Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

Bài số 88 Một Cõi Thiền Nhàn


Chào quý bạn,

Đây là bài thứ tám mươi tám của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.

Các cựu sinh viên Học Viện QGHC, trong đó có tôi, rất lấy làm đau buồn và thương tiếc  khi nghe tin  giáo sư  Vương Văn  Bắc đã ra đi vĩnh viễn tại Pháp ngày 20 tháng 6 năm 2011.
Giáo sư Vương Văn Bắc đã dạy tại Học-Viện Quốc-Gia Hành-Chánh hai mươi năm từ 1954 đến 1974, tham dự Hoà đàm Ba-lê trong phái đoàn Việt-Nam Cộng-Hòa, làm đại-sứ Việt-Nam tại Anh và Áo  rồi làm Tổng-Trưởng Bộ Ngoại-giao trước năm 1975.
Giáo sư  VVBắc còn là giáo sư của Đại Học Luật Khoa, Đại Học Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt .
Giáo sư VVBắc  rất được nhiều sinh viên kính trọng vì kiến thức uyên bác, cách giảng dạy  khoa học và  hấp dẫn.  Môn sinh của giáo sư có đến hàng nghìn người. Ai nấy đều ngậm ngùi thương tiếc cho sư ra đi của vị giáo sư khả kính này.

Rồi đến ngày 3 tháng bảy, một tin buồn khác lại đến với chúng tôi khi Giáo sư Nguyễn Thị Huê, dạy môn Xã Hội Học tại trường QGHC trước năm 1975 ra đi trong cô đơn lạnh lẻo lúc tuổi già. Giáo sư Nguyễn thị Huệ rất vui tính, hoà đồng với các sinh viên nên đưọc nhiều sinh viên thương mến.
 Hai vợ chồng già sống neo đơn ở Texas. Chồng cô Huệ bị bịnh nằm ở bịnh viện, cô Huệ ở nhà một mình. Khi cô cháu ngoại đem cơm đến cho cô thì cô đã chết lạnh từ lâu rồi.  Thật đáng thương thay! Mới thấy đó thì đà chẳng thấy!

Thế mới biết ai công hầu, ai khanh tướng, khi đến khi đi trong cõi trần này cũng chỉ có một mình mà thôi.  Cuộc đời thật là một trò có không, không có.  Người ra đi là đã dứt nghiệp duyên nơi trần thế. Người ở lại với sầu khổ nhớ thương.

Người viết xin cầu nguyện cho hương linh Giáo sư Vương Văn  Bắc và Giáo sư Nguyễn Thị Huệ sớm siêu sinh miền lạc cảnh.

Một nén tâm hương gửi đến Người
Một vần thơ vụng gọi là duyên
Tiển Thầy Cô cũ ngày xưa ấy
Rời bỏ trần gian hết nghiệp duyên

(Thơ Sương Lam)

Nghe nói đến sự chết thì ai cũng sợ hãi, nhưng đó là một sự thật không ai tránh khỏi vì  như Jetsun Milarepa đã nói:
“Sự chết giống như bóng dưới mặt trời, ta chưa từng thấy ai ngăn được”
Ngạn ngữ Trung Hoa đã có nói “Sinh ký, Tử Quy” 
  Thiền Tông cũng đã dạy “Chết đi để được sống lại”
 Như vậy chúng ta đừng có lo ngại nhiều về sự  chết và hỏi chết rồi sẽ đi về đâu như vị hoàng đế trong câu  chuyện Thiền ngắn ngắn dưới đây:

Chết rồi về đâu

Có vị hoàng đế triệu thỉnh thiền sư vào cung hỏi đạo:
-  Theo Thiền Tông nói “Tâm tức Phật” đúng không?
-  Nếu tôi nói đúng thì Ngài sẽ tưởng đã hiểu điều mà thật ra chưa hiểu.  Còn như nói sai
   thì tôi sẽ trái với sự thật mà mọi người đã rõ.
Hoàng đế hỏi:
-  Người tỏ ngộ rồi khi chết về đâu?
Thiền sư đáp:
-  Không biết.
-  Vì sao không biết?
-  Vì tôi chưa chết

Bình: Như người uống nước tự cảm biết nóng lạnh và đã khát.  Thiền là sinh hoạt trong chánh niệm, an niệm trong hiện tại, đừng dấy động vọng tưởng.  Không nuối tiếc quá khứ vì việc đã qua không trở lại; không mơ ước tương lai vì việc chưa đến.  Nếu đã tỏ ngộ thì việc đến liền đến, sống chết sẽ không còn là vấn đề nữa.

(Nguồn: Thiền là gì? Biên soạn Giác Nguyên)

 Việc cần phải làm là chúng ta hãy vui sống an lạc trong hiện tại vì có những điều kỳ diệu từ cách nhìn cuộc sống của chúng ta mà chúng ta chưa biết rồi hay đã biết nhưng lại quên đi được người viết sưu tầm  đem về  đây chia sẻ với quý bạn hôm nay:

Điều kỳ diệu từ cách nhìn cuộc sống

Dù đã sẵn sàng hay còn chưa chuẩn bị, nhưng rồi một ngày kia, chúng ta cũng phải chia tay thế giới này.

 Sẽ chẳng còn ánh mặt trời chói chang chào đón, sẽ chẳng còn một ngày mới bắt đầu bằng giọt nắng trong vắt của buổi bình minh. Sẽ không còn nữa những ngày xuân hiền hòa, ấm áp...

Tiền bạc, danh vọng, quyền lực,… ; tất cả, cuối cùng, cũng sẽ trở thành vô nghĩa với ta. Còn ý nghĩa chăng là những gì ta đã tạo ra đối với thế giới này.

Vậy, điều gì là thật sự quan trọng, lưu lại dấu ấn của ta trong cuộc sống?

Quan trọng không phải là những thứ bạn mang theo bên mình, mà là những gì bạn đã đóng góp.

Quan trọng không phải là những thứ bạn nhận được, mà là những gì bạn đã cho đi.

Quan trọng không phải là những thành công bạn đã có được trong đời, mà là ý nghĩa thật sự của chúng.

Quan trọng không phải là những thứ bạn học được, mà là những gì bạn đã truyền lại cho người khác.

Quan trọng không phải là năng lực của bạn, mà chính là tính cách, là những gì bạn cư xử với mọi người xung quanh.

Quan trọng là những khoảnh khắc bạn khắc ghi trong lòng người khác, khi cùng chia sẻ với họ những lo âu, phiền muộn; khi bạn an ủi và làm yên lòng họ bằng cách riêng của mình; hay chỉ đơn giản là một cái nắm tay, đỡ cho một người khỏi ngã....

Quan trọng không chỉ là những ký ức, mà phải là ký ức về những người đã yêu thương bạn.

Quan trọng đâu chỉ là bạn sẽ được mọi người nhớ đến trong bao lâu, mà là họ nhớ gì về bạn, về những gì bạn đã làm cho họ.

Quan trọng không phải là bạn quen biết thật nhiều người, mà là bao nhiêu người sẽ đau xót khi mất bạn trong đời.

Vậy thì, bạn ơi! Hãy nhìn cuộc sống bằng ánh mắt yêu thương! Bởi vì, chỉ có tình yêu thương mới đem lại những điều kỳ diệu cho cuộc sống.

(Nguồn: sưu tầm trên internet)

 Và nhất là bạn phải giữ gìn sức khoẻ cho thật tốt, bạn nhé.

 Chúng ta  hãy  thử áp dụng 10 bài học về sức khỏe của Người Nhật dưới đây xem ra sao nhé? Chắc chắn là phải tốt rồi vì “Có còn hơn không” mà lị! Phải không Bạn?


10 bài học sức khoẻ của người Nhật

1. Bớt ăn thịt, ăn nhiều rau

2. Bớt ăn mặn, ăn nhiều chất chua

3. Bớt ăn đường, ăn nhiều hoa quả

4. Bớt ăn chất bột, uống nhiều sữa

5. Bớt mặc nhiều quần áo, tắm nhiều lần

6. Bớt đi xe, năng đi bộ

7. Bớt phiền muộn, ngủ nhiều hơn

8. Bớt nóng giận, cười nhiều hơn

9. Bớt nói, làm nhiều hơn

10. Bớt ham muốn, chia sẻ nhiều hơn

(Nguồn: email bạn gửi)

Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn nhé.
Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét