.

Đây là lời tâm tình của một người con sống trong tình thương yêu của một người cha, một chiến sĩ bị thương tật nhưng lo lắng, thương yêu, chăm sóc cho người con không khác gì một bà mẹ, kể từ khi vợ ông ly dị người cha, bỏ con đi lấy chồng lúc người con mới vừa 3 tuổi. Người con đôi lần cảm thấy mắc cỡ và bực mình vì sự chăm sóc, thương yêu quá ngọt ngào, tỉ mỉ của người cha mà bạn bè thường gọi là “ông nội trợ”.  Tuy vậy người con phải công nhận việc chăm sóc này thật hoàn hảo từ khi đứa con hãy còn nhỏ tuổi đến khi người con được công thành danh toại. Ông chăm chút lo lắng cho con quá chu đáo với  những hộp ăn cơm trưa  cho con, trong đó ông không quên kèm theo chiếc khăn ăn với những dòng chữ đầy tình thương yêu. Sau đó là những bức thư gửi gắm sự thương yêu của ông đến con khi con đi hoc xa nhà.
Khi người cha lâm trọng bịnh, trong giờ phút  hấp hối, ông  sai con về nhà  lấy cái hộp gỗ chứa đựng kỷ niệm đời lính để ông được nhìn một lần cuối trước khi nhắm mắt.  Lúc nhìn những đồ vật trong chiếc hộp gỗ, người con mới biết cha của mình là người lính oai hùng đã hy sinh một phần thân thể để bảo vệ đất nước và đã vui vẻ làm những công việc của người phụ nữ để chăm sóc tôi từ bao nhiêu năm qua chỉ là vì tình thương con quá sâu đậm. Ông thật là một người cha tuyệt vời! Người con định nói một lời xin lỗi cha thì đã quá muộn vì người cha này đã trút hơi thở cuối cùng rồi. Người con bỏ chiếc hộp kỷ niệm này vào chiếc hòm của cha và giữ lại chiếc khăn giấy cuối cùng với giòng chữ đầy yêu thương của bố mà cả cuộc đời sau này mãi mãi, người con không còn nhận được nữa.
Xin cám ơn tác giả bài viết này và xin phép tác giả cho tôi được chia sẻ bài viết đầy tình người này đến các thân hữu của tôi.

 Câu chuyện thật cảm động và đầy ý nghĩa về tình thương yêu của người cha đối với con cái, nói lên tình phụ tử  muôn đời bất diệt, phải không bạn?

Tình Phụ Tử! Một bài thơ tuyệt tác 
Được viết bằng thương mến với khoan dung
Bằng hy sinh, bằng lao lực  tận cùng
Bằng tất cả những gì cao đẹp nhất

Núi Thái Sơn dẫu có cao chất ngất
Cũng không bằng tình cha mẹ thương con 
Trần gian này dẫu sông cạn đá mòn
Tình Phụ Tử vẫn muôn đời bất diệt

(trích trong Bài Tình Thơ Tháng Sáu- Thơ Sương Lam)

 Hình ảnh người Cha trong  văn hóa đạo đức Á Đông ở các thế hệ trước rất uy phong, nghiêm khắc.  Vị trí của người Cha trong gia đình rất quan trọng.  Ông là gia trưởng, quyết định hết mọi việc lớn nhỏ trong gia đình. Vợ con, cháu chắt phải tuân theo không dám cải lại một  lời.   Thời ấy, đa sô phụ nữ đều ở nhà làm bổn phận vợ hiền chiều chồng, chăm sóc, dạy dỗ  con cái.  Ba tôi được má tôi chiều chuộng hết mực.  Tôi còn nhớ không bao giờ má tôi để cho ba tôi vào bếp vì nơi ấy là giang san của quý bà nấu nướng hầu chồng hầu con và cho rằng đàn ông vô bếp là mất hết vẻ oai phong của đàn ông. Đàn ông mà lại đi làm chuyện của đàn bà. Thật là vớ vẩn, coi không được!

 Bây giờ thì lại khác, các đấng ông chồng nào không vào bếp phụ vợ trong việc bếp núc , đi chợ, giữ con thì được (bị) xem là không biết thương yêu vợ, giúp đỡ vợ.  Có nhiều bà mẹ chồng thuộc thế hệ trước, khi  mới được bảo lảnh sang Mỹ đoàn tụ gia đình, chắc hẵn  đau lòng lắm khi thấy cậu con trai yêu quý của mình bị vợ “đì” đủ mặt cho nên  bà phiền trách con trai, con dâu làm cho gia đình thêm xào xáo, phiền muộn.  Bà đâu có hiểu rằng ở xã hội văn minh vất chất Âu Mỹ, cả hai vợ chồng đều phải đi làm việc nên người vợ cần người chồng giúp đỡ, chia sẻ gánh nặng và trách nhiệm trong gia đình với nàng.

Tôi đã thấy những người cha trẻ người Mỹ “địu, bế”  đứa con nhỏ  trước ngực như con Kangaroo khi đi chợ, dạo phố với vợ  một cách vui vẻ, hạnh phúc.  Tôi cũng đã thấy những cậu sinh viên hay ông chồng Việt Nam đi chợ mua hàng một cách rành rọt không khác gì quý vị phụ nữ.  Tôi cũng đã  thấy những người cha Viêt Nam ở xứ Mỹ một mình nuôi con mọn, chăm sóc con cái như một người mẹ vì vợ chồng ly dị,  sống xa cách nhau bởi nhiều lý do mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu được mà thôi.  Và lại có những người cha phải chấp nhận làm “Mr Mom” ở nhà  vì bị đau bịnh, bị thất nghiệp hay không còn đủ năng lực làm việc sau thời gian bị giam cầm tù tội khổ sở  tại các trại học tập cải tạo, trong khi người vợ vẫn phải đi làm kiếm sống cho gia đình.   Mỗi người một hoàn cảnh thật đáng thương!
Dĩ nhiên, khi nhìn những hình ảnh đó, mặc dầu tôi là một phụ nữ thuộc thành phần cấp tiến, lòng tôi vẫn  xúc động, bất nhẫn vô cùng vì dù sao đi nữa cái thiên chức của người phụ nữ được giáo dục theo luân lý đạo đức Á Đông trong tôi vẫn còn, đó là người phụ nữ phải chiều chồng, chăm sóc con cái chứ ai nở để đàn ông đi làm những chuyện đàn bà đó! Thật tội nghiệp lắm thay!

 Dù người Cha ở vị trí nào đi nữa, chúng ta cũng không thể phủ nhận tình phụ tử  
yêu thương con như châu ngọc của người Cha:

Tình cảm ấy chẳng cần dùng ngôn ngữ
Cũng chẳng cần dệt gấm với hoa thêu
Cũng viết nên bản thơ nhạc diễm kiều:
“Tình phụ tử thương con như châu ngọc”

Cha cũng đã góp phần nuôi dạy trẻ
Đã nhiều đêm cha thao thức canh thâu
Đã nhiều lần Cha lo lắng âu sầu
Khi con trẻ biếng ăn hay biếng học

( Trích trong Một Lời Cho Cha- Thơ Sương Lam)

Hôm nay cũng nhân Ngày Lễ của Cha, người viết xin chia sẻ với các bạn mẫu chuyện nho nhỏ dưới đây:

 Cái Bát Gỗ
        
     Một ông già gầy yếu phải dọn đến ở chung với con trai, con dâu và một đứa cháu nội lên 4 tuổi. Ông già hai tay run rẩy, mắt đã mờ, chân bước không vững. Cả gia đình ngồi ăn chung nơi bàn ăn.
     Nhưng người ông lớn tuổi với hai tay lụng cụng và đôi mắt kèm nhèm khiến cho việc ăn uống rất khó khăn. Những hạt đậu rớt từ muỗng xuống sàn nhà. Khi ông với tay lấy ly sữa thì sữa đổ tóe ra khăn bàn.
Người con trai và con dâu rất bực mình vì phải lau chùi dọn dẹp cho ông. Người con trai nói: “Chúng mình phải làm một cái gì để giải quyết vấn đề này. Anh chán ngấy cái vụ ông đánh đổ sữa, ăn uống nhồm nhoàm, và đánh đổ thức ăn trên sàn nhà.”
      Do đó hai vợ chồng bàn nhau đặt một cái bàn trong góc phòng. Ở đó, ông cụ phải ngồi ăn một mình trong khi cả gia đình ăn uống vui vẻ. Vì ông cụ đã đánh vỡ mấy cái đĩa, thức ăn của ông được bỏ vào một cái bát gỗ.
Khi cả gia đình liếc nhìn về phiá ông cụ, đôi khi thấy ông chảy nước mắt khi phải ngồi một mình. Vậy mà, mỗi khi ông đánh rơi muỗng nĩa hay đánh đổ thức ăn, hai vợ chồng vẫn còn la rầy ông.
Đứa cháu 4 tuổi quan sát mọi sự trong thinh lặng.
      Một tối kia, ngay trước bữa ăn, người cha thấy đứa con nghịch với mấy khúc gỗ vụn trên sàn. Anh ta dịu dàng hỏi: “Con đang làm gì vậy?”
      Đứa bé cũng trả lời diụ dàng không kém: “Ồ con đang làm một cái bát nhỏ cho ba và mẹ ăn khi con lớn lên.” Nó cười và tiếp tục làm việc.

      Những lời nói của đứa trẻ làm cho cặp vợ chồng sững sờ không nói nên lời. Rồi những giọt nước mắt tuôn rơi trên mặt họ.  Dù không nói ra lời, cả hai đều hiểu phải làm cái gì.

      Tối hôm ấy, người con trai, cầm tay bố và diụ dàng dắt ông cụ trở về bàn ăn của gia đình. Và trong suốt những ngày còn lại của cuộc đời ông cụ được ngồi ăn chung với gia đình.  Và từ đó cả chồng lẫn vợ dường như không còn chú ý đến những lúc muỗng niã rơi, sữa bị đổ tràn hay khăn bàn bị dính bẩn.

Bùi Hữu Thư chuyển ngữ
 (nguồn: sưu tầm trên mạng)

Hy vọng rằng lời tâm tình và mẫu chuyện nho nhỏ nói trên đã làm cho chúng ta hiểu thế nào là tình phụ tử, niềm đau buồn và sự vui sướng của những người Cha già khi được con cháu thương yêu.
Xin chúc cho những người Cha, dầu già hay trẻ, có được những phút giây vui vẻ trong tình thương yêu của những người thân trong Ngày Lể của Cha.
Xin được phép nhắc nhở cho các người con, người cháu Việt Nam phải luôn nhớ câu ca dao đầy tình nghĩa muôn đời của đạo đức Á Đông:

“Công Cha như núi Thái Sơn
 Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra
 Một lần thờ mẹ kính cha
 Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”


Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Hình ảnh và tài liệu sưu tầm trên internet, qua email bạn gửi, ORTB 427-6252010)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét