Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

bài số 57 Một Cõi Thiền Nhàn




Chào quý bạn,

Đây là bài thứ năm mươi bảy (57) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Có những lời nói ái ngữ và tình thương mến được trao cho nhau sẽ làm cho chúng ta thấy  hạnh phúc và yêu đời hơn, phải không bạn?  Niềm vui và hạnh phúc đến với ngưòi viết hôm nay là những lời nói ái ngữ và tình thương mến của bác Nguyễn Ngự Bình thuộc Nhóm Sinh Hoạt Người Việt đã trao cho SL qua bài tâm tìn của Bác. Người viết xin được chia sẻ  hạnh phúc và niềm vui này đến với quý bạn qua bài viết dưới đây.  SL xin chân thành cám ơn bác NNB.

Đọc “Một Cõi Thiền Nhàn” của Sương Lam

Từ hơn một năm qua, độc giả miền Tây Bắc Hoa Kỳ có dịp đọc loạt bài “Một Cõi Thiền Nhàn” của Sương Lam trên tuần báo Việt ngữ Oregon Thời Báo.
 Sương Lam sử dụng thơ và văn để giới thiệu chủ đề mà cô muốn truyền đạt: tuổi già quên đi những nỗi ưu phiền để sống cuộc đời an lạc.  Đối tượng của cô là các vị cao niên Việt Nam.
 Văn, thơ của Sương Lam giãn dị mà hấp dẫn, lôi cuốn độc giả, khiến cho các cụ, cứ vào mỗi chiều thứ sáu hằng tuần là tìm Oregon Thời Báo cho được, để đọc ‘Thiền Nhàn” của cô.


Sương Lam là ai?

Vào đầu tháng 5, 2010, trong một buổi thuyết trình đề tài:  “Nét đặc thù của tiểu bang Hawaii” do thuyết trình viên người Mỹ trình bày tại Trung Tâm Sức Khỏe Á Châu Portland, Sương Lam đã tình nguyện làm thông dịch, và sau đó, cũng mặc váy Hạ Uy Di, khiêu vũ cùng với thuyết trình viên, biểu diễn các điệu vũ xứ này.  Thật là sinh động và vui nhộn, khiến các cụ ngồi xem thích thú.

Là một nữ sinh Sàigòn, tốt nghiệp Học Viện Quốc Gia Hành trước 1975, SL may mắn thoát khỏi mọi hệ lụy của cuộc trả đủa, riêng các bạn đồng môn của cô, nam giới, với chức vụ Phó Quận trưởng, đã bị đi cải tạo mút mùa ngoài Bắc từ 9 đến 12 năm.  Sương Lam qua Mỹ khá sớm và có cơ hội học tiếp và thành công nơi xứ người.
Cuộc đời của cô ‘Thuận buồm xuôi gió” trong giai đoạn khó khăn nhất của đất nước.  Vì vậy, văn thơ của cô trong sáng, bình dị, nhân bản, không vương vấn hận thù, dễ đi vào tâm hồn người đọc.

Tôi đã đọc 55 bài trong Oregon Thời Báo trong năm 2010, tôi mến phục lối viết đều tay, nhiệt tình, “ăn cơm nhà, vác ngà voi” bất vụ lợi, chỉ để phục vụ đồng hương của Sương Lam
Cô tâm sự, cô chỉ là một cư sĩ Phật giáo, không phải xuất gia, nên chuyện “Thiền” của cô là tham khảo tài liệu học hỏi trên internet.  Nhưng tôi cảm nhận SL đã “Ngộ” được lẽ vô thường của kiếp nhân sinh.

Vào năm 2005, khi thân phụ cô qua đời, thay vì khóc lóc bi lụy, cô đã bình tỉnh làm thơ tiễn đưa.  Ta hãy xem bài thơ Tiễn Cha về xứ  Phật của cô.

Tiễn  Cha Về  Xứ  Phật
 Kính dâng hương hồn Cha
                                 SL
Tiếng chuông mõ nhịp nhàng câu phổ độ
Lời kinh buồn đưa tiễn khách ra đi
Cõi trần này tạm bợ chẳng có gì
Cha đã dứt nghiệp duyên nơi trần thế

Ơn Cha Mẹ cao sâu hơn trời bể
Chưa báo đền Cha Mẹ đã ra đi
Dẫu biết rằng đời sinh ký tử qui
Phút vĩnh biệt đau lòng người ở lại

Con thành kính lạy cha già ba lạy
Chút lòng thành hiếu kính tạ ân Cha
Dưỡng sinh con không quản tuổi trẻ già
Nuôi con trẻ Cha nhọc nhằn lao khổ

Cuộc tử sinh Trời cao đà định số
Nẽo luân hồi duyên nghiệp với trả vay
Được duyên lành ta hội ngộ kiếp này
Tình phụ tử cha con ta thương mến

Rồi nghiệp dứt sự chia ly phải đến
Cha an lòng rời bỏ chốn trần gian
Nén đau thương trong ngấn lệ dâng tràn
Con cầu nguyện tiễn Cha về xứ Phật

Người ở lại tiếc thương người đã mất
Cuộc trần là sum họp với chia ly
Kiếp phù sinh nào có luyến tiếc gì
Miền Lạc Cảnh Cha thảnh thơi nhẹ bước

Kiếp nhân thế người vẫn còn xuôi ngược
Với nghiệp duyên lui tới nẽo luân hồi
Hết duyên rồi đành vĩnh biệt mà thôi
Xin thành kính tiễn Cha về xứ Phật

Sương Lam
Thu 2005
  
Trong mấy chục năm qua, 
văn thơ hải ngoại mang nhiều màu sắc độc đáo.  Đa số vương vấn một nỗi buồn xa xứ, than thân trách phận: “Lũ chúng ta một lớp người sinh nhầm thế kỷ.” Hay “Tự hào hoặc oán trách vu vơ. Ta hãy đọc một đoạn thơ Cao Tần diễu cợt cuộc đời:

Mai mốt anh về có thằng túm hỏi
Mày qua bên Mỹ học được củ gì?
Muốn biết tài nhau đưa ông cây chổi
Nói  mầy hay ông thượng đỉnh cu li.

Ông rửa bát chì hơn bà nội trợ
Ông quét nhà sạch hơn em bé ngoan
Ngày ngày phóng xe như thằng phải gió
Đêm về nằm vùi nước mắt chứa chan

Ông học được Mỹ đất trời bát ngát
Nhưng tình người (một số) nhỏ hơn que tăm
Những đứa hồn nhiên giống bầy trẻ nít,
 Còn hồn ông: già cốc cở nghìn năm
………..
Cuộc chiến cũ sẽ coi là tiền kiếp,
Phản động gì cũng chỉ sống trăm năm
Bồ bịch hết không đứa nào là “Ngụy”
Thắng vinh quang mà bại cũng anh hùng

Cao Tần

Đương nhiên Cao Tần bực mình một lúc nào đó mà viết như vậy.  Chứ chúng ta ai cũng biết, người Mỹ cưu mang chúng ta một cách đại lượng mà các dân tộc khác không có, chứ đâu phải nhỏ hơn que tăm?
Có một vài bạn ôm nỗi buồn gắc trọ, đóng cửa sống cô đơn một mình, để nhớ lại một thời xa xưa đã mất.  Mời bạn đọc bài thơ “Cúi mặt”

 Xin hỏi ông vì sao ông không nói,
 Đời vui tươi sao ông mãi u buồn?
Đây tự do thoải mái ngập tình thương
 Đây cuộc sống trọn đời không thù oán.

Xin hỏi ông vì sao ông cúi mặt,
Lầm lũi đi dưới ánh nắng chiều tà
Thành phố Portland ngập ánh nắng chan hòa,
 Sao mắt ông còn vương sầu muôn thuở?

Người biết không ta buồn đời tráo trở,
Nhớ trăng xưa trên bến bến nước Đồng Nai,
Nhớ Đắc Tô, Bình Giã,  Đồng Xoài,
Nhớ Ngự Bình, Mậu Thân oanh liệt.

Nhớ rừng xanh, mây hồng núi biếc,
Nhớ phá Tam Giang, Quảng Trị cờ bay,
Nhớ  thật nhiều và nhớ đến hôm nay,
Xin đừng hỏi vì sao ta cúi mặt

Nguyễn Ngự Bình

Từ những tâm sự ngổn ngang kể trên, ta mới thấy thơ, văn Sương Lam như một làn gió mát thổi qua sa mạc mênh mông, mà các cụ cao niên chúng ta tìm thấy niềm vui an ủi tuyệt vời.
Ngoài văn tài và thiện chí, người ta còn tìm thấy nơi Sương Lam, một tâm hồn đại lượng vị tha.  Bởi vậy, ai có dịp diện kiến với cô, đều cảm thấy yên vui, yêu đời.

“Bể khổ mênh mông sóng ngập trời.” Không ai cũng có cơ may rong chơi thoải mái trong khu vườn “Thiền Nhàn” của Cô.  Nhưng, cánh én bé nhỏ, đang đem lại mùa Xuân cho mọi người.

Nhân mùa tạ ơn Thanhksgiving 2010, xin cám ơn người Mỹ, đã đùm bọc nước ta và cám ơn Sương Lam, về những dòng thơ quý báu mà Cô đã dùng tim, óc yêu thương trao tặng cho đời.

Nguyễn Ngự Bình
Portland, Thu 2010

Một lần nữa, SL xin cám ơn lòng thương mến của bác NNB đã dành cho SL. Kính chúc bác và quý quyến cùng quý độc giả mục Một Cõi Thiền Nhàn được nhiều sức khỏe và vạn sự an lành.  SL xin cố gắng  tiếp tục đem những niềm vui nho nhỏ đến với quý vị để tạ tình tri kỷ và lòng  thưong mến của quý vị đã dành cho SL.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Tài liệu, hình ảnh sưu tầm trên internet, qua email bạn gửi, ORTB 477-12-1126-2010)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét