Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

Bài số 41 Một Cõi Thiền Nhàn


Chào quý bạn,

Đây là bài thứ bốn mươi mốt của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Chủ nhật vừa qua vợ chồng người viết và một số thân hữu QGHC  cùng nhau họp mặt để mừng sinh nhật Từ Công Phụng, một nhạc sĩ rất được sự mến mộ của khán thính giả trong thập niên 60 qua những bài tình ca của anh. Không cần phải giới thiệu dài dòng vì nếu ai là người thích nhạc thính phòng và nhạc tình ca  không thể nào không biết Từ Công Phụng với sáng tác đầu tiên của anh Bây Giờ Tháng Mấy năm 1961.  Giọng ca trầm ấm, tính tình hiền lành, hoà đồng vời mọi người của anh đã được nhiều ngừời thương mến.

Bài viết hôm nay không phê bình về phương diện nghệ thuật của nhạc TCP vì đã có nhiều người viết, phỏng vấn, đăng tải tâm tình và giới thiệu các nhạc phẩm của  nhac sĩ TCP  trên nhiều website vì anh đã nổi tiếng hơn 40 năm qua rồi.
 Vấn đề người viết muốn nói ở đây là tình thương mến của những người bạn và đời sống vô thường của kiếp người trong cõi đời này.

Từ Công Phụng nổi tiếng từ thập niên 60 trong giới sinh viên và những người yêu thích nhạc thính phòng và tình ca, trong đó có tôi.  Tôi gặp lại TCP năm 1984 vì cùng sinh hoạt trong lảnh vực giáo dục và văn nghệ ở Portland, Oregon qua các tạp chí văn nghệ Hoa Mơ, Văn Đàn trong thập niên 80 và 90 xuất bản ở Portland do TCP  chủ biên.
Trên một phương diện nào đó, những người yêu thích văn thơ, ca nhạc, nghệ thuật với tráí tim tình cảm chân chính có thể tạm được gọi là nghệ sĩ và chúng tôi là bạn văn nghệ với nhau hơn 20 năm ở Portland.

  TCP chuyên về nhạc, tôi thì thích thơ văn. Chúng tôi là bạn văn nghệ sinh hoạt với nhau trên phương diện văn chương, báo chí vì cùng yêu thích nghệ thuật, nhưng không bao giờ hỏi nhau về lý lịch, quá khứ ngày xưa như thế nào? Quá khứ đã qua rồi, tương lại thì chưa đến, chỉ có hiện tại mà thôi nên tôi vui sống với cuộc đời mới nơi xứ người, an phận làm một cô giáo tầm thường với các học sinh nhỏ bé của tôi trong chương trình song ngữ ở Portland. Những giờ phút nhàn rỗi, tôi làm thơ viết văn đăng báo cho vui vì đó là thú vui tinh thần tao nhã mà tôi ưa thích. TCP vẫn hoạt động trong lảnh vực ca nhạc và nhà in của anh. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau trong các sinh hoạt ra mắt sách báo thơ  văn hay chương trình ca nhạc thinh phòng.  Portland trong thập niên 80, 90 rất ít người Việt Nam tỵ nạn và cũng rất ít sinh hoạt văn nghệ, cộng đồng  cho nên các sinh hoạt văn nghệ, lễ Tết thường được tổ chức ở chốn học đường và không ồn ào, náo nhiệt như bây giờ.

 Khi chương trình HO được thực hiện để giúp đỡ các gia đình quân nhân công chức đã đi học tập cải tạo trên 3 năm.  Nhiều gia đình HO đã chọn Oregon làm quê hương  thứ  hai. Thêm vào đó chương trình sum họp gia đình ODP đã làm gia tăng dân số người Việt tỵ nạn tại Oregon  Và cũng từ đó các sinh hoạt cộng đồng, văn nghệ, hội đoàn khởi sắc, sinh động hẵn lên. Những người bạn học đồng môn  QGHC của  tôi trong diện HO bắt đầu tìm cách liên lạc với nhau, gặp gỡ nhau, kết hợp, sinh hoạt thân ái bên nhau.  Đến lúc đó tôi và TCP mới nhận ra nhau, ngoài tình bạn văn nghệ, chúng tôi còn có tình bạn chung một mái trường hành chánh nữa.  Thế mà đã hơn mười mấy năm sinh hoạt văn nghệ cùng  nhau, TCP vẫn chưa biết tôi là “sư tỷ” học trên TCP  hai khoá ở HVQGHC. Chúng tôi tôn trọng nguyên tắc hành chánh cũng như quân đội, nếu là khoá đàn anh học khoá trước thì có thể được  xưng danh là “sư huynh, sư tỷ”, khoá đàn em phải được gọi là “sư đệ, sư muội” vì cùng học một trường, một thầy giống như phim kiếm hiệp cho vui và cũng hợp lý, hợp tình, dù tuổi đời có thể là lớn hơn hay nhỏ hơn.  Bạn đồng ý chứ?
 Nhân đây, tôi cũng xin được chia sẻ tâm tình cùng các bạn, nhà thơ Hàn Thiên Lương chính là “sư huynh” kính mến của người viết trên phương diên niên kỷ, tài năng văn chương thơ phú và là đồng môn nữa vì sư huynh HTL học trước tôi 5 khoá.

 Nhóm QGHC gồm 15 gia đình sinh hoạt  trong tình thân gia đình, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau.  Chúng tôi chung vui xẻ buồn với nhau khi quan hôn tang tế, không chú trọng đến đẳng cấp, chức vụ ngày xưa.
 Tôi vẫn nhớ mãi câu nói “lạc địa vi huynh đệ, hà tất cốt nhục thân” tạm dịch là “lưu lạc nơi xứ người thì xem nhau như anh em, đâu cần chi phải là cột nhục ruột thịt” của sư huynh Bửu Viên, một sư huynh học khoá 1, năm nay 90 tuổi sống ở Miền Đông trong nhóm Tha Hương.net đã từng nói với  tôi,  một “tiểu muội”  nhỏ tuổi  nhất trong nhóm các vị trưởng lão này.  Ngày xưa họ là những người đã một thời oanh liệt, hét ra lửa, mửa ra khói  nhưng ngày nay họ an phận sống vui vẻ và giúp đỡ đàn em như tôi hết mình khi tôi cần học hỏi điều gì.

 Khi TCP bị bịnh nặng nhóm chúng tôi vẫn thưòng xuyên thăm viếng và khích lệ tinh thần TCP vượt qua những đau buồn khi bịnh hoạn. Những tin tức sai lạc về tình trạng sức khoẻ của TCP đã làm xôn xao dư luận trước đây chứng tỏ sự thương yêu, quan tâm đến sức khoẻ của những người người bạn và người mến mộ người nhạc sĩ hiền hòa này.

 Ngày nay sức khoẻ TCP đã phục hồi nhanh chóng, phần lớn là nhờ sự chăm sóc tận tình của chị Kim Ái, người bạn đời tuyệt vời của TCP.  Trong những lúc đau bịnh  như thế mới biết tình nghĩa vợ chồng có giá trị như thế nào. Những người tình rồi cũng bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ, nhưng người vợ tào khang mới là người theo ta đến cuối cuộc đời với tình thương yêu như biển cả mênh mông.
Trong buổi tiệc mừng sinh nhật của TCP ngày hôm qua, TCP đã phải thốt lời cám ơn người bạn đời Kim Ái một cách chân thành qua bài hát Tạ Ơn Em do chính tác giả hát tặng cho phu nhân và TCP cũng không quên cám ơn những nhười bạn tốt đã cùng nhau tổ chức mừng sinh nhật của anh.  Nhìn nét mặt rạng rỡ, nụ cười hạnh phúc của anh chị TCP ngày hôm ấy, chúng tôi cũng  thấy vui lây.

Xin chúc mừng sinh nhật và chúc sức khoẻ, hạnh phúc đến hai bạn TCP và Kim Ái mãi mãi bên nhau.

 Ngồi nhìn vợ chồng của những người bạn đồng môn đến dự tiệc mừng sinh nhật của TCP ngày chủ nhật vừa qua, tôi lại nhớ đến một đoạn văn hay hay ngắn ngắn dưới đây:

“Cuộc đời lứa đôi như những dòng sông, đầu nguồn nhiều ghềnh thác, càng ra gần biển cả càng trở nên hiền hòa, trong trẻo… Tình yêu của người già có sự trong sáng của tình bạn, lại có sự chăm sóc nhau nồng ấm”

Bạn có đồng ý chăng? Riêng thiển ý thì câu văn nói trên rất hay và rất có ý nghĩa trong đời sống vợ chồng của những người “không còn trẻ nữa” như chúng tôi.

Rồi tôi lại nhìn TCP. Tuy  TCP vui vẻ vì được bạn bè  thương mến đến mừng sinh nhật,  giọng hát của anh vẫn còn ấm áp nhưng anh vẫn không dấu nổi sự mệt nhọc vì sức khoẻ yếu kém. Cuộc đời thật vô thường và ai cũng phải trải qua những giây phút bịnh hoạn ,ốm đau khi tuổi già đến.  Cuộc đời sinh, lão, bịnh , tử không chừa một ai dù người đó là vị quốc vương quyền quý cao sang hay một bá tánh tầm thường, nghèo khổ.

Tan tiệc về nhà, tôi lên internet tìm đọc được một bài thơ dưới đây rất hay về tuổi già như sau, xin được chia sẻ cùng các bạn.

 Vịnh tuổi già
Rù rờ đổ vỡ thật là hư
Chẳng biết làm răng được nữa chừ.
Ăn uống vãi rơi làm họ bực
Vào ra đụng chạm thấy mình dư
Người quen gặp lại nhìn ngơ ngẩn
Để trước quên sau kiếm mệt đừ
Ai ngờ ngày nay ra thế ấy
Khi xưa lỗi lạc một tay cừ!
Như Không (1898-1988)
(Công Tôn Nữ Như Không)

HỌA VẦN   
Vịnh tuổi già
Của cụ bà Như Không
Tai điếc mắt mờ phận chịu hư
Lão lai tài tận biết răng chừ
Đôi giò thêm gậy lo còn thiếu
Nửa bát lưng cơm gắng vẫn dư
Nhìn trước trông sau thêm chán ngán
Suy đi nghĩ lại ruột đau dừ
Hoại không thành trụ đời kiên cố
Dấn bước như không mới thật cừ.
HT Trí Thủ.
Thôi thì xin mượn 4 câu thơ dưới đây của nữ sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương để làm kết luận cho bài viết hôm nay:

Còn gặp nhau thì hãy cứ vui
Chuyện đời như nước chảy hoa trôi
Lợi danh như bóng mây chìm nổi
Chỉ có tình thương để lại đời…
(Tôn Nữ Hỷ Khương)

Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Hình ảnh và tài liệu sưu tầm trên internet, qua email bạn gửi, ORTB 432-7302010)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét