Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

Bài số 13 Một Cõi Thiền Nhàn




Chào quý bạn,

Đây là bài thứ mười ba của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Portland tháng 12 năm nay có những cơn mưa lạnh rỉ rả suốt tuần lễ.  Nhìn mưa rơi bên song cửa mà buồn đến nẫu ruột nẫu gan.  Các bạn của người viết ở Cali đến chơi cứ bảo tại sao tôi lại thích ở một nơi buồn và mưa nhiều thế!?
 Thế mà tôi đã sống ở nơi “phố nhỏ đìu hiu” này đã hơn 20 năm qua vì Portland trong trái tim nhỏ bé của người viết, lại là một Dalat diễm tình và thơ mộng với bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông với sương lam giăng đầy khắp nẽo, mà hồi nhỏ tôi ao ước đưọc sống ở đấy. Cái tên Sương Lam mà tôi chọn làm bút hiệu từ lúc tôi mới bắt đầu biết làm thơ tình năm 15 tuổi đã gắn liền với đời sống thơ văn nghệ thuật của tôi 50 năm qua và cuối cùng tôi đã chọn Portland là nơi vui thú điền viên dù thân nhân và bạn bè đã nhiều lần “dụ khị” tôi đi định cư ở nơi khác.  Ấy có phải là duyên phúc khi tôi đạt được mộng ước của mình là được sống ở một Dalat thứ hai theo cách nghĩ của tôi dù nơi đây buồn lắm!

Thú thật, mỗi lần tôi cất bước giang hồ đến những nơi xa lạ khác và ngay cả khi về thăm lại quê hương Việt Nam, tôi cứ mong chấm dứt sớm chuyến du ngoạn đường xa xứ lạ để tôi quay về lại với ngôi nhà nhỏ bé của mình ở Portland, để ngắm nhìn lại mảnh vườn sau có cây hồng, cây lê, có hoa tulip, hoa đào mà tôi đã ra công vun trồng mấy chục năm qua. Nhưng có lẻ nguyên nhân tình cảm sâu xa nhất là được vui đùa với cô cháu nội yêu quý Mya Ngọc Vy của tôi sau bao ngày xa vắng.
Có lẻ tình cảm thiêng liêng này mới là nguyên nhân chính làm cho tôi yêu Portland thêm hơn nữa, dù nơi đây có mưa lạnh buồn hiu.

Dông dài như thế để có thể nói rằng mọi chuyện ở đời  hình như là do duyên nghiệp cả.  Có  những sự việc nhiều khi không đem đến cho chúng ta kết quả như chúng ta hằng mong đợi hoặc đôi khi còn làm cho mình đau khổ nữa.  Trong phạm vi gia đình nhỏ bé của chúng ta, đời sống vợ chồng đôi khi cũng đem đến cho chúng ta nhiều điều phiền muộn vì nếu vợ chồng không thông cảm, hổ trợ tinh thần cho nhau thì một “nữa cái xương sườn kia” kia có thể là “nữa hồn thương đau” của ta đó.  Một người thích thơ văn, nghệ thuật, thích hoạt động xã hội nếu không đưọc sự thông cảm, ủng hộ, khích lệ của người phối ngẫu thì ít nhiều gì thiện chí và khả năng của người ấy cũng bị hao mòn, giảm thiểu và ta cảm thấy đau buồn lắm. Một người làm được việc tốt, giúp đỡ, chia sẻ những điều ích lợi chung cho tha nhân thì  thân nhân của họ cũng được chung hưởng phúc báo của những việc tốt, thiện lành đó, cho nên chúng ta cũng cần nên khích lệ, ủng hộ tình thần của họ.  Có như thế thì cuộc đời sẽ tươi đẹp hơn nhỉ?
 
 Nếu hiểu rằng, trong cuộc đời của ta có những thuận duyên làm cho tài năng và thiện chí của ta phát triển tốt đẹp thì cũng có những nghịch duyên làm cho ta phải kiên trì và phấn đấu khắc phục những trở ngại đó với cái tâm an bình và nhẫn nhục.  Hy vọng sẽ có một ngày, chúng ta sẽ đạt được kết quả mà ta mong ước.  Việc gì cũng cần phải có thời gian để cho mọi việc được tiến hành tốt đẹp, phải không bạn?

 Xin mời bạn cùng đọc với người viết mẫu chuyện ngắn dưới đây

Càng gấp càng chậm

Có chàng thanh niên lên núi xin một dị nhân truyền dạy kiếm pháp, anh ta thưa:

-          Bạch sư phụ, nếu như con nỗ lực học tập, chừng bao lâu mới học xong?
-          Có lẻ mười năm.
-          Cha con tuổi càng cao, con phải lo trở về hầu hạ.  Nếu  như con càng nhiệt thành nỗ lưc học tập hơn nữa cần chừng bao lâu?
-          À! Như thế thì cần ba mươi năm.
-          Sư phụ trước đã nói mười năm, bây giờ lại nói ba mươi năm.  Con không ngại bất cứ lao khổ nào.  Xin sư phụ dạy trong thời gian ngắn nhất để học thành đạt.
Vị kiếm sư đáp:
-          Như thế thì phải theo học nơi ta bảy mươi năm mới thành tựu.

Lời bình:  Người mong thành công sớm để được lợi gần hơn phân nữa, là kẻ “dục tốc bất đạt”.
                 “ Tâm bình thường là Đạo”, chính là lẽ này, càng muốn mau thành công, tỏ ra thiếu
                chí nhẫn nại thì không thể học thiền được.

(Nguồn: Thiền là gì? Biên soạn – Giác Nguyên)

Người viết may mắn được thừa hưởng cái tính ham đọc sách của cha tôi nên rất thích văn chương, thơ phú.  Khi cha mẹ  tôi còn sống, tôi thường hay viết thư về thăm hỏi sức khoẻ ba má tôi.  Trong thư, tôi thường hay tả tình tả cảnh sinh hoạt của gia đình nhỏ bé của tôi nơi xứ người như một bài văn, bài thơ.  Mỗi lần về thăm ông cụ, tôi thấy dưới gối nằm của ba tôi  là những bức thư của tôi được xếp cẩn thận trong một bìa giấy.  Ba tôi nói với tôi là cụ đọc đi đọc lại những bức thư này mãi vì những bức thư này đem niềm vui tình cảm đến với cụ trong tuổi gíà.  Cha tôi cũng biết làm thơ. Ba tôi bảo tôi đọc, phê bình, thảo luận với cụ về những bài thơ cụ viết vì có lẻ chỉ có tôi là người chịu nói chuyện thi văn với cụ vì tôi cũng thích thơ văn.  Tôi thấy cha tôi vui, dĩ nhiên là tôi cũng vui theo vì ít ra tôi cũng làm được một việc gì đó làm cho ba tôi vui, dù rất tầm thường là tôi  chỉ ngồi nói chuyện tào lao với cụ về  thơ văn cho cụ vui được ít phút giây.  Rồi cũng từ đấy, tôi càng ngày càng thích viết văn làm thơ vì lúc nào cũng có người luôn luôn ủng hộ và khích lệ tôi.  Người đó chính là ba tôi.  Con xin cảm tạ ân đức của ba đã cho con một niềm vui tinh thần thanh nhã.
 Kể từ ngày ba tôi qua đời, tôi đã mất đi một người bạn tri kỷ ngoài tình cha con.  Bây giờ, tôi vẫn tiếp tục chia sẻ tâm tình của tôi với những người bạn mà tôi quen biết vì chính nhờ có họ mà đời sống tình cảm và tinh thần của tôi được phát triển tốt đẹp hơn vì họ luôn khích lệ, hỗ trợ tinh thần tôi.  Đó là những thuận duyên tốt đẹp bên cạnh những nghịch duyên mà tôi gặp phải.

Bây giờ là Mùa Giáng Sinh, mùa của yêu thương và chia sẻ niềm vui.  Tôi tuy là Phật  tử nhưng năm nào nhà tôi cũng trưng bày cây thông với đèn hoa rực rỡ trước sân và có một bửa tiệc xum họp gia đình trong ngày Giáng Sinh vì đây cũng  là dịp để tôi chia sẻ niềm vui và xum họp với người thân trong gia đình tôi.
 Tôi rất kính trọng niềm tin tâm linh của các thân hữu của tôi vì tôi quan niệm rằng Chúa, Phật hay giáo chủ của các tôn giáo đều  khuyện dạy đệ tử  nên làm  lành lánh dữ, yêu thương nhau trong tinh thần từ bi, bác ái đã được tôi cảm nghĩ như sau:

Tháng Chạp đến với đèn hoa rực rỡ
Người người mừng chào đón Lễ Giáng Sinh
Trời mùa Đông nhưng vẫn thấy ấm tình
Tình Nhân Loại, Thương Yêu và Bác Ái

Thiện Tâm ấy nào phân chia tông phái
Chúa trên cao hay Phật ngự tòa sen
Thương kẻ trần không phân biệt sang hèn
Khuyên người phải biết thương yêu, giúp đở
.
(Bài Tình Thơ Tháng Chạp – SL*)

Tôi vẫn thấy xúc động mỗi khi đọc bài thơ “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” của  nhà thơ Kiên Giang:

…..”
Lâu quá không về thăm xóm đạo
Từ ngày binh lửa cháy quê hương
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che cả người thương nóc giáo đường”

‘Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo
Anh làm chiến sĩ giữ quê hương
Giữ màu áo tím, cành hoa trắng
Giữ cả trường xưa, nóc giáo đường”

Tôi cảm thông tâm tình của nhà thơ người Rạch Giá này:

…“Lâu quá không về thăm xóm đạo
Không còn đứng nép ở lầu chuông
Những khi chuông đổ anh liên tưởng
Người cũ cầu kinh giữa thánh đường

Kiên Giang

Tôi cũng xót xa, ngậm ngùi cùng với Vũ Anh Khanh qua bài Tha La Xóm Đao thuộc Xã An Hòa, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh.

Đây Tha La xóm đạo,
Có trái ngọt, cây lành.
Tôi về thăm một dạo,
Giữa mùa nắng vàng hanh,
Ngậm ngùi, Tha La bảo:
- Đây rừng xanh, rừng xanh,
Bụi đùn quanh ngõ vắng,
Khói đùn quanh nóc tranh,
Gió đùn quanh mây trắng,
Và lửa loạn xây thành.

Viễn khách ơi! Hãy dừng chân cho hỏi
Nắng hạ vàng ngàn hoa gạo rưng rưng” …

Vũ Anh Khanh


Những ngày xưa còn ở quê nhà, tôi cũng thường lang thang với bạn bè ở nhà thờ Đức Bà ở thành phố Saigon trong ngày Lễ Giáng sinh để hoà chung niềm vui với những người có đạo:

“Lạy Chúa con là người ngoại đạo
Nhưng tin có Chúa ở trên cao
Trong lòng còn giữ màu hoa trắng
Cứu rỗi linh hồn con, Chúa ơi!”

Kiên Giang

Nhân mùa Giáng Sinh, người viết xin chúc tất cả quý bạn có những phút vui và hạnh phúc với người thân trong buổi tiệc xum họp gia đình của quý bạn.
 Ngoài trời dầu có gió lạnh tuyết rơi nhưng chúng ta lúc nào cũng thấy ấm lòng với tình thương yêu của gia đình và thân hữu, bạn đồng ý chứ?

Xin mượn bốn câu thơ dưới đây thay cho lời chúc của người viết gửi đến quý bạn trong dịp Lễ Giáng Sinh nhé:

Quen hay lạ vẫn nụ cười cởi mở
Đưa bàn tay nắm lấy một bàn tay
Trao cho nhau lời chúc tốt đẹp này:
“Chúc tất cả được bình an dưới thế”

 (Bài tình thơ Tháng Chạp -  SL*)

 Xin chúc sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn .

 Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
  
Sương Lam
 
(Tài liệu sưu tầm trên internet, qua email bạn gửi, ORTB 13-403-122509)





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét