Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

Bài số 54 Một Cõi Thiền Nhàn




Chào quý bạn,

Đây là bài thứ năm mươi bốn của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

 Thế rồi ngày lễ Halloween của tháng  Mười cũng qua đi.  Trẻ em nào ở xứ Mỹ cũng náo nức chờ đón ngày lễ này để được mặc những bộ quần áo hoá trang thành ma quỷ, những nhân vật trong phim nhi đồng, bác sĩ, phi hành gia, những con vật dễ thương như chó, mèo, Mickey Mouse v..v..  Các em xách đồ đựng kẹo đi gỏ cửa nhà nào có đốt đèn sáng ở bên ngoài để xin kẹo sau khi lên tiếng “Trick or Treat”. Cô cháu nội Mya yêu quý của tôi năm nay thích hoá trang thành một nữ cảnh sát để đi bắt kẻ tội phạm.  Nhìn trẻ em xúng xính trong những bộ đồ hoá trang, tíu ta tíu tít lăng xăng chạy tới chạy lui xin kẹo dưới sự theo dõi của mẹ cha trong cơn gió lạnh, tôi thấy chúng dễ thương hết sức. Người lớn cũng nhân cơ hội này tổ chức các buổi dạ vũ hoá trang thật là vui nhộn.

Đối với những người Á Đông chúng ta, những gì liên quan đến ma quỷ đều không tốt vì ma quỷ tượng trưng cho những gì xấu xa, tội lỗi, chết chóc, ghê sợ v..v…

Kinh sách đã định nghĩa Ma là quỷ sứ cám dỗ, quấy nhiễu, cản trở con đường tu tập của kẻ tu hành.  Đức Phật trước khi thành đạo cũng bị Ma Vương đến quấy phá nhưng Ngài đã chiến thắng được Ma Vương và đã thành đạo dưới cội bồ đề.

 Nhiều kinh sách đã định nghĩa, phân loại nhiều loại ma khác nhau như:

 Thập ma: Uẩn ma, phiền não ma, nghiệp ma, tâm ma, tử ma, thiên ma, thiện căn ma, tam muội ma, thiện trí thức ma, bồ đề pháp trí ma.

Lại kể thêm:
Ma cảnh, ma duyên, ma chướng, ma đàn, ma đạo, ma lực, ma thuật, ma ngoại, ma phạm, ma thiền, ma sự.

 Sao nhiều ma quá, bạn nhỉ?  Đáng sơ thật!

 Trở về truyền thuyết Halloween thì  “Jack-o-lanters” nói về một chàng trai  tên Jack đã chết không được lên thiên đàng vì hắn là một người xấu, tham lam, không hề bố thí cho ai.  Thế mà hắn cũng không thể xuống địạ ngục được vì hắn chơi đùa và có công thả quỷ nên quỷ cũng không bắt anh xuống địa ngục. Thế là vong hồn của Jack lang thang vất vưởng trong chốn u hồn với quả bí đỏ có chút than hồng bên trong đó do quỷ tặng. Jack phải đục thủng quả bí để có ánh sáng chiếu ra soi đường cho Jack  đi lang thang. Bởi thế ngày nay chúng ta thấy trong ngày lễ Halloween, thiên hạ chạm khắc trái bí đỏ đã được làm rỗng ruột và đốt một ngón nến  bên trong, trông giống như đèn Trung Thu Tháng Tám của Trung Hoa, để trước sân nhà là thế.

 Ngày 31 tháng Mười giống như ngày Rằm tháng Bảy âm lịch của ta là ngày vong hồn được trở về trần thế. Truyền thống lễ hội Halloween Âu Mỹ đã dành một ngày để cho Jack  trở lại cõi dương trần vui chơi thoải mái vì người sống đã hoá trang thành ma quỷ để linh hồn Jack có thể trà trộn vào cho bớt cô đơn.
Jack là một con người cô đơn, tội lỗi, là một con ma.
Jack là tượng trưng cho con người nếu chơi đùa với quỷ sẽ học những tính xấu xa, làm những hành vi sai lầm, không tốt có hại cho bản thân, nhân quần, xã hội.

Có nhiều người nằm ngủ thấy Ma. Bạn có thấy ma không?

 Thật ra, Ma nằm trong tâm trí ta, trong tâm thức của ta.  Ma chính là sự vô minh, là bản năng thú tính,  thúc đẩy sai sử ta làm những chuyện để thoả mãn những dục vọng tham lam, ích kỷ, sân hận, si mê của ta.  Chính sự vô minh kích động ta tạo nghiệp, trói buộc ta vào thế giới luân hồi mãi mãi.
Nếu ta tỉnh thức, ta có thể đuổi con ma đó ra khỏi tâm thức vì ma chỉ là những ảo ảnh không thực.  Thay vào đó, ta mở rộng lòng từ bi, khoan dung, tạo những nghiệp lành thì ta sẽ không bị ma quấy nhiễu nữa vì nhà Phật đã có dạy: “Nhất thiết do tâm tạo”. Thiên đường hay địa ngục đều phát xuất từ Tâm của chúng ta.

Tóm lại:  “Người ta nghĩ rằng ma chỉ có thể hiện ra trong kẹt cửa hay trong những nơi đầy bóng tối, nhưng thật ra thì chúng đang ẩn nấp trong các ngõ ngách u tối phía sau tấm màn vô minh  trong tâm thức của mỗi người trong chúng ta. Khi nào chúng ta vun xới tâm thức mình để biến cải nó thành một ngôi vườn đầy hoa thơm và cỏ lạ, tràn đầy lòng Từ bi và rộng lượng, chan hòa ánh hào quang của Phật tính, thì khi ấy trong tâm thức ta tức là ngôi vườn chan hoà ánh sáng đó sẽ không còn có bóng dáng của một con ma nào ẩn nấp.”
(Nguồn: Có Ma hay không?  Hoàng Phong)

 Người viết xin chia sẻ một câu chuyện khác có liên quan đến con ma giận dữ, nóng nảy mà chắc chắn ai trong chúng ta cũng đã có lần được gặp.  Chính con ma này nhiều khi đã làm mất đi một sinh mạng và đã làm cho ta suốt đời phải ân hận, hối tiếc giống như Thành Cát Tư Hãn trong PPS Khan do một người bạn vừa mới chuyển đến.  Người viết xin được  chia sẻ với bạn nhé.
 Người viết xin tóm lược câu chuyện dưới đây:

Thành Cát Tư Hãn và Con Chim Ưng

 Câu chuyện kể rằng: trong một buổi đi săn với tùy tùng, Thành Cát Tư Hãn đem theo một con chim ưng quý mà ông rất yêu thích bởi vì nó  bắt mồi nhanh hơn và nó có thể bay cao vút lên trời cao nhìn thấy mọi vật mà con người không thể thấy.  Trời mùa hè nóng bức, ông quá khát nước.  Ông chợt thấy một dòng nước nhỏ chảy từ một tảng đá ngay trước măt ông.  Ông lấy chiếc cốc bằng bạc mà ông thường đem theo hứng lấy dòng nước đó. Khi ông đưa cốc nước lên định uống thì con chim ưng bay lên giựt cốc nước và vứt xuống đất, nuớc đổ ra tung toé.  Ông nghĩ rằng con chim có lẻ cũng khát nước nên muốn uống nước. Ông lại tiếp tục hứng đầy cốc nước khác và định uống thì con chim lại bay lên làm đổ nước tung tóe một lần nữa.

Thành Cát Tư Hãn rất quý con chim, nhưng ông không thể chấp nhận sự vô lễ như thế trong bất cứ hoàn cảnh nào; không chừng có ai đó nhìn thấy cảnh này từ xa và, sau đó, sẽ kể lại cho các chiến binh của ông rằng một nhà chinh phục vĩ đại mà lại không thể thuần hoá nổi chỉ một con chim.
Lần này, ông rút kiếm ra khỏi vỏ, nhặt chiếc cốc và lại hứng nước, một mắt canh chừng dòng nước chảy, còn mắt kia để ý đến con chim ưng. Ngay lúc ông có đủ nước trong cốc và sắp uống, thì con chim ưng lại bay lên và lao về phía ông. Thành Cát Tư Hãn, với một nhát kiếm, đâm thủng qua lồng ngực con chim.
  
Tuy nhiên, dòng nước kia cũng đã khô cạn; và Thành Cát Tư Hãn quyết định tìm một cái gì đó để uống, ông leo lên tảng đá để tìm nguồn suối. Ông kinh ngạc khi thấy quả nhiên có một vũng nước, và ngay giữa vũng nước đó là xác một con rắn độc nguy hiểm nhất của miền đất này. Nếu ông lỡ uống nước đó, chắc hẳn ông đã chết rồi.
Thành Cát Tư Hãn quay lại chỗ cắm trại, ôm theo xác chết của con chim ưng. Ông ra lệnh làm một bức tượng chim bằng vàng, và trên một cánh chim, ông khắc dòng chữ:
.
 “Thậm chí khi một người bạn làm điều gì đó mà anh không thích, người đó vẫn là bạn của anh”
 Còn cánh chim bên kia, ông sai khắc câu: “Bất cứ hành động nào  được thực hiện trong sự giận dữ đều là hành động đưa đến sự thất bại”

(Nguồn:  Trích trong PPS Thành Cát Tư Hãn và Con Chim Ưng – Tác giã Margaret Jull Costa. Hoàng Ngọc Trâm dich – Cám ơn anh chị BTC chuyển đến)

Bạn đã học được bài học gì trong câu chuyện kể trên?

  Riêng thiển ý của người viết, tôi đã học được bài học là không nên  hành động gì trong lúc  đang giận dữ, sân hận trong lòng vì lúc đó chúng ta đang bị cái tâm Ma chế ngự nên có thể làm những chuyện sai lầm như mắng chửi, nói năng những lời độc ác hay hành động tàn bạo như đã nói trên, để rồi sau đó dù chúng ta có hối hận thì cũng đã muộn rồi.

Nhân ngày Halloween khi nhìn những ma quỷ, những bà phù thủy tí hon hoặc người lớn xuất hiện đầy đường trong đêm 31 tháng 10 vừa qua, người viết cảm thấy vui thích đi sưu tầm tài liệu về ma quỷ chia sẻ với các bạn cho vui nhé.
Thật ra ít nhiều gì chúng ta cũng có những con ma trốn ẩn sâu trong tâm thức của ta chờ ngày để xuất hiện nhát ta, nhát người, làm cho ta lo sợ, phải không Bạn?

 Chúng ta cần phải cố gắng tu tập để có được cái tâm thanh tịnh, để có được lòng khoan dung từ ái, để có  được trí tuệ sáng suốt hầu chiến thắng các ma vương tham lam, sân hận, si mê đã có sằn trong ta.  Bạn và tôi  cùng cố gắng nhé!

Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi, ORTB 456 111-5-2011)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét