Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

Bài số 95 Một Cõi Thiền Nhàn




Chào quý bạn,

Đây là bài thứ chín mươi lăm của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Tháng Chín năm nay ở Portland trời nóng như thiêu đốt vì cả tháng nay rồi chúng ta  chẳng thấy một hạt mưa nào.  Sân cỏ trước của nhiều nhà đều khô cháy vì thiếu nước tưới cỏ.  Đi đâu cũng nghe than thở: “Úi chào! Sao mà nóng thế!. Người viết đã từng “ví von ca ngợi” Portland là một Đà Lạt thứ hai với sương lam giăng đầy đỉnh núi, với những cơn mưa lành lạnh, với thông xanh tuyết trắng đẹp mắt mát lòng khác hẵn với một Saigòn nắng gắt khói bụi đầy trời, mồ hôi đổ giọt để cho người Saigòn phải ngâm nga câu thơ của thi sĩ Nguyên Sa cho thêm một chút thi vị cuộc đời:

 “Nắng Sài gòn anh đi mà chợt mát
 Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”

 Thế mà trong cái nắng như thiêu đốt năm nay ở Portland, chắc chắn sẽ có người  phải  “phóng dao” đổi hai câu thơ trên thành:

 “Nắng Portland năm nay sao nóng quá
 Khiến cho anh phải “đổ quạu” từng cơn
Này em ơi, em chớ có giận hờn
Đừng trách mắng anh nhiều, Ôi! Trời nóng!”

 Chúng ta tội nghiệp cho anh chàng bị người yêu giận hờn ở trên khi anh đã đổ quạu vì trờì nóng tháng Chín năm nay, chúng ta cũng thấy tội nghiệp cho những em bé nhỏ mồ hôi mồ kê nhỏ giọt khi đi học trong mùa tựu trường năm nay.  Ở lứa tuổi chúng ta, ai mà không thích bài Ngày tựu trường của Thanh Tịnh với “mỗi khi thấy lá ngoài đường rụng nhiều, trên không có những đám mây bàng bạc, là tôi nhớ đến ngày tựu trường”, Bạn nhỉ?.
Không biết bạn thì sao, chứ mỗi lần mùa tựu trường đến là người viết thấy buồn vui lẫn lộn.  Từ ngày sang xứ người, người viết an phận làm một cô giáo tầm thường ở Portland cho đến ngày vui thú điền viên.  Tôi thấy vui vui khi nhìn những đứa bé tung tăng theo chân mẹ hay cha đi đến trường trong ngày đầu tiên, nhất là những em bé lớp mẫu giáo. Có em khi đến lớp rồi vẫn giữ chặt tay mẹ, khóc lóc không chịu vào lớp, có em thì dạn dĩ  hơn, vừa vào lớp là chạy ngay đến bàn đồ chơi lấy giấy tô màu xanh xanh đỏ đỏ ngay.  Nhìn em bé ngồi khóc lóc bên trong, nhìn bà mẹ đứng lo lắng bên ngoài, tôi thấy thương cả mẹ lẫn con, bạn ạ!  
Ôi!  Hình ảnh, tình cảm thiêng liêng tuyệt đẹp giữa Mẹ và con này đã làm tôi nhớ lại mẹ tôi cũng đã lo lắng, thương yêu tôi như thế:
 
Có những niềm vui suốt đời nhớ mãi:
Thuở tuổi ấu thơ, theo mẹ đến trường
Mẹ nắm tay con, gửi trọn tình thương
Con đã vào lớp, mẹ còn trông ngó 
 
 (Có Những Niềm Vui- Thơ Sương Lam)

Năm nay, cô cháu nội yêu quý Mya của tôi đã vào học lớp mẫu giáo dạn dĩ, năng động hơn tôi ngày xưa nhiều vì đa số các trẻ em được sinh ra và lớn lên ở xứ Mỹ đều được cha mẹ cho đi học các lớp “Pre-school” (tiền mẫu giáo) trước rồi nên đã quen với sinh hoạt học đường, chứ không phải như học sinh ở thế hệ chúng ta, đến 6 tuổi mới bắt đầu theo mẹ đi học lớp 1 “trường làng”, vừa  đi theo mẹ vừa khóc thút thít vì không còn được ở nhà chơi đùa thả cửa nữa.
 Những cô cậu học trò bé bỏng ngày xưa của tôi bây giờ đã trưởng thành, công thành danh toại, có người làm luật sư, kỹ sư, nha y sĩ, có em đã tay bế tay bồng, có em bây giờ lại là cô giáo dạy tôi học điện toán nữa đấy.   Tôi như cô lái đò ở lại bên dòng sông cũ nhìn những đứa trẻ lớn lên, ra đi đến những phương trời cao rộng khác, không trở lại bến sông xưa và không biết có còn nhớ đến cô giáo ngày xưa hay không?

 Nhiều khi tôi ngồi ngâm nga bài hát Ông Lái Đò như nói lên tâm sự của những cô thầy giáo trước đây của tôi và cũng là tâm sự của chính đương sự người viết nữa:

“….Họ đi rồi ông thấy buồn áo não
 Vì họ qua bến ấy một lần thôi
 Và từ đó bên hàng lau lả lướt
 Khách ngày xưa không trở lại sang sông
 Nên mỗi chiều thả thuyền theo bến nước
 Ông lái buồn đưa mắt mỏi mòn trông …”

May mắn thay! Các phụ huynh và các học sinh bé nhỏ ngày xưa ấy của tôi vẫn còn nhớ đến tôi, cô giáo đầu tiên của tuổi mới bắt đầu đi học của các em, nên đã đến chào hỏi tôi khi chúng tôi gặp nhau trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hay khi đi chợ búa, mua sắm, ăn uống.  Tình cảm quý mến và tinh thần tôn sư trọng đạo của đạo đức Việt Nam vẫn còn duy trì cho đến ngày nay như thế thật là điều đáng mừng và đã làm tôi cảm động vô cùng.

 Cũng trong tinh thần muốn giữ gìn và bảo tồn những truyền thống tốt đẹp của văn hoá Việt Nam, những người trẻ trong ban chấp hành CĐVNOR đã tổ chức một Đêm Tết Trung Thu cho các em thiếu nhi vào ngày Thứ Bảy 9-10-2011 tại trường trung học Parkrose.  Các thiếu nhi Việt Nam ở Portland  đã có một đêm vui Tết Trung Thu với nhiều trò chơi lành mạnh, hứng thú.  Cũng có những màn ca hát, ảo thuật, trình diễn võ thuật của Portland Taekwondo Demo, hoạt cảnh Chú Cuội do các em  Hướng Đạo
Việt Nam trình diễn, màn múa lân do Gia Đình Phật Tử Thiện Sinh phụ trách v..v… Đặc biệt là có sự tham gia của Hội Cao Niên Việt Nam Oregon với trò chơi ghế nhạc rộn ràng tiếng nhạc vui tươi.
 Những vị bô lão tóc đã bạc màu, lưng đã còng theo năm tháng ngồi chung vui với đám trẻ nhỏ tóc xanh  nhanh nhẹn vô tư đã nói lên tình thương yêu của nhiều thế hệ được truyền trao cho nhau để giữ gìn truyền thống tốt đẹp này.  Năm nay ban tổ chức  là những người bạn trẻ, trong đó có cô học trò bé bỏng Nancy Lê ngày xưa của tôi, cùng với với các sinh viên, học sinh đã tiếp tay với ban chấp hành CĐVNOR để đem lại chút niềm vui đến với trẻ thơ Việt Nam tại Oregon.
 Người viết cũng hòa chung niềm vui với cô cháu nội Mya khi cùng cháu sắp hàng nhận lồng đèn Trung Thu, bánh kẹo và đi cộ đèn với các em bé khác.  Một thoáng hương xưa của tuổi thơ ngày cũ lại về với người viết qua tiếng trống múa lân, qua lời hát:

“Tết Trung Thu đốt đèn đi chơi
Em đốt đèn đi khắp phố phường
Lòng vui sướng với đèn trong tay
Em múa ca trong ánh trăng rằm
Đèn ông sao với đèn cá chép
Đèn thiên nga với đèn bươm bướm
Em rước đèn này đến cung Trăng
Đèn xanh lơ với đèn tím tím
Đèn xanh xanh với đèn trắng trắng
Trông ánh đèn rực rỡ muôn màu”

Hay qua hình ảnh chú Cuội:

“Bóng trăng trắng ngà
Có cây đa to
Có thằng cuội già
Ôm một mối mơ...”

Nhìn những đứa trẻ vui cười hớn hở với các “chiến lợi phẩm” thu hoạch được khi tham dự các trò chơi có trúng thưởng, tíu ta tíu tít khoe nhau chiếc lồng đèn và gói kẹo bánh với ánh mắt vô tư, với nụ cười vui vẻ, tôi thấy thiên đường và hạnh phúc không ở nơi xa mà ở ngay trong giờ phút này, ở ngay trong cái tâm an vui hiện tại của tôi, của các em bé nhỏ, của những người xung quanh tôi.

Thiên đường không ở đâu xa
Ở ngay thế giới Ta Bà này đây
Ngay trong hoa lá cỏ cây,
Trong mưa, trong nắng, trong mây ngang trời
Trong Tâm những kẻ yêu đời
Trong tình Nhân Ái, trong lời Yêu Thương

(Thiên đường ở nơi đâu- Thơ Sương Lam)

 Ăn bánh Trung Thu là một việc không thể thiếu khi đón mừng lễ Tết Trung Thu. Bạn có biết gì về bánh Trung Thu chưa nhỉ?
 Xin mời bạn cùng đọc mẫu chuyện dưới đây liên quan đến bánh Trung Thu mà người viết vừa mới nhận được sáng nay do một người bạn gửi đến. 

Bánh Trung Thu

Bánh ngon, đặc biệt nhất trong dịp lễ này dĩ nhiên là bánh Trung Thu (mooncakes). Được biết bánh Trung Thu có thể bắt nguồn từ thời Trung Hoa bị người Mông Cổ xâm nhập. Vì bị người Nguyên cai trị, người Trung Hoa âm mưu nổi dậy, định vào một ngày rằm tháng 8. Để tập hợp các lực lượng nổi dậy cùng lúc, một trong những người cầm đầu là Lưu Bá Ôn  đã cho bán bánh và trong ruột bánh có mảnh giấy đề “đêm 15 tháng 8 khởi nghĩa”, như là một cách truyền tin. Nhờ vậy người dân nhiệt liệt hưởng ứng và đã lật đổ đươc chính thể cai trị hà khắc của người Mông Cổ. Từ đó bên Trung Hoa có tục lệ mỗi năm họp gia đình ăn bánh ngày rằm tháng 8 để kỷ niệm chuyện này.


Bánh Trung Thu lúc đầu tròn như mặt trăng, được gọi là bánh “đoàn viên” vì là bánh cho cả gia đình ăn, khi đoàn tụ ngắm trăng.
Ngày nay, bánh Trung Thu gồm hai loại bánh dẻo có nhân đậu, hạt sen hay bánh nướng có nhân thập cẩm. Khi làm vỏ bánh Trung Thu phải đổ bột vào khuôn để bánh có hình mặt trăng, mặt trời, hoa quả... và cần thợ làm bánh khéo tay.
Bánh dẻo màu trắng, tượng trưng cho mặt trăng. Bánh dẻo có vỏ làm bằng bột nếp. Nhân hạt sen hay đậu xanh, vỏ cam... Bánh dẻo ngọt và thơm.
Bánh nướng màu vàng, tượng trưng cho mặt trời. Bánh nướng có vỏ là bột mì. Nhân bánh nướng thường thập cẩm như lòng đỏ trứng muối, thịt heo, lạp xưởng, hạt dưa... Bánh nướng hương vị mặn mà.

 Xin cám ơn các bạn trẻ đã đem nụ cười niềm vui đến cho trẻ thơ ở Portland trong ngày Tết Trung Thu năm nay.  Chúc tất cả mọi người ăn Tết Trung Thu vui vẻ.

(Nguồn: Trích trong bài viết Tết Trung Thu của Phạm Anh Dũng qua email bạn gửi)

Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét