Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

Bài số4 Một Cõi Thiền Nhàn




Một Cõi Thiền Nhàn

                                                                  Sương Lam


Chào quý bạn,

 Đây là bài thứ tư của người viết chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn.

Niềm vui nhỏ nhoi của người viết là thấy quý bạn cũng có niềm vui nho nhỏ như người viết khi thưởng thức những hoa thơm cỏ lạ mà người viết đem về đây để quý bạn cùng thưởng thức hằng tuần trên trang văn nghệ của tuần báo Oregon Thời Báo.

 Người viết thiển nghĩ chúng ta dù theo một tín ngưỡng, một tôn giáo nào cũng được mẹ cha dạy bảo phải biết làm lành lánh dữ, phải biết yêu thương, cư xử hoà nhã, vui vẻ với mọi người mọi vật, phải biết sống trong tinh thần bác ái, từ bi hỷ xả  của Chúa, Phật đã dạy.

Khi còn trẻ, chúng ta cần “đem hết sở tài làm sở dụng” làm lợi ích cho mình, cho người giống như cụ Nguyễn Công Trứ.  Lúc tuổi già vui thú điền viên, chúng ta cần chia sẻ những kinh nghiệm học hỏi cho thế hệ mai sau, những thú vui thanh nhã với bạn bè cùng tâm cảm để tạo niềm vui cho mình, cho người trong cõi đời phù du này như tinh thần cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã để lại.

Chăc quý bạn cũng đồng ý với người viết rằng: chúng ta đã từng khổ sở với thất tình lục dục của kiếp người và nhà Phật đã có dạy “Nhất thiết do Tâm tạo”.  Hôm nay người viết xin mời quý bạn thưởng thức hai mẫu chuyện dưới đây để nghe một vị hiền triết trả lời  “Tại sao phải hét to khi tức giân” và tìm hiểu cái Tâm của Thiền sư Phật Ấn và thi sĩ Tô Đông Pha  như thế nào qua mẫu chuyện vui “Tâm thế nào thì nhìn ra thế ấy ” dưới đây.

 Xin chúc phúc và chúc sức khoẻ đến toàn thể quý bạn.

 Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam





Tại sao phải hét to khi tức giận


Có một vị hiền triết đã hỏi các đệ tử rằng:
“Tại sao trong cơn giận dữ người ta thường phải thét thật to vào mặt nhau ?”
Sau một lúc suy nghĩ, một trong những đệ tử ấy đã trả lời:
“Bởi vì người ta mất bình tỉnh, mất tự chủ!”
Vị hiền triết không đồng ý với câu trả lời, ngài bảo:
“Nhưng tại sao phải hét lên trong khi cả hai đang ở cạnh nhau, tại sao không thể nói với một âm thanh vừa phải đủ nghe ?”
Các đệ tử lại phải ngẫm nghĩ để trả lời nhưng không có câu giải thích nào khiến vị thầy của họ hài lòng. Sau cùng ông bảo:
“Khi hai người đang giận nhau thì trái tim của họ đã không còn ở gần nhau nữa. Từ trong thâm tâm họ cảm thấy giữa họ và người kia có một khoảng cách rất xa, nên muốn nói cho nhau nghe thì họ phải dùng hết sức bình sinh để nói thật to. Sự giận dữ càng lớn thì khoảng cách càng xa, họ càng phải nói to hơn để tiếng nói của họ bao trùm khoảng cách ấy.”
Ngưng một chút, ngài lại hỏi:
“Còn khi hai người bắt đầu yêu nhau thì thế nào? Họ không bao giờ hét to mà chỉ nói nhỏ nhẹ, tại sao? Bởi vì trái tim của họ cận kề nhau. Khoảng cách giữa họ rất nhỏ…”

Rồi ngài lại tiếp tục:
“Khi hai người ấy đã yêu nhau thật đậm đà thì họ không nói nữa, họ chỉ thì thầm, họ đã đến rất gần nhau bằng tình yêu của họ. Cuối cùng ngay cả thì thầm cũng không cần thiết nữa, họ chỉ cần đưa mắt nhìn nhau, thế thôi! Vì qua ánh mắt đó họ đã biết đối phương nghĩ gì, muốn gì ..”

Ngài kết luận:
“Khi các con bàn cãi với nhau về một vấn đề, phải giữ trái tim của các con lúc nào cũng cận kề. Đừng bao giờ thốt ra điều gì khiến các con cảm thấy xa cách nhau… Nếu không thì có một ngày khoảng cách ấy càng lúc càng rộng, càng xa thì các con sẽ không còn tìm ra được đường quay trở về!”

(Nguồn: hình ảnh và bài viết trên internet)

TÂM THẾ NÀO THÌ NHÌN RA THẾ ẤY




Nếu mình để cho những hạt giống không dễ thương, những hạt giống của
giận hờn, ganh tỵ, ích kỷ, hơn thua… có cơ hội phát sinh thì mình nhìn
đâu cũng thấy “phân bò” hết. Ngược lại, nếu mình biết nuôi dưỡng và
phát triển những hạt giống từ, bi, hỷ, xả, những hạt giống thương yêu,
cảm thông, tha thứ… thì mình nhìn ai cũng thấy dễ thương, nhìn đâu
cũng thấy Tịnh độ, thấy Phật.

Một hôm, Tô Đông Pha đến chùa Kim Sơn chơi với Thiền sư Phật Ấn cả
ngày. Hai người đối nhau luận Thiền, Đông Pha hỏi Phật Ấn:

- Ngài thấy tôi thế nào?

Phật Ấn đáp:

- Rất trang nghiêm, giống một ông Phật!

Tô Đông Pha nghe nói vô cùng phấn khởi.

 Phật Ấn lại hỏi Tô Đông Pha:

- Ông thấy ta ra sao?

Đông Pha thấy Phật Ấn mập tròn, lại mặc áo đen, bèn đáp ngay:

- Giống một đống phân bò!

Phật Ấn không nói gì. Đông Pha cho rằng mình đã thắng một keo, lòng
rất sung sướng, về nhà hớn hở nói với Tô tiểu muội:

- Này muội muội, hồi nào tới giờ anh bị Ấn lão cho đo ván mãi, đấu
không lại ông ta. Không biết hôm nay Hòa thượng trở cờ hay học sĩ này
gặp may mà Ấn lão không còn lời để nói, không có lý để trình đấy.

Nói rồi bèn thuật lại chuyện luận chiến vừa qua. Tô tiểu muội thiên tư
hơn người, tài hoa xuất chúng, nghe ca ca kể xong câu chuyện, liền
nói:

- Xì, anh thua đậm rồi!

Đông Pha tức quá mắng :

- Ta làm sao lại thua? Nếu ta thua sao ông ấy không nói một lời nào?

Tô tiểu muội nói:

- Này ca ca, tôi xin hỏi anh, Phật quý hay phân bò quý?

Đông Pha nói:

- Đương nhiên là Phật quý rồi!

Tô tiểu muội nói:

- Phật là Ấn lão thấy, còn phân bò là anh thấy, thế có phải là anh bị
đánh úp không? Ấn lão đắc thắng hoàn toàn, còn gì để nói nữa!

Đông Pha nghe tiểu muội nói thế, như bong bóng xì hơi, biết rằng bị
rơi vào tròng của Phật Ấn, thua một keo nặng.


BÀI HỌC ĐẠO LÝ:

Trong tâm thức của con người chứa đựng rất nhiều hạt giống. Có những
hạt giống dễ thương nhưng cũng có rất nhiều hạt giống không dễ thương;
có những hạt giống làm Phật nhưng cũng có rất nhiều hạt giống làm
chúng sanh. Nếu mình để cho những hạt giống không dễ thương, những hạt
giống của giận hờn, ganh tỵ, ích kỷ, hơn thua… có cơ hội phát sinh thì
mình nhìn đâu cũng thấy “phân bò” hết. Ngược lại, nếu mình biết nuôi
dưỡng và phát triển những hạt giống từ, bi, hỷ, xả, những hạt giống
thương yêu, cảm thông, tha thứ… thì mình nhìn ai cũng thấy dễ thương,
nhìn đâu cũng thấy Tịnh độ, thấy Phật.

Cho nên, “tâm thế nào thì nhìn ra thế ấy”, “Thương người thương cả lối
đi, ghét người ghét cả tông chi họ hàng”. Đó, cũng cái tâm ấy, khi có
tình thương thì ngay cả lối đi mình cũng thấy đẹp, thấy thương, nói
chi nhìn thấy người ta cười! Vậy mà khi không thương nữa, lúc đã ghét
rồi, thì đâu chỉ người ấy đáng ghét, cả bà con của người ta cũng trở
thành người xấu.

Vì vậy, người học Phật phải biết nuôi dưỡng, làm lớn mạnh tình thương
và sự hiểu biết trong tâm mình. Khi tâm mình có năng lượng từ bi và
trí tuệ, nó sẽ làm tươi mát đời sống của tự thân và đem đến cho mọi
người xung quanh niềm an lạc, hạnh phúc. Khi ấy nhìn đâu mình cũng có
thể thấy hoa, dù khi hoa đang là rác.

Học Phật, luận Thiền không phải để tranh cao thấp, hơn thua, mà để
chuyển hóa nội tâm. Khi tiếp xúc với mọi người, nguyện tiếp xúc và
khơi dậy những hạt giống thương yêu, hiểu biết, từ bi hỷ xả. Đó là
mình đang nuôi dưỡng nhau, để xây dựng một cuộc sống an lành, hạnh
phúc. Nhìn vào cái xấu của nhau, thì chẳng có ích lợi gì, mà còn thêm
mệt. Rõ ràng khi mình phê bình ai, giận hờn ai, sẽ thấy mệt vô cùng.

Cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nếu mình biết nhận thức theo chiều hướng tích
cực, mọi người sẽ dễ thương hơn nếu mình biết khơi dậy và nuôi dưỡng
hạt giống thương yêu, hiểu biết. “Tâm tịnh là cõi Phật”, đó là bí
quyết để xây dựng Tịnh độ.

(Sưu tầm)

(Nguồn: Sư cô Huệ Hương chùa Bửu Hưng chuyển gửi qua email)

Sương Lam
(Tài liệu, hình ảnh được sưu tầm qua internet, email bạn gửi – ORTB4-394-1009)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét