Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

Bài số 50 Một Cõi Thiền Nhàn







Chào quý bn,

Đây là bài thứ năm mươi của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Thế là đã một năm qua kể từ khi khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của người viết được chính thức khai trương trên Oregon Thời Báo ngày 25 tháng 9 năm 2009. Xin được cám ơn quý vị trong ban  điều hành ORTB đã tạo phúc duyên cho người viết được chia sẻ tâm tình với  những người bạn đồng tâm cảm và nhờ đấy tôi có thêm được những người bạn mới và  tôi cũng có thêm những niềm vui mới trong hiện tại.

Người viết cũng xin cám ơn quý độc giả đã dừng chân nơi khu vườn MCTN nhỏ bé này để đọc những lời tâm tình của SL qua 50 bài viết được đăng tải nơi đây.  Lòng thương mến của quý độc giả dành cho người viết là niềm vui, là hạnh phúc của tôi vì chúng ta cùng đuợc vui, cùng được yêu thương  lẫn nhau.

 Người viết nhớ là đã đọc ở đâu đấy câu văn dưới đây:

“Cuộc sống có ba điều hạnh phúc: có ai đó để yêu thương, có việc gì đó để làm và có cái gì đó để hy vọng. (Khuyết Danh)

 Như vậy là quý độc giả và người viết, chúng ta có thể được xem như là người có hạnh phúc rồi đấy nhé vì chúng ta có đủ 3 điều kể trên. Bạn vui và bằng lòng chứ nhỉ?

Viết đến đây tự nhiên người viết nhớ đến bài viết “Xin lại Chào Nhau” của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc xin được trích đăng chia sẻ với các bạn vì  SL thấy hay hay với 4 câu thơ của Bùi Giáng và cảm nghĩ của tác giả ĐHN

“Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng…”

(Bùi Giáng)
Người phương Đông thời xưa không bắt tay. Họ chào nhau bằng cách vòng tay thành một vòng tròn và xá xá từ xa. Thời đó trang phuc là áo dài, không có túi, ống tay thụng phất phơ, dùng làm túi luôn. Họ có thể giấu nhiều thứ vào cái tay thụng đó, kể cả Lục Tích ăn cắp quít về cho mẹ trong Nhị thập tứ hiếu. Vòng tròn là biểu tượng của Thái cực. Thái cực sinh Lưỡng nghi. Lưỡng nghi sinh Tứ tượng. Từ đó sinh sinh hóa hóa…  Vòng tròn còn tượng trưng cho Dịch. Mọi sự đều chuyển biến, đổi thay, vô thường. Cho nên “Đừng tuyệt vọng tôi ơi đừng tuyệt vọng” (TCS), bởi hết cơn bỉ cực tới thời thái lai. Cái gì xuống đến tận đáy rồi thì sẽ phải lên, cái gì lên cao chót vót rồi thì sẽ xuống. Người giỏi kinh doanh sẽ thấy lúc khó khăn nhất cũng chính là cơ hội lớn nhất và lúc vinh quang nhất sẽ phải chuẩn bị cho bước thối lùi: Biết đủ dầu không chi cũng đủ/ Nên lui đã có dịp thì lui! (Ưng Bình). Cách chào vòng tay cúi đầu này không còn phổ biến nữa, trừ ở trẻ con:  Tiên học lễ!
Còn cách chào chắp hai bàn tay lại làm một đặt trước ngực thì sao? Thì mang một ý nghĩa khác. Có lẽ cũng xuất phát từ phương Đông, từ Ấn độ, mang màu sắc Phật giáo. như ta thường thấy ở các nhà sư.
 Gần đây bỗng thấy nhiều người cả già lẫn trẻ nhất là giới trí thức, doanh nhân, những người có thiền tập đều thích cử chỉ chào vừa trang trọng  vừa nhiều ý nghĩa này. Có người bảo đó là hình ảnh của búp sen, với hai bàn tay khum khum vào nhau, hoặc hình ảnh của ngọn lửa sẻ chia với nụ cười ung dung tự tại.
 Tôi nghĩ không chỉ vậy. Cái chắp hai bàn tay chụm lại làm một đó hẳn mang ý nghĩa của triết lý Bất Nhị ( không hai). Nói khác đi, đó là sự bình đẵng, không phân biệt, không kỳ thị: Tôi là em và em cũng là tôi! (TCS).
Khi Lục tổ Huệ Năng bị thượng tọa Huệ Minh rượt đuổi, bắt gặp, Huệ Minh nói chỉ muốn xin được nghe pháp. Lục tổ dạy: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bổn lai diện mục của thương tọa Minh?” Huệ Minh tức thì đại ngộ. Không nghĩ thiện không nghĩ ác cũng có nghĩa là không nghĩ đẹp không nghĩ xấu, không nghĩ giàu không nghĩ nghèo… Giàu nghèo, sang hèn, đẹp xấu … là những cặp phạm trù nhị nguyên xui người ta  tranh đoạt, hơn thua, cấu xé…  tự ngàn xưa!”
(Nguồn: Xin lại chào nhau- BS Đỗ Hồng Ngọc - Xin cám ơn Bác sĩ ĐHN)

 Chúng ta là thế nhân tầm thường trong cõi nhân gian này nên lúc nào cũng lăng xăng với hai chữ Thiện, Ác. Dĩ nhiên là chúng ta sẽ cố gắng tu tập để hành Thiện tránh ác được phút nào mừng phút nấy, phải không Bạn?

 Một nghệ thuật Sống rất hay mà chúng ta cũng cần phải học tập để cho đờì sống của mình được tốt đẹp hơn lên qua bài thơ Sống dưới đây:

Sống không giận,
   không hờn, không oán trách
Sống mỉm cười
  với thử thách chông gai
Sống vươn lên
  theo kịp ánh ban mai
Sống chan hòa
  với những người chung sống
Sống là động,
  nhưng lòng luôn bất động
Sống là thương,
  nhưng lòng chẳng vấn vương
Sống yên vui,
  danh lợi mãi coi thường
Tâm bất biến
  giữa dòng đời vạn biến. 


(Nguồn: Không rõ tác giả)

Cũng nhân bàn về nghệ thuật Sống, người viết xin mời Bạn đọc mẫu chuyện ngắn ngắn dưới đây
của người xưa để chúng ta có dịp “ôn cố tri tân” một tí, bạn nhé!

Khôn Chết - Dại Chết - Biết Sống

Trang Tử cùng đệ tử đi chơi trên núi thấy một cây to, cành lá rườm rà.  Một tên thợ rừng đứng bên nó mà không đốn.
Hỏi tại sao, nó nói: “Không dùng đặng chút nào hết.”
Trang Tử nói: “Cây này vì bất tài mà được sống lâu.”
Ra khỏi núi, Trang Tử ghé nhà người quen.  Chủ nhà mừng rỡ hối trẻ làm thịt chim mòng
để nấu ăn.
 Thắng nhỏ thưa: “Có một con biết gáy, một con không biết gáy, giết con nào?”
Chủ nhà nói: “Giết con không biết gáy.”

Bữa sau, đệ tử hỏi Trang Tử: “Hôm qua cái cây trên núi vì bất tài mà sống, còn chim mòng vì bất tài mà chết.  Giá như Thầy phải xử trí như thế nào?”
Trang Tử cười nói: “Tài và bất tài, cũng như nhau, đều là quấy cả, nên không thể tránh được lụy thân.  Chỉ có kẻ nào biết là sống mà thôi”
(Nguồn:  Thuật xử thế của người xưa - Thu Giang Nguyễn Duy Cần)

 Chúng ta đã thấy khôn giỏi như Hàn Tín, Dương Tu mà còn bị giết chết, còn những người giả dại như Phạm Lãi, Tử Phòng  thì làm sao mà chết được.

Lữ Khôn cũng từng nói: “Thông minh, người ta ghét, thông minh mà biết làm như ngu, mới thật là khôn kín.”

Bạn nghĩ gì qua những mẫu chuyện kể trên?  Chúc bạn sẽ có một lựa chọn đúng lúc khi nào   cần phải “tỏ ra thông minh” và khi nào cần phải “biết làm như ngu”. Hy vọng Bạn sẽ chọn lựa đúng, bạn nhé!

Một lần nữa, người viết xin cám ơn ban điều hành ORTB và quý độc giả đã thương mến và khích lệ SL trong nhiệm vụ làm kẻ giữ vườn MCTN này. SL sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để tạo nụ cười niềm vui cho quý vị và cho cả SL. Quý kính.


Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet và qua điện thư bạn gửi, ORTB 442-1082010)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét