Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2011

Bài số 19 Một Cõi Thiền Nhàn




Chào quý bạn,

Đây là bài thứ mười chín của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Chỉ còn một tuần nữa chúng ta sẽ làm một màn “tống cựu nghinh tân” tiển “chàng trâu hiền lành” ra đi và đón “ông cọp oai dũng”  về nhà.
  Tuy ở hải ngoại, nhưng nhiều gia đình vẫn giữ nếp sống văn hoá truyền thống hay đẹp Việt Nam
 Quý bà nội trợ thì đi chợ mua thịt, mua đậu, mua nếp về gói bánh chưng, bánh tét, bánh dầy. Nhiều bà còn  kho một nồi thịt kho hột vịt nước dừa ngon lành hấp dẫn, làm dưa món,  mua rau quả để làm mâm cổ cúng ba ngày Tết, mua hoa đẹp về chưng trên bàn thờ hay trong nhà cho thêm phần đẹp đẻ, sinh động.
 Quý ông thì lo lau chùi bàn thờ, đèn hương sáng choang rực rỡ.
Nhiều hội đoàn tổ chức họp mặt tần niên.  Ban chấp hành cộng đồng Việt Nam  Vancouver, Washington, Salem và Portland, Oregon cũng đã tổ chức những hội chợ tết Canh Dần để đồng hương đến vui Xuân hưỏng Tết.  Tất cả người dân nước Việt sống ở hải ngoại nô nức đón mừng Xuân mới với tấm lòng thành tưởng nhớ đến quê hương, cha mẹ, bạn bè cũ đang nghìn trùng xa cách.

Tôi đón Xuân nơi quê người tuyết đổ
 Không mai vàng, pháo đỏ, với dưa xanh
Chỉ đón Xuân với một tấm lòng thành
Nhớ cha mẹ, bạn xưa, quê làng cũ

Nhớ Xuân trước gia dình sum họp đủ
Đón Giao thừa, rộn rã pháo nổ vang
Trong nắng Xuân, áo đẹp trẩy mọi đàng
Mừng Xuân mới, trao nhau lời chúc đẹp

 (Trích bài thơ Xuân Nơi Đất Khách *SL)

Người viết cũng xin mời bạn đọc tâm sự của thi sĩ Hàn Thiên Lương:

Mùa xuân sao vắng mai vàng nở
Không thấy rực hồng ánh thái dương
Trời đất mịt mờ mưa tuyết đổ
Ngơ ngẩn lòng ta nhớ cố hương

Chén rượu quê người sao đắng quá
Một mình độc ẩm thiếu tri âm
Bài thơ ta xướng không ai họa
Bạn hữu bậy giờ cũng biệt tăm

(Trích bài thơ Nhớ Xuân Xưa của thi sĩ  Hàn Thiên Lương)

Nhiều trung tâm phát hành băng nhac đã thực hiện nhiều chương trình đón Xuân rất hấp dẫn với những bản nhạc Xuân rất quen thuộc gơi nhớ gợi thương những ngày Xuân cũ.

“Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa
Hẹn gặp nhau khi pháo giao thừa
Anh đứng chờ em dưới song thưa
Em đi qua đầu ngõ hỏi nhau rằng Xuân về hay chưa?”

 Xin hãy cảm thông với chàng trai chiến sĩ nhớ đến người yêu khi mùa Xuân đến:

“Đầu Xuân năm đó anh ra đi
 Mùa Xuân này đến anh chưa về
 Những hôm vừa xong phiên gác chiều bên rừng thấy hoa mai vàng
Chợt nhớ đến sắc áo năm nào em đến thăm gác nhỏ”

 Chàng chiến sĩ đang mong chờ:

“Đồn anh đóng bên rừng mai
Nếu mai không nở anh đâu biết xuân về hay chưa?
Chờ em một cánh thư Xuân
Nhớ thương đong đầy cho chiến sĩ vui miền xa xôi ”

Còn nhiều nữa  những ca khúc về Xuân mà cứ mỗi lần nghe đến, người viết thầy buồn buồn nhớ nhớ về kỷ niệm tuổi xuân lúc tuổi còn thơ như  Đám cưới đầu Xuân, Cánh thiệp đầu Xuân, Cánh bướm vườn Xuân, Xuân và tuổi trẻ, Xuân này con không về v... Thôi thì  bạn hãy cứ ngâm nga bài ca Xuân cũ nào mà bạn yêu thích để cùng người viết tìm lại một thoáng Xuân xưa , bạn nhé!

Thời buổi kinh tế suy thoái hiện tại, nhiều người thất nghiệp không có tiền tiêu Tết  nhưng vẫn cố gắng làm ra vẻ ngon lành khiến ta nhớ đến nhà thơ Trần Tú Xương đã cảm Tết như sau:

 Cảm Tết

Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo
Tiền bạc trong kho chửa lảnh tiêu
Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quảy
Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu
Bánh chưng sắp gói, e nồm chảy
Giò lụa toan làm, sợ nắng thiu
Thôi thế thì thôi đành Tết khác
Anh em đừng nghĩ, Tết tôi nghèo

Tú Xương

Đúng là người dân Việt lúc nào cũng coi nặng “mặt mủi” để không thấy hổ thẹn với bạn bè, làng xóm.  Không biết đó là tính tốt hay tính xấu của người Việt nam ta, bạn hả?

Cũng chính vì xem trọng cái tôi như thế mà nhiều người phải khốn khổ vì “cái tôi” của ta, trong khi có người vẫn ung dung ta thở, ung dung ta sống như một người trong truyện dưới đây:

Không làm gì cả

Có một người leo lên đỉnh núi cao nhìn vào không gian vô tận.  Ba người thấy vậy bèn lên núi hỏi:
-  Ông đứng trên núi làm gì thế?
Người khác hỏi:
 -  Ông đứng đây chờ bạn hả?
Người đứng trên núi đáp:
-  Không phải.
-  Vậy thì hít thở không khí trong lành chắc?
-  Không phải.
-À!  Đứng đây để ngắm cảnh chứ gì?
-  Không phải.
-  Cái gì cũng không phải, vậy ông đứng đây để làm gì?
-  Tôi chỉ đứng đây thôi.

Lời bàn:  Đi để mà đi,  đứng để mà đứng.  Đây là trạng thái ung dung tự tại của ngườì tỏ ngộ.  Quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng, luôn an trú trong hiện tại nhiệm mầu.

(Nguồn:  Thiền là gì? Biên soạn- Giác Nguyên)

Người viết xin kể hầu quý bạn một mẫu chuyện Thiền khác nhé.

Tâm Bình Thường

Tăng hỏi Thiền sư:
-  Bạch sư phụ, phải nỗ lực tu hành thế nào mới hợp đạo?
-  Đói ăn, mệt ngủ.
-  Như vậy người bình thường nào làm không được?
-  Không, không!  Người bình thường không giống như thế.  Khi ăn, họ lại không chăm chú ăn, mãi lo nghĩ trăm điều.  Khi ngủ không chịu ngủ lại tơ tưởng trăm ngàn chuyện.  Vì thế khác với người tâm bình thường.

Bình: Thiền Tổ Nam Tuyền bào: “Tâm bình thường là Đạo”.   Đi cũng thiền, đứng cũng thiền.  Nói, nín, động, tịnh vẫn an nhiên. Cảm giác tâm bình thường này khác xa phàm phu vọng loạn một trời một vực.

Năm nay là năm con Cọp.  Có lẻ có nhiều bạn đã biết nhiều về những mẫu chuyện, những giai thoại liên quan đến cọp khi đọc những giaì phẩm Xuân về cọp của Oregon Thời báo, của báo Saigon Nhỏ năm nay rồi.  Người viết chỉ xin phép được chia sẻ  hai mẫu chuyện cọp dưới đây trích trong quyển truyện Mỗi Năm Một Truyện kể về chuyện của mỗi con vật có liên hệ đến thiền sư, đến chuyện tu hành để gọi là “Văn dĩ tải đạo”.

Cọp núi Trà Cú

Những con cọp ở miền rừng núi này nổi tiếng hung dữ.  Một hôm có một đoàn thợ săn, trang bị súng ống, đạn dược đầy đủ, nhắm hướng núi Trà Cú đi săn.  Họ mải miết lùng kiêm thú rừng, đến chiều thì lọt vào địa phận chùa Tổ.  Bên ngoài, bóng rừng núi đã sẫm màu,  đạn dược đem theo gần hết, lại nghe tiếng cọp gầm ở xa xa.  Họ e ngại không biết làm sao trở về, bèn xin vào chùa nghĩ ngơi qua đêm.  Sáng hôm sau, nhìn vẻ mặt ngần ngại của nhóm người khi nhớ đến chuyện dụng độ với chúa sơn lâm trên đường về.  Hoà thượng trụ trì bảo:
-  Để tôi đưa mấy ông về.
Hoà thượng cầm cái mõ đi trước, đám thợ săn theo sau.  Hoà thượng vừa đi vừa gõ.  Cốc!  Cốc!  Cốc!  Rừng núi yên tĩnh trong tiếng mõ khoan thai của hòa thượng và Người đưa đoàn người xuống chân núi mới quay về.

 Cọp núi Thị Vãi

Những nhà tu hành yêu thích rừng núi đã nhiều người chọn dãy núi nằm trong địa phận tỉnh Bà Rịa làm nơi tu hành.  Trên núi Thị Vãi có một thầy quyết chọn chỗ tu cho tới chết.  Thầy ngụ trong hang , và đêm thường ra mấy tảng đá ngồi niẹm Phật.  Một đêm nọ, thầy đang niệm Phật như thường lệ, bỗng nghe hơi cọp phía sau lưng - chắc là một ông ba mươi đang rình thầy.  Trong tình thế đó, thầy không dám nhúc nhích, chỉ còn một cách ngồi im niệm Phật không dám ngủ gục hoặc nghĩ ngợi lơ mơ.  Người và cọp ngồi như thế cho đến sáng, cọp bỏ đi.  Thầy quay lại thấy một bãi nước miếng đã đóng khô ngay chỗ ông cọp ngồi, thầy gỡ nuớc miếng cọp đem cất.  Đêm sau, cũng chú cọp đó đến rình rập và thầy cũng niệm Phật cho tới sáng, lại cũng được một mớ nước miếng cọp.  Vài ba hôm sau hết gạo, thầy đem nưóc miếng cọp đổi gạo.  Nước miếng cọp trị con nít bịnh con nít nóng và khóc đêm rất hay, cho nên thầy không sợ bị từ chối, nhà nào cũng muốn có một chút thuốc của rừng núi.  Chú cọp cũng vẫn đến mỗi đêm và bây giờ không có ý định bắt thầy.  Thầy cũng múc cho chú một thau nước để uống và để cho thầy nước miếng.  Thầy trò đã quen nhau.  Sau thầy chết, dân chúng đem chôn cất thầy và thấy một con cọp thường lẩn quẩn bên mộ thầy.

Qua hai câu chuyện trên. chúng ta thấy không phải lúc nào cọp  cũng là đáng sợ, dữ dằn.  Phật tử chúng ta đều tin rằng mỗi người đều có duyên nghiệp với nhau.  Nếu ta ăn ở hiền lành, phúc đức thì có thể hàng phục thú dữ và hoá độ chúng thành hiền lương.  Con trâu  tượng trưng cho cái Tâm buông lung và con cọp tượng trưng cho sự hung dữ sân hận trong ta nếu được hướng dẫn, huấn luyện đúng cách thì sẽ được hướng thiện tốt đẹp.
 Năm mới sắp đến, người viết xin chúc cho toàn thể quý bạn vui hưởng Xuân mới với cái tâm hỷ xả, nụ cười của Đức Phật  Di Lặc và cái tâm từ bi thương yêu mọi người của đức Quan Thế Âm Bồ Tát. Bạn vui đấy chứ?

Xin chúc sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn .

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Tài liệu sưu tầm trên internet, qua email bạn gửi, ORTB 19-21910)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét