Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

Bài số 97 Một Cõi Thiền Nhàn





Chào quý bạn,

Đây là bài thứ chín mươi bảy của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Trời Portland bây giờ đã vào Thu.  Những ngày nắng Hạ “nóng quá trời” đã dần dần chuyển sang qua những ngày mưa tầm tả. Portland vẫn là nơi “Tỉnh lẻ mưa buồn” như nhiều người thưòng nói.
Cô thủ quỷ trẻ tuổi năng động Mary Nguyễn  của Hội Người Việt Cao Niên Oregon đã đề nghị hôi viên cần làm một màn họp mặt ngoài trời tại công viên Laurelhurst để  “Tiển Hạ đón Thu” cho xôm tụ chứ họp ở trụ sở Hollywood Senior Center hoài, buồn chết!   Toàn thể hội viên  đều “OK Salem” hết ráo cho vui.
 Thế là ngày thứ bảy 9-24-11 được chọn là “ngày hoàng đạo” để phe ta ra quân đóng đô tại Laurehurst Park.  Có lẻ “Trời già” cũng thương những người bạn “không còn trẻ nữa” của mình nơi trần thế, nên đã ra lịnh cho các ông “Thiên Lôi, Thiên Vũ” phải vắng mặt trong ngày này để cho  những “bạn già  của ông Trời” được vui đùa bên nhau trong nắng ấm. Thế là 18 hội viên chúng tôi đã có được một ngày “trời hồng hồng, sáng trong trong” vui vẻ bên nhau.   Xin cám ơn ông Trời.
 Công viên Laurelhurst tọa lạc ở đường SE  Cesar E Chaver Blvd (SE 39 th cũ) và SE Stark. Công viên rộng 31.13 hecta này đã được thành phố Portland mua lại của công ty Laurelhurst để làm công viên với đầy đủ các tiện nghi: có cây xanh bóng mát, có thảm cỏ xanh rì, có  đưòng đi chung quanh để khách nhàn du nhẹ bước thả bộ hoặc chạy bộ, có bàn ăn để đải tiệc, có hồ nuôi vịt liễu rủ bờ hồ nên thơ, có sân vận động dành riêng cho người trẻ  v..v.. Công viên này đã được đưa vào danh sách những công viên đẹp vùng Tây Bắc và danh sách  những công viên có lịch sử lâu đời kỳ thú.  Người viết đã từng đưa bạn từ phương xa đến thăm công viên này vào mùa Thu để ngắm lá vàng rơi thật là tuyệt đẹp!
 Nhìn cảnh đẹp nên thơ, bạn và tôi sẽ bỗng chốc trở thành thi sĩ ngay tức khắc, hồn thơ lai láng xúc cảnh sinh tình thốt lên:

Hôm nay lại mùa Thu
Mai kia vẫn là Thu
 Nhưng cuộc đời nhân thế
 Chỉ là kiếp phù du

(Thơ Sương Lam)

 Bây giờ mời bạn hãy trở về thực tế để cùng chung vui với chúng tôi với lớp chụp hình “cấp tốc” do cô  Mary hướng dẫn.  Người viết và môt vài bạn cao niên khác đã làm người mẫu đứng “tạo dáng” cho các học sinh thực tập chụp hình.
 Úi chào! Trông ảnh cũng “đẹp lão” và tình tứ ra phết với màn “chụp đôi” của cặp đôi Bác sĩ Bùi Trọng Căn & Khuê Các, của cặp đôi vợ chồng người viết.  Ai bảo mấy ông bà cao niên không biết chụp hình và làm người mẫu! Lầm đấy nhé!
 Xong màn chụp hình thì tới màn ăn trưa. Nào là “bếp nhà ta nấu”: bánh cuốn chả lụa, cơm vắt muối xả, bánh mì chiên tôm thịt, nào là “bánh ngon ta mua”: bánh mì thịt, bánh tét mặn chay, nào là cây nhà lá vườn lê táo, nho, dưa hấu.  Đủ mùi đủ vị, thơm ngon lành bổ.
Ăn xong rồi lại cùng nhau học tập về  lịch sử Laurelhurst Park, về sức khoẻ do BS Bùi Trọng Căn và phu nhân phụ trách,  rồi lại chơi đùa với màn “Đố vui trí nhớ” do nguời viết phụ trách, màn “Khéo tay truyền giấy” do cô Mary phụ trách. Phe quý bà thắng màn đố vui trí nhớ, nhưng lại bị thảm bại với màn khéo tay truyền giấy của quý ông. Phe nào thắng cũng đều được thưởng một mòn quà nho nhỏ cho vui cả làng.  Ai bảo quý ông không nhẹ nhàng khéo tay hơn quý bà! Lại lầm nữa đấy nhé!

 Ăn uống, học tập, chơi đùa xong đến 1:00 giờ trưa thì tan hàng. Ai nấy đều hoan hỷ ra về.  Thế là các vị “bô lão” của Hội Người Việt Cao Niên chúng tôi  đã có được một ngày vui chơi thoải mái  bên nhau với gió mát trời xanh, với thức ăn ngon lành, với nụ cười vui vẻ trong phút giây hiện tại.  Đó là hạnh phúc rồi. Phải  không, thưa quý bạn?  Xin cám ơn tất cả quý vị đã góp mặt, góp lời, góp thức ăn , góp nụ cười, góp niềm vui cho những người “không còn trẻ nữa” của HNVCN hôm nay.

 Như đã có lần thưa với với quý độc giả là người viết rất thích viết về tuổi thơ và tuổi già vì Bạn và tôi đều đã trải qua tuổi thơ và sẽ sống với tuổi già. Tâm ý của người viết là mong đem lại một chút niềm vui, một chút nụ cười, một chút sự lạc quan yêu đời trong cuộc sống đến với mọi người nhất là đối với những vị cao niên.

Người viết may mắn có được nhiều bạn tốt.  Họ luôn luôn chia sẻ với tôi những hình ảnh đẹp, những câu chuyện thiện lành, những lời khuyên hữu ích.  Người viết cũng có những người bạn tin tưởng tôi để có thể chia sẻ tâm tình, thổ lộ những buồn phiền đau khổ mà họ đã phải chịu đựng vì “đồng bịnh tương lân” nên dễ dàng cảm thông hơn.  Quý bà thích tâm sự với bạn bè hơn là quý ông nên nếu gặp được người chịu khó ngồi nghe họ tâm sự, họ vui lắm như là được trút đi một gánh nặng trong lòng.

Đời sống con người rất phức tạp và nhiều đau khổ. Nếu không thì người xưa đã không phải thốt lên:
 “Chợt sinh ra thì đà khóc choé
 Đời có vui sao chẳng cười khì”

Và Đức Phật cũng đã dạy: Đời là bể Khổ và đã chỉ cho ta con đường thoát khổ với Tứ Diệu Đế. Chúng ta cũng đã cố gắng tu tập và thực hành lời dạy của Người để thoát khổ nhưng có mấy ai đã thoát được sự Khổ này?

 Trong cuộc sống hiện tại, nhiều người trong xã hội chúng ta  mất phải bịnh trầm cảm (Depression).  Bạn cũng thường nghe nhiều về  hai chữ “Trầm Cảm” này và cũng muốn biết Trầm Cảm là gì?  Người viết cũng thế.  Tôi không phải là y sĩ nên tôi phải cố gắng đi tìm tài liệu về vấn đề này để ít ra cũng biết được vài điều căn bản hầu có thể giúp ích được gì cho người, cho mình.  Mời Bạn cùng đọc với người viết những tài liệu dưới đây được trích đăng trong mục Kiến Thức của diễn đàn tvvn.org.  Người viết chỉ nêu ra những điều căn bản mà thôi vì tài liệu rất dài và có nhiều chi tiết chuyên môn.

Bệnh trầm cảm là gì?


Trầm cảm là một chứng bệnh ảnh hưởng đến cơ thể, tình cảm, ý nghĩ của người bệnh. Chứng trầm cảm ảnh hưởng đến bữa ăn, giấc ngủ, cách nghĩ, cái nhìn về bản thân và sự việc chung quanh. Chứng trầm cảm không phải là một nỗi buồn thoáng qua và cũng không phải là sự "yếu đuối" của tinh thần hay do "thiếu" bản lãnh mà người bệnh có thể tự luyện cho mình sự cứng cỏi và...hết bệnh! Người bị chứng trầm cảm không thể tự "điều khiển" mình hay tự "thay đổi" để khỏi bệnh. Không được chữa trị đúng mức, triệu chứng của trầm cảm có thể kéo dài nhiều tuần lễ, nhiều tháng và cả nhiều năm.

 Triệu chứng: Người bị chứng trầm cảm có thể có vài hoặc nhiều triệu chứng, và mức độ trầm trọng của những triệu chứng thay đổi tùy theo hoàn cảnh thời gian và không gian:
- Buồn rầu (nhiều ngày), bất an (anxious), hoặc trống vắng (empty mood)
- Luôn có ý tưởng tuyệt vọng, yếm thế (cuộc sống không có gì vui)
- Luôn có ý tưởng "tội lỗi" (guilty), "bất xứng" (worthlessness), "chẳng có thể làm được gì" (helplessness)
- Mất hết sinh thú trong đời sống kể cả tình dục
- Mất khí lực, luôn cảm thấy mệt mỏi, mất sức
- Khó tập trung tư tưởng, khó quyết định công việc, trí nhớ kém
- Mất ngủ thường xuyên, thức giấc sớm (không thể ngủ trọn giấc) hoặc ngủ li bì
- Không muốn ăn uống, mất cảm giác đói, xuống cân hoặc ăn uống quá độ và lên cân
- Có ý tưởng tuyệt vọng, muốn tự tử
- Không thể nghỉ ngơi, dễ nóng giận

 Làm thế nào để tự giúp khi ta bị trầm cảm?

Chứng trầm cảm khiến người bệnh cảm thấy mất hết sức lực, "không xứng đáng" (worthlessness), "không làm được việc gì" (helplessness), và tuyệt vọng. Những ý tưởng bi quan và yếm thế (negative thoughts) này khiến tinh thần họ suy sụp. Từ việc suy sụp về tinh thần đưa đến sự chán sống và tê liệt cả thể xác. Điều quan trọng cần nhớ là những tư tưởng bi quan yếm thế này có tính cách ngắn hạn, khi cách chữa trị công hiệu, các tư tưởng yếm thế bi quan này sẽ từ từ mất dấu.


- Bước 1: Tạo cho mình những mục đích có thể thức hiện được (realistic goals) và lãnh nhận trách nhiệm của mình

- Bước 2: Tìm một người tin cẩn để giải bày tâm sự, hỏi ý kiến; không nên trốn tránh thân nhân, xoay sở một mình hoặc giữ "bí mật"
- Bước 3: Làm những việc mà ta thấy thích thú
- Bước 4: Tập những động tác thể dục mà cơ thể kham nổi để giúp lấy lại khí lực
- Bước 5: Tham dự vào đời sống bên ngoài: đi xem cine (thay vì ngồi nhà xem DVD), đi chùa, đi nhà thờ...tham dự những hoạt động chung với một nhóm người
- Bước 6: Cần thực tế và chấp nhận rằng những ý nghĩ bi quan yếm thế chỉ giảm từ từ qua nhiều ngày tháng, không biến mất trong vài tuần lễ
- Bước 7: Không nên có những quyết định quan trọng (thay đổi công việc làm, kết hôn, ly dị...) trong khi đang buồn rầu phẫn chí, hãy chờ đến khi sức khỏe khả quan hơn. Hỏi ý kiến những người biết rõ mình trước khi bị chứng trầm cảm
- Bước 8: Không mấy ai "hết bịnh" trầm cảm qua đêm, họ chỉ cảm thấy dễ chịu hơn, mỗi ngày một chút.
- Bước 9: Sự lạc quan sẽ giúp ta lìa bỏ hoặc thay thế những ý tưởng bi quan buồn rầu của chứng trầm cảm, nhất là khi bệnh được chữa trị đúng mức .
- Bước 10: Hãy để thân nhân giúp đỡ ta.

 (Nguồn: Trích trong tài liệu về Bệnh Trầm Cảm của Bác sĩ Trần Lý Lê trong tvvn.org- Xin cám ơn BS  Trần Lý Lê)

 Qua những điều trình bày ở trên thì tâm sự với bạn bè và thân nhân, sự lạc quan yêu đời, sự tham gia vào các công tác cộng đồng, chung vui với bè bạn sẽ giúp ta thóat hay bớt “bị” trầm cảm, phải không bạn? Bạn hãy vui lên nhé.

Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét