Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

Bài số 36 Một Cõi Thiền Nhàn




 Đây là bài thứ ba mươi sáu của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Tuần vừa qua, vợ chồng người viết đi làm “thợ vịn” trong công tác thực hiện xe hoa Cộng Đồng Việt Nam Oregon để tham gia lễ Hội Hoa Hồng 2010 hằng năm sẽ diễn ra vào ngày thứ bảy 6-12-2010.
Chủ đề xe hoa năm nay là 35 Năm Hành Trình Tìm Tự Do (Journey For Freedom) với mô hình một chiếc thuyền vượt biên nhỏ bé đang nhấp nhô giữa sóng biển mênh mông của đại dương để đi tìm tự do nơi đất lạ quê người. Người thiết kế là ông Đoàn Kim Bảng, chủ tịch CDVNOR với sự cộng tác của toàn thể ban chấp hành cộng đồng và thân hữu.

 Nhìn kích thước chiếc thuyền, tôi thấy rùng mình sợ hãi và thương cho số phận của những thuyền nhân đã can đảm ngồi trên những chiếc thuyền mỏng manh nhỏ bé để đi tìm hai chữ Tự Do cách đây 35 năm.

“Có những con thuyền thật mỏng manh
Lang thang cuối bãi đến đầu gành
Một cơn sóng lớn đưa thuyền đến
 Địa ngục trần gian giữa biển xanh

Có những bàn tay chới với tìm
Chiếc phao, mảnh gỗ để ngoi lên
Trời ơi! Sao lại là con nhỉ?
Và xác con yêu nhẹ nhẹ chìm!

  (Kiếp thuyền nhân – Thơ Sương Lam)

Rồi ba mươi lăm năm trôi qua lặng lẻ, có những người già nằm xuống và có những đứa trẻ lớn lên, công thành danh toại.  Có ai còn nhớ đến những gian khổ ngày xưa mà mẹ cha đã:

 Quyết chí ra đi với hy vọng sống còn
Cho con trẻ được sống đời hạnh phúc (*SL)

Chúng tôi xin cám ơn Ban Chấp Hành CĐVNOR đã thực hiện chiếc xe hoa này để nhắc nhở cho con em chúng ta vả ngay cả chúng ta nữa, đừng quên những hy sinh của các chiến sĩ kiêu hùng, nỗi đau thương ngậm ngùi của đất nước, những ngày gian khổ khi vượt biên, những nhọc nhằn khi xây dựng cuộc sống mới nơi xứ người, để cho chúng ta, những người đang sống tha hương phải sống và sinh hoạt như thế nào cho xứng đáng là người dân Việt Nam can đảm, gan dạ, yêu chuộng hoà bình tự do nhân bản.

Tôi đã đến xứ người đầy ơn phước
Của Phật Trời, của ân đức Mẹ Cha
Đã đến nơi đây, tôi mới hiểu được là
Hai chữ Tự Do đong đầy nước mắt. (*SL)

Sự góp mặt của chiếc xe hoa  này cũng nói lên lời cám ơn của chúng ta  đến những người bạn mới của xứ sở Tự Do đã mở rộng vòng tay đón nhận những thuyền nhânViệt Nam đến nơi đây, để cùng chung sống trong tình thương yêu nhân đạo, cùng chung nhau xây dựng và bảo vệ lý tưởng tự do.

Người viết xin cám ơn tất cả những đồng hương đã góp công, góp của, góp sức để thực hiện chiếc xe hoa đầy ý nghĩa này, đặc biệt là quý vị trong Ban Chấp Hành  CĐVNOR đã lao tâm khổ trí, quên ăn quên ngủ, lo lắng ngày đêm để đem danh dự về cho cộng đồng Việt Nam với giải thưởng đặc biệt “Mayor Harry Lane Award”  for  “Best depiction of community Spirit” tạm dịch là “Miêu tả được tinh thần cộng đồng một cách xuất sắc”.   Mayor Harry Lane là một trong các nhân vật sáng lập, thực hiện và bảo trợ cho chương trình Rose Festival hằng năm ở Portland, Oregon.  Thị trưởng  Portland, Oregon hiện thời là ông Sam Adams.
Quí bạn có thể tham khảo tài liệu về các giải thưởng Portland Rose Festival ở website http://www.rosefestival.org/events/grandfloralparade/2010-GFP-Awards.pdf

Chiếc xe hoa mang hình ảnh một chiếc thuyền mong manh trôi nổi giữa biển khơi  nhưng nói lên được tinh thần can đảm gan dạ của dân Việt Nam trong hành trình tìm tự do suốt 35 năm nay đã được ban giám khảo xúc động và trao giải thưởng đặc biệt này cho Cộng Đồng Việt Nam Oregon.  Thật là một vinh dự hiếm quý!  Xin chúc mừng ban chấp hành CĐVNOR.

Ở vào tuổi được lảnh lương hàng tháng của Sở An Sinh Xã hội sau hơn 20 năm làm việc trả nợ áo cơm và đóng thuế đầy đủ, niềm vui của vợ chồng chúng tôi là hằng ngày được  vui đùa với cô cháu nội Mya Ngoc Vy 4 tuổi dễ thương, đáng yêu.  Cuối tuần, chúng tôi được rảnh rang để có thể đi làm “thợ vịn” cho những công tác cộng đồng nào mà mình thích và có thể làm được trong cái tuổi “không còn trẻ nữa” này.

 Ngày xưa, tôi thường nghe hát “Ai bảo chăn trâu là khổ? Chăn trâu sướng lắm chứ!”  Bây giờ, tôi có thể hát nghêu ngao: “Ai bảo làm thợ vịn là khổ?  Làm thợ vịn sướng lắm chứ!” vì thợ vịn chỉ là “đào kép phụ” mà thôi. 
Khi xem  một vỡ kịch hay một tuồng hát trên sân khấu, khán giả chỉ chú ý đến soạn giả, đào kép chính mà thôi, chứ ai có để ý đến những người lon ton chạy dọn dẹp, trang hoàng sân khấu, hay núp sau cánh gà nhắc tuồng cho các nghệ sĩ, phải không bạn?  Bởi thế  những người soạn giả, đạo diễn, các MC, các đào kép chính mới là người quan trọng để được nhận lời khen chê, phê bình của khán thính giả, còn những người “thợ vịn” như chúng tôi khoẻ re vì có ai biết đến đâu, cho nên những lời khen chê này kể như “nơ pa” đối với chúng tôi. Một khi đã không nghe, không thấy những lời khen chê này, có phải là sướng lắm không? Tôi cho là thế!

   làm thợ vịn  cho nên tôi ít bị khủng hoảng tinh thần nhiều như các vai chính, bởi thế tôi có thì giờ để cho tâm hồn mình thỉnh thoảng đi lạc một chút cũng không sao.
  Khi cầm cây chổi quét những chiếc lá rơi rớt  trong lúc trang hoàng hoa hồng cho xe hoa vào buổi sáng ngày 6-11-10 để làm lễ khánh thành vào buổi chiều, tôi lại lan man nhớ đến bài thơ Quét Lá đã được đăng ở mục MCTNTL do tôi phụ trách trong Diễn Đàn Phụ Nữ Việt từ năm 2007.

Người viết xin phép được chia sẻ với các bạn một đoạn của bài thơ Quét Lá này và xin cám ơn tác giả Diệu Nhân đã sáng tác một bài thơ rất có ý nghĩa đối với tôi.

Bài thơ Quét Lá

 Vâng lời Thầy con đi quét lá
Lá vàng rơi lả tả khắp nơi
Lá khô rơi như kiếp con người
Giờ phút cuối là về cùng cát bụi
Con vừa quét sạch một gốc cây
Quây trở lại đã thấy đầy lá rụng
Con hỏi: nếu như gió đừng rung động
Thì lá kia hẵn còn ở trên cành
Một kiếp người cũng thế quá mong manh
Một hơi thở nếu đi rồi không đến nữa
Tạ ơn Thầy cho con bài học nhỏ
Mà thâm sâu như một triết lý không cùng …

Diệu Nhân

Người viết xin mời các bạn đọc thêm một  một mẫu chuyện Thiền về  việc nhặt lá dưới đây nhé:

Nhặt lá rụng trong tâm

 Sư Đỉnh Châu và một vị sư ngồi đọc kinh ở sân chùa, đột nhiên một trận gió thổi đến, lá trên cây rụng xuống khá nhiều. Đỉnh Châu liền khom lưng nhặt từng chiếc lá bỏ vào trong đãy. Vị sư bên cạnh thấy vậy bèn nói:
- Không cần nhặt đâu, dù sao sáng ngày mai chúng ta cũng phải quét mà!
 Đỉnh Châu không cho là như vậy nên nói:
 - Không thể nói như vậy, tôi nhặt thêm một lá, sân sẽ sạch thêm một chút.
 Vị sư lại nói:
 - Lá rụng nhiều như thế, nhặt phía trước nó lại rụng phía sau, làm sao mà nhặt hết được?
 Sư Đỉnh Châu vừa nhặt vừa nói:
 - Không sạch lá rụng ở trên mặt đất nhưng với lá rụng trong đất tâm thì cũng có lúc tôi
 nhặt sạch.
 Vị sư nghe rồi, hiểu ra việc nhặt lá rụng của Đỉnh Châu cốt là nhặt những phiền não vọng tưởng trong tâm.
 (Theo Hoa LinhThoại- Hình ảnh và tài liệu sưu tầm trên internet)

Chúng ta hy vọng rằng: nếu mỗi ngày chúng ta nhặt bỏ đi được những phiền não vọng tưởng trong tâm thì chúng ta sẽ được vui sống hạnh phúc trong chốn bụi hồng lao xao này, bạn có đồng ý chăng?

Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Hình ảnh và tài liệu sưu tầm trên internet, qua email bạn gửi, ORTB 426-6182010)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét