Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

Giúp Nhau Tìm lại Niềm Vui




 Đã có một thời bà con miền Nam mê say câu vọng cổ :
 Ôi ! tu là cội phúc, tình là giây oan,
                 Nhưng,
Tình chưa trọn thì tu làm sao cho thành được ?

Đó là chuyện tình “Lan và Điệp.” Ngòai đời xem ra củng gần giống như vậy.

Trong chiều hướng “Giúp nhau tìm lại niềm vui .” Sương Lam đã đóng góp 60  bài tham luận có giá trị trên Oregon Thời Báo trong năm qua.
Giáng sinh năm nay, vừa tròn một năm, biết bao thăng trầm trong cuộc sống. Trong phạm vi nhỏ hẹp văn học nghệ thuật, miền Tây Bắc Hoa Kỳ, ta thử chúng ta, nhìn lại xem người viết, nhà văn nữ Sương Lam, và nguời đọc đã chia xẻ với nhau được những gì
?
Sương Lam đem “Tâm tình làm văn nghệ.” Trong năm qua, bao nhiêu điều đáng nói, và nói sao hết, trong một bài nhận xét có giới hạn 2000 chử. Nhưng, người viết, như  một bà nội trợ nấu ăn, mà chúng ta là những người thưởng thức, ít ra củng phải biết ngon dở để khỏi mang tiếng  :
        “ Thực bất tri tì vị công làm uổng công .”

Chủ đích của Sương Lam đã rõ: giúp nhau tìm lại niềm vui trong cuộc sống cuối đời, của quý vị cao niên, nơi viễn xứ. Để hướng dẫn, SL phân tách bài thơ nổi tiếng: Nhất Chi Mai:
         
          “Xuân khứ bách hoa lạc
             Xuân đáo bách hoa khai
             Sụ trục nhãn tiền quá
             Lão tùng đầu thượng lai
             Mạc tận xuân tàn hoa lạc tận
             Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

             ( Thiền Sư Thích Mãn Giác )

            Xuân đi trăm hoa rụng
            Xuân đến trăm hoa nở
            Việc đời qua trước mắt
            Trên đầu già đến nơi
            Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
            Đêm qua sân trước nở cành mai.

Bài thơ ngắn, gọn, đã gói ghém triết lý cao cả của Phật giáo: Sinh , Lão, Bệnh, Tử, Sắc, Không.. Cuối cùng Cô nhấn mạnh: hoa nở, hoa tàn rồi hoa lại nở. Vòng tròn ấy không bao giờ ngưng nghỉ. Chúng ta đừng ngại một sư mất mát nào. Cứ làm lành tránh dữ, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp.

            Để giúp ta vui sống trong hiện tại, đừng quá suy nghỉ về quá khứ, không quá lo âu với tương lai, Sương Lam trích dẫn bài thơ nổi tiếng :

           “Còn gặp nhau thì hãy cứ vui
             Chuyện đời như nước chảy hoa trôi
             Lợi danh như bóng mây chìm nổi
             Chỉ có tình thương để lại đời.”

                 (Tôn Nữ Hỹ Khương )

Về cuộc sống hạnh phúc lứa đôi, Sương Lam khuyên vợ chồng nên dĩ hòa vi quý.
   “Chồng giận thì vợ làm lành,
  Miệng cười hớn hở rằng anh giận gì?”
Cô đem chuyện 2 con khỉ già, gợi ra hình ảnh hai vợ chồng già vuốt tóc cho nhau, đôi khi “giận thì giận mà thương thì thương .” Và cô sưu tầm bài thơ
“Đôi Dép” đã cho ta xúc động mãnh liệt. Tuy hai chiếc dép trái chiều nhau, nhưng khi một chiếc mất đi, không có gì thay thế được, bước đi sẽ gập ghềnh. Bởi vậy, hôm nay còn có với nhau, nên yêu thương chung thủy.

              Cám ơn Sương Lam đã bỏ công sưu tầm, chắt lọc tinh hoa cuộc sống, để dâng hiến cho đời, mà chúng ta hân hạnh tận hưởng hôm nay.

Tuy nhiên, tình chưa trọn thì tu làm sao cho thành được?

Rong chơi trong khu “ Thiền Nhàn.” của Sương Lam thì thảnh thơi thật. Nhưng ngày xưa, Tuệ Trung Thương sĩ, một Thiền Sư nổi tiếng, đã từng cởi áo cà sa đi vào chinh chiến. Và ngày nay, nhiều vị tu hành, đang quan tâm đến vận nước, đến nổi đau của bá tánh.

Cho nên một số đông chúng tôi, như nghiệp lực thúc đẩy, chân muốn vào khu an lạc thiền nhàn của SL, mà tâm còn xao động với nổi buồn thế kỹ.

   “Em đâu biết mạ vàng gươm giáo
      Em có hay tàn bạo tô son ?
      Cơm không no mà nói chuyện thiên đường
      Áo không ấm mà xiểm gièm địa ngục
      Ai dám bảo thế nầy là hạnh phúc
      Hảy trả tôi về địa ngục những ngày xưa
                     ( Tù nhân)
                     Phạm Việt Cường

Từ ngục tù đói khát: bao giờ có được chén cơm tươi, đến miền Tây Nguyên gió lạnh mùa Đông, các cụ già quê ta, thiếu thốn đủ mọi thứ: cơm, thuốc, áo quần, trong các viện dưỡng lão, đến các em bé trong cô nhi viện.
Mời quý bạn đọc bài thơ:

“Tôi thấy em nơi sân nghèo cô nhi viện
   Hai mắt của em buồn
   Chứa đầy tủi hận
   Khi thấy tôi
   Em quay mặt nhìn đi nơi khác
   Bàn tay em vẽ những vòng tròn loanh quanh trên mặt đất
   Tôi nào dám hỏi ba má em đâu
   Tôi nào dám khơi động nguồn mạch thương đau
   Tôi chỉ muốn chuyện trò chốc lát
   Cười nói đôi câu
   Ngồi với em một phút
   Cho em vơi chút u sầu
   Đất nước đau cùng số phận
   Em hảy mỉm miệng cười
   Để cho nhau hy vọng
   Thế hệ các em
   Chưa đầy năm tuổi trên đầu
   Đã thấy tan tành hoa mộng.  
(Thích Nhất Hạnh )

Trong một buổi hội ngộ với nhà văn Sương Lam, tại Nhóm Sinh Hoạt Người Việt, tôi có trình bày quan điểm: con đường cô hướng dẫn quá hay, nhưng Đạo và Đời có hai lối đi riêng biệt. Một số trong chúng tôi còn mang nặng tình đời:
           “Nợ thế trả chưa tròn một món
             Sòng đời thua đến trắng hai tay .”
                      ( Nguyễn Bính )
Không phải mơ gì về công hầu khanh tướng, mà do kiếp người đưa đẩy, cứ nghĩ đến nỗi khổ của chuyện thế gian, nên tâm còn vọng động, chưa thể yên tâm, thảnh thơi, an lạc trong cõi “Thiền Nhàn.”
Bức tranh cuộc đời Cô phát họa ra quá đẹp, đầy hoa thơm, cỏ lạ xinh tươi, trời xanh mây trắng. Nhưng, cho phép tôi thêm vào vài nét chấm phá, những bước gập ghềnh, như mặt trái của tấm huy chương, biết đâu củng góp phần tô điểm cho bức tranh của cô thêm khởi sắc?

 Trong những bửa cơm trưa thân mật thứ Năm hằng tuần tại Trung Tâm Sinh Họat Người Việt, Portland, thỉnh thoảng tôi vẫn thấy các cụ lấy trong túi xách ra, lọ muối cho thêm vào thức ăn, để cho bửa ăn thêm ngon miệng đó sao?

       Đường đời muôn vạn nẻo,
       Thiền lộ rông mênh mông

Không dễ gì mà một người trong chúng ta trong phút chốc, buông bỏ dao đồ tể là thành Bồ tát. Vậy chúng ta cứ làm điều lành, được chừng nào tốt chừng đó. Sương Lam đã theo lời Phật dạy khuyên chúng ta: “Muốn biết kiếp trước đã làm gì, xem kiếp nầy ta nhận quả ra sao; muốn biết kiếp sau mình như thế nào, cứ xem hành động hôm nay đã làm, sẽ đoán ra được.”

Chúng ta hôm nay, đủ ăn, đủ mặc, tinh thần sống thoải mái trong một thế giới đảo điên đầy chiến tranh, thiên tai bão lụt, là chúng ta biết mình có đầy đủ phước lành từ quá khứ, và từ đó, đầy tin tưởng vào tương lai, sẽ từ “ ăn tới huề.” chứ không đi xuống !

Để tổng kết một năm đầy sóng gió, Sương Lam đã đóng góp được gì cho văn đàn, cho chúng ta? Có thể nói ngắn gọn trong năm chữ: Nhiều lắm và cám ơn.

                                                  Nguyễn Ngự Bình
                                             Thành phố Hoa Hồng. Đông 2010
(Nguồn: Trích trong ORTB 453-21-24-2011)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét