Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

Bài số 56 Một Cõi Thiền Nhàn




Chào quý bạn,

Đây là bài thứ năm mươi sáu (56) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Nhân một buổi tối ngồi nghe radio về lời khuyên của một bác sĩ tâm lý về việc  “càm ràm” của quý bà, người viết xin có đôi lời tâm tình về chuyện “càm ràm” với quý bạn cho vui nhé.
Quý ông thì cứ than:  Mấy bà ưa “cằn nhằn” quá!  Quý bà thì lại bảo: “Không cằn nhằn mấy ông ấy không được.” Vây ai đúng ai sai, bạn nhỉ?
Riêng người viết thiển nghĩ, việc gì cũng có lý do của nó, phải không bạn?

 Nếu quý ông làm giúp một chuyện gì cho quý bà một cách vui vẻ nhanh chóng hay quý ông đừng có  vui thú “tứ đổ tường ” thì quý bà “thương”  quý ông không hết, chứ cằn nhằn làm chi cho mệt!  Đằng này, quý ông cứ tàng tàng như không nghe quý bà nói gì hết, công việc thì từ từ làm theo kiểu “đi đâu mà vội mà vàng” từ năm Thìn sang tới năm Tỵ mới xong.  Hình như theo thời gian, quý ông cao niên lớn tuổi về hưu rồi cũng thay đổi tính nết, nên cũng hơi “ưa cự nự” hơn hồi xưa một chút, cho nên quý bà phải “cằn nhằn đáp lễ lại” quý ông là thế đấy!

 Còn như quý bà, nếu không được như nàng Nhan Thị “cử án tề mi” ngày xưa, dịu dàng  lời ăn tiếng nói “hoa cười ngoc thốt đoan trang” thì ít nhất  cũng đừng có “mắt phượng long lanh” hay la hét với âm thanh “mười thành công lực” của quý bà thì gia đình sẽ không có “hai con khỉ già” như nhà văn Nguyên Nhung đã diễn tả như sau:

“Hai vợ chồng già giống như "hai con khỉ" ngồi bắt chấy cho nhau . Họ cãi nhau  luôn để rồi vẫn thương nhau như thế đấy, ai có cười thì hở mười cái răng. Vậy mà hễ ông đi làm về, thấy vắng bóng bà là vội đi tìm ngay, rồi khi thấy bà nằm lù lù một đống trùm chăn kín mít, sờ vào chân vợ thấy lạnh ngắt, ông vội đi lấy dầu để bóp chân cho vợ. Còn bà, hễ ông đi làm về muộn, bụng bà chưa gì đã rối tinh cả lên, đi ra đi vào nhìn  mãi cái kim đồng hồ. Chỉ khi nào nghe tiếng xe của ông đậu ngoài "garage", bà mới thở phào nhẹ nhõm, nhưng bụng lại bực "cái con khỉ già" về muộn mà không nói qua cho bà biết, mặt bà lại sưng lên hệt một con khỉ. Chẳng biết ai là khỉ, nhưng đấy chỉ là lối suy nghĩ thật âu yếm mà họ dành cho nhau ở cái tuổi già mà thôi . . .

Xin mời bạn  đọc thêm đoạn này:

“Bỗng nghe tiếng xe ngừng ở ngoài sân, ông đứng bật dậy, vợ chồng thằng con đã dẫn cháu về. Ông mở cửa đón cháu, thằng bé lên năm mặt mũi xinh xắn, chạy ào vào ôm lấy cổ ông nội, nói bi bô:
"Thưa ông nội cháu mới về."
Thằng cháu nói còn đả đớt, mặt nó hồng lên như hai quả đào. Ông ôm cháu vào lòng, âu yếm hỏi:
"Cháu ông đi đâu mà lâu thế? Hôm nay giỗ cụ, không về sớm mà ăn giỗ."
Bây giờ anh con trai mới lên tiếng:
"Chúng con cho cháu đi sở thú. Nhớ ngày giỗ cụ muốn về sớm, nhưng thằng cháu ông nó không chịu về, cứ đòi xem mãi."
Ông vuốt tóc cháu, hôn lên đôi má phính:
"Thế cháu thấy con gì trong sở thú kể ông nghe với."
Thằng bé bây giờ mới sung sướng kể:
" Cháu xem con khỉ con bú mẹ, xem hai con khỉ già cãi nhau."
Ông bảo cháu:
" Tưởng gì! Ở nhà mình cũng có “hai con khỉ già” cãi nhau suốt ngày."
Bà đang đứng trong nhà nhìn ra, nghe ông nói, lườm ông một cái dài hơn cây số.”

(Nguồn: trích trong bài viết Hai Con Khỉ Già của Nguyên Nhung)

 Tuy cãi nhau suốt ngày như thế nhưng hai ông bà trong câu  truyện nói trên (và cả chúng ta nữa đấy?) vẫn thương yêu, lo lắng, chăm sóc cho nhau. Đó là điều quan trọng trong cuộc sống chồng vợ lúc tuổi già, phải không bạn?

Người viết  lại nhớ đã đọc ở đâu đấy câu này: “Người tình lý tưởng là người tình chết sau đêm tân hôn.”
Người viết đã từng xem phim truyện Hồng Kông, Đại Hàn. Tôi thấy mối tình nào cũng thơ mộng, diễm tình cả.  Đôi khi những nhân vật chính còn vượt qua vòng lễ giáo hay bất chấp dư luận hay sự ngăn cản của gia đình để được sống gần nhau. Nhưng trong phim ảnh và trong thực tế, người vợ hay người chồng khi đã sống chung với nhau, ít nhiều gì đã không còn là “người tình lý tưởng” trong mộng nữa.  Chàng “hoàng tử bạch mã” hay cô “công chúa diễm kiều” ngày xưa  với những thực tế trong đời sống vợ chồng đã trở thành:
 “Người ta yêu, đã hết gợi hồn thơ
  Nét duyên dáng ngày xưa thôi quyến rũ”
  (Thơ Sương Lam)

Những “giọt nưóc mắt ngà” ngày xưa của quý bà bây giờ theo thời gian chỉ là “giọt nước  mắt thường” nên khi có chuyện vui buồn gì trong gia đinh hay ngoài xã hội, quý bà nên lặng lẻ, âm thầm buồn vui một mình hay đi tìm một niềm vui tinh thần, niềm vui tâm linh an lạc nào khác là thượng sách.  Đừng khóc lóc, than thở, hay la hét ầm ỉ, vô ích!

Quý ông chắc chắn là yêu thương bà xã lắm rồi, nhưng vì tự ái của quý ông “to như cái nia” cho nên nếu “bị” bà xã  “nhờ giúp đỡ” hay “cằn nhằn” hoặc “khó chịu” chút đỉnh thì xin hãy cứ  làm vui lòng bà xã cho rồi, chuyện gì cũng nên phiên phiến một tí, chiều bà xã một tí,  “galant” một tí, giống như  quan điểm sống của nhân vật ông Hai Hô trong truyện ngắn Phiên PhiếnTuổi Già của tác giả Tràm Cà Mau là “thiên hạ thái bình” ngay.

Thắng tranh luận, cũng chưa chắc mình đã giỏi hơn người, mà giỏi hơn để làm chi? Và cũng chưa chắc ngưòi ta đã chịu cái lý của mình là đúng. Trong tình vợ chồng cũng vậy, nhiều ông nhiều bà tranh hơn thua từng ly, từng tí, cãi vả nhau tưng bừng về những điều không ích lợi chi cho ai cả. Rồi giận nhau, nói nặng nhau, làm nhau đau đớn vì lời nói thiếu tử tế, thiếu lịch sự. Có ích lợi gì đâu. Tranh nhau thắng thua, làm sứt mẻ hạnh phúc gia đình, làm mất đi thì giờ quý báu bên nhau, làm không khí gia đình nặng nề. Đừng bao giờ nói là phải làm cho ra lẽ, không thì hoá "lừng". Hãy cứ để cho chồng mình, vợ mình "lừng" đi, cho họ sướng. Tại sao đi ra ngoài, không dám "lừng" với thiên hạ, mà về nhà lại "lừng" nhau làm chi cho mất vui.”

Những buổi họp mặt anh em bạn cũ, ông không bao giờ bỏ qua, ông nói là không tham dự thì uổng lắm. Ông cho rằng, tuổi già, mà còn gặp lại được bạn xưa, thì không còn gì quý báu hơn. Nằm nhà xem sách, xem truyền hình, đá banh, đâu vui bằng gặp bạn cũ. Gặp dịp vui, thì cứ vui kẻo uổng, biết mình còn sống được bao lâu nữa mà mãi phí ngày giờ chạy theo lợi lộc.

Mỗi khi có ai mời đi đám cưới, tiệc tùng, ông đến đúng giờ, mà thiên hạ tà tà đến trể, ông cũng không bực mình. Bởi người ta quen giờ cao su rồi. Họ có cả trăm ngàn lý do để biện minh. Ông có đến sớm, thì cũng có cái lợi khác, được nói chuyện, gặp gỡ, tâm sự tào lao với những bạn bè mà từ lâu ít có dịp gặp nhau. Cũng vui và quý. Dễ chi có cơ hội thuận tiện để gặp nhau. Đến khi dọn thức ăn ra, không còn cơ hội để nói chuyện nữa, vì ai nấy, lo gắp, lo nhai, không rảnh mà nói chuyện. Khi ăn xong, thì bạn bè vội vã ra về, vì đường xa, vì đêm khuya, vì mệt nhọc. Bởi vậy, ông cứ vui với cái bê bối của thiên hạ, và bằng lòng với câu "Không ăn đậu không phải Mễ, không đi trễ, không phải Việt Nam."

Ông Tư Hô thường nói, tuổi già, cứ phiên phiến với mọi sự, cho khoẻ, cho sướng cái thân già của mình.

 (Nguồn: Phiến phiến Tuổi Già  của Tràm Cà Mau- Cám ơn tác giả TCM)

 Mỗi thứ năm hằng tuần đi họp với Nhóm Sinh Hoạt Người Việt, tôi thường gặp cụ bà  Hoàng Lê năm nay gần 80 tuổi mà người viết rất quý mến vì tinh thần hăng hái tham gia sinh hoạt của cụ. Cụ không vắng mặt ngày nào dù tuổi già sức yếu.  Cụ đã chia sẻ với người viết bài thơ Đội Dép của Nguyễn Trung Kiên rất hay và cảm động nói lên tình yêu đơn sơ, khắn khít của vợ chồng gắn bó bên nhau giống như đôi dép dưới đây:

“Cùng chia sẻ sức người chà đạp.
Dẫu nhục vinh, không đi cùng người khác
Số phận chiếc này phụ thuộc chiếc kia
Nếu ngày nào một chiếc dép mất đi
Mọi thay thế đều trở nên khập khiễng
Giống nhau lắm nhưng người đi sẽ biết
Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu
Cũng như mình trong những lúc vắng nhau
Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía”

Tha thiết, cảm động hơn  nữa khi:

 “Gắn bó đời nhau vì một lối đi chung
Hai mảnh đời thầm lặng bước song song
Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
Chỉ còn một là không còn gì hết
Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia”

(Nguồn: trích trong bài thơ Đôi Dép của Nguyễn Trung Kiên- Cảm ơn bác HL)

Mùa Thu lá bay làm rung động trái tim tình cảm của chúng ta nên người viết  xin được chia sẻ cùng các bạn bài thơ này để bạn và tôi cùng được sống một ít  phút giây lãng mạn của tình yêu chồng vợ, để mà cùng khoan dung, tha thứ cho nhau mỗi khi bị “cằn nhằn”, bạn nhé.  Bạn đồng ý chăng?

Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi, ORTB 447-121110)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét