Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

Bài số 86 Một Cõi Thiền Nhàn


Chào quý bạn,

Đây là bài thứ tám mươi sáu của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo

Tháng Sáu cuối Xuân vào Hạ nơi thành phố hoa hồng Portland người viết cư ngụ khí hậu bắt đầu nóng dần.  Học sinh đã nghỉ học nên sân trường vắng lặng không ồn ào tiếng cười đùa của các cô cậu học trò.
 Mỗi lần Xuân đi Hè đến, tôi lại bâng khuâng nhớ đến thời học trò áo trắng của mình, nhớ đến những cô bạn học ngày xưa đã cùng tôi nhặt cánh phượng đỏ ép vào trang sách, nhớ đến những dòng lưu bút ngày xanh viết trên giấy pelure màu hồng, nhớ đến những thầy cô giáo mà tôi kính yêu như thần tượng, nhớ đến những mối tình ngây thơ vụng dại của một thuở “khi tan trường về, anh theo Ngọ về” của một Ngày Xưa Hoàng Thị.

Em tan trường về
Anh theo Ngọ về
Môi em mỉm cười
Man man sầu đời tình ơi
 Bao nhiêu là ngày
Theo nhau đường dài
Trưa trưa chiều chiều
Thu đông chẳng nhiều
Xuân qua rồi thì
Chia tay phượng nở sang hè 
….

 Người viết học trường nữ trung học Gia Long trong suốt 7 năm trời từ lớp đệ thất (lớp 6  bây giờ) cho đến lớp đệ nhất (lớp 12 bây giờ) cho nên có rất nhiều  kỷ niệm về ngôi trường thân yêu này.
  Đây là một trường nữ trung học nổi tiếng ngày xưa được gọi là trường áo tím vì các nữ sinh phải mặc đồng phục áo dài màu tím, nhưng đến thời tôi học vào năm 1957  thì phải  mặc áo dài màu trắng và phải đeo phù hiệu Gia Long với đoá mai vàng trên nền xanh.  Muốn được nhận vào trường này, học sinh phải vượt qua một kỳ thi tuyển khó khăn như cá “vượt vũ môn” sau khi đã đậu bằng tiểu học.  Tôi không biết ngày xưa, sĩ tử được chấm đậu và  được niêm yết trên bảng vàng như thế nào, nhưng vào thập niên 50, đến ngày công bố kết quả trúng tuyển vào trường nữ trung học Gia Long này, các sĩ tử và phụ huynh phải tụ tập trước cỗng trường để chờ nghe xướng danh trúng tuyển trên một loa phóng thanh.  Con đường Phan Thanh Giản ngày xưa trước cổng trường đông đảo sĩ tử và phụ huynh. Hằng nghìn con tim đang lo lắng đợi chờ giờ hoàng đạo sẽ điểm đem niềm vui hy vọng đến cho nhiều người.

Mèn ơi! Không có gì hồi hộp, lo sợ bằng giờ phút nhận được tin trúng tuyển quan trọng này.  Có người la hét sung sướng khi nghe tên và số báo danh của mình được đọc lên, như vậy là “cô nàng” đã trúng tuyển rồi đấy nhé.  Có người nước mắt chảy dài trên guơng mặt ngây thơ 11 tuổi đầu, như vậy là cô nàng đã bị “trợt võ chuối” có nghĩa là thi rớt rồi đấy,  em bé phải về nhà “ôn kinh nấu sữ” chờ năm sau trở lại trường thi.
 Rồi có màn chen lấn nhau tìm kiếm tên mình xem có được niêm yết trên “bảng vàng”  hay không qua một cái khung lưới nhỏ. Có những bàn tay bé nhỏ chỉ chỉ trỏ trỏ vào tên của mình với  nụ cười sung sướng của những” “tân khoa” bé bỏng kia. Vui quá!
 Đến ngày tựu trường, những cô em bé bỏng kia súng sính trong chiếc áo dài trắng mới may e dè, ngại ngùng bước theo chân cha hay mẹ đến trường nhập học. Một khung trời trung học mới lạ mở rộng trước đôi mắt ngây thơ của cô em bé nhỏ tuổi ô mai này.  Cô dương đôi mắt tròn xoe đầy vẻ thán phục khi gặp các “đàn chị” học ở các lớp cao hơn hoặc sợ hải khép nép trước ánh mắt nghiêm khắc của các vị giáo sư hay giám thị.  Đó là hình ảnh của người viết hơn 40 năm về trước đấy, bạn ạ!

 Chế độ học hành và thi cử ngày xưa rất khó khăn chứ không dễ dàng như bây giờ.  Học sinh phải chăm chỉ học hành và tuân hành kỷ luật học đường rất nghiêm túc, nếu không sẽ bị đuổi ra khỏi trường hoặc sẽ thi rớt trong các kỳ thi.  Chúng tôi phải trải qua nhiều kỳ thi khó khăn mới được học tiếp các lớp cao hơn như phải đậu bằng Trung học đệ nhất cấp ở lớp đệ tứ (lớp 9 bây giờ) rồi  mới được lên học các lớp đệ tam (lớp 10), đệ nhị (lớp11), đệ nhất (lớp 12) của  bậc trung học đệ nhị cấp.

 Nhiều cô khi đậu xong bằng trung học đệ nhất cấp thì phải nghỉ học để đi làm hoặc lên xe hoa về nhà chồng.  Ở bậc trung học đệ nhị cấp, số học sinh bớt dần vì càng lên lớp cao chương trình học càng khó hơn.  Ở bậc này, chương trình học được chia thành 3 ban: ban A dành cho học sinh  thích khoa học, vật lý, hóa học và cần phải có trí nhớ tốt; ban B dành cho học sinh giỏi toán; và ban C dành cho học sinh thích văn chương, nghệ thuật.  Người viết dốt toán lại dỡ văn chương nên chỉ có thể  học ban A nếu chịu khó  chăm chỉ “gạo” bài thì được.
 Sau khi học xong lớp đệ nhị, học sinh phải thi Tú tài 1.  Đối với nữ sinh thì không có gì đáng nói, nhưng với nam sinh thì rất là quan trọng vì đường công danh sự nghiệp ở quan trường hay quân trường có thể được quyết định ở chỗ có cái bằng cấp Tù tài 1 này hay không qua câu hát ví von dưới đây:

 “Rớt tú tài anh đi trung sĩ
 Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con”

 Có lẻ đọc tới đây có nhiều độc giả sẽ đau đớn, thấm thía cho thân phận của mình khi không bước qua được cây cầu định mệnh này. Người viết xin được chia sẻ “ nỗi buồn học tài thi phận”  của những “anh hùng lỡ vận” ngày xưa nhé.

 Đến lớp đệ nhất (lớp 12 bây giờ), số người đẹp tiếp tục ở lại mái trường Gia Long còn quá ít vì có nhiều cô đi theo “những cô áo đỏ sang nhà khác rồi”  hay đi làm vui hơn, hấp dẫn hơn là tối ngày phải lo gạo bài học, ôn bài thi, chán bỏ xừ!

Người viết lúc đó học hành cũng tàm tạm được, lại thích ôm nhiều mộng lớn mộng nhỏ nên quyết chí đi hết “đoạn đường kinh sử” này và cũng đã vượt được “vũ môn” ôm  cái bằng Tú tài 2 về nhà cho cha mẹ hài lòng sau khi  tôi phải vượt qua các kỳ thi viết, thi vấn đáp khó khăn vô cùng chứ không phải học theo kiểu “a, b, c khoanh” dễ dàng  như bây giờ.
Chế độ thi Tú tài ngày xưa, nếu Bạn  rớt thi lần thứ  nhất thì có thể thi lại khoá thi  lần thứ hai mở hai tháng sau kỳ thi thứ nhất trong năm, cho nên nếu bạn chịu  khó học thi cũng có thể ‘ẳm” được cái bắng tú tài về nhà khoe làng khoe xóm cho vui.

Xin mời quý bạn cùng chia sẻ niềm vui của “sĩ tử”  SL khi người viết được làm cô Tú 2 năm 1963 và đang bắt đầu lo tính chuyện bước vào đời sống sinh viên kế tiếp.

 Thành Công

Thắm thoát mình đây đã Tú tài
Hết thời áo trắng nét thơ ngây
Ngày xưa trung học còn đùa bạn
Đại học ngày mai hết phá thầy
Áo trắng nữ sinh còn bé dại
 Sinh viên phải nghĩ chuyện tương lai
Bảy năm trung học trôi nhanh quá
 Đại học mình đây quyết trổ tài

 Sương Lam
 Mùa phượng 1963

 Bài thơ này tôi đã giữ kỷ gần 40 năm qua, bây giờ mới được “bật mí” vì  tôi đã  phải “xúc cảnh sinh tình” khi xem các hình ảnh học sinh trung học ở Mỹ tốt nghiệp lớp 12 năm nay.  Hy vọng những lời tâm tình này sẽ đưa các bạn trở về kỷ niệm cũ của tuổi học trò trong một ít phút giây, bạn nhé!

Cô nữ sinh ngây thơ ngày nào bây gìờ đã bước vào cái tuổi “không còn trẻ nữa” vẫn phải tiếp tục học không phải vì miếng mồi danh lợi như ngày xưa mà học để trau dồi kiến thức cho theo kịp với tiến bộ khoa học kỷ thuật điện toán, học để giữ gìn sức khoẻ hầu sống vui sống khỏe, học để cho đời sống tâm linh của mình thêm phong phú vì người xưa có nói:  “Học như thuyền đi nước ngược, không tiến ắt phải lùi” mà lị!

Nhân bàn đến việc học, nguời viết xin mời quý bạn đọc một câu chuyện Thiền ngắn ngắn, vui vui nhưng đầy ý nghĩa dưới đây:

 Học Im Lặng

Đệ tử phái Tendai (Thiên Thai tông - LND) thường tập quán tưởng trước khi Thiền được du nhập vào Nhật. Có bốn tăng sinh kết bạn và quyết giữ thanh tịnh trong bảy ngày.
Ngày đầu cả bốn đều im lặng.
 Việc trầm tư mặc tưởng của họ khởi đầu tốt đẹp, nhưng khi đêm xuống và ngọn đèn dầu tàn dần thì một vị buộc miệng gọi kẻ hầu: "Rót thêm dầu."
Tăng sinh thứ nhì ngạc nhiên khi nghe người thứ nhất lên tiếng. "Chúng ta không nên nói lời nào mới phải," ông phê bình.
"Cả hai vị ngu quá. Tại sao lại nói chuyện?" người thứ ba hỏi.
"Chỉ có tôi là không nói tiếng nào," tăng sinh thứ tư kết luận.

(Nguốn: Trích trong 101 chuyện Thiền- Trần Trúc Lâm chuyẽn ngữ)

 Có một bài học khác về cái lưỡi của con người  cũng khá thú vị.  Bạn học được những gì qua bài học dưới đây:

“Sự thật lý thú về cái lưỡi của con người : Dùng 3 năm để
học cho biết sử dụng nó nhưng phải dùng cả đời người để học
sử dụng nó Ở ĐÂU & KHI NÀO.”

Biển học mênh mông, học bao giờ mới hết. Bạn đồng ý chứ?

Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn nhé.
Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét