Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

Bài số 62 Một Cõi Thiền Nhàn





Chào quý bạn,

Đây là bài thứ sáu mươi hai của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo

Rồi mùa Giáng Sinh cũng qua đi.  Những náo nức chờ đón nhận quà của ông già Noel  cũng trôi qua khi những đứa bé nhận được những món quà được mở ra trong ngày Giáng Sinh. Cô cháu nội Mya Ngọc Vy yêu quý 4 tuổi của tôi cứ chạy đến nhắc tôi mau khai mạc màn mở quà mãi, mặc dầu tôi còn đang thưởng thức ngon lành tô bún suông do cô em dâu tôi mang đến trong buổi tiệc xum họp gia đình đêm Giáng Sinh ở nhà tôi năm nay. Con nít nào mà không ham mở quà Giáng Sinh chứ lị!

Ngon tuyệt!  Bạn ạ! Ở Portland không có nhà hàng nào bán món bún suông nổi tiếng một thời ở nhà hàng Thanh Thế của một Sàigòn ngày cũ cả. Bởi thế, muốn ăn những “món ngon quê mẹ” này, bạn chỉ có thể nấu theo kiểu “homemade” ở nhà mà thôi vì thú thật, không phải nhà hàng nào cũng có đầy đủ thức ăn theo khẩu vị Việt Nam đúng theo ý của bạn đâu nhé!  Tôi bảo đảm chắc chắn với bạn rằng:  “Không ai nấu tô canh chua, kho cá kho tộ, kho mắm và rau ngon như Mẹ của chúng ta cả vì Mẹ là người hiểu ý ta ăn mặn ngọt như thế nào mà nêm nếm theo khẩu vị của ta và những món ăn ấy đã theo ta suốt cả đời từ lúc tấm bé cho đến lúc lớn khôn.”
Hơn thế nữa, Mẹ đã hết tâm tư, tình cảm thương yêu vào tô canh mẻ cá đó khi kho cá nấu canh cho chồng, cho con thì làm sao không ngon cho được! Có nhà hàng nào nêm nếm được những gia vị tình cảm yêu thương tha thiết đó cho ta, phải không bạn? Nhắc đến đây, tôi thấy một cái gì nghèn nghẹn nơi cổ họng và hình như tôi đã khóc!  Còn bạn thì sao?

Người ta thường bảo người già thường sống nhiều về kỷ niệm xa xưa, về tình cảm gia đình.
Đúng thế! Tôi đã thấy những cụ già giọng nói nghẹn ngào khi nhắc lại kỷ niệm về những người bạn đã nằm xuống của thuở “chinh chiến điêu linh” ngày cũ  hay kể lại những ngày sống khốn khổ ở trong các trại tỵ nạn sau cuộc “hành trình tìm tự do” của họ. Và năm tháng cứ dần dần trôi trôi mãi, bạn và tôi cũng đã bước vào cái “tuổi không còn trẻ nữa” rồi, bạn ạ!

Người trẻ bận lo bon chen trong cuộc sống hằng ngày nơi hảng xưởng, xí nghiệp; người già đang “giúp nhau tìm lại niềm vui” trong những buổi họp mặt của các tổ chức dành cho người cao niên hoặc sống âm thầm lặng lẻ nơi những viện dưỡng lão.
Những đứa trẻ lớn lên nơi xứ người nhớ gì về quê hương cũ và những người già nằm xuống bây giờ hồn phách ở nơi đâu?  Nếu Bạn cứ mãi lo buồn, nghỉ ngợi như thế mãi thì bạn lại càng “chóng già” hơn nữa, cho nên bạn hãy cố gắng sống thích ứng vào đời sống của  một  “Già Ta, Già Mỹ” nơi xứ người cho vui với đời một tí, bạn nhé!

Người trẻ người già, người nào cũng có những giây phút bận rộn trong cuộc sống.  Chính những giây phút bận rộn đó đôi khi lại có ích cho đời sống tinh thần và sức khỏe của bạn hơn  là “ăn không ngồi rồi” vì ngưòi xưa vẫn thường nói ”Nhàn cư vi bất thiện” dù rằng có người đã nói: “Bận rộn khiến cho ta không thấy được cái đẹp của người mà ta thương yêu”.

Chữ Nhàn ở trong câu “Nhàn cư vi bất thiện” chỉ sự làm biếng, không thích làm việc  gì cả, khác với thú hưởng nhàn tao nhã của các bậc văn nhân trí sĩ như Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Bỉnh Khiêm sau khi đã:

 “Trong lang miếu, ra tài lương đống
Ngoài biên thùy rạch mũi can tương
Làm sao cho bách thế lưu phương
Trước là sĩ, sau là khanh tướng »

Lúc đó, họ mới có thể hưởng nhàn với :

 « 
Năm ba chú tiểu đồng lếch thếch,
Tiêu dao nơi hàn cốc, thanh sơn,
Nào thơ, nào rượu, nào địch, nào đờn,
Đồ thích chí chất đầy trong một túi.
Mặc ai hỏi, mặc ai không hỏi tới,
Gẩm việc đời mà ngắm kẻ trọc thanh,
Này này sĩ mới hoàn danh. » 

 (Trích  bài Kẻ Sĩ của Nguyễn Công Trứ)

 Khi bận rộn với cuộc sống, người già hay người trẻ cũng cần biết sắp xếp thứ tự ưu tiên và giá trị của những sự việc phải làm, để giải quyết  công việc thế nào cho hợp lý và có lợi ích tối đa. Sau đó, cũng phải biết dành thời giờ để nghỉ ngơi, trò chuyện với bạn bè.

 Xin mời bạn đọc  mẫu chuyện dưới đây để  biết cách giải quyết những cái bận rộn của ta một cách hữu hiệu, bạn nhé:

Cái bình rỗng và hai tách cà phê

Giờ triết học, vị giáo sư già ngồi yên ở bàn với một số đồ lỉnh kỉnh trước mặt. Khi giờ học bắt đầu, giáo sư không nói lời nào mà đặt một cái bình lớn lên trên mặt bàn và đổ đầy vào đó những quả bóng bàn. Sau đó ông hỏi tất cả sinh viên trong lớp và mọi người đều đồng ý rằng cái bình đã đầy.
Tiếp đó, ông giáo sư lấy ra một hộp đầy sỏi nhỏ và đổ chúng vào bình. Ông lắc nhẹ cái bình, sỏi rơi đầy các kẽ hở giữa những quả bóng bàn. Một lần nữa ông hỏi các sinh viên của mình và tất cả đều đồng ý là cái bình đã đầy.
Tiếp tục công việc, vị giáo sư lấy tiếp một cái hộp đựng đầy cát và trút tất cả số cát vào bình. Tất nhiên là cát nhanh chóng lấp đầy những kẽ hở còn lại.
 Thêm một lần nữa giáo sư hỏi cả lớp chiếc bình đã đầy chưa. Lần này, rất quả quyết, đám sinh viên trong lớp khẳng định cái bình không thể chứa thêm một thứ gì nữa.
  Mỉm cười, vị giáo sư ra ngoài lấy hai tách cà phê rồi trút cả vào trong bình. Ðám cát có sẵn nhanh chóng hút hết, và cà phê đã lấp đầy khoảng trống dù rất bé nhỏ giữa những hạt cát.     
- “Nào các trò”, ông giáo sư ngồi xuống ghế và bắt đầu. “Tôi muốn các trò hãy coi cái bình này như cuộc sống của các trò. Những trái bóng bàn kia là những thứ quan trọng nhất trong cuộc sống của các trò: Gia đình, con cái, sức khoẻ, những người bạn và những niềm đam mê. Nếu những thứ đó còn, cuộc sống của các trò vẫn coi như hoàn hảo”.   
Những viên sỏi kia tượng trưng cho những thứ khác trong cuộc sống như công việc, nhà cửa hay xe hơi.    
Cát là đại diện cho những điều vặt vãnh khác. Nếu các trò bỏ cát vào bình đầu tiên, sẽ không còn chỗ trống cho sỏi hay bóng bàn. Cuộc sống cũng thế. Nếu bỏ quá nhiều thời gian, sức lực cho những thứ vặt vãnh, các trò sẽ không còn thời gian cho điều gì quan trọng hơn.    
Những thứ cần quan tâm có thể là những thứ quyết định hạnh phúc của các trò. Ðó có thể là chơi với bọn trẻ, có thể là bỏ thời gian để đến khám bác sĩ định kỳ, có thể là dành thời gian ăn tối cùng gia đình, cũng có khi chỉ là công việc dọn dẹp nhà cửa và tống khứ đi một số thứ không cần thiết.      
Hãy quan tâm đến những trái bóng bàn đầu tiên, những thứ thật sự quan trọng. Hãy biết ưu tiên cái gì đầu tiên. Những thứ còn lại chỉ là cát thôi.    
Có một cánh tay đưa lên và một câu hỏi cho giáo sư: “Vậy cà phê đại diện cho cái gì thưa giáo sư?”
Ông giáo sư mỉm cười: “Tôi rất vui khi trò hỏi câu đó. Cà phê có nghĩa là dù trò có bận rộn với cuộc sống của mình đến đâu thì vẫn luôn có thời gian để đi uống một tách cà phê với bạn bè”.
Hạnh Giải dịch
(Nguồn: Sưu tầm trên internet)

Người viết thiển nghĩ: bài viết nói trên rất hữu ích cho tất cả mọi người dù ở lứa tuổi nào vì đã giúp ta cân phân nặng nhẹ những việc chúng ta cần phải làm và vui nhất là dù chúng ta có bận rộn đến đâu, chúng ta vẫn có những giây phút nhàn nhã trong cuộc sống là đi uống cà phê với bạn bè.  Bạn thấy có vui chăng?

Một năm cũ sắp qua, Bạn đã có kế hoạch nào cho năm mới sắp đến chưa? 
 Dù chưa có hay đã có, việc quan trọng nhất trong phút giây hiện tại là chúng ta hãy vui sống với những gì chúng ta đang có trong tầm tay với của chúng ta với tinh thần lạc quan, và làm việc thiện lành, như vậy là quá tốt rồi như bác Nguyễn Ngự Bình đã tâm sự trong bài viết Giúp Nhau Tìm Lại Niềm Vui của bác:

“Chúng ta hôm nay, đủ ăn , đủ mặc, tinh thần sống thoải mái trong một thế giới đảo điên đầy chiến tranh, thiên tai bão lụt, là chúng ta biết mình có đầy đủ phước lành từ quá khứ, và từ đó, đầy tin tưởng vào tương lai, sẽ từ “ ăn tới huề.” chứ không đi xuống!”

Năm mới sắp đến, người viết xin chúc tất cả quý bạn và gia đình hai chữ An Lành    Hạnh Phúc với cái tâm an bình của mình và:

“Đừng tìm mãi nơi đâu là Hạnh phúc
Có thể gần, cũng có thể thật xa
Xa hay gần là ở tại Tâm ta
Ta cảm nhận thế nào là thế đó”

Bạn đồng ý chứ?

(Trích trong Hạnh Phúc Ở Nơi Đâu - Thơ Sương Lam)

Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-ORTB 454

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét