Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2011

Bài số 20 Một Cõi Thiền Nhàn




Chào quý bạn,

Đây là bài thứ hai mươi của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Thế rồi những ngày xuân qua mau.  Bây giờ ai nấy trở về với công việc thường nhật trong đời sống ở thế gian này. Còn sống là còn phải nghĩ ngợi, hành động, là còn tạo nhân gặt quả.
 
Nhân là nguyên nhân, cội nguồn phát xuất từ tâm mà người đời gọi là nhân tâm.  Tâm là điểm xuất phát để hình thành nghiệp duyên nhân quả.  Tâm con người có tâm tốt, tâm xấu.  Tâm tốt là tâm lương thiện, thích làm điều lành, điều tốt.  Tâm xấu là tâm hung ác, thích làm việc ác, điều xấu.
Quả là kết quả của sự phát sinh, báo ứng của cái nhân đã tạo trong quá khứ.  Quá khứ là thời gian đã qua có thể là gíây, phút, ngày, giờ, tháng, năm, đời trước, kiếp trước.

 Như vậy Nhân là cội nguồn ở quá khứ do Tâm cấy trồng để tạo ra cái Quả của ngày hôm nay và cả tương lai.
                       Trong ý nghĩ thông thường của chúng ta, con người và mọi loài động vật được kết hợp bởi hai thành phần chính là Linh hồn và Thể xác.  Linh hồn là phần vĩnh cửu, không bao giờ bị hủy diệt.  Linh hồn cho ta cảm biết sự đau khổ, yêu ghét, hạnh phúc.  Thể xác cho ta cảm nhận được sự đau đớn, đói khát, nóng lạnh. Thể xác là phần tạm bợ để linh hồn trú ẩn. Thân xác sẽ bị hủy diết theo nguyên lý sinh, lão, bịnh, tử.  Khi thân xác bị hủy diệt thì linh hồn sẽ thoát khỏi thân thể đó và tùy theo mình đã tạo nhân tốt hoặc nhân xấu mà thọ lảnh nghiệp quả của đời kế tiếp, trong kiếp sống tương lai qua một hình thể khác.
Chúng ta đã thấy sống trong cõi đời này có kẻ thì giàu sang phú quý, xinh đẹp, có người lại nghèo khổ bần cùng, xấu xí.  Ấy có phải là do kết quả của nhân lành hay ác mà ta gieo trồng kiếp trước hay chăng?

Luật nhân quả và luật luân hồi là những định luật tất nhiên của vũ trụ mà Đức Phật đã khám phá ra để mọi người tu học hầu thoát vòng sinh tử luân hồi.

Luật nhân quả tiếp diễn liên miên tạo ra sự luân hồi.  Đời trước, kiếp trước là Nhân của kiếp sống hiện tại.  Kiếp sống hiện tại là Quả của đời trước cũng là Nhân của đời sau, kiếp sau..  Đời sau, kiếp sau là Quả của kiếp sống hiện tại.  Nhân quả như bóng với hình. Cho nên muốn hiểu thấu điều này ta phải quán chiếu:

“Dục tri  tiền thế nhân
Đương kim thọ giả thị
Dục tri lai thế quả
Kim sanh tác gỉả thị”

Nghĩa là:

“Muốn biết kiếp trước mình đã làm gì
Hãy coi kiếp hiện tạ mình đang thọ chịu những gì
Muốn biết đời tương lai mình sẽ ra sao
Thì hãy coi hiện tại mình đang làm gì?”

Tuy nhiên có những hiện tượng xảy ra rất mâu thuẫn với những điều luật lý và tình trong đời hiện tại như: Có những kẻ gian ác, tham lam lại giàu sang, sung sướng. Lại có những kẻ hiền lành, thiện tâm lại gặp tai ương, nghèo đói, có những người thần đồng và có những kẻ rất ngu si.  Tất cả những hiện tượng lạ lùng, mâu thuẫn này đã được Phật Giáo dùng thuyết nhân quả ba đời để giải thích, chứng minh.

(Trích Tập San Dược Sư)

Bạn cũng như tôi chắc hẵn đã tạo nhiều phúc duyên nghiệp tội từ nhiều đời nhiều kiếp trước cho nên chúng ta đã phải đau khổ triền miên trong cõi trần này với những phúc duyên nghiệp tội đó!

Thi hào Nguyễn Du đã chẳng phải thốt lên :
'”Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”

Lich sử cổ kim đã từng chứng minh những người dầu có tài năng tột bực nhưng không có tâm lành thương yêu người khác thì sẽ gây nguy hại đến người khác như thế nào rồi?  Bạn đồng ý chứ?

Nhân ngày đầu năm mới, người viết muốn đưa lên câu chuyện nhân quả này để tự nhắc nhở  mình, những người thân trong gia đình người viết, những bạn bè thân hữu nên cố gắng làm việc lành, tránh việc ác để  gieo trồng trong vườn tâm của mình những hạt giống tốt lành vì như kinh Phật đã dạy:  Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đãu”, Bạn nhỉ!

Tuy nhiên, con người chúng ta là “nhân vô thập toàn” mà lị!  Chúng ta chỉ có thể hành động theo  phương cách tốt nhất mà ta có thể làm được vì ai cũng có ít nhiều khuyết điểm mà ta cố gắng khắc phục và ta cũng nên mở lòng nhân ái tha thứ cho khuyết điểm của người khác qua câu chuyện dưới đây:

Hai viên gạch xấu xí

Đến miền đất mới, các vị sư phải xây dựng, mua dụng cụ và bắt tay vào làm việc. Một chú tiểu được giao xây một bức tường gạch. Chú rất tập trung vào công việc, luôn kiểm tra xem viên gạch đã thẳng thớm chưa, hàng gạch có ngay ngắn không. Công việc tiến triển khá chậm vì chú đặc biệt kỹ lưỡng. Tuy nhiên, chú không lấy đó làm phiền lòng bởi chú biết mình sắp sửa xây một bức tường tuyệt đẹp đầu tiên trong đời.
  Cuối cùng chú cũng hoàn thành công việc vào lúc hoàng hôn buông xuống. Khi đứng lui ra xa để ngắm nhìn công trình lao động của mình, chú bỗng cảm thấy có gì đó đập vào mắt: mặc dù chú đã rất cẩn thận khi xây bức tường song vẫn có hai viên gạch bị đặt nghiêng. Và điều tồi tệ nhất là hai viên gạch đó nằm ngay chính giữa bức tường. Chúng như đôi mắt đang trừng trừng nhìn chú.
Kể từ đó mỗi khi du khách đến thăm ngôi đền chú tiểu đều dẫn họ đi khắp nơi trừ đến chỗ bức tường mà chú xây dựng.
  Một hôm có hai nhà sư già đến tham quan ngôi đền. Chú tiểu đã cố lái họ sang hướng khác nhưng hai người vẫn nằng nặc đòi đến khu vực có bức tường mà chú xây dựng. Một trong hai vị sư khi đứng trước công trình ấy đã thốt lên: "Ôi, bức tường gạch mới đẹp làm sao!"
  "Hai vị nói thật chứ? Hai vị không thấy hai viên gạch xấu xí ngay giữa bức tường kia ư?" - Chú tiểu kêu lên trong ngạc nhiên.
"Có chứ, nhưng tôi cũng thấy 998 viên gạch còn lại đã ghép thành một bức tường tuyệt vời ra sao." - Vị sư già từ tốn nói.
  Đôi khi chúng ta quá nghiêm khắc với bản thân mình khi cứ luôn nghiền ngẫm những lỗi lầm mà ta mắc phải, cho rằng cả thế giới đều nhớ đến nó và quy trách nhiệm cho ta.. Chúng ta dã hoàn toàn quên rằng đó chỉ là hai viên gạch xấu xí giữa 997 viên gạch hoàn hảo.
  Và đôi khi chúng ta quá nhạy cảm với lỗi lầm của người khác. Khi bắt gặp ai đó mắc lỗi, ta nhớ kỹ từng chi tiết. Và hễ có ai nhắc đến tên người đó, ta lại liên hệ ngay đến lỗi lầm của họ mà quên những điều tốt đẹp họ đã làm.
  Cần phải học cách rộng lượng với người khác và với chính mình. Một thế giới nhân ái trước hết là một thế giới nơi lỗi lầm được tha thứ.

(Nguồn: điện thư bạn gửi)

 Ngày đầu năm mới, chúng ta cũng cần có một thái độ lạc quan trong đời sống, Bạn nhé!
Người viết xin kể hầu  Bạn thêm một câu chuyện nhỏ khác dưới đây:


Có người phụ nữ mời một người thợ sơn về sơn mấy bức tường nhà cô ta để chuẩn bị đón xuân>.Người thợ vừa bước vào cổng nhìn thấy chồng của cô ta bị mù cả hai mắt, lập tức tỏ vẻ thương hại.
 Nhưng người bị mù mắt đó luôn luôn vui vẻ lạc quan yêu đời, nên người thợ sơn làm việc ở đó mấy ngày và họ chuyện trò rất ăn ý với nhau, người thợ sơn cũng không nói gì về những điều đáng tiếc của người mù đó.
Khi công việc kết thúc, người thợ sơn đưa ra tờ hóa đơn tính tiền, người phụ nữ phát hiện giá tiền phải trả so với mức thỏa thuận ban đầu ít hơn rất nhiều, cô vội vàng hỏi người thợ: “Vì sao ông tính bớt đi quá nhiều như vậy?
 Người thợ nói: “Mấy ngày nay tôi sống chung với chồng cô trong lòng tôi cảm thấy rất vui, thái độ sống của anh ta đối với cuộc đời khiến cho tôi cảm thấy tình cảnh và cuộc đời của tôi chưa đến nỗi quá tệ, cho nên tôi bớt đi một phần xem như tôi bày tỏ một chút tình, cảm ơn đối với anh ấy, bởi vì anh ta làm cho tôi không xem công việc của tôi là quá khổ!”
Người thợ sơn thán phục chồng người phụ nữ, làm cho cô ta cảm động rơi nước mắt, vì người thợ sơn rộng lượng đó cũng chỉ có một cánh tay.
Qua câu chuyện trên chúng ta có thể nói rằng:
Chúng ta không thể thay đổi được nhân sinh nhưng chúng ta có thể thay đổi nhân sinh quan của chúng ta; chúng ta tuy không thay đổi được hoàn cảnh nhưng chúng ta thay đổi được tâm cảnh.
Chúng ta không thể điều chỉnh hoàn cảnh một cách hoàn mỹ để phù hợp với cuộc sống của chúng ta, nhưng chúng ta có thể điều chỉnh thái độ sống để phù hợp với tất cả mọi hoàn cảnh xung quanh ta.
 Vì thế, giàu càng muốn giàu thêm, có rồi lại muốn có nữa, nếu không đạt được như mong muốn thì than vãn oán trời trách người cho là trời thần bất công...
Cùng một sự việc không may nào đó xảy ra, nhưng nếu người có cái nhìn lạc quan sẽ đối diện sự thật và vui vẻ nhận lãnh, vì họ biết điều chỉnh bản thân họ cho phù hợp với những gì cuộc sống mang đến, họ có thái độ nhìn sự vật nhìn cuộc đời một cách lạc quan.

(Nguồn: sưu tầm trên internet-  Trích trong  bài viết của Như Nguyện)

Hy vọng trong năm mới này các bạn sẽ có một cái nhìn lạc quan trong đời sống và hiểu rõ luật nhân quả trong cuộc đời để có những tư tưởng và hành động tốt đẹp hơn năm vừa qua, bạn nhé ?

 Người viết xin mượn những vần thơ dưới đây để làm kết luận cho bài viết hôm nay:

Xin chúc Bạn: Thiện tâm luôn tinh tấn
Xin nguyện cầu: Nhân Ái trải muôn phương
Để mọi người sống An Lạc, Yêu Thương
Thì trần thế sẽ thiên đàng, hạnh phúc

 (Trích trong bài thơ Thiên đường ở nơi đâu của SL)

Xin chúc sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn .

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Tài liệu sưu tầm trên internet, qua email bạn gửi, ORTB 20- 22610)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét