Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

Bài số 46 Một Cõi Thiền Nhàn




Niềm Tin và Sống Vui Khoẻ

Chào quý bạn,

Đây là bài thứ bốn mươi sáu của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.


Portland bây giờ đã vào Thu và tuần sau học trò sẽ tựu trường lại. Ban đêm trời bắt đầu trở lạnh. Quấn chiếc mền ấm quanh người, ngồi xem phim truyện Bí Mật Nội Phủ của đài SBTN với “người tình già trên đầu non” của tôi trong căn phòng ấm cúng, tôi thấy mình thật có phúc trong khi cũng trong giờ phút này, chắc chắn có nhiều người đang đói lạnh vì thiên tại địa hoại, vì sự sụp đổ kinh tế toàn cầu và vì nhiều nguyên nhân khác nữa. Với thân phận một thế nhân tầm thường trong thiên hạ, tôi chỉ biết thành tâm cầu nguyện cho thế giới được hòa bình an lạc, mọi người yêu thương giúp đỡ lẫn nhau trong cơn hoạn nạn, gửi tiền tài vật thực đến những người cần được giúp đỡ qua các cơ quan từ thiện. Bạn và tôi mỗi người góp một bàn tay, một chút tài thực, một lời cầu nguyện để làm giảm đi một chút đau khổ của kiếp người, bạn nhé!

 Một phúc duyên khác đến với tôi là tôi đã có duyên lành đến chiêm bái Phật Ngọc Hoà Bình Thế Giới  tại chùa Ngọc Sơn ngày Chủ Nhật vừa qua. Tôi là một Phật tử nên việc được chiêm bái các Phật tích tại Ấn Độ, và chiêm bái Phật Ngọc ngay tại nơi mình cư trú là một phúc duyên đáng quý trong kiếp đời hiện tại của tôi vì tôi đã được gieo duyên với Phật pháp.

Tôi cúi đầu đảnh lễ các Phật tượng để bày tỏ lòng kính ngưỡng những hạnh nguyện từ bi bác ái, trí tuệ và sự dũng mảnh tinh tấn của quý Ngài.  Tôi đọc tụng, nghiên cứu kinh điển để học tập,  thực hành những đức tính cao đẹp của chư Phật và chư Bồ tát  trong đời sống hằng ngày, để sám hối các tội lỗi đã tạo ra từ a tăng kỳ kiếp, để góp nhặt phúc lành tạo niềm vui cho mình, cho người trong kiếp sống hiện tại.

Tôi kính ngưỡng tất cả các tôn giáo và tôn trọng đời sống tâm linh cao đẹp cuả các vị lảnh đạo tôn giáo, của các giáo hữu vì đời sống tâm linh có giá trị nhất đối với con người so với các giá trị vật chất, tinh thần khác.  Theo thiển ý, trong tận cùng của hạnh phúc, đau khổ và sợ hãi, con người thường hướng về các đấng tối cao và dâng lên một lời cầu nguyện để có sự an lạc trong tinh thần.

  Mỗi người có một niềm tin riêng. Riêng tôi rất tâm đắc lời dạy dưới đây của Đức Phật
mà tôi đã đọc được và còn nhớ như sau:

“Một là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì đó là truyền thuyết.
Hai là, chớ vội tin một  điều gì, chỉ vì điều đó thuộc về truyền thống.
Ba là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó được nhiều người nhắc đến hay tuyên truyền.
Bốn là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì  điều đó được ghi lại trong kinh điển hay sách vở.
Năm là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó thuộc lý luận siêu hình.
Sáu là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó hợp với lập trường của chúng ta.
Bảy là, chớ vội tin một điều gì, khi mà những điều đó được căn cứ trên những dữ kiện hời hợt.
Tám là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy phù hợp với định kiến của mình.
Chín là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy được sức mạnh và quyền uy ủng hộ.
Mười là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy được các nhà truyền giáo hay đạo sư của mình tuyên thuyết.

Này các thiện nam tín nữ, khi nghe một điều gì, các vị phải quán sát, suy tư và thể nghiệm, chỉ khi nào, sau khi kiểm nghiệm, quý vị thực sự nhận thấy: “Lời dạy này tốt lành, đạo đức, hướng thiện, chói sáng và được người trí tán thán.  Nếu sống và thực hiện các lời dạy này sẽ đưa đến hạnh phúc, an lạc ngay hiện tại và về lâu, về dài” thì quý vị hãy đăt niềm tin bất động và thực hành theo”

Học sinh tuổi trẻ đến trường để mở mang trí tuệ, để có một kiến thức căn bản hội nhập vào đời sống xã hội, để có công ăn việc làm nuôi sống mình và gia đinh mình và để trở  thành những công dân tốt trong xã hội.

 Cô cháu nội Mya Ngoc Vy yêu dấu của tôi năm nay 4 tuổi cũng cắp sách đến trường học lớp Tiền Mẫu Giáo, 3 ngày trong tuần. Dĩ nhiên tuổi trẻ ngây thơ, cháu nội của tôi rất tin tưởng và nghe lời những gì thầy cô đã dạy bảo. Chúng ta cũng mong con cháu chúng ta biết vâng lời và tin tưởng vào những lời dạy bảo của Thầy Cô vì chúng ta vẫn còn thuộc lòng câu: “Không thầy đố mày làm nên” mà lị!

Chúng ta tuy đã vào cái tuổi hoàng hạc này rồi cũng cần phải học hỏi nhiều để có một nền tảng niềm tin chính đáng cho mình như đã nói ở trên và nhất là để vui sống trong hiện tại.

 Nhiều bạn bè của tôi thắc mắc và thường hỏi tôi về hưu có buồn chán không?  Riêng tôi, tuổi hưu là tuổi tuyệt vời nhất của đời người, nếu bạn biết hưởng thụ, vì bạn không còn bận tâm nhiều đến vấn đề sinh kế nữa, con cái cũng đã lớn khôn rồi.  Xin hãy nghe người viết tâm tình với các bạn qua bài thơ  Cô Giáo Về Hưu của SL khi tôi  “rũ áo từ quan “ cách đây 5 năm:

Cô Giáo Về Hưu

Ồi! thích quá! Hết phải còn dậy sớm
Hết vội vàng uống lẹ tách cà phê,
Hết ngóng trông chờ mau đến giờ về
Hết cau mặt, nhướng mày và giận dữ
Hết theo dõi từng lời, từng nét chữ ,
Hết “Reading”, “Homework”, hết “Writing “
Hết nhân, chia, trừ, cộng, số toán hình
Hết những lúc “duty”, làm bổn phận
Hết thước kẻ, bảng đen và phấn trắng
Xếp lại trang sách vở, trả lại trường
Chỉ mang về: ánh mắt với tình thương
Tuổi khờ dại, ngây thơ và hoa mộng
Tôi còn lại: những gì mình đang sống
Những sáng hồng, được dạo bước thảnh thơi
Ngắm hoa xinh, ngắm mây trắng lưng trời,
Trưa hè vắng, nghe tiếng chim vui hót
Đã đến lúc thấm nhuần hương vị ngọt
Của câu kinh, tiếng kệ, mõ chuông chiều
Để sửa Tâm, lập Tánh tốt cho nhiều,
Trồng cội Phúc, gieo nhân Lành, mầm Thiện
Và tu tập mỗi ngày thêm tăng tiến
Giúp người vui, ta cũng được vui theo
Vì kiếp người như sợi chỉ mành treo:
Giữa Sanh, Tử!  Sát na trong khỏanh khắc!
Tâm thanh thản, an vui, không trói chặt
Với lợi danh, không, sắc cõi trần gian
Lắng tĩnh tâm tìm đến Ánh Đạo Vàng
Thập thiện đạo hướng về bờ bến Giác

(Thơ Sương Lam)

Người viết cũng xin chia sẻ với các bạn một vài “bí quyệt” sống vui  sống khỏe mà người viết vừa “chôm” được từ email của một “bạn vàng tuổi hạc” từ miền Đông gửi đến.  Từ từ rồi SL sẽ “bật mí” thêm nhiều “bí mật” sống vui sống khỏe này để chúng ta cùng vui sống “trẻ mãi không già. Bạn có chịu không?

 Bí quyết sống vui sống khỏe

1.- Hãy dành thời gian vui đùa nhiều hơn với những người trên 65 tuổi và dưới 6 tuổi.
2.- Hãy đọc nhiều sách hơn.
3.- Hãy dẹp bỏ tất cả những gì không tốt, không đẹp hoặc không làm cho bạn vui.
4.- Hãy làm những điều bạn cho là đúng để tâm hồn luôn thư thái.
5.- Hãy sống với 3 C: Chân tình, Cởi mở và Cảm thông với mọi người.
6..- Đừng quan tâm đến những gì người khác nghĩ về bạn, đó không phải là chuyện của bạn.
7.- Đừng để lòng giận ghét làm bạn sống khó chịu bực bội, vô ích nhé.
8.- Hãy nhớ rằng dù cho hoàn cảnh có tốt hay xấu đến đâu đi nữa, thì nó cũng sẽ thay đổi.
9.- Hãy ý thức rằng cuộc đời như trường học và bạn đang ở đó để học tập.
10.- Những vấn đề chỉ như các bài toán đố được đưa ra trong chương trình học, được giải đáp
     xong rồi biến mất.  Nhưng bài học rút ra thì sẽ giúp ích cả đời.

Úi chào! Người viết phải giữ lại một vài bí quyết cho kỳ sau chứ! Nếu “bật mí” ở đây hết thì người viết còn gì để mà chia sẻ với các bạn trong các bài viết kế tiếp nhỉ?    Bạn chờ nhé!


Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet và qua email bạn gửi, ORTB 438- 9-102010)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét