Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

Bài số 21 Một Cõi Thiền Nhàn


Chào quý bạn,

Đây là bài thứ hai mươi mốt của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Ở Oregon có nhiều khu học chánh phụ trách vấn đề giáo dục, liên lạc và huấn luyện phụ huynh học sinh.  Hằng năm  Hội Phụ Huynh của Khu Học Chánh North Clackamas có tổ chức một ngày đại hội để  huấn luyện phụ huynh học sinh hiểu biết những vấn đề cần thiết làm gia tăng sự học, lòng tự tin và thành công trong việc học của học sinh.  Đặc biệt năm nay, lần đầu tiên có thêm hai lớp huấn luyện dành cho phụ huynh Việt Nam được trình bày bằng Việt Ngữ với diễn giả là người Việt Nam.  Đó là nhờ sự vận động tích cực và hữu hiệu của ông Philip Phúc Phan, người phụ trách công tác với phụ huynh học sinh tại Hội Phụ Huynh này.

Thứ bảy 2-27-10 vừa qua người viết được mời đến đại hội Huấn Luyện Phụ Huynh thuộc Khu Học Chánh North Clackamas tổ chức tại trường Alder Creek Middle School với tư cách là một diễn giả lớp huấn luyện dành cho phụ huynh Việt Nam qua đề tài  “Tại sao Phụ Huynh Rất Quan Trọng Đối Với Học Đường?”.  Thuyết trình viên thứ hai là Ông Vương Thế Hạnh với đề tài “Ngăn Ngừa Nguy Hiểm Cho Vị thành Niên”.

Có 64 lớp miễn phí cho phụ huynh với nhiều đề tài hay lạ và hữu ích để  phụ huynh sinh hoạt với con em từ lúc ra đời tới khi vào lớp học, tiểu học, trung học cấp I và cấp II, với những trẻ em có cá tính đặc biệt, vấn đề dinh dưỡng, giúp con em học toán, viết văn, bước đầu vào đại học, xin học bổng v..v…
Diễn giả là những giáo viên, cố vấn, chuyên viên nhiều kinh nghiệm với những mẹo vặt mà phụ huynh có thể sử dụng ngay.  Đa số các đề tài được thuyết trình bằng Anh ngữ dành cho phụ huynh người Mỹ. Có thông dịch viên người Việt, người Nga, người Mễ  để giúp phụ huynh không phải là người Mỹ muốn tham dự các lớp huấn luyện này.

Trong vai trò một thuyết trình viên Việt Nam, tôi đã trình bày nhiều vấn đề liên quan đến văn hóa Việt Nam và văn hóa Mỹ để giúp cho phụ huynh và nhà trường hiểu được giá trị hay đẹp của hai nền văn hóa khác nhau, hầu tránh những xung đột văn hoá, cho biết những tin tức quan trọng cần thiết giúp con em thành công trong việc học, giúp phụ huynh hiểu rõ luật lệ Hoa Kỳ áp dụng tại học đường, những tin tức liên quan và ảnh hưởng đến con em, sự giúp đỡ của nhà trường trong việc học, học bổng, nhấn mạnh đến bổn phận và quyền lợi của phụ huynh học sinh trong các quyết định liên quan đến việc học của con em, vấn đề tham gia hội phụ huynh học sinh và làm thiện nguyện ở truờng học v..v..
Trường học đầu tiên của trẻ em là gia đình.  Đến khi con em bắt đầu đi học, phụ huynh vẫn là người có ảnh hưởng mạnh mẻ đến việc học của con em.  Sự nghiên cứu cho thấy trẻ em thành công nhất tại trường khi phụ huynh và thầy cô cùng hợp tác với nhau.  Có đến tham dự buổi đại hội phụ huynh do Hội Phụ Huynh Khu Học Chánh North Clackamas tổ chức, tôi mới thấy phụ huynh Mỹ cũng rất quan tâm đến việc giáo dục con em và hợp tác chặt chẻ với nhà trường nên tham dự đại hội rất đông.  Phụ huynh Viẹt Nam cần được khuyến khích tham gia và hợp tác với nhà trường để học hỏi nhiều điều hay lạ hầu giúp cho con em thành công trong việc học và tránh bớt đi những điều đáng tiếc có thể xảy ra cho con em chúng ta.  Mong lắm thay!
Chúng ta đều đồng ý giáo dục rất quan trọng đối với mọi người vì người có học lúc nào cũng được nể trọng, yêu mến.  Phụ huynh Việt Nam đã hy sinh rất nhiều để con cái được học hành đàng hoàng, thành công trong việc học, có địa vị trong xã hội.  Con em của chúng ta là những người hiếu học, được giáo dục tốt nên đã thành công trong nhiều lảnh vực.  Một Dương Nguyệt Ánh, một Jennifer Phạm đã làm vẻ vang dân Vìệt.  Ấy có phải là nhờ sự giáo dục tốt của gia đình hay chăng?
Xin cám ơn  anh Philip Phúc Phan, khu học chánh North Clackamas, các phụ huynh Việt Nam đã  đến tham dự ngày đại hội nói trên vì các vị đã đem lại niềm vui cho người viết, vì quí vị đã thương yêu và  làm được một việc làm tốt đẹp đối với gia đình và  học sinh Việt Nam.

Việc mong ước con em thành công và đạt được địa vị cao trong xã hội là điều ai cũng mong muốn.  Tuy nhiên có nhiều phụ huynh đã tạo nhiều áp lực quá nhiều và quá nặng vào việc chọn lựa ngành học của con cái nên đã xảy ra trường hợp thương tâm ở Cali khi người con trai cả bóp cổ nghẹt thở bà mẹ tại tư gia tháng 12 năm 2008. Sự việc này phản ảnh sự xung đột giữa hai thế hệ trong gia đình người Việt khi các bậc cha mẹ vì quá mong muốn đạt những gì theo lý tưởng của mình nên đã tạo nhiều áp lực lên con cái mà không nghĩ đến hậu quả tai hại của những áp lực này. 
Trong câu chuyện này tất cả đều là người có học.  Bà mẹ là một dược sĩ, hết lòng thương yêu con trai lớn. Bà đã hy sinh mọi việc và lo lắng cho con với ước nguyện rằng con mình phải trở thành  một bác sĩ y khoa cho nở mày nở mặt với bạn bè trong khi người con thì muốn trở lại học ở trường dược vì chỉ có thêm một năm nữa là tốt nghiệp.  Hai mẹ con cãi vã nhau kịch liệt về vấn đề này và cuối cùng thì người con tức giận đưa tay bóp cổ mẹ.

Đa số những phụ huynh người Việt luôn tìm cách gián tiếp hay trực tiếp ngăn cản những lựa chọn của con cái vì nghĩ rằng nó không hay, không đẹp, không danh giá như những gì mình mong muốn.  Nhiều phụ huynh Việt vẫn từng ao ước con cái phải học giỏi để thành bác sĩ. luật sư hay những ngành nghề khác có danh giá mà mình không thực hiện được để  họ được nở mặt nở mày với thiên hạ.  Khi đứa con có những chọn lựa khác với sự mong ước của mình thì rầy la, mắng chửi, tạo áp lực lên con cái đến nổi nhiều em phải tự tử hoặc tạo ra sự việc  thương tâm nói trên.
 Trong một chừng mực nào đó, nếu có thương yêu con cái thực sự, chúng ta phải chấp nhận nhận luôn những chọn lựa, quyết định của con cái dù rằng nó đi ngược lại những gì ta từng ao ước.
Câu chuyện thương tâm này đưa đến cho chúng ta một bài học về cái Ngã trong con người và sự ham muốn cái danh giá hư ảo của kiếp người.
Nhiều người trong chúng ta có cái Ngã quá tự cao tự đại, lúc nào cũng cho rằng mình đúng, người khác là sai và muốn người khác phải làm theo ý muốn của mình.  Chính vì cái Tôi quan trọng như thế mà con người phải nhận lấy bao nhiêu đau khổ trong cuộc sống với ba nghiệp tham, sân, si của mình.  Đây cũng  là một bài học mà các bậc phụ huynh cần phải suy ngẫm.


Trong cuộc đời của chúng ta chắc hẵn chúng ta đã từng gặp và sử dụng những viên đá lớn nhỏ khác nhau vì mỗi viên đá có một công dụng khác nhau.
Xin mời bạn đọc mẫu chuyện dưới đây để có thêm một kinh nghiệm khi sử dụng những viên đá trong tay của bạn.
NHỮNG VIÊN ÐÁ LỚN
Nhị Tường dịch


Một giáo sư, chuyên gia về quản lý thời gian đang sử dụng phương pháp trực quan để dạy cho một nhóm sinh viên thương mại. Khi đứng trước nhóm sinh viên đạt được thành tựu cao, ông nói: “Ðây là lúc kiểm tra”.
Thế rồi ông kéo ra một cái hũ khoảng 5 lít và đặt lên bàn trước mặt, rồi đưa ra khoảng chục viên đá to cỡ bằng nắm tay cẩn thận đặt vào bên trong hũ, mỗi lần đặt một viên. Khi chiếc hũ gần đầy, không còn có thể bỏ thêm viên đá nào nữa, ông hỏi: “Chiếc hũ đã đầy rồi phải không?”.
Mọi người đều trả lời: “Vâng”.
 Giáo sư hỏi lại: “Thật thế chứ?”.
Ông lấy phía dưới bàn ra một sọt đựng sỏi và bỏ chúng vào hũ giữa những viên đá lớn. Rồi lần nữa ông hỏi cả lớp xem chiếc hũ đầy chưa.
Lần này cả lớp trả lời: “Có thể là chưa”.
“Tốt”. Nói xong, ông lấy từ dưới bàn ra một xô cát, và bắt đầu trút vào trong hũ, cát len lõi vào những viên đá lớn và những hòn sỏi nhỏ.
 Một lần nữa ông hỏi hũ đã đầy chưa. “Chưa đầy”. Cả lớp la lên.
Ông lại nói: “Tốt” và lấy một bình nước trút vào trong hũ đến khi ngập miệng bình.
Ông nhìn cả lớp và hỏi: “Cốt lõi của sự minh họa này là gì?”
.Một sinh viên nôn nóng đáp: “Cốt lõi chính là dù thời gian biểu của chúng ta có kín đi chăng nữa cũng không quan trọng, nếu thực sự cố gắng chúng ta luôn có thể thêm vào”.
“Không phải vậy” Giáo sư trả lời: “Ðó không phải là điều chủ yếu. Chân lý của thí dụ này chính là nếu chúng ta không đặt những viên đá lớn trước tiên, thì chúng ta không bao giờ bỏ hết tất cả vào được”.
Những “viên đá lớn” trong cuộc đời các bạn là gì? Thời gian bạn ở bên cạnh người thân yêu, những niềm tin, sự học, những ước mơ, những động cơ chính đáng của bạn, chỉ bảo hoặc tư vấn cho người khác. Hãy nhớ đặt “NHỮNG VIÊN ÐÁ LỚN” đó trước tiên, nếu không bạn sẽ không bao giờ có được tất cả. Vì vậy, tối nay, hoặc sáng mai, khi bạn nhớ đến câu chuyện trên thì hãy hỏi chính mình: NHỮNG VIÊN ÐÁ LỚN trong cuộc đời ta là gì?
(Nguồn: Tu viện Quảng Đức)

Tác phẩm truyện Kiều của Nguyễn Du là viên ngọc quý trong kho tàng văn học Việt Nam. Người viết cũng biết trong số các độc giả mục Một Cõi Thiền Nhàn này có nhiều bậc thức giả và quý vị cao niên rất thích đọc truyện Kiều của Nguyễn Du. Hôm nay nhân ngày đầu Xuân, người viết xin phép được góp vui với quý độc giả qua những câu đố vui tìm hiểu truyện Kiều dưới đây:
1.Câu đố thứ nhất
Ba con, sáu chữ, một câu
Truyện Kiều ai đã thuộc làu đáp nhanh
Một con: chúa tể rừng xanh
Một con: hóa kiếp sẽ thành bướm bay
Một con: xuân đến lượn bay
Ai hay, ai biết đáp ngay câu gì?
2.- Câu đố thứ hai
Truyện Kiều bạn thuộc làu ư?
Một câu mà lặp 3 từ giống nhau
5 câu như thế tìm mau
Đố trên dưới, đố trước sau, câu gì?
Câu gì nhanh đáp liền đi?

Đây cũng là dịp ôn tập lại truyện Kiều cho vui.  Chúc quý bạn mau tìm được câu trả lời, bạn nhé!

Ngày xưa người viết rất thích thơ Nhất Tuấn qua bài thơ “Chủ Nhật này Trẩm nhớ ái khanh không?” trong tập thơ Truyện Chúng Mình của ông.
 Ngày nay, người viết tình cờ đọc ở đâu đấy bài thơ Ngộ của nhà thơ Nhất Tuấn, thấy hay hay, nên xin đem vào đây chia sẻ với quý  bạn cùng đọc cho vui.

Ngộ
(Tặng chú tiểu Lan của ... )

Em đóng cửa trái tim
Thi Cử Nhân Khoa Học
Rồi một chiều không tên
Xin ... qui y xuống tóc

Đêm từng đêm nguyện cầu
Ơn riêng ban người đó
Còn mình muôn kiếp sau
Thề sẽ không yêu nữa

Thật giản dị quá chừng
Trái tim cửa khóa chặt
Tình khó len vào đây
Mặc bốn mùa đổi thay
Giam mình trong Thiền Viện
Xin làm một bóng mây

(28 năm sau ... )

Hôm nay em ngộ rồi !
Phật dạy :
- Con yêu được
Hãy yêu thương muôn loài
Cứ yêu người ngày trước

- Anh thấy không ?
Tu, không tu chẳng sao
Tình đôi ta bất diệt
Chúng ta là của nhau
Tới ... "a tăng tỳ kiếp"

Nhất Tuấn

(Truyện Chúng Mình )

Xin chúc sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn .

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam 

 (Tài liệu sưu tầm trên internet, qua email bạn gửi, ORTB 21-352010)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét