Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

Bài số 48 Một Cõi Thiền Nhàn




Chào quý bạn,

Đây là bài thứ bốn mươi tám của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

  Portland, Oregon không có lá cây ngô đồng rơi rụng như trong hai câu thơ nổi tiếng
“Ngô đồng nhất điệp lạc.
  Thiên hạ cộng tri thu”
Tạm dịch là:
“Một chiếc lá ngô đồng rụng, ai cũng biết thu sang”

 Nhưng hôm nay, trên đường đi đón cô cháu nội Mya yêu quý của tôi đi học Pre-School về, nhìn hàng cây đang đổi màu trong khí trời lành lạnh, người viết biết rằng mùaThu đã bắt đầu.

Và mỗi lần thu đến nơi xứ Mỹ là tôi lại nghĩ đến ngày học sinh tựu trường với “những chiếc xe buýt học trò  màu vàng chạy đầy đường”, với “những bảng quảng cáo Back to school dán đầy tường” nơi các cửa hàng khác  hẵn không khí thơ mộng “mỗi khi thấy lá ngoài đường rụng nhiều, trên không có những đám mây bàng bạc, là tôi nhớ đến ngày tựu trường” như Thạnh Tịnh đã mô tả ngày xưa. Ở mỗi thời điểm khác nhau, mỗi không gian khác nhau, mỗi hình ảnh khác nhau đã đưa ta đến những cảm nghĩ khác nhau về ngày tựu trường, phải không Bạn?

 Tôi đã từng cắp sách trở lại trường nơi xứ Mỹ sau khi chọn nơi này làm quê hương thứ hai.  Bằng cấp ngày xưa chỉ là những kỷ vật đáng yêu, đáng quý để mà nhìn ngắm khi trà dư tửu hậu mà thôi. Trong thực tế, tôi phải đi “học đại”  “đại học” để có tiền từ những “Basic Grant”, từ  những“Work Study”  hầu có tiền trả tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền ăn v..v.. trong những bước đầu làm lại cuộc đời từ con số không nơi xứ lạ quê người sau khi gia đình tôi vượt biên đi tìm Tự Do ở nơi phương trời xa lạ.  Đi học lại vào lúc tuổi đã hơn ba mươi không phải là chuyện dễ dàng với một kẻ sống nhiều về tình cảm, đầy ấp những kỷ niệm về quá khứ và những lo nghĩ về tương lai như tôi.

Xin hãy cảm thông tâm tình của người viết trong những ngày đầu đi học khóa mùa Thu ở xứ Mỹ:

“Khi còn ở quê nhà chốn cũ
Vẫn mơ về bến mới Tự Do
Nào hay đâu đã đến được bờ
Lại mang nỗi u hoài khó tả

Những buổi sáng trên đường tới lớp
Trời Thu buồn khắp nẽo sương giăng
Bao niềm thương nỗi nhớ xa gần
Trong thoáng chốc quay về lủ lượt

Nào cha mẹ, trường xưa, bạn cũ
Nào những ngày khốn khổ điêu linh
Nào bao nhiêu kỷ niệm, ân tình
 Hình ảnh ấy bao giờ xóa được

Rồi tôi lại ngậm ngùi khi nhớ về Saigòn:

Từng thu đến, lại từng thu đến
Gió lạnh về tê tái, cô đơn
Kẻ sĩ xưa ôm mối đau hờn
Nơi xứ lạ sống đời viễn khách

U hoài ấy biết ai tâm sự
Nữa cuộc đời sống ở quê hương
Saigòn ơi!  Cách biệt đôi đường
Còn gì nữa, để quên để nhớ!

( Saigòn còn gì để quên để nhớ - Thơ Sương Lam)

Những thân hữu cùng trang lứa, cùng tâm sự như tôi chắc hẵn cũng mang nỗi u hoài như tôi, bạn nhỉ?

 Rồi thời gian trôi qua, dù muốn dù không, tôi cũng đã sống ở xứ người hơn hai mươi năm qua.  Gia đình tôi theo thời gian cũng đã được ổn định, thích ứng với xã hội mà tôi đang sống. Con cái tôi lớn lên công thành danh toại nhưng không nhiều thì ít, đã chịu ảnh hưởng của sự giáo dục xứ Mỹ có một đôi phần khác với sự giáo dục, đạo đức Á Đông mà tôi đã được truyền dạy.
Dĩ nhiên, tôi cũng như nhiều phụ huynh cùng thế hệ với tôi phải học thích ứng với những xung đột văn hoá xãy ra trong gia đình hay ngoài xã hội và cũng để theo kịp những tiến bộ của khoa học kỷ thuật hiện đại vì cổ ngôn xưa có nói:
“Cái học là sự vô cùng.  Lúc nào cũng phải học. Học từ trong nhà đến ngoài đường, đến xã hội, đến trường đời.  Con người sinh ra để phải học cho đến già chết mới hết học.”  “điều chúng ta biết chỉ là một giọt nước, điều không biết mênh mông như đại dương” như Einstein đã nói hay sao?

Ba tôi thường dạy tôi rằng: “Học chữ nghĩa thì dễ, học cho nên người mới khó”
Tôi xin thành thật cám ơn các trung tâm Việt Ngữ tại hải ngoại, nói chung, tại Portland Oregon, nói riêng, đã luôn luôn muốn bảo tồn và phát huy văn hoá, đạo đức Việt Nam nơi xứ người nên đã tổ chức các lớp dạy Việt ngữ cho các con em tại hải ngoại.
Tôi còn nhớ cách đây hơn hai mươi năm và ngay cả trong hiện tại, tôi thường khuyên các phụ huynh học sinh Việt Nam của tôi cần nên nói chuyện bằng tiếng Việt ở nhà với con em và cần cho con em học tiếng Việt ở các trung tâm dạy Việt Ngữ để giữ gìn mối liên hệ tình cảm trong gia đình giữa ông bà, cha mẹ và con cháu.
Thật tội nghiệp cho những ông bà nội ngoại, những cha mẹ nào không thể nào hiểu được con cháu của mình khi chúng nó nói tiếng Mỹ “ào ào” mà mình chả hiểu mô tê gì cả!
 Tôi cũng xin thành thật khen ngợi, tán thán công đức những tổ chức, những huấn luyện viên tình nguyện dạy Anh Ngữ cho những người cần học tiếng Mỹ để có một chút vốn liếng đi làm và để hiểu được con cháu.
 Ở xứ Mỹ này có nhiều nghịch lý vui vui, hay hay với hình ảnh các em bé tuổi thơ đi học lớp Việt Ngữ trong khi các người lớn tuổi lại đi học lớp Anh Ngữ.
Theo thiển ý, việc học không muộn ở bất cứ tuổi nào, phải không bạn?
Ngay cả chính người viết, bây gìờ cũng đang đi học lớp điện toán do ban Chấp Hành Công Đồng Việt Nam Oregon tổ chức hằng tháng tại thư viện Midland để mở mang kiến thức về khoa học kỷ thuật hiện đại đấy, bạn ạ!
Vui thay, cô phụ giáo lớp dạy chương trình Excel này lại là cô học trò Nancy Lê bé bỏng ngày xưa của tôi. Hơn hai mươi năm trước, tôi là cô giáo của em.  Hơn hai mươi năm sau, em lại là cô giáo của tôi. Chúng ta cần phải học hỏi lẫn nhau về những gì chúng ta không biết để mở mang kiến thức, không phân biệt tuổi tác kẻ làm thầy của ta, không nên cảm thấy e ngại, mắc cở gì cả.  Có như thế bạn mới tiến bộ được chứ vì “việc học như thuyền đi nước ngược, không tiến ắt phải lùi” đấy!  Bạn có đồng ý với tôi chăng?

Có một bài học mà người viết nhớ mãi và xin mượn bài học này để làm kết luân cho bài viết hôm nay:

Bài học Cây Đinh

Có một cậu bé trai, nó có cái tật xấu là ưa nổi nóng quạu quọ, vì vậy, cha của nó đã đưa cho nó một túi đinh;
Lại bảo nó, mỗi khi nó có nổi nóng quạu quọ thì hãy đóng một cây đinh lên trên bờ rào phía sau vườn nhà.
Ngày thứ nhứt, nó đóng được 37 cây đinh. Và từ từ mỗi ngày số đinh được đóng lên bờ rào mỗi ít đi. Nó cũng đã phát hiện là nó đã khống chế được cái tật xấu của nó cũng như cái việc đóng những cây đinh có hơi dễ dàng,
  Cuối cùng, có một ngày kia cậu bé này cũng thấy là mình vẫn đủ nhẫn nại để không nổi lên cái tật xấu nóng nảy quạu quọ nữa, nó báo cho cha nó biết việc này.
Cha nó lại bảo nó, bắt đầu từ nay, mỗi khi nó khống chế được cái tật xấu của nó thì hãy đi nhổ một cây đinh. 
Ngày ngày trôi qua, sau cùng thì nó báo cho cha nó hay là, nó đã nhổ hết những cây đinh rồi.
Cha nó nắm tay nó, cùng đi ra sau vườn nhà và nói rằng: “Con của cha, con ngoan lắm, con làm rất hay. Nhưng mà hãy nhìn những cái lỗ đinh trên bờ rào, cái bờ rào này không thể hồi phục được cái nguyên trạng của nó nữa. Một khi con nổi nóng thì những lời nói của con nó cũng giống như những cái lỗ cây đinh này, chúng đã để lại những vết hằn.
Giả dụ như con dùng dao đâm người ta một dao, thì bất luận là con đã nói bao nhiên lần những lời tạ lỗi, cái vết thương đó nó vẫn sẽ vĩnh viễn còn đó.
Những lời nói nhức nhối cũng ví như sự nhức nhối thực tại, không làm sao chấp nhận được (dù đó chỉ là lời nói)”.
Ghi chú: Giữa người và người với nhau, thường do sự kiên trì về cố chấp bởi những lỗi lầm giữa đôi bên, đã tạo nên những thương tổn vĩnh viễn cho nhau.
Nếu mọi người trong chúng ta đều có thể tự mình làm, bắt đầu có thái độ khoan dung đối với  mọi người, bạn nhất định sẽ nhận được những kết quả tốt mà bạn không hề nghĩ tới... Giúp mở cánh cửa sổ cho người ta, cũng là để cho chính mình nhìn thấy được một không gian hoàn chỉnh hơn. 

Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

 Sương Lam

 (Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet và qua điện thư bạn gửi ORTB 440-9242010)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét