Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

Bài số 29 Một Cõi Thiền Nhàn


Chào quý bạn,

Đây là bài thứ hai mươi chín của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Thứ bảy vừa qua chúng tôi đến dự Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tưởng Niệm Ngày 30-4 do Ban Chấp hành Cộng Đồng Việt Nam Oregon phối hợp cùng các đoàn thể trong cộng đồng tổ chức.
Là con dân đất Việt dù sống ở xứ người, chúng ta vẫn phải nhớ đến cội nguồn của mình và nhớ ơn các bậc tiền nhân anh hùng đã ra công dựng nước và giữ nước.

 Cổ đức xưa có dạy rằng:

“Cây có cội mới tủa xanh nhành lá
Nước có nguồn mới tỏa khắp rạch sông
Phận làm người ai cũng phải có tổ tông
Phận làm con phải hết lòng lo báo hiếu”

Người viết đã từng ghi nhớ:

“Giang sơn Việt được tạo bằng gian khổ
 Bằng mồ hôi, nước mắt với hy sinh
 Của mẹ cha, của chinh phụ chung tình
 Của chiến sĩ, của mọi người dân Việt”

(Trích bài thơ Con Nên Hiểu của SL)

Nhìn những quý vị cao niên thuộc Đại Gia Đình Kết Nghĩa Portland, Oregon làm lễ ghi nhớ công ơn của các vị vua Hùng đã có công dựng nước rất trang nghiêm, thành kính, tôi thấy nao nao trong lòng và tự hỏi:  “Nếu mai kia thế hệ này không còn nữa thì đàn con trẻ Việt Nam các thế hệ kế tiếp sinh trưởng nới xứ người có còn nhớ đến các nghi lễ này hay không?”

  Một câu hỏi thật bi quan nhưng vẫn là mối lo nghĩ canh cánh trong lòng đối với những ai còn muốn giữ gìn lễ nghĩa, đạo đức Việt Nam nơi xứ người.  Thiết nghĩ quý vị cao niên trong ban tế lễ này tại Portland và các nơi khác cần hướng dẫn và truyền trao những sinh hoạt văn hoá hay đẹp này cho các thế hệ mai sau.  Các trường dạy Việt Ngữ không phân biệt tôn giáo, các đoàn thể sinh viên học sinh, các đoàn thể sinh hoạt văn hóa, xã hội, chính trị, các ban chấp hành cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại, nhất là các vị cao niên đã thông hiểu các nghi thức tế lễ có bao giờ nghĩ  đến việc mở những lớp  học để truyền dạy lại cho thế hệ trẻ các nghi lễ đặc thù văn hóa Việt Nam này hay chăng?  Nếu không hoặc chưa nghĩ đến, thì chúng ta cũng đừng trách tại sao những sinh hoạt văn hóa hay đẹp đó sẽ bị mai một theo thời gian trong dòng lịch sữ của dân tộc Việt Nam nơi xứ người?

Dù muốn sống nơi chốn bụi hồng lao xao này, nhưng chúng ta vẫn là những con người đầy tình cảm:  biết kính yêu tổ tiên cha mẹ, biết thương nhớ quê hương xứ sở, biết tiếc nhớ kỷ niệm xa xưa  v..v..

Theo thiển ý cuả người viết, ai là người Việt Nam, dù còn ở quê hương hay sống đời viễn xứ, đều cảm thấy đau buồn mỗi lần nhớ tới ngày 30-4-1975.  Mỗi người trong chúng ta đều có niềm đau nỗi khổ riêng trong ngày đau buồn này.

 Có những mẫu chuyện, những món đồ vật, đối với người ngoại cuộc khách quan là những mẫu chuyện thông thường, những món đồ không giá trị; nhưng với người trong cuộc, lại là những nỗi đớn đau suốt đời, một kỷ vật vô cùng giá trị không bao giờ tìm đâu được.  Hơn thế nữa, có những nỗi đớn đau có thể thốt lên được bằng lời nói, hành động, nhưng cũng có những sự đau khổ lắng đọng lại thành bài thơ, khúc nhạc.

Dù cuộc sống tha hương có đem đến cho chúng ta những tiện nghi vật chất đủ đầy hơn, nhưng Bạn với tôi vẫn là người Việt Nam tình cảm muôn đời.  Chúng ta vẫn khắc khoải nhớ về quê mẹ xa xôi và mơ ước một ngày về đoàn viên hội ngộ với bao thân tình yêu mến.

“Nay tôi bạn sống cuộc đời viễn xứ
Tháng Tư buồn! Tôi, Bạn gặp nhau đây
Trời Portland vẫn mây xám giăng đầy
Ta vẫn hát bài Quốc Ca ngày cũ!

Quê người đẹp vẫn là nơi tạm trú
Ta vẫn mơ về chốn cũ quê xưa
Có vườn rau, giòng sông nhỏ, rặng dừa
Có tiếng hát ầu ơ trưa hè nóng

Ta còn sống con tim còn xúc động
Khi được nghe, được nói tiếng Việt Nam
Chén cơm kia ăn mãi chẳng chán nhàm
Vì ta đã sinh làm dân nước Việt”

(Trích trong Bài Tình Ca Tháng Tư của Sương Lam)

Mỗi người trong chúng ta đều yêu quê hương đất Mẹ.  Mỗi người trong chúng ta đều có những ước mơ hoài bão phục vụ quê hương, nhưng mỗi người thực hiện bằng một hành động, một phương cách khác nhau.

Riêng người viết là một người Việt Nam tầm thường bé nhỏ, tôi chỉ xin cố gắng làm những việc  tầm thường nho nhỏ để không thẹn với chính mình, để  khỏi phụ lòng người ở lại.  Tôi thường tự nhủ lòng và tâm sự với bạn bè như sau:

“Xin đừng mộng chuyện công hầu khanh tướng 
Xin đừng mơ chuyện mưu bá đồ vương
Xin hãy làm một người Việt bình thường!
Yêu đất Việt vì ta là người Việt”

(Thơ Sương Lam)
 
 Tôi biết rằng tôi là người hữu phúc trong hiện tại vì tôi còn biết xúc động khi được nghe những lời nói phát xuất từ những trái tim quả cảm nhân hậu, khi được thấy những sinh hoạt đầy lễ nghĩa, đạo đức và gìn giữ tình tự dân tộc Việt Nam của những con người biết nhìn xuống cuộc đời để làm những gì có ích lợi cho tha nhân.  Giữa người và người cần có sự cho và nhận như sông và biển vẫn cần có nhau:

“Sông cần biển để có nơi chảy đến
Biển cần sông để cho biển thẳm sâu
Người cần người vì có những nhiệm mầu
Của tình cảm, của yêu thương, vương vấn” (SL*)

Đến cái tuổi “không còn trẻ nữa”, Bạn và tôi thấy tính tình mình hình như trầm tĩnh lại đôi chút chứ không xôn xao náo động như lúc còn trẻ.
 Chúng ta thích tìm đọc những sách báo thuộc về tâm linh, nghệ thuật.  Chúng ta bớt tranh cãi với người chồng, với người vợ, với con cái trong gia đinh, với bạn bè ngoài xã hội.
  Tuy nhiên, cũng có nhiều người lại thay đổi tính tình trái ngược lại từ hiền hòa, nhã nhặn, trầm lặng thành ra nóng tính, thô bạo, hiếu thắng làm cho những người thân trong gia đình đau buồn hay làm cho bạn bè ngoài xã hội thất vọng.  Đời sống này có bao nhiêu người được sống lâu trăm tuổi như người đời thường chúc nhau mà con người vẫn mãi gây buồn đau khổ hận cho nhau.  Không phải đợi đến lúc chết đi rồi ta mới được lên thiên đường hay xuống địa ngục, mà thật ra ta đã thấy ngay ở phút giây hiện tại mà ta đang sống. Xin mời quý Bạn đọc mẫu chuyện Thiền dưới đây để biết có thiên đường hay địa ngục hay chăng nhé?

Địa ngục, Thiên Đường

Tướng Quân đến Thiền Sư Bạch Ẩn hỏi đạo:
- Thực sự có thiên đường và địa ngục không ?
Bạch Ẩn hỏi:
- Ông làm gì?
Tướng quân đáp:
- Tôi là một danh tướng.
Bạch Ẩn cười to:
- Ha ha ha ! Một kẻ ngu si như ông mà làm tướng à! Ta trông ông giống tên đồ tể sát nhân.
Tướng quân tức giận rút gươm hét lớn:
- Cái gì ? Hãy xem ta lấy mạng ngươi!
Bạch Ẩn thản nhiên nói:
- Đó, cửa địa ngục mở rồi, ông thấy không?
Tướng quân thu gươm về sám hối:
- Bậy quá, xin Thầy tha cho sự lỗ mãng của con.
- Tốt lắm, cửa Thiên Đường do đây mà mở rộng .

(Trích trong Thiền là gì? Biên soạn Giác Nguyên)

Hy vọng trong cuộc sống hiện tại chúng ta sẽ đươc sống trong thiên đàng nhiều hơn trong địa ngục do chính chúng ta tạo ra.  Bạn có đồng ý chăng?

 Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Tài liệu sưu tầm trên internet, qua email bạn gửi, ORTB 419-430-2010)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét